Hội chứng ngủ li bì: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách khắc phục
Những người mắc hội chứng ngủ li bì luôn có cảm giác mệt mỏi, và buồn ngủ suốt cả ngày. Tình trạng này ngày càng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, học tập và cả công việc.
Hội chứng ngủ li bì là gì?
Hội chứng ngủ li bì là tình trạng một người liên tục cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày. Hội chứng này không giống như việc mệt mỏi do thiếu ngủ, hay mất ngủ vào ban đêm.
Nếu thiếu ngủ, ta có thể lấy lại tinh thần và cảm giác tỉnh táo sau một giấc ngủ ngắn. Nhưng với hội chứng ngủ li bì, bạn sẽ ngủ thiếp đi nhiều lần trong ngày, nhưng vẫn không tỉnh táo.
Dấu hiệu rõ ràng nhất là bạn đã ngủ đủ giấc, hoặc ngủ nhiều hơn bình thường vào hôm trước. Tuy nhiên cảm giác buồn ngủ vẫn kéo đến vào hôm sau.
Bạn có thể ngủ gục khi đang làm việc, đang học, đang lái xe, hoặc đang ăn. Tình trạng ngày diễn ra nhiều lần trong ngày. Thậm chí, người bệnh có thể ngủ li bì suốt 18 tiếng.
Việc ngủ quá nhiều khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng. Cảm giác buồn ngủ kéo đến nhanh chóng, không thể cưỡng lại. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thường ngày.
Hội chứng ngủ li bì có tỉ lệ phát sinh ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên, hoặc thanh niên từ 17 đến 24 tuổi.
Đây là giai đoạn các bạn phải chịu áp lực học tập, áp lực công việc nặng nề. Nếu việc ngủ li bì không được can thiệp , kết quả học tập và năng suất lao động sẽ bị ảnh hưởng
Nguyên nhân của hội chứng ngủ li bì
Nguyên nhân gây ra triệu chứng ngủ li bì hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra một số yếu tố có thể kích thích tình trạng này như:
- Sự tăng cao bất thường của nồng độ adenosine trong não
- Tương tác của các hóa chất ở não với axit y-aminobutyric (GABA), chất thúc đẩy cảm giác buồn ngủ
- Tính di truyền
- Tình trạng stress và căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học, rối loạn giấc ngủ
- Di chứng do phần đầu từng bị chấn thương ảnh hưởng đến chức năng của não, từ đó sinh ra tình trạng ngủ li bì.
- Sử dụng quá nhiều rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo, ngủ không sâu giấc hoặc rối loạn giấc ngủ.
- Những người có tiền sử bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, Alzheimer hoặc Parkinson cũng là những đối tượng dễ mắc hội chứng ngủ li bì.
Ngoài ra trong một số trường hợp, bác sĩ không thể xác định yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng ngủ li bì. Trường hợp này được gọi là hội chứng ngủ li bì vô căn, xảy ra với tỷ lệ vô cùng hiếm.
Xem thêm: Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Biểu hiện của hội chứng ngủ li bì
Bên cạnh tình trạng mệt mỏi và ngủ li bì, hội chứng này cũng có những biểu hiện khác mà ta cần chú ý. Những triệu chứng này bao gồm:
- Những đợt buồn ngủ kéo đến liên tục khiến bạn mệt mỏi, không tỉnh táo
- Mệt mỏi sớm vào ban đêm. Ngủ nhiều hơn bình thường (10 tiếng trở lên) nhưng vẫn buồn ngủ
- Sự mệt mỏi khiến bạn không còn năng lượng làm việc hay học tập
- Mệt mỏi, khó thức dậy vào buổi sáng, cảm thấy cáu gắt và dễ nổi nóng.
- Càng ngủ càng cảm thấy mệt mỏi
- Thời gian ngủ kéo dài, và số lần buồn ngủ tăng cao.
- Việc đánh thức người ngủ li bì cũng ngày càng khó khăn hơn.
- Khả năng suy nghĩ và tốc độ phản ứng trở nên chậm hơn.
- Dễ mất tập trung do nhức đầu và mệt mỏi, trí nhớ suy giảm
- Đau đầu kèm theo ảo giác
Đây chỉ là những triệu chứng đặc trưng và thường thấy của hội chứng ngủ li bì. Tuy nhiên với những đối tượng khác nhau, những triệu chứng này có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe.
Tác hại của hội chứng ngủ li bì
Hội chứng ngủ li bì làm giảm hiệu suất làm việc và học tập, khiến chúng ta luôn trong trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ. Chất lượng cuộc sống suy giảm khiến ta cảm thấy khó chịu, mất tập trung.
Nếu bạn đang leo cầu thang, đứng ở nơi cao, hay đang lưu thông trên đường, hội chứng ngủ li bì có thể khiến bạn mệt mỏi và mất tập trung.
Hậu quả là bạn có thể té từ trên cao xuống, hoặc gây tai nạn giao thông. Do đó nếu mắc hội chứng này, bạn nên hạn chế việc ra ngoài, hoặc đến những nơi cao để giảm thiểu rủi ro.
Hội chứng ngủ li bì còn có thể làm ảnh hưởng đến công việc và cơ hội thăng tiến. Tình trạng mơ màng, mệt mỏi khiến mọi người đánh giá sai lệch về thái độ làm việc của bạn.
Ngoài ra, trạng thái mệt mỏi, uể oải do ngủ nhiều có thể gây ra những suy nghĩ tiêu cực, stress căng thẳng làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Làm sao để cải thiện tình trạng ngủ li bì?
Hiện nay, sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng, và thay đổi lối sống lành mạnh là những biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện tình trạng ngủ li bì.
1. Điều trị bằng thuốc
Những loại thuốc được dùng để điều trị chứng ngủ li bì bao gồm: thuốc chống trầm cảm, amphetamine, clonidine, levodopa, chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs), methylphenidate, bromocriptine, modafinil,…
Tùy theo tình hình bệnh nhân và bệnh sử mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp. Người bệnh trong quá trình điều trị buộc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng xấu của việc dùng thuốc.
Sử dụng thuốc khó tránh khỏi tác dụng phụ. Vì thế người bệnh cần chú ý những biểu hiện bất thường như đau đầu, chóng mặt, khó thở, nổi mề đay, nôn ói, tiêu chảy, tim đập nhanh, co giật, ngất xỉu,… để phản ứng kịp thời.
Những trường hợp phản ứng nhẹ có thể nhanh chóng biến mất sau một thời gian. Những trường hợp nặng hơn cần lập tức liên hệ bác sĩ, và đưa đi cấp cứu để xử lý
2. Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc dùng thuốc, giữ thói quen sống lành mạnh cũng giúp đẩy nhanh quá trình điều trị. Phương pháp này mang đến kết quả điều trị tốt hơn.
Một số điều mà người mắc hội chứng ngủ li bì nên tuân theo bao gồm:
- Bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thông qua việc ăn uống
- Hạn chế rượu bia và chất kích thích
- Tốt nhất là không sử dụng những thức uống có cồn hay cà phê trước khi đi ngủ để bảo vệ sức khỏe.
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm có vị chua, nhiều dầu mỡ
- Nên tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời vào ban ngày
- Sắp xếp chỗ ngồi làm việc hay học tập sáng sủa và thoải mái nhất có thể. Tránh để nơi làm việc tối tăm, thiếu ánh sáng
- Ban đêm nên hạn chế mở đèn, nên để không gian tối để chất lượng giấc ngủ tốt hơn
- Hạn chế sử dụng thiết bị thông minh trước khi ngủ. Phòng ngủ thoáng khí, mát mẻ, tránh có nhiều ánh sáng nhân tạo.
- Tạo thói quen vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ và sau khi thức dậy
- Ngủ sớm và dậy sớm sẽ giúp hạn chế cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ vào sáng hôm sau.
Công việc gián đoạn, hiệu suất giảm, mơ màng, mệt mỏi trong mọi tình huống, cùng với tai nạn bất ngờ là những điều người mắc chứng bệnh này phải đối mặt. Do đó, hội chứng này được phát hiện và điều trị sớm.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias) là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến chứng đột quỵ
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD): Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!