[THVL1] Cân bằng giữa việc học và làm – Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Duyên chia sẻ
Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn vừa đi học, vừa đi làm để có thêm thu nhập, trải nghiệm thực tế,… Thế nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc học và làm để cả hai hoạt động đều đạt hiệu quả tốt? Tham gia chương trình “Câu chuyện cuộc sống” của Truyền hình Vĩnh Long 1 – THVL1 với chủ đề “Cân bằng giữa việc học và làm”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên đã có những chia sẻ dưới góc nhìn tâm lý.
1. Tại sao cần cân bằng giữa việc học và làm?
Như nhiều người vẫn nói, thời sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất, khoảng trời thanh xuân tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi người. Khi trở thành tân sinh viên, bạn đã thực sự trưởng thành và bắt đầu bước vào thời kỳ được làm chủ chính mình, làm chủ sự lựa chọn của bản thân, tự do theo đuổi ước mơ và chịu trách nhiệm với từng quyết định của mình.
Là sinh viên, tức là các bạn đang có trong tay những điều kiện tốt nhất, bạn có sức trẻ, có thời gian, có đam mê, tràn đầy nhiệt huyết và khát khao được cống hiến, trải nghiệm và thể hiện bản thân.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ quyết định đi làm thêm khi vẫn ngồi trên ghế nhà trường. Việc kết hợp học tập và đi làm mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, có thêm nguồn thu nhập, kinh nghiệm thực tế hay có thêm các mối quan hệ ngoài xã hội…
Lợi ích là vậy nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều sinh viên chưa có kỹ năng cân bằng giữa việc học và làm có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ. Một số bạn lựa chọn việc làm không phù hợp với chuyên ngành/chuyên môn mình đang theo học khiến các bạn không có thêm trải nghiệm thực tế phục vụ cho việc học.
Một số bạn sinh viên vì quá ham làm mà bỏ bê việc học dẫn đến việc bỏ dở giữa chừng, vừa tốn kém chi phí và thời gian nhưng lại không được nhận bằng cấp.
Mất cân bằng giữa việc học và làm có thể khiến các bạn sinh viên bị ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, thể chất. Nhất là khi thời gian làm việc quá nhiều không có đủ thời gian cho việc học và nghỉ ngơi, công việc không phù hợp với sức khỏe và khả năng.
Đặc biệt, khi bước vào kỳ thi cuối kỳ, do việc học đã không được đảm bảo từ trước nên các bạn sinh viên phải dành rất nhiều thời gian cho việc học tập để đảm bảo qua môn hoặc đạt được kỳ vọng của chính mình. Điều này có thể khiến cho các em rơi vào tình trạng thiếu ngủ, stress, lo lắng, căng thẳng… Nếu tình trạng này cứ kéo dài mà không có giải pháp pháp phù hợp thì sức khỏe thể chất, tinh thần sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng học tập lẫn công việc cũng không thể đảm bảo.
Nhiều sinh viên tự kỳ vọng quá nhiều vào bản thân hoặc bị áp lực từ gia đình mà đặt ra những mục tiêu quá cao trong cả học tập lẫn thu nhập, công việc hoặc chạy theo một hình mẫu lý tưởng nào đó. Nên khi không đạt được kết quả như mong muốn cộng thêm áp lực từ gia đình, bạn bè thì rơi vào tình trạng stress, suy sụp tinh thần, tự ti, chán nản, mất phương hướng, thậm chí là có nguy cơ bị rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Vậy sinh viên có nên vừa đi học, vừa đi làm hay không? Trên quan điểm của một chuyên gia tâm lý có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và trị liệu tâm lý cho các bạn học sinh, sinh viên, chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên cho biết:
Đi làm cũng chính là đi học, đi làm chính là học trên thực tế, học trên chính công việc nhưng điều quan trọng là làm thế nào để cân bằng được giữa việc học và làm?
2. Những phương pháp cân bằng giữa việc học và làm
Trong thực tế, có không ít các bạn sinh viên vừa đi học, vừa đi làm nhưng cả hai đều đạt được những khía cạnh vô cùng tuyệt vời. Bên cạnh đó, cũng có những bạn sinh viên chỉ tập trung vào việc đi học thôi nhưng kết quả đạt được lại không trọn vẹn.
Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên:
Vấn đề không nằm ở việc đi học hay đi làm, mà vấn đề mấu chốt nằm ở năng lực quản trị cá nhân của mỗi người. Hay nói cách khác, kỹ năng quản trị thời gian chính là kỹ năng quản trị cuộc đời.
Dưới đây là một số phương pháp các bạn có thể áp dụng để cân bằng giữa việc học và làm:
2.1. Học cách phân bổ thời gian
Hầu hết các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đều dạy học theo cơ chế tín chỉ nên sinh viên có thể chủ động sắp xếp thời gian để học và làm một cách khoa học.
Chẳng hạn, các bạn nên đăng ký học chủ yếu vào buổi sáng vì đây là khoảng thời gian mà các bạn tỉnh táo nhất để tiếp thu bài học. Buổi trưa để nghỉ ngơi, làm bài tập, sau đó sắp xếp làm thêm vào buổi chiều hoặc tối. Ngoài ra, công việc nên kết thúc trước 9h tối để các bạn có thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau.
Những gì bạn nên làm trong bản kế hoạch của mình không cần quá cầu kỳ, có thể chỉ cần ghi chú lại các lịch làm việc trong một ngày hoặc một tuần. Khi đã có được lịch làm việc riêng thì bạn sẽ có cái nhìn bao quát và cũng như quản lý được thời gian của mình. Và điều quan trọng nhất là bạn cần có đủ quyết tâm và nghiêm túc tuân thủ và ý thức tự giác để hoàn thành kế hoạch đã lập ra.
2.2. Lựa chọn công việc làm thêm cho hợp lý
Chia sẻ trong chương trình Câu chuyện cuộc sống của THVL1 về chủ đề “Cân bằng giữa việc học và làm”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên cho biết:
Các bạn nên ưu tiên lựa chọn những công việc gần với ngành mà mình đang học tập, có tính tương hỗ với đầu ra. Như vậy các bạn sẽ có sự khéo léo và thông thái hơn với cả hai công việc: Học và làm.
Chẳng hạn, bạn học quản trị nhà hàng, bạn có thể xin làm thêm tại các nhà hàng, có thể là làm nhân viên phụ bếp, nhân viên chạy bàn, nhân viên phục vụ… Điều quan trọng là mình vừa làm, vừa quan sát các vị trí khác và học hỏi kỹ năng cần thiết như xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, kỹ năng quản lý và sắp xếp công việc… để có kinh nghiệm, kỹ năng cho công việc sau khi ra trường.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều công việc linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc. Với những bạn có kinh nghiệm hoặc sở trường đặc biệt thì hình thức freelancer (làm việc tự do) được đánh giá là thích hợp hơn. Bạn chỉ cần ngồi nhà mà vẫn kiếm được một khoản không hề nhỏ mà vẫn chủ động trong việc học của mình.
2.3. Lựa chọn phương pháp học tập phù hợp
Lựa chọn phương pháp học tập phù hợp là điều vô cùng quan trọng, hỗ trợ rất nhiều trong việc cân bằng giữa việc học và làm. Một số cách học nhanh, đảm bảo khoa học như (mindmap, học nhóm,…) là rất cần thiết để các bạn sinh viên lĩnh hội kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Ngoài ra, để có thể học tập hiệu quả hơn thì bạn cũng cần tập trung nghe giảng để mình có thể hiểu bài ngay trên lớp, chỗ nào chưa hiểu phải mạnh dạn hỏi giảng viên. Khi ở nhà cũng cần chủ động ôn lại bài cũ, làm bài tập đầy đủ và đọc trước bài cho buổi học tiếp theo thì mới nắm chắc kiến thức, đạt điểm cao trong các kỳ thi, tránh tình trạng học dồn khi gần thi.
2.4. Cân bằng giữa việc học và làm – Hãy thực hiện thật năng suất
Đôi khi các bạn sinh viên sẽ cảm nhận mình không có thời gian rảnh khi phải cân bằng giữa việc học và làm thêm. Thế nhưng khi xem xét kỹ lại các vấn đề bạn sẽ nhận ra bạn có thể đã không dành thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả nhất có thể.
Ví dụ tất cả chúng ta đều biết thời gian trôi nhanh như thế nào, cũng chỉ có 24 tiếng/ngày. Thay vì không tập trung vào bài tập hoặc công việc mà bạn lại lướt facebook hay Tiktok thì rất lãng phí thời gian.
Do đó, điều các bạn sinh viên cần làm là đảm bảo rằng bạn không lãng phí thời gian rảnh rỗi của mình. Giờ nào việc nấy, hãy thực sự học tập và làm việc hết công suất để đạt được kết quả cao nhất. Tất nhiên, đôi khi chúng ta cũng cần gác lại mọi thứ, nhưng đừng biến nó thành thói quen và khiến mình lười biếng.
2.5. Chú ý chăm sóc bản thân
Các bạn sinh viên cũng hãy nhớ rằng, bản thân cũng chỉ có 24 giờ/ngày nên ngoài việc học, làm thêm thì bạn còn cần dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
Hãy dành một khoảng thời gian nhất định cho việc giải trí, tập luyện thể thao hay theo đuổi một môn nghệ thuật mà mình yêu thích, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình. Vì cuối cùng sức khỏe là vốn quý nhất, chỉ khi bạn có thể chất tốt, tinh thần minh mẫn thì mới có thể hoàn thành tốt mọi việc.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên chia sẻ:
Để vừa có kết quả học tập tốt mà vẫn có những trải nghiệm bổ ích trong công việc là điều không hề dễ dàng. Chúc các bạn sinh viên luôn năng động, nhiệt huyết và tập trung trí tuệ, sức lực để có kết quả học tập tốt nhất, sẵn sàng hành trang cho công việc sau này!
Học và làm là hai công việc tốn nhiều thời gian, công sức của các bạn sinh viên. Thế nhưng nếu biết cách cân bằng giữa việc học và làm thì chúng sẽ bổ trợ cho nhau, mang đến cho các bạn sinh viên kiến thức, thu nhập và trải nghiệm xứng đáng. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Master Coach Nguyễn Minh Duyên sẽ giúp ích cho bạn đọc!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!