Tổng kết trị liệu nhóm trực tiếp Hồ Chí Minh số 21: Nhìn lại để bước tới
Nhân dịp chuẩn bị khép lại năm 2022, chương trình trị liệu nhóm tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Nhìn lại để bước tới” đã diễn ra vào ngày 24/12/2022, mang đến cho khách hàng tham dự những kiến thức hữu ích để cùng nhìn lại và bước tới tương lai hạnh phúc hơn. Chương trình được thực hiện bởi Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim và khách mời là các chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm, Trần Thị Hạnh Dung và Hồ Như Huệ.
Tại sao chúng ta cần nhìn lại?
Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chinh phục những bậc thang rất nhiều lần tại những địa điểm như trung tâm thương mại, siêu thị, các tòa nhà cao tầng. Chúng ta cũng từng phải dừng chân tại các “chiếu nghỉ” của bậc thang, để khi mệt thì tạm dừng một chút, và lấy lại sức rồi tiếp tục bước về phía trước.
Đây là thời gian để nghỉ ngơi, đồng thời cũng là khoảng thời gian để chúng ta nhìn lại quãng đường mình đã qua. Quãng đường đó có thể bằng phẳng, trơn tru với bao phong cảnh tương đẹp hoặc không hề bằng phẳng với sỏi đá lởm chởm, trơn trượt, nguy hiểm,… đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.
Một đời người cũng vậy, ai cũng cần phải trải qua những nấc thang cuộc đời, đi qua những chạm dừng chân ở các cột mốc tuổi 20, 30, 40?… Một cuộc đời trọn vẹn có quá khứ, hiện tại và tương lai là 3 quãng đường nối tiếp nhau, cùng nhau vẽ lên bức tranh tràn ngập sắc màu hoàn chỉnh của cuộc sống này.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim, chúng ta cần nhìn lại để suy nghĩ lại những khoảng thời gian đã qua, nhìn lại những thành công, thất bại trong cuộc sống, để rút ra kinh nghiệm và nắm lấy động lực trong quãng đường bước tiếp trên những hành trình mới, tránh những rủi ro, tiết kiệm thời gian công sức và tiền bạc.
Nhìn lại để bước tới – Bí quyết sống trọn vẹn hơn
Có những người sẽ lầm tưởng rằng nhìn lại vào thời điểm cuối năm chỉ là nhìn về 365 ngày đã qua thôi. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi chúng ta đã đi đến những mốc khác nhau trong cuộc đời. Có người đã bước đến 40, 50, 60 tuổi… và cũng có những người còn đang ở 10 tuổi, 20 tuổi, 30 tuổi… với quỹ thời gian tương lai dài rộng hơn.
“Nhìn lại” đôi khi là nhìn về cả quãng thời gian chúng ta đã đi qua trong cuộc đời này, nhìn lại những dấu ấn, những trải nghiệm, những lỗi lầm và cả những thành công, những điều mình đã làm được, chưa làm được hay đang làm dang dở. Và dù điều đó là gì, tích cực hay tiêu cực, đã hoàn thiện hay đang dở dang thì nhìn lại là để bước tới.
Hãy nghiêm túc nhìn lại bản thân của những ngày đã qua, thẳng thắn nhìn nhận những lỗi lầm, những điều chưa tốt và cũng vui vẻ, tự hào công nhận những điều mình đã hoàn thành tốt. Từ đó, chúng ta rút ra bài học để sửa chữa, cải thiện lỗi lầm và neo động lực để tiếp tục cố gắng, tiếp tục phát huy. Mục đích chung là “nhìn lại để bước tới”.
Nhìn nhận bản thân, chấp nhận những chuyện đã xảy ra, ghi nhận những thành quả đát được để bước tới. Song song với đó là việc đặt ra những mục tiêu mới, lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu, để bước tới tương lai với những mong muốn sao cho bản thân trở nên tốt hơn so với những ngày đã đi qua.
Bên cạnh đó, bánh xe cuộc đời của chúng ta có 8 khía cạnh đại diện bao gồm: sức khỏe, tài chính, vui chơi giải trí, mối quan hệ, phát triển bản thân, sự nghiệp, tâm linh, chia sẻ. Mỗi khía cạnh ở trong đó sẽ có rất nhiều chi tiết khác, nhiều khía cạnh nhỏ khác ở những hoàn cảnh hay giai đoạn khác nhau của cuộc đời chúng ta.
Có nhiều người bày tỏ ước ao quay trở lại những năm trước vì bản thân đã bỏ lỡ việc gì đó để thời gian trôi đi rồi mới nuối tiếc, mới mong ước được làm lại. Thế nhưng, theo chuyên gia Lương Bách Kim “Nếu như mình quay lại quá khứ, mình cũng ở năm đó thì mình cũng làm y chang thôi. Bởi vì nó đã xảy ra và mình biết nó đã như vậy rồi”.
Chính vì vậy, chúng ta nhìn lại để bước tới, để chấp nhận kết quả đã có ở hiện tại, trân trọng hiện tại và tích lũy cho hành trình tương lai. Đây chính là những thông điệp mà chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim muốn gửi gắm trong chương trình trị liệu nhóm trực tiếp số 20 chủ đề cùng tên “Nhìn lại để bước tới” diễn ra vào ngày 24/12/2022 tại TP Hồ Chí Minh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!