Tọa đàm Tư duy tích cực tại Học viện Ngoại giao

Ngày 12/12/2024 vừa qua, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm tại trường Học viện Ngoại giao với chủ đề: “Tư duy tích cực dành cho sinh viên”. 

Buổi tọa đàm với sự góp mặt của hai Chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Tâm lý cũng như giáo dục: Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu chi nhánh Trần Duy Hưng và Chuyên gia Vũ Thị Ngần với gần 20 năm giảng dạy và tiếp xúc với Tâm lý học đường.

Hình ảnh hai Chuyên gia tại buổi tọa đàm
Hình ảnh hai Chuyên gia tại buổi tọa đàm

Nói về chủ đề Tư duy tích cực, Chuyên gia Thanh Phương chia sẻ: 

“Có thể nói bước ngoặt từ học sinh Trung học Phổ thông lên sinh viên Đại học là một sự thay đổi và ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm lý của các bạn trẻ. Sự khác biệt từ môi trường sinh hoạt, nhiều bạn từ các tỉnh thành khác tới một môi trường hoàn toàn mới để học tập. Ngoài ra, hình thức học tập và lịch học của các bạn cũng khác hoàn toàn so với thời học sinh Trung học. Cùng với đó là sự mở rộng mối quan hệ bạn bè xung quanh, tình yêu,… 

Tất cả những sự thay đổi này khiến cho các bạn dễ trở nên hoang mang, lo lắng, bối rối không biết cần làm gì, không biết mình giỏi điều gì, mình mạnh ở đâu? Điều này rất phổ biến ở độ tuổi của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên năm 1 năm 2 và thậm chí là những bạn năm cuối Đại học. 

Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương chia sẻ về chủ đề: Tư duy tích cực
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương chia sẻ về chủ đề: Tư duy tích cực

Điều này xuất phát chủ yếu từ tư duy của các bạn về cuộc sống. Nếu cứ để mặc những suy nghĩ tiêu cực vẩn vơ trong tâm trí, các bạn rất dễ trở nên overthinking, rồi nghiêm trọng hơn là những biểu hiện của rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,… Chính vì vậy, Thanh Phương mong muốn với khuôn khổ của buổi tọa đàm ngày hôm nay, có thể đem đến cho các bạn những chia sẻ hữu hiệu nhất về việc làm thế nào để giảm thiểu những tư duy tiêu cực và xây dựng cho bản thân một tư duy tích cực trong cuộc sống”. 

Người ta vẫn hay nói thế hệ gen Z là một thế hệ dễ bị tổn thương. Các bạn ngày càng nhạy cảm hơn với cảm xúc của cá nhân, muốn được yêu thương và khát khao sẻ chia. Bàn luận về nhận định này, Chuyên gia Vũ Ngần bày tỏ: 

“Sau 17 năm làm việc cũng như tiếp xúc với các bạn học sinh, sinh viên, Ngần thấy rằng các bạn trẻ ngày nay có vẻ như dễ bị tổn thương hơn so với thế hệ trước. Đa phần điều đó xảy ra là do cách chúng ta tư duy, tư duy hướng tới tiêu cực nhiều hơn là tư duy tích cực. Nguyên nhân dẫn tới điều đó một phần là do các bạn tiếp xúc với mạng xã hội, tiếp cận với thông tin đại chúng từ rất sớm và rất nhiều. 

Thông tin được tiếp nhận quá nhiều khi chúng ta chưa hoàn thiện bộ lọc về tư duy dẫn tới sự khủng hoảng từ bên trong các bạn, làm mất đi những động lực từ bên ngoài. Chính vì vậy, khi làm việc với các bạn, Ngần thường đề cao nội tâm bên trong nhiều hơn là những biểu hiện bên ngoài. Khi tìm hiểu về những vấn đề bên trong ấy, Ngần nhận ra rằng, hầu hết các bạn đều có chung một suy nghĩ đó là: Tại sao phải đi học? Tại sao phải kết bạn? Tại sao phải làm việc?…

Chuyên gia Vũ Ngần chia sẻ về chủ đề: Tư duy tích cực trong buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao
Chuyên gia Vũ Ngần chia sẻ về chủ đề: Tư duy tích cực trong buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao

Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy lại phản ánh một nội tâm đầy băn khoăn, đầy hoài nghi về cuộc sống, và đặc biệt là nó thể hiện một nội lực thiếu kiên cường. Nếu như trước kia, thế hệ ông bà cha mẹ các bạn rèn luyện nội lực thông qua sự đói khổ, phải nỗ lực để đi lên, để thoát nghèo, thoát khổ; thì với thế hệ các bạn điều gì sẽ là tạo điều kiện để tôi rèn nghị lực đây? 

Cái các bạn cần vượt qua không phải là thoát khổ, mà là vượt sướng. Vậy vượt sướng bằng cách nào? Đó là cách các bạn đối diện với những sự khó chịu, sự bất mãn của chính mình với môi trường, với mọi người xung quanh; là cách các bạn kiên trì tới cùng với mục tiêu của bản thân.” 

Cùng nói về vấn đề thế hệ trẻ ngày nay phải vượt sướng, Chuyên gia Thanh Phương đưa ra một số quan điểm: 

“Với câu chuyện vượt sướng của giới trẻ hiện nay, Thanh Phương cũng đã tiếp xúc và trao đổi rất nhiều về vấn đề cùng các bạn. Ngày nay, xã hội mỗi ngày một phát triển và nhu cầu của con người cũng tăng dần lên. Các bạn trẻ hiện nay đang sống trong sự thoải mái về vật chất, các bạn gần như không còn nỗi lo lắng về tài chính quá nhiều, mà thay vào đó là những áp lực khác về tinh thần nhiều hơn. 

Đó là áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, áp lực về định hướng của bản thân, mông lung về chính mình, không biết mình giỏi gì, cần gì và làm gì. Với các bạn sinh viên mà Thanh Phương có cơ hội tiếp xúc thì hầu như 8/10 bạn có sự trăn trở về việc ra trường mình sẽ làm gì? Thế mạnh của mình là gì? Và các bạn khao khát đi tìm câu hỏi: Tôi là ai? và Tôi sống vì điều gì? 

Những suy nghĩ, những trăn trở đó lặp đi lặp lại tạo thành những tầng tư duy tiêu cực về bản thân mà trong Tâm lý học có một thuật ngữ mang tên Khủng hoảng hiện sinh để diễn tả trạng thái này”. 

Những điều trên là những hiện trạng tâm lý mà các bạn trẻ đang gặp phải, vậy làm sao để có thể giúp các bạn cải thiện tư duy và tìm ra con đường riêng của chính mình? 

Chuyên gia Vũ Ngần chia sẻ: 

“Xuất phát từ việc các bạn không có mục tiêu cụ thể và rõ ràng nên các bạn dễ dàng rơi vào trạng thái mông lung và bế tắc với cuộc sống. Điều này giống như việc chúng ta cứ đi mà không biết nơi mình đến là đâu? Nên càng đi chúng ta lại càng lạc đường. Vậy thì việc đầu cần làm là đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Với các bạn học sinh, sinh viên thì đó có thể là mục tiêu đạt điểm A, đạt bằng giỏi, bằng xuất sắc khi ra trường. 

Song, có một vấn đề ở các bạn là sự thiếu động lực tiếp tục. Dù đã có mục tiêu cụ thể và rõ ràng rồi nhưng các bạn không có đủ động lực thúc đẩy để hoàn thành nó. Hay trong quá trình thực hiện bạn lại cảm thấy chán nản và tiếp tục mất phương hướng, nghi ngờ vào năng lực rằng: Liệu mình có thể hoàn thành nó hay không? Vì sao các bạn dễ dàng thấy quá trình thực hiện trở nên nhàm chán và mất động lực? 

Bởi các bạn không sáng tạo, không nỗ lực từng ngày thì những công việc các bạn đang làm sẽ chỉ là những hành động lặp đi lặp lại một cách máy móc. Nhưng nếu mỗi ngày bạn lại làm tốt hơn hôm trước 1% thôi, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất lớn. Nó tạo ra sự thay đổi tích cực, và thúc đẩy các bạn sáng tạo, tạo thành nguồn động lực giúp bạn tiến về phía trước. 

Bên cạnh đó, chúng ta thường hay hướng suy nghĩ tới tương lai thay vì trân trọng hiện tại. Chính vì vậy, chúng ta không có thời gian để tận hưởng những khoảnh khắc của thực tại. Từ đó mà trở nên lo lắng, hoang mang về tương lai”. 

 

Cùng bàn luận về vấn đề này, Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương chia sẻ: 

“Điều quan trọng nhất để các bạn có thể vui bồi một tư duy tích cực và tìm ra con đường riêng chính là thấu hiểu bản thân. Thay vì hướng tâm ra bên ngoài, các bạn hãy tập trung vào chính mình nhiều hơn, nhận biết giá trị của mình là gì? Bản thân sống vì điều gì? 

Như vậy, các bạn sẽ không bị phân tâm hay tác động bởi những ngoại cảnh xung quanh và vững tâm hơn vào con đường bản thân đã lựa chọn”. 

Hình ảnh 300 sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia buổi tọa đàm chủ đề: Tư duy tích cực
Hình ảnh 300 sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia buổi tọa đàm chủ đề: Tư duy tích cực

Với chủ đề tư duy tích cực, hai Chuyên gia đã có những chia sẻ hữu ích gửi tới các bạn sinh viên của trường Học viện Ngoại giao trong bầu không khí nhiệt huyết, hào hứng của tất cả 300 sinh viên có mặt tại hội trường. 

Có thể bạn quan tâm:

Hỗ trợ Tâm lý học đường tại trường THCS Trưng Vương

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *