Tọa đàm di chứng hậu Covid tại xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội
Sáng ngày 23/3/2022, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã phối hợp cùng Hội liên hiệp phụ nữ xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội) và Phòng khám đa khoa Thuốc Dân tộc tổ chức buổi Tọa đàm hỗ trợ các vấn đề di chứng hậu Covid tại xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội.
Chương trình nhận được sự quan tâm của ban lãnh đạo huyện Quốc Oai, ban lãnh đạo xã Ngọc Liệp và đông đảo hội viên Hội phụ nữ xã Ngọc Liệp.
Buổi tọa đàm xã Ngọc Liệp nằm trong chiến dịch cộng đồng hướng đến chăm sóc sức khỏe tâm trí hậu Covid của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam với mong muốn giúp cho người dân Hà Nội, đặc biệt là người dân ở vùng ngoại thành Hà Nội, có kiến thức đúng đắn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm trí và đặc biệt là phục hồi sức khỏe hậu Covid cho chính mình và người thân trong gia đình.
Đại diện phòng khám đa khoa Thuốc dân tộc, Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Phương Ngọc – Trưởng khoa Nội chia sẻ đến hội viên hội phụ nữ xã Ngọc Liệp giải pháp chăm sóc sức khỏe thể chất trong và sau quá trình mắc Covid. Tuy đây là những kiến thức cơ bản nhưng không phải ai cũng tiếp cận đến các nguồn thông tin chuẩn. Việc tiếp cận các nguồn thông tin không chính xác có thể khiến cho người mắc Covid gặp các vấn đề hậu Covid nặng nề và dai dẳng hơn.
Đại điện Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã chia sẻ về giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí nói chung và các giải pháp để ổn định Tâm – Thân – Trí từ di chứng hậu Covid nói riêng.
Thực tế cho thấy, hậu Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm trí và thể chất của con người. Sự ảnh hưởng này có mối liên hệ mật thiết và tác động hai chiều đến nhau. Các triệu chứng phổ biến như mệt mỏi, buồn chán, khó thở, mất ngủ… có thể đến từ sức khỏe thể chất hoặc/và sức khỏe tinh thần. Và dù nó đến từ vấn đề gì, chúng ta đều có thể cải thiện nhanh chóng hơn các di chứng hậu covid bằng cách cải thiện sức khỏe tinh thần để chúng tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể.
Hơn nữa, nếu chúng ta vướng vào các vấn đề hậu Covid lâu ngày có thể khiến chúng ta gặp các vấn đề sức khỏe tâm trí trầm trọng hơn như trầm cảm, mất ngủ, rối loạn lo âu… Những vấn đề này khiến cho chất lượng cuộc sống của con người suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập, làm việc, sinh hoạt và cả những người thân xung quanh.Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong sức khỏe tổng thể của con người bởi sự tác động của nó vô hình và khó nhận thấy.
Bởi vậy, chúng ta cần có hiểu biết đúng đắn về sức khỏe tâm trí để chăm sóc sức khỏe đúng cách giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua các vấn đề từ dịch bệnh, đặc biệt là các di chứng hậu Covid.
4 bước cơ bản để chăm sóc sức khỏe tâm trí
Trong khuôn khổ chương trình, Chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã chia sẻ đến hội viên Hội phụ nữ xã Ngọc Liệp 4 bước cơ bản để chăm sóc sức khỏe tâm trí cho chính mình và các thành viên trong gia đình.
Đây là các bước cơ bản mà chuyên gia Dương Thị Thu Hà sử dụng để trị liệu cho các khách hàng của mình đang gặp vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ, sang chấn tâm lý hay ổn định Tâm – Thân – Trí hậu covid … Các giải pháp này không chỉ giúp khách hàng của chị lấy lại sức khỏe mà còn giúp được bình an, hạnh phúc và tìm thấy giá trị của bản thân mình.
Để hội viện hội phụ nữ, đặc biệt là các cô, các bác có tuổi, dễ tiếp thu những kiến thức mới, chuyên gia Dương Thị Thu Hà đã ví việc chăm sóc sức khỏe tâm trí như chăm sóc một khu vườn của gia đình mình. Ở đó, khu vườn là vườn tâm trí của con người. Rác, cây độc đại diện cho 6 vấn đề cần được giải quyết trong tâm trí con người: Nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực, niềm tin giới hạn, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu.
Sự tồn tại của chúng trong tâm trí con người đã tác động đến sức khỏe, hạnh phúc và thành công của chúng ta. Và quá trình dọn rác, loại bỏ cây độc hại và chăm sóc lại vườn cây để chúng trở nên xanh tươi, tràn đầy sức sống và đâm hoa, kết quả chính là quá trình chăm sóc sức khỏe tâm trí của con người.
Bước 1: Trị liệu – Nhận diện vấn đề. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để chúng ta chăm sóc sức khỏe tâm trí của mình. Nhận diện vấn đề ở đây là nhận ra những lo lắng, sợ hãi, điều khiến chúng ta cảm thấy bất an, niềm tin giới hạn, thói quen xấu, suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực hay nói các khác là chúng ta nhìn nhận ra rác, cỏ độc trong khu vườn để hướng giải quyết chúng.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, sự xuất hiện của dịch bệnh đã gây ra một làn sóng sang chấn tâm lý diện rộng. Nó khiến cho con người lo sợ, hoang mang, bất an, luôn trong trạng thái đề phòng, sống khép kín, ngại giao lưu, giảm các hoạt động hòa mình với thiên nhiên như tập thể dục ngoài trời, dã ngoại… Thậm chí, giãn cách, cách ly lâu ngày còn khiến con người có những cảm giác bất lực, cảm xúc bực bội, dễ cáu giận, mệt mỏi, buồn chán, mất động lực và sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực. Sự xuất hiện của dịch bệnh còn khiến nhiều người mang trong mình những ám ảnh, niềm tin giới hạn kiểu như “tôi bị bệnh nền mà mắc covid chắc không thoát khỏi tử thần đâu”. Covid cũng khiến cho chúng ta mất đi những thói quen tốt như tập thể dục ở nơi có thiên nhiên hay tập thể dục tập thể…
Đây là những vấn đề mà chúng ta cần nhận diện, bắt thóp suy nghĩ, cảm xúc, hành vi chưa tích cực của mình và đối mặt, không chối bỏ để giải quyết những vấn đề đó, tức là loại bỏ rác, cây độc, cỏ dại. Sau quá trình dọn dẹp rác trong khu vườn, bạn sẽ thấu hiểu mình hơn, biết yêu, biết thương chính bản thân mình.
Bước 2: Trị liệu tăng cường – Tìm lại sự bình an, biết cân bằng cảm xúc. Sau khi bạn đã dọn rác, nhổ cỏ cây độc hại, bạn sẽ cần phải chăm lại mảnh đất cho tơi xốp, màu mỡ. Đó chính là quá trình bạn quay lại với chính mình, chăm sóc bản thân mình nhiều hơn để lấy lại sự bình an và cân bằng cảm xúc vì khi đó bạn đã thấu hiểu chính mình, thấu hiểu những vấn đề của mình.
Bước 3: Huấn luyện – Hiểu và biết yêu, biết thương người khác đúng cách. Để có một khu vườn xanh tươi với đầy hoa thơm, trái ngọt, bạn cần gieo thêm những hạt mầm tốt để có cây mới và chăm lại những cây tích cực đã có sẵn trong vườn. Đây là quá trình để chúng ta phát triển những tư duy, niềm tin tích cực thay thế cho những tư duy, niềm tin tiêu cực. Áp dụng những gì mình đã học được cho bản thân để quan sát, thấu hiểu và yêu thương những người thân xung quanh trong gia đình để cải thiện mối quan hệ và đồng hành với họ trong bước tiếp theo.
Bước 4: Đồng hành – Chăm sóc sức khỏe tâm thân trí cho gia đình. Khi bạn đã cải thiện được mối quan hệ trong gia đình, bạn sẽ dễ dàng thực hiện những kế hoạch, giải pháp của mình để chăm sóc sức khỏe cho người thân.
Có rất nhiều người phụ nữ Việt Nam thường đi ngược các bước trên, bỏ qua việc chăm sóc bản thân mình để chăm lo cho sức khỏe của người khác trước nhưng họ thường không được công nhận, không được đáp lại, thậm chí là có thể phản tác dụng hoàn toàn. Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có. Bạn không có sức khỏe sao bạn có thể chăm sóc cho sức khỏe của người khác. Bạn không biết yêu thương đúng cách, sao có thể cho người khác tình yêu thương đúng cách. Bởi vậy, hãy chăm sóc cho bản thân mình trước khi chăm sóc cho người khác.
Tuy nhiên, các giải pháp vẫn mãi là giải pháp nếu chúng ta không kiên trì thực hiện mỗi ngày. Để một giải pháp phát huy tác dụng và trở thành một thói quen tốt, chúng ta cần thực hành mỗi ngày và thực hành liên tục trong ít nhất 108 ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!