Tổng kết Zoom meeting Số 06 – Thấu hiểu để yêu thương
Tiếp nối chuỗi chương trình “8 ngày Hẹn hò với hạnh phúc”, chương trình Zoom Meeting số 6 với chủ đề “Thấu hiểu để yêu thương”, diễn ra vào ngày 07/12/2022, được thực hiện bởi Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Master Coach Chu Thị Thảo đã mang đến cho các thành viên tham dự những góc nhìn khác về yêu thương và cách có cuộc sống bình an hơn.
1. Thấu hiểu để yêu thương
Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Tại sao mình khao khát thấu hiểu một ai đó nhưng càng cố gắng thì lại càng thấy khó hiểu? Ngay cả những người thân thiết trong gia đình như vợ chồng, bố mẹ, con cái cũng nhiều khi gặp mâu thuẫn, hiểu nhầm gây ra những tổn thương không đáng có. Liệu bạn có biết để thấu hiểu và yêu thương người khác đôi khi phải bắt đầu từ chính việc thấu hiểu và yêu thương bản thân?
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Chu Thị Thảo:
Để yêu thương một người, đầu tiên bạn phải thấu hiểu. Không chỉ đơn thuần là thấu hiểu tính cách, sở thích mà thấu hiểu sự đau khổ của ai đó là món quà tốt nhất bạn có thể kính tặng người khác. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không chịu thấu hiểu, bạn không thể yêu thương.
Sự thấu hiểu có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi khi chúng ta biết thấu hiểu nhau, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí hoàn cảnh của người khác. Đây là tiền đề để cùng cảm thông cảnh ngộ, nỗi suy tư của người khác một cách sâu sắc. Sự thấu hiểu bồi đắp thêm lòng nhân ái, giúp cho con người sống biết yêu thương lẫn nhau, biết chia sẻ cảm thông và có trách nhiệm với cộng đồng.
Đặc biệt, sự thấu hiểu giúp chúng ta tránh đi được những phán xét, đánh giá và những suy nghĩ cực đoan. Những người sống trong hoàn cảnh đau buồn khi nhận được sự thấu cảm họ sẽ vơi đi nỗi buồn và có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn. Sự thấu hiểu còn tạo nên mối quan hệ vô cùng thân thiện gắn kết giữa con người với con người.
Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Chu Thị Thảo:
Khi chúng ta nuôi dưỡng và hỗ trợ niềm hạnh phúc của chính bản thân, chúng ta đang nuôi dưỡng khả năng yêu thương của chính mình. Học cách yêu thương là học nghệ thuật nuôi dưỡng niềm hạnh phúc.
2. Thông điệp cảm xúc
Dù tâm trạng chúng ta có phong phú ra sao thì vẫn sẽ xoay quanh 8 loại cảm xúc cơ bản: Vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, chán ghét, giận dữ, ngạc nhiên, hy vọng, và cuối cùng là tin tưởng. Tâm trạng của chúng ta có thể nằm trọn trong một loại cảm xúc hoặc bị chi phối bởi nhiều cảm xúc khác nhau.
Nhiều người nghĩ rằng: Cảm xúc vui vẻ hẳn phải tốt hơn buồn bã, bởi có ai muốn buồn bao giờ? Tuy nhiên, cần hiểu chính xác: cảm xúc là một phạm trù trung tính và ta không thể gọi một cảm xúc là tốt hay xấu.
Ví dụ, đứng trước một điều bạn mong muốn, thì bạn sẽ vui vẻ nếu như đạt được điều bạn mong muốn, và sẽ buồn bã nếu đánh mất nó. Tuy nhiên, nếu không cảm thấy buồn khi vuột mất điều gì đó, thì làm sao bạn có thể cảm nhận được sự vui sướng khi đạt được điều mình muốn?
Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý trị liệu Chu Thị Thảo:
Thực tế, hai cảm xúc trái ngược nhau là hai mặt thiết yếu của một nhu cầu. Mọi cảm xúc trong chúng ta đơn giản là một tín hiệu truyền tải thông điệp từ não bộ đến các cơ quan. Bất kể những cảm xúc gây khó chịu cho chúng ta như sợ hãi, giận dữ hay buồn bã cũng có chức năng riêng của chúng.
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, các hợp chất hoá học cảm xúc – từ khi được sản sinh trong vùng dưới đồi của não (hypothalamus) đến khi được phân nhỏ và hấp thu – sẽ tồn tại trong cơ thể trong khoảng 6 giây. Vì vậy theo tự nhiên, cảm xúc của con người chỉ tồn tại trong vòng 6 giây ngắn ngủi. Nếu lâu hơn 6 giây, có thể bản thân bạn đang chọn kéo dài cảm xúc đó, và chúng sẽ trở thành cảm giác và hiện diện lâu hơn.
Chuyên gia Chu Thị Thảo cũng chia sẻ về mô thức điều chỉnh cảm xúc để cân bằng cuộc sống vô cùng đơn giản. Điều này sẽ giúp cuộc sống của bạn nhẹ nhàng hơn và khiến bạn thấy mọi cảm xúc của mình đều có ích.
Mô thức điều chỉnh cảm xúc gồm 5 bước cụ thể như sau:
- Bước 1: Dừng lại (Stop) – Bất cứ khi nào cảm thấy bị kích thích, hãy dừng lại một khoảnh khắc và đừng phản ứng gì cả.
- Bước 2: Hít thở (Breath) – Tập trung sự chú ý vào hơi thở, hít thở sâu ít nhất vài lần sẽ khiến cơ thể và tâm trí bình an trở lại.
- Bước 3: Chú ý (Notice) – Cố gắng trải nghiệm sự khó chịu về cảm xúc mà không phán xét. Gọi tên cảm xúc đó là gì.
- Bước 4: Kiểm điểm (Reflect) – Quan sát, nhìn nhận cảm xúc mà không phán xét nó đúng hay sai. Cảm xúc này đến từ đâu? Có liên quan tới một sự diễn giải lệch lạc nào không?
- Bước 5: Phản ứng (Respond) – Hãy tưởng tượng và lựa chọn những cách phản ứng với tình huống này để tạo kết quả tích cực nhất.
3. Tháp nhu cầu Maslow
Thuyết nhu cầu Maslow là lý thuyết về sự thỏa mãn phổ biến nhất do nhà tâm lý học nổi tiếng hàng đầu thế giới – Abraham Maslow hình thành và phát triển. Lý thuyết này cho rằng con người được động viên bởi nhiều nhu cầu khác nhau và các nhu cầu này được sắp xếp theo thứ bậc từ thấp đến cao.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Chu Thị Thảo: “Tháp nhu cầu Maslow cho thấy những nhu cầu của con người, từ thấp đến cao. Bất cứ ai trong chúng ta đều có những nhu cầu này và đây là điều hoàn toàn bình thường.”
5 mức nhu cầu cụ thể như sau:
- Nhu cầu sinh lý: Sinh lý là những nhu cầu thực tế, cần thiết nhất của mỗi người. Bao gồm việc ăn uống, nghỉ ngơi, sinh lý,… đây là những điều giúp con người có thể tồn tại và phát triển.
- Nhu cầu an toàn: Đây là ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, xã hội ổn định. Con người mong muốn được bảo vệ trước những mối nguy hiểm, đe dọa về tinh thần hay vật chất.
- Nhu cầu xã hội: Nhu cầu về xã hội là nhu cầu thiên về yếu tố tinh thần, cảm xúc. Mỗi người mong muốn mình là một thành tố của các mối quan hệ xã hội như: công ty, trường lớp, gia đình,…
- Nhu cầu được tôn trọng: Đây là nhu cầu được thừa nhận, mong muốn được yêu quý, tôn trọng trong bất cứ tổ chức hay môi trường nào.
- Nhu cầu tự thể hiện: Đây là mong muốn được chứng minh bản thân, được thực sự theo đuổi đam mê, sở thích của mình và mang lại những giá trị, lợi ích tốt đẹp cho xã hội.
Cách hiểu về tháp nhu cầu Maslow vô cùng đơn giản, điển hình là quá trình phát triển của một đứa trẻ. Khi còn sơ sinh, chúng cần được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như ăn no, uống đủ, ngủ say, mặc ấm. Đến tuổi đi học, trẻ bắt đầu quan tâm đến việc kết bạn, biết ghen tị, sợ không được yêu thương. Lớn hơn thêm chút nữa, trẻ có thể sẽ khó chịu khi không được bày tỏ, lắng nghe ý kiến.
Trong công việc hàng ngày cũng vậy, tháp Maslow được hiểu thành các công ty trước hết phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, đi lại) của nhân viên bằng chế độ lương thưởng là cơ bản nhất. Sau đó, họ cần nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu gắn kết tập thể, bằng chế độ đãi ngộ, tổ chức sinh nhật,… Tiếp đó, công ty sẽ thể hiện mối quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện mình của nhân viên qua việc xây dựng cơ chế thăng chức, tăng lương.
Chia sẻ của một số khách hàng với buổi Zoom Meeting:
“Chủ đề ngày hôm nay rất hay, đúng với cuộc sống của em quá, em cảm ơn coach Thảo nhiều ạ!”
“Cảm ơn chia sẻ của coach Thảo và mọi người. Qua đây, mình nhận thấy bản thân cần tập trung vào chính mình, đặc biệt là nội tâm. Vì chỉ khi hiểu chính mình thì chúng ta mới cởi mở để thấu hiểu, yêu thương mọi người xung quanh.”
Những chia sẻ từ Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Master Coach Chu Thị Thảo trong chương trình Zoom Meeting số 06 “Thấu hiểu để yêu thương” đã giúp các thành viên tham dự có thêm kiến thức về việc thấu hiểu, quản lý cảm xúc, từ đó xây dựng một cuộc sống lạc quan, hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!