10 lợi ích của việc chơi game mang lại “Không chỉ là giải trí”
Liệu có phải mọi trò chơi điện tử đều gây hại cho sức khỏe và tinh thần người chơi? Trên thực tế, nhiều lợi ích của việc chơi game đã được kiểm chứng, khẳng định rằng nó có thể đóng góp tích cực vào cuộc sống hàng ngày nếu được thực hiện đúng cách.
10 lợi ích của việc chơi game cần nhìn nhận đúng
Trong những năm gần đây, việc chơi game đã trở thành chủ đề được tranh luận nhiều về lợi ích và tác hại của trò chơi điện tử đối với sức khỏe tinh thần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức xếp nghiện trò chơi điện tử vào danh mục “Rối loạn sức khỏe tâm thần (2019)” , khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu game có thực sự tốt hay xấu. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu mới đây, chơi game không chỉ mang lại giải trí mà còn giúp người chơi phát triển tư duy và khả năng ghi nhớ, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Một nghiên cứu trên hơn 2.200 trẻ em cho thấy khi chơi hơn 21 giờ/ tuần có thành tích tốt hơn trong các bài kiểm tra về khả năng bốc đồng và trí nhớ. Điều này cho thấy, nếu được kiểm soát và hướng dẫn đúng cách, trò chơi điện tử có thể trở thành công cụ hữu ích để phát triển kỹ năng nhận thức. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà nghiên cứu cũng cho biết lợi ích mà nó mang đến là cải thiện sự tập trung và tương tác xã hội, mở ra những cơ hội phát triển tích cực cho giới trẻ.
1. Khơi dậy sự quan tâm văn hóa, lịch sử
Trò chơi điện tử ngày càng khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa và lịch sử, giúp người chơi không chỉ giải trí mà còn khám phá thêm kiến thức. Những tựa game như “Assassin’s Creed”, “Civilization” đã giới thiệu các nền văn minh cổ đại, sự kiện lịch sử quan trọng và các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Qua đó, người chơi có thể hiểu sâu hơn về quá khứ, đồng thời khơi dậy sự tò mò tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của các quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ họa sống động và câu chuyện hấp dẫn cũng giúp người chơi dễ dàng hòa mình vào các bối cảnh lịch sử. Những cuộc phiêu lưu trong game, suy nghĩ về cách điều hành quốc gia như game “Total War” đã khiến nhiều người hiểu rõ hơn về quá trình lịch sử diễn ra như thế nào, từ đó góp phần mở rộng tầm nhìn văn hóa.
2. Tăng hoạt chất não
Chơi game không chỉ là hoạt động giải trí mà còn mang lại những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe não bộ, đặc biệt là sự phát triển của chất xám. Lúc tập trung cao độ vào các nhiệm vụ trong game, não bộ được kích thích sản sinh ra các chất hóa học giúp tăng khả năng xử lý thông tin và cải thiện trí nhớ. Nhờ đó, não có thể thích nghi tốt hơn với các thách thức trong cuộc sống, để người chơi nâng cao khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề.
Cơ chế này hoạt động dựa trên việc trò chơi điện tử tạo ra các thử thách kèm giải thưởng, yêu cầu người chơi phải tập trung cao độ để hoàn thành các nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, não sẽ được kích thích bởi cảm giác thành công, tạo ra phản ứng hóa học giúp tăng cường kết nối giữa các tế bào thần kinh. Như vậy, trò chơi điện tử đóng vai trò là yếu tố giúp kích thích não bộ một cách tự nhiên.
3. Cải thiện khả năng tập trung, tầm nhìn
Không phải ai cũng biết rằng chơi game có thể cải thiện tầm nhìn và khả năng tập trung. Một số thể loại game đòi hỏi người chơi phải theo dõi chi tiết nhỏ, từ đó giúp rèn luyện khả năng nhận biết và phân biệt các yếu tố hình ảnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ sau 10 tuần chơi game, người chơi có thể phân biệt tốt hơn giữa các sắc thái xám khác nhau để từ đó cải thiện thị lực một cách đáng kể.
Ngoài ra, những trò chơi như “Đội đặc nhiệm”, “Fortnite” yêu cầu người chơi phải có sự tập trung cao độ để nhận diện kẻ thù trong môi trường phức tạp. Khi chơi game, người chơi phải liên tục theo dõi nhiều yếu tố khác nhau gồm hình ảnh, âm thanh, chiến thuật để phát triển khả năng đa nhiệm và tư duy linh hoạt.
4. Học thông qua trò chơi
Chơi game không chỉ giúp giải trí mà còn là cách học hiệu quả, đặc biệt đối với các game có tính giáo dục cao. Những tựa game như “Minecraft Education Edition”, “Quandary” đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy để học sinh học hỏi thông qua tương tác trực tiếp với các vấn đề thực tế. Học sinh cũng được tiếp cận với các chủ đề quan trọng như biến đổi khí hậu, xung đột toàn cầu, đạo đức trong cuộc sống,….
Game mang đến cho người chơi môi trường học tập thú vị, kích thích trí tò mò và sự sáng tạo. Đồng thời để mọi người học tập một cách chủ động với tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Chính phủ và các tổ chức giáo dục cũng đang nỗ lực đầu tư vào phát triển trò chơi giáo dục, nhằm tạo ra môi trường học tập hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai.
5. Khơi dậy sự sáng tạo
Những tựa game như “Minecraft” hay “The Sims” khuyến khích người chơi thiết kế và xây dựng môi trường theo ý muốn, từ đó phát triển trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Việc tạo ra công trình độc đáo, thiết kế các chiến lược trong game giúp rèn luyện trí tưởng tượng để giải quyết vấn đề.
Trí tưởng tượng không chỉ dừng lại trong thế giới game mà còn được áp dụng vào thực tế. Những người chơi game có xu hướng suy nghĩ mở rộng hơn, tìm kiếm những giải pháp khác nhau để đối phó với thách thức. Điều này giúp cá nhân phát triển tư duy linh hoạt và ứng biến trong cuộc sống, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và cả công việc.
6. Giảm bớt căng thẳng, trầm cảm
Chơi game có thể giúp giảm căng thẳng và trầm cảm nếu được thực hiện với mức độ vừa phải. Nhiều người cho biết bản thân thấy thoải mái và thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng khi dành khoảng 20 phút mỗi ngày để chơi game. Game giúp tinh thần phấn chấn mà còn mang lại cảm giác vui vẻ, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực. Đối với những người mắc trầm cảm, các trò chơi giải trí nhẹ nhàng có thể giúp kích thích tâm trạng tích cực, tạo điều kiện để thoát khỏi cảm giác buồn bã.
Một số thể loại game trên thiết bị điện tử phù hợp cho người mắc trầm cảm bao gồm trò chơi giải đố, mô phỏng cuộc sống, các game có yếu tố nghệ thuật và âm nhạc. Chúng không chỉ đơn giản về lối chơi mà còn có tính tương tác cao để ai cũng dễ dàng tập trung và thoát khỏi lo âu cuộc sống. Việc tham gia vào một thế giới game tích cực có thể là cách tốt để kiểm soát rối loạn tâm lý một cách hiệu quả.
7. Gắn kết gia đình, bạn bè
Theo một nghiên cứu gần đây, 83% bậc cha mẹ thường xuyên chơi game với con cái của mình và 51% trong số đó chơi ít nhất một lần mỗi tuần để tăng cường mối quan hệ gia đình. Thông qua việc chơi game, các thành viên trong nhà có thể thấu hiểu nhau hơn, chia sẻ niềm vui và gắn kết tinh thần.
Trò chơi điện tử cũng là công cụ giúp kết nối bạn bè từ xa để cùng nhau tham gia vào các cuộc phiêu lưu, thi đấu đối kháng. Với những nền tảng chơi game online, người chơi có thể kết nối với bạn bè khắp nơi trên thế giới, tạo ra một cộng đồng lớn mạnh. Việc cùng nhau vượt qua thử thách trong game giúp xây dựng lòng tin và tinh thần đồng đội, từ đó phát triển những mối quan hệ bền chặt hơn trong cuộc sống.
8. Hỗ trợ điều trị bệnh mãn tính
Nghiên cứu từ Đại học Utah đã chứng minh rằng, chơi game không chỉ là hoạt động giải trí mà còn hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính. Đặc biệt, các bệnh nhân như trẻ tự kỷ, người mắc bệnh Parkinson có thể cải thiện khả năng tương tác và phản ứng khi tham gia vào các trò chơi. Thông qua đó, người bệnh có thể tăng thêm sự tập trung, cải thiện khả năng tương táci và giảm căng thẳng tinh thần.
Ngoài ra, các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như ung thư cũng có thể hưởng lợi từ việc chơi game. Bởi nó giúp người bệnh giảm đau đớn về thể xác và hạn chế các suy nghĩ tiêu cực để có cái nhìn tích cực cũng như duy trì tinh thần lạc quan trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, cần kết hợp chơi game một cách hợp lý với các liệu pháp điều trị khác để đạt hiệu quả tốt nhất.
9. Rèn khả năng phản xạ nhanh
Việc chơi game, đặc biệt là các game hành động yêu cầu người chơi phải phản xạ nhanh chóng trước các tình huống trong trò chơi. Theo các nghiên cứu khoa học, những người chơi game lâu năm thường có khả năng phối hợp tay và mắt tốt hơn, điều này hỗ trợ “game thủ” trong cả các hoạt động ngoài đời thực như thể thao, xử lý tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, các trò chơi điện tử còn làm tăng khả năng ra quyết định trong khoảng thời gian ngắn, vì người chơi buộc phải đưa ra lựa chọn nhanh chóng suốt quá trình chơi. Điều này không chỉ phát huy trong game mà còn có thể áp dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt.
10. Trở nên quyết đoán
Những người thường xuyên chơi game có khả năng trở nên quyết đoán hơn nhờ vào việc phải liên tục đưa ra các quyết định trong quá trình chơi. Tính quyết đoán được hình thành thông qua việc xử lý các tình huống đòi hỏi quyết định nhanh, từ đó tạo nên thói quen không chần chừ, do dự. Các trò chơi chiến lược, hành động yêu cầu người chơi phải phân tích tình huống nhanh chóng và đưa ra lựa chọn đúng đắn trong thời gian ngắn.
Tính quyết đoán này không chỉ giới hạn trong game mà còn có thể áp dụng vào đời sống thực. Nhờ việc liên tục phải đối mặt với quyết định khó khăn khi chơi, người chơi có thể phát triển khả năng suy nghĩ logic và đưa ra quyết định một cách tự tin, chính xác hơn trong thực tế.
Dù không phải trò chơi nào cũng mang lại giá trị tích cực, lợi ích của việc chơi game khi được tận dụng đúng mức là không thể phủ nhận. Với sự kiểm chứng từ các nhà khoa học, chúng ta có thể yên tâm hơn khi tham gia các trò chơi điện tử, miễn là luôn đảm bảo có sự cân bằng hợp lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn tâm thần do nghiện game: Nhận biết và điều trị
- Cai nghiện game cho trẻ: Những điều cha mẹ nên biết
Nguồn tham khảo:
- https://health.clevelandclinic.org/are-video-games-good-for-you
- https://www.webmd.com/mental-health/mental-health-benefits-of-video-games
- https://www.theesa.com/resources/essential-facts-about-the-us-video-game-industry/2024-data/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!