[VOV] Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến hỗ trợ sĩ tử bước vào mùa thi
Ngày 19/05/2022, Báo điện tử VOV đã thực hiện chương trình Góc chuyên gia với chủ đề “Đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sĩ tử bước vào mùa thi”. Chương trình có sự tham gia của Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.
Đứng trước ngưỡng cửa kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học, cao đẳng, có lẽ các bạn học sinh lớp 12 đang có những áp lực tâm lý không hề nhỏ. Áp lực đó đến từ đâu và gia đình, nhà trường có thể làm gì để hỗ trợ các em đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng này.
Tham gia chương trình với tư cách là chuyên gia tâm lý trị liệu có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên giải tỏa áp lực, hồi phục sức khỏe tinh thần và có năng lượng tích cực để học tập hiệu quả, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã có những chia sẻ hỗ trợ học sinh, phụ huynh về vấn đề này.
PV: Thưa bà Bùi Thị Hải Yến, bà có thể đánh giá những áp lực mà các em học sinh gặp phải trong bối cảnh kỳ thi đang đến gần, đặc biệt là kỳ thi chuyển cấp quan trọng này?
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Các em học sinh khi đứng trước các kỳ thi quan trọng đều có áp lực. Không chỉ là kỳ thi chuyển cấp mà bất kể một kỳ thi nào cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết được nguyên nhân gây ra áp lực học tập, thi cử. Trong khoa học tâm lý trị liệu, mọi vấn đề đều có nguyên nhân gốc rễ của nó. Thông thường nguyên nhân khiến học sinh bị áp lực, căng thẳng trước các kỳ thị là từ kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô hoặc của chính học sinh.
Đối với kỳ thị chuyển cấp, kỳ vọng, áp lực còn cao hơn bởi vì nó gắn liền với những mục tiêu, ước mơ của các bạn học sinh nhưng hầu hết các áp lực do những mục tiêu, ước mơ mà cha mẹ cố gắng gán ghép cho con em mình.
Qua quá trình đồng hành cùng các bạn học sinh, sinh viên tại Trung tâm, đội ngũ chuyên gia của Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam nhận ra rằng phần lớn các bạn học sinh đều bị áp lực, căng thẳng vì ba mẹ đặt kỳ vọng vào con quá nhiều. Đặc biệt là ba mẹ thường áp đặt con đi theo ước mơ, khao khát của mình và chưa thực sự lắng nghe ước mơ, khao khát, mong mỏi, nguyện vọng của con. Nhiều ba mẹ không thực sự tôn trọng nguyện vọng, bản thể (tài năng, sở thích, sở trường…) của con nên sự định hướng của ba mẹ đôi khi mang tính áp đặt, yêu cầu theo tiêu chuẩn của mình và không đúng với tâm nguyện của các bạn học sinh.
Vốn dĩ đứng trước bối cảnh thi cử, các sĩ tử đã có chút áp lực từ những khao khát, mong muốn của chính mình lại cộng thêm những tác nhân từ ba mẹ, nhà trường khiến áp lực càng trở nên nặng nề hơn. Đó là lý do vì sao các vấn đề tâm lý của học sinh, sinh viên đang ngày một nhiều hơn.
PV: Vậy thưa chuyên gia, chuyên gia có đánh giá gì về hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện nay tại các trường. Bởi vì thực tế rằng, hoạt động tham vấn, tư vấn tâm lý thường là các giáo viên kiêm nhiệm. Nếu các trường có thuê nhân viên tư vấn riêng thì đội ngũ cũng không nằm trong biên chế của trường. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng ra sao đến chất lượng tư vấn tâm lý tại các trường học.
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Theo sự tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát của mình, tôi cảm thấy rất khâm phục các thầy cô. Vì các thầy cô cũng không được đào tạo một cách bài bản, chuẩn chỉ, có thời gian để nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý. Các thầy cô cũng chỉ làm việc bằng tình yêu với học trò và kinh nghiệm giảng dạy của mình. Đứng trên quan điểm là công việc kiêm nhiệm thì các thầy cô đã làm tốt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn vào chất lượng của công việc tham vấn, tư vấn học đường. Nó chưa thực sự chuyên nghiệp, chuẩn chỉ đúng như nhiệm vụ, trách nhiệm của nó. Đối với Hải Yến, tâm lý là cuộc đời, là con người.
Và thực tế trong thời gian qua, chúng ta cũng đã thấy hệ lụy từ những ca trầm cảm nặng không được phát hiện và chăm sóc kịp thời. Nó là tiếng gọi, sự cảnh tỉnh để chúng ta đầu tư hơn nữa cho công tác tư vấn tâm lý học đường. Có lẽ, mỗi trường học nên đầu tư cho chuyên gia tư vấn tâm lý học đường một cách chuyên nghiệp.
Theo quan điểm của Hải Yến, sự tác động, sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý với các bạn học sinh là sự đồng hành dài hạn. Bởi vậy, nếu thuê chuyên gia ở ngoài thì chúng ta cần làm rõ nội dung hợp đồng, trách nhiệm của người đảm nhiệm. Đó là một điều mà chúng ta nên xem xét một cách nghiêm túc.
Hiện nay, các trường quốc tế cũng có chuyên gia về tâm lý học đường. Nhưng các trường dân lập và công lập thì rất ít. Cá nhân Hải Yến mong muốn rằng, tâm lý đối với con người nói chung, tâm lý với học sinh nói riêng và đặc biệt là học sinh chuyển cấp sẽ được bố mẹ, nhà trường và xã hội quan tâm hơn nữa.
PV: Thưa chuyên gia Bùi Thị Hải Yến, bà có thể phân tích thêm vai trò của gia đình và nhà trường để hỗ trợ đảm bảo sức khỏe tâm thần của học sinh không ạ?
Theo quan điểm của tôi, gia đình là nền tảng, nhà trường là bồi đắp và xã hội là bổ sung. Và đây cũng chính là điều mà các chuyên gia tâm lý trị liệu NHC Việt Nam luôn luôn nói với các phụ huynh khi đưa con đến với Trung tâm.
Chúng ta cần phải xác định rằng nền tảng là gia đình. Việc hình thành tâm tư, tâm lý của trẻ đã bắt đầu từ khi còn nằm trong nôi nên chúng ta không phải chờ đến khi trẻ có tư duy tốt, hiểu đúng sai, hiểu phải trái mới cài đặt cho trẻ những quan điểm, niềm tin, ước mơ… Bằng sự những lời thì thầm, những bài hát ru, những câu chuyện, sự tỉ tê của bố mẹ từ khi trẻ mới lọt lòng sẽ trở thành nền tảng cho con sau này. Do vậy, nếu ba mẹ đang cài đặt ước mơ của mình vào con thì ba mẹ cần nghiêm túc xem xét lại.
Người ta thường nói một câu rất hay: “Cây khô là bởi đất cằn, nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Câu này hàm ý rằng, khi chúng ta quan sát con và nhận ra một vấn đề gì đó ở con thì chúng ta hãy quay lại hỏi chính mình rằng “có điều gì từ chính mình mà con mình trở nên như vậy” và “mình có thể làm điều gì để con trở nên tốt hơn”.
Đó là vai trò của gia đình, nền tảng vô cùng quan trọng và cần thiết để hình thành, phát triển và định hình nên nhân cách, đặc điểm, khả năng, nội lực, giá trị của trẻ… Giống như chúng ta xây một ngôi nhà cần phải có nền móng trước. Và sau này ngôi nhà đó có thể trụ vững được không, có thể đắp thêm các tầng cao mới khi có điều kiện đủ đầy không thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nền móng của ngôi nhà đó.
Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng là môi trường thứ 2 mà các bạn học sinh tiếp xúc và tiếp xúc với thời lượng rất nhiều. Nếu gia đình là nền tảng thì nhà trường là sự bồi đắp để các con hoàn thiện hơn về mặt tâm hồn.
Có một câu nói mà Hải Yến rất thích: “Giáo dục là gì? Giáo dục là sự giúp mỗi con người được bồi đắp và hoàn thiện tâm hồn của mình”. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng thì nhà trường cần bồi đắp cho con về mặt thái độ, đạo đức, tình yêu thương, lòng biết ơn, quan điểm sống, cách phản ứng với các tình huống trong cuộc sống. Đây là những điều vô cùng cần thiết mà nhà trường có thể lưu tâm và hỗ trợ rất tốt cho các con.
Vì nhà trường là môi trường tập hợp rất nhiều các bạn học sinh cùng trang lứa nên sự cộng hưởng trong học tập và rèn luyện sẽ lớn hơn môi trường gia đình rất nhiều. Đây là yếu tố tương hỗ cho sự phát triển của trẻ.
Và sự cộng hưởng sẽ còn lớn hơn nữa trong môi trường xã hội nếu chúng ta có môi trường gia đình tốt, môi trường học tập tốt cộng thêm sự động nhất giữa các nền tảng gia đình, các nền tảng nhà trường. Lúc đó, chắc chắn các con sẽ được phát triển trong một môi trường tốt và đều trở thành những thiên tài, tỏa sáng ra ánh sáng của sự khả thi bất tận từ những tài năng mà trời sinh ra cho mình.
Con người chúng ta sinh ra ai cũng là thiên tài và những bạn đặc biệt là những thiên tài đặc biệt. Bởi vậy, bất kỳ ai cũng có quyền được hạnh phúc, yêu thương, chăm sóc để phát huy hết những tố chất thiên tài của mình.
Thay mặt cho chương trình và Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã gửi lời chúc tốt đẹp đến các bạn học sinh trên cả nước: “Chúc cho tất cả các sĩ tử, các bạn học sinh, sinh viên thân mến luôn giữ được tâm thái bình an, bình tĩnh, tự tin và đạt được kết quả cao nhất. Hy vọng các bạn sẵn sàng, dám thể hiện ước mơ khao khát và bộc lộ được tài năng của mình để gặt hái được thành công, để có được cuộc sống một cách trọn vẹn”.
Mời quý vị và các bạn xem chương trình Góc chuyên gia với chủ đề “Đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sĩ tử bước vào mùa thi” của Báo điện tử VOV tại video dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trầm cảm tuổi dậy thì – NHC Việt Nam đồng hành cùng truyền hình Vĩnh Long
VTV2 giới thiệu giải pháp trị liệu trầm cảm không dùng thuốc của Trung tâm NHC Việt Nam
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!