Hội chứng Pica: Thèm ăn những thứ kỳ dị gây ra nhiều nguy hại
Hội chứng Pica khiến người bệnh có cảm giác thèm, và thôi thúc ăn những thứ không phải thực phẩm như đất đá, tóc, đinh, hay những vật bằng kim loại. Đây là một chứng rối loạn ăn uống cực kỳ kỳ lạ, vì người bệnh đôi khi không nhận thức được những vật họ đưa vào miệng là không ăn được. Việc ăn những thứ kỳ lạ có thể gây nên tình trạng đau bụng, thủng ruột, loét bao tử hoặc nhiễm độc.
Những điều cần biết về hội chứng Pica
Pica là tình trạng một người bị thôi thúc ăn những thứ không phải là thực phẩm, không có giá trị dinh dưỡng, và còn có thể gây hại cho sức khỏe. Hội chứng rối loạn ăn uống này thường gặp ở trẻ em từ 1 đến 6 tuổi, phụ nữ mang thai, hay những người bị rối loạn tâm thần, không đủ tỉnh táo để nhận thức mọi việc. Hội chứng Pica có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Việc trẻ cho mọi thứ vào miệng trong những năm đầu đời là hành vi tự nhiên. Chúng sẽ nhanh chóng biến mất khi trẻ nhận thức được thứ gì có thể ăn được, thứ gì không thể ăn được. Nhưng với trẻ mắc hội chứng Pica, hành động này sẽ không dừng lại và ngày càng nghiêm trọng. Phụ nữ có thai cũng có thể xuất hiện hành vi thèm ăn kim loại hay đất đá do tình trạng thiếu sắt của cơ thể trong quá trình mang thai.
Hội chứng Pica thường xuất hiện ở những người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng không phải ai bị rối loạn tâm thần cũng mắc hội chứng Pica. Hội chứng Pica đã xuất hiện rất lâu từ thời cổ đại, và được đề cập lần đầu tiên bởi Hippocrates. Thuật ngữ “Pica” bắt nguồn từ tiếng Latinh nhằm chỉ loài chim ác là. Đây là một loài chim ăn tạp với hành vi ăn uống bất thường, chúng nổi tiếng với việc ăn rất nhiều thứ kỳ lạ.
Vào đầu thế kỷ 19, hội chứng Pica trở nên phổ biến trong cộng đồng những người nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ. Những nô lệ này phải làm việc cật lực, nhưng thiếu thốn thức ăn và khoáng chất. Vì thế nhiều người trong số họ bắt đầu ăn đất sét như một cách bổ sung khoáng chất cho cơ thể. Tại một số vùng, hội chứng pica có thể gắn liền với niềm tin vào thần linh, lễ nghi tôn giáo, hoặc là một phương pháp chữa bệnh dân gian.
Những biểu hiện tiêu biểu của hội chứng ăn bậy
Đặc trưng của hội chứng Pica là có cảm giác thèm khát và thôi thúc ăn những thứ không phải là thực phẩm. Hành vi đưa những thứ trong tầm ngắm vào miệng là hành vi bình thường của trẻ sơ sinh. Thế nên, biểu hiện của hội chứng Pica chỉ được tính khi bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên, tình trạng ăn bậy kéo dài hơn 1 tháng, và gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Một số triệu chứng điển hình của Pica bao gồm:
- Có cảm giác thèm muốn không kiểm soát và cố gắng ăn những vật không phải là thực phẩm bao gồm: phấn, đất sét, tóc, đồng xu, đinh vít, sợi chỉ, mảng sơn bong tróc, giấy, đá, sỏi, đất cát, cây cỏ, dây thun, băng dính, chất bài tiết, những đồ vật bằng kim loại, que diêm, mảnh gỗ, vật bằng chì,…
- Số lượng và mức độ ăn bậy ngày càng nghiêm trọng và tăng cao. Người bệnh chuyển từ cảm giác thích, ham muốn sang nghiện và không ngừng ăn những vật thể lạ. Họ có thể nhận thức hoặc không nhận thức được những món đồ này gây hại cho bản thân, nhưng thôi thúc qua lớn khiến họ không thể cưỡng lại.
- Răng hay khoang miệng của người bệnh có dấu hiệu hư hỏng, chảy máu do nhiễm trùng vì nuốt vật thể lạ.
- Người bệnh đau bụng quằn quại từ ngày này sang ngày khác. Ban đầu người bệnh cảm thấy chướng bụng, cảm nhận được cơn đau âm ỉ, nhưng rồi tình hình ngày càng tồi tệ hơn.
- Dạ dày và đường ruột bị thủng và viêm nhiễm gây đau đớn dữ dội, nhiễm trùng và chảy máu trong. Ruột tắc nghẽn vì vật thể lạ gây ra tình trạng táo bón, đi nặng đau đớn và phân có dính máu.
- Tình trạng ngộ độc chì, ngộ độc kim loại xảy ra nếu bệnh nhân nuốt quá nhiều vật bằng kim loại.
- Cơ thể bị thiếu chất, thiếu dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt là các loại khoáng chất.
Những triệu chứng trên có thể bị hiểu lầm thành những bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán. Một số bậc phụ huynh có thể không chú ý, hoặc không nhìn thấy con nuốt vật thể lạ, từ đó không nhận ra những dấu hiệu của hội chứng Pica. Nhiều gia đình phải đến lúc trẻ có dấu hiệu đau bụng, nôn ói và trúng độc thì mới đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Nhiều trường hợp có thể không qua khỏi nếu đến bệnh viện chậm hơn vì nhiễm độc nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Pica?
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Pica vẫn chưa được xác nhận. Nhưng chúng ta có thể dựa trên những nghiên cứu sẵn có, cùng với những ví dụ điển hình để đưa ra một số yếu tố có ảnh hưởng đến việc hình thành hội chứng kỳ lạ này ở người. Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hội chứng Pica bao gồm văn hóa, tôn giáo, chấn thương tâm lý, thiếu dinh dưỡng, và các vấn đề tâm thần.
- Văn hóa và tôn giáo: Trong một số nền văn hóa và tôn giáo, việc ăn đất, đá, hay một số loài cỏ cây nhất định là một tập tục văn hóa. Chúng có thể liên quan đến tín ngưỡng, là một nghi lễ tôn giáo, hoặc một cách chữa bệnh dân gian được lưu truyền. Hội chứng Pica trong trường hợp này được chấp nhận là hoàn toàn bình thường tại khu vực sinh sống. Tình trạng này thường xảy ra ở những khu vực hẻo lánh, ít người sinh sống, kém phát triển hay các bản làng sống tách biệt trrong rừng.
- Căng thẳng và stress: Tình trạng căng thẳng tột cùng có thể làm ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ, từ đó sinh ra những biểu hiện lạ. Sống trong môi trường stress và căng thẳng lâu ngày, tâm trạng bị dồn nen và không có chỗ phát tiết có thể là yếu tố gây ra hội chứng Pica. Việc ăn những món đồ kỳ lạ giống như một cách xả stress, lất lại cảm giác bình tĩnh.
- Thiếu hụt dinh dưỡng do mang thai: Thai phụ trong quá trình mang thai thiếu rất nhiều những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là khoáng chất và chất sắt. Thiếu sắt có thể gây ra tình trạng thiếu máu, chóng mặt, nhức đầu và mệt mỏi. Do đó thai phụ sẽ tìm kiếm nguồn sắt và khoáng chất mà cơ thể đang còn thiếu. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng Pica ở người đang mang thai.
- Chấn thương tâm lý thời thơ ấu: Hội chứng Pica xuất hiên phổ biến ở những đứa trẻ sinh ra trong môi trường lạc hậu, không được chú trọng giáo dục, do bị cha mẹ bỏ bê, ít nhận được sự quan tâm, hoặc trẻ là nạn nhân của tình trạng bạo lực thể xác và tinh thần, bị ép buộc ăn những thứ kinh khủng ngay từ khi còn bé. Việc thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm, không được giáo dục đúng đắn, và chấn thương tâm lý sâu sắc có thể ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ của trẻ. Hội chứng Pica có thể là phản ứng của trẻ khi đối diện với sự cô đơn và nỗi sợ hãi bị bạo hành, hoặc do muốn tìm kiếm sự chú ý từ những người xung quanh.
- Rối loạn tâm thần: Những người mắc những chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi,… có thể kèm thêm hội chứng Pica,. Bệnh nhân trong trường hợp này thường không khống chế được cảm xúc và hành vi. Do đó họ có những hành vi kỳ lạ như ăn những thứ nguy hiểm và sắc nhọn như kim loại, đinh vít,…
Ngoài những yếu tố nên trên, có thể có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hội chứng Pica vẫn chưa được tìm ra. Nhưng dù là nguyên nhân gì, hội chứng kỳ lạ náy vẫn gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người mắc bệnh. Người bệnh phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu bên trong, nhiễm độc kim loại và nhiều những đau đớn khác do dị vật gây ra.
Ảnh hưởng của hội chứng ăn bậy đến sức khỏe
Hành động ăn những vật thể lạ và độc hại của người mắc hội chứng Pica ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường tiêu hóa và những cơ quan khác trong cơ thể. Những vật sắc nhọn có thể làm tổn thương thực quản và dạ dày, những thứ chứa nhiều vi khuẩn làm nhiễm trùng đường tiêu hóa, những đồ vật bằng kim loại sẽ khiến con người nhiễm độc chì, độc kim loại,… nguy hiểm đến tính mạng.
Điều đầu tiên những người mắc hội chứng Pica phải đối mặt là tình trạng tắc ruột và những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến đường tiêu hóa. Những biến chứng mà bệnh nhân phải chịu bao gồm táo bón, tiêu chảy, viêm dạ dày, thủng dạ dày do bị vật sắc nhọn làm tổn thương, đi vệ sinh ra máu, nhiễm ký sinh trùng, kém hấp thu chất dinh dưỡng do dạ dày và ruột tổn thương.
Với những bệnh nhân thích nuốt vật bằng kim loại thì nguy cơ ngộ độc chì, ngộ độc thủy ngân hay ngộ độc kim loại sẽ tăng cao. Những chất độc này từ từ ngấm vào máu, gây ra tình trạng nhiễm độc máu, suy thận, suy tim, thậm chí ảnh hưởng đến não bộ. Sự độc hại tronng kim loại từ những chiếc đinh, ốc rỉ sét tồn tại trong cơ thể có thể đầu độc các tế bào thần kinh trong não.
Hiện tượng tắc ruột, đi nặng ra máu xảy ra thường xuyên, nhất là ở người mắc chứng ăn tóc. Các bác sĩ khi tiến hành phẩu thuật đã lấy ra những búi tóc lớn kẹt trong ruột bệnh nhân. Những búi tóc này làm tắc đường tiêu hóa, ngăn cản quá trình bài tiết và khiến phần bụng phình ra, làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau đớn, ăn không ngon ngủ không yên, từ đó sụt cân và trở nên ốm yếu.
Những dị vật cứng và nhọn cũng làm ảnh hưởng đến răng và nướu. Bệnh nhân có hiện tượng chảy máu chân răng, tổn thương nướu, mẻ răng, gãy răng, thậm chí cấu trúc xương hàm cũng bị thay đổi do thường xuyên cắn nhai những vật không bình thường. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, răng sẽ dần bị mài mòn, nhiễm trùng gây sốt va đau nhức khủng khiếp cho người bệnh.
Những người mắc hội chứng Pica thường có tỷ lệ tử vong rất cao. Đó là do những vật có kích thước nhỏ có thể làm tắc nghẽn đường thở, hoặc những vật chứa vi trùng vi khuẩn sẽ làm bệnh nhân ngộ độc. Bệnh nhân cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng do những thứ ăn vào không thể tiêu hóa, không thể cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Hội chứng Pica ở thai phụ không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ, mà thai nhi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thai phụ không được cung cấp chất dinh dưỡng nên gầy yếu, hốc hác và ngày càng sụt cân, súc khỏe tinh thần không ổn định. Thai nhi không có chất dinh dưỡng đầy đủ nên sinh ra ốm yếu và nhẹ cân. Trẻ cũng bị dị tật bẩm sinh, rối loạn tâm thần do nhiễm độc trong thai kỳ.
Các phương pháp điều trị hội chứng Pica
Điều đầu tiên khi điều trị hội chứng Pica là xác định những hành vi bất thường của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh nhân đã nuốt những vật gì, nhằm xác định nguy cơ nhiễm độc, tắc ruột, hoặc tổn thương dạ dày, và có phương pháp xử lý kịp thời để hạn chế đau đớn và nguy hiểm. Khi những tình trạng nghiêm trọng này đã ổn định, các bác sĩ mới bắt đầu quá trình điều trị chuyên sâu hơn.
- Phẫu thuật lấy dị vật: Tình trạng táo bón, nhiễm trùng do tắc nghẽn dị vật trong dạ dày và đường ruột không thể giải quyết bằng thuốc, hay những phương pháp bình thường. Vì thế các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật để lấy hết dị vật trong cơ thể bệnh nhân, cũng như kiểm tra những tổn thương mà cơ thể phải chịu như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày đường ruột. Sau khi đã kiểm tra cẩn thận, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm thiểu những tổn thương àm cơ thể phải chịu.
- Bổ sung kẽm và sắt: Một trong những lý do gây ra hội chứng Pica là tình trạng thiếu kẽm và sắt ở người. Do đó việc bổ sung đầy đủ hai chất này có thể giảm nhẹ ảnh hưởng của Pica đến sức khỏe. Nếu trong quá trình xét nghiệm bác sĩ phát hiện bệnh nhân thiếu những chất cần thiết này, bệnh nhân sẽ được uống thuốc bổ sung sắt và kẽm để cải thiện tình trạng. Sau đó, bệnh nhân cũng cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe, hạn chế cảm giác thèm ăn những vật kỳ lạ.
- Điều trị rối loạn tâm thần bằng thuốc: Hội chứng Pica xảy ra do các rối loạn tâm thần ở người bệnh có thể được cải thiện nếu kiểm soát được những bất ổn tinh thần. Thông thường, các bác sĩ sẽ kết hợp điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc nhằm thay đổi nhận thức, giảm nhẹ những biểu hiện rối loạn tâm thần, và hạn chế hành vi ăn uống bất thường của người bệnh. Hội chứng Pica có thể dần dần thuyên giảm khi các triệu chứng tâm thần được cải thiện bằng thuốc. Quá trình điều trị bằng thuốc cần tuân thủ đúng hướng dẫn cảu bác sĩ để tránh những ảnh hưởng không tốt, hoặc những tác dụng phụ nguy hiểm.
- Liệu pháp tâm lý: Điều trị tâm lý là phương pháp bắt buộc với mục đích giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, nhận thức được cơn thèm những vật không ăn được của bản thân là vô lý, nhận ra những vật này không tốt cho sức khỏe và chủ động từ bỏ. Liệu pháp hành vi-nhận thức đang là liệu pháp mang đến nhiều kết quả tích cực trong việc điều trị. Thông qua những cuộc trò chuyện với bác sĩ và chuyên gia tâm lý, bệnh nhân sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ, từ bỏ thói quen ăn những vật độc hại, không tốt cho sức khỏe và chuyển sang chế độ ăn khoa học, đúng đắn hơn.
- Sự hỗ trợ của gia đình: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người bệnh thay đổi nhận thức, suy nghĩ tích cực, và tập quen dần với việc từ bỏ những thói quen xấu. Gia đình cần quan tâm và theo sát người bệnh, đăc biệt là thai phụ, trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nhằm ngăn cản họ tiếp tục hành động ăn bậy. Gia đình cần kiên nhẫn, tránh quát nạt, tạo áp lực hay gây căng thẳng cho người bệnh và làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Hãy luôn ở bên cạnh động viên, giúp người bị hội chứng Pica nhanh chóng thay đổi suy nghĩ và thói quen.
Hội chứng Pica hay hội chứng ăn bậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Đặc biệt nếu thai phụ mắc hội chứng này thì cả sức khỏe và tính mạng ủa mẹ lẫn con đều bị đe dọa. Gia đình và người nhà cần chú ý đến những biểu hiện lạ thường của con cái hay người thân. Nếu có bất cứ dấu hiệu trướng bụng, đau đớn vùng bụng dưới, táo bón, tiêu chảy,… đềy nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra để có thể nhanh chóng phát hiện và điều trị.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng ngủ li bì: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách khắc phục
- Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia): Nguyên nhân và Cách chữa
- Hội chứng sợ ma (Phasmophobia): Dấu hiệu và Cách vượt qua
- Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc: Dấu hiệu và Cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!