Tọa đàm “Sự ảnh hưởng của Covid đến sức khỏe con người” tại Doanh nghiệp Hà Nội
Ngày 24/3/2022, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về “Sự ảnh hưởng của Covid đến Tâm – Thân – Trí con người và cách chăm sóc gia đình trong đại dịch” tại một doanh nghiệp sản xuất tại Hà Nội.
Trong không gian nhỏ ấm cúng, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã chia sẻ đến các ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của công ty những thông tin hữu ích về sự ảnh hưởng của Covid đến sức khỏe tâm trí của con người và cách để chúng ta chuyển hóa sự ảnh hưởng đó trở thành điều tích cực trong cuộc sống của chúng ta. Buổi chia sẻ nhận được sự quan tâm của các thành viên tham gia.
Covid có phải là rác trong khu vườn tâm trí của chúng ta không?
Trong khoa học tâm trí, có 6 vấn đề được coi là rác trong khu vườn tâm trí của con người. Đó chính là nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực, niềm tin giới hạn, cảm xúc tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu. Những điều này đến từ những sự kiện xảy ra trong đời sống của mỗi con người. Nếu chúng ta chuyển hóa được những vấn đề tiêu cực, không mong muốn gặp phải trong cuộc sống, nó sẽ trở thành “phân” giúp cho khu vườn của chúng ta được tươi tốt hơn. Ngược lại, nếu như chúng ta chuyển hóa được nó, nó sẽ thực sự trở thành rác trong khu vườn tâm trí (tâm hồn) của chúng ta. Khi rác tích tụ đủ nhiều, khu vườn xanh tốt sẽ trở nên cằn cỗi, ô nhiễm. Khi đó khu vườn tâm trí của chúng ta bị hủy hoại và gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe, mối quan hệ, công việc, tiền bạc, hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt, những người đã từng tự tử, những người thường xuyên suy nghĩ đến cái chết cần là những người có khu vườn tâm trí rất nhiều tổn thương.
Mỗi một sự kiện đến với cuộc đời chúng ta đều có mặt tích cực của nó. Covid cũng như vậy. Sự xuất hiện của Covid trên trái đất là điều không ai mong muốn và cũng không thể không thừa nhận rằng Covid đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, xã hội, sức khỏe của con người. Về mặt sức khỏe tâm trí, Covid khiến chúng ta phải lo âu, sợ hãi, giận dữ, khó chịu, căng thẳng, stress, thậm chí là sang chấn tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ… Nhưng chúng ta không thể thay đổi được điều này và sự xuất hiện của Covid và Covid cũng có những mặt tích cực nếu chúng ta nhìn nhận theo chiều hướng tích cực.
Covid ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vậy dấu hiệu, thông điệp, cảnh báo của nó là gì? Có phải Covid nói rằng “chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe của mình về cả ba khía cạnh Tâm – Thân – Trí cho chính mình và gia đình thật tốt” không.
Khi giãn cách, cách ly, bị F0, chúng ta có thời gian ở nhà với gia đình nhiều hơn thì chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội hay cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta có nên dành thời gian để kết nối, hòa hợp các mối quan hệ trong gia đình mình, làm cho gia đình mình được hạnh phúc hơn hay không? Quyền năng lớn nhất của con người là quyền năng lựa chọn. Bạn chọn điều tích cực hay điều tiêu cực là do chính bạn quyết định.
Làm thế nào để chuyển hóa sự ảnh hưởng của Covid thành tích cực?
Nếu Covid đang ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, khiến bạn mệt mỏi khi bị mất việc, khiến bạn stress khi gặp khó khăn về tài chính, khiến bị mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, khó tập trung do hậu Covid thì làm thế nào để chúng ta chuyển hóa những vấn đề này trở thành tích cực.
Những vấn đề do Covid gây ra cũng là một loại rác trong khu vườn tâm trí của chúng ta cần được nhận diện và loại bỏ. Chuyên gia tâm lý, Master Coach đã chia sẻ 4 bước để loại bỏ rác và chuyển hóa khu vườn tâm trí héo úa, khô cằn, hôi thối… thành một khu vườn tâm trí xanh tươi có hoa thơm quả ngọt.
4 bước cơ bản để chăm sóc khu vườn tâm trí của con người:
Bước 1: Trị liệu. Chúng ta cần nhận diện ra vấn đề, tức là nhận diện ra rác ở đâu, rác là cái gì, để dọn dẹp. Bước này sẽ giúp cho bạn thấu hiểu bản thân mình và biết yêu, biết thương mình đúng cách.
Bước 2: Trị liệu tăng cường. Sau khi đã dọn rác trong khu vườn tâm trí của bạn, bạn cần chăm sóc lại khu vườn từ những bước cơ bản như làm đất, tỉa cành, bón phân… Ở bước này, bạn sẽ tìm được sự bình an, biết cân bằng cảm xúc của mình.
Bước 3: Huấn luyện. Để cho khu vườn trở nên tươi tốt, chúng ta cần gieo hạt mầm mới, chăm sóc lại những cây xanh đang có sẵn trong khu vườn để chúng đơm hoa, kết quả. Đây cũng chính là khoảng thời gian để bạn thực hành quan sát, hiểu và yêu thương người khác đúng cách.
Bước 4: Đồng hành. Để cho khu vườn đơm hoa, kết quả, bạn cần đồng hành với ước mơ, khao khát, mong muốn của chính mình. Nếu bạn đã có con nhỏ, hãy đồng hành với ước mơ, khao khát, mong muốn của con. Nếu bạn muốn chăm sóc gia đình mình trở thành gia đình hạnh phúc, hãy chăm sóc cho khu vườn tâm trí của chính bạn và các thành viên trong gia đình mình bằng thấu hiểu, yêu thương đúng cách.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đọc thêm những cuốn sách của Osho hoặc thầy Thích Đức Hạnh để có hiểu biết sâu hơn về việc chăm sóc sức khỏe tâm trí cho chính mình.
Giao tiếp thế nào để gia đình được hòa hợp?
Khi bắt đầu xây dựng gia đình với người mình thương yêu, chắc hẳn ai cũng mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì rất nhiều lý do, không ít người đã vướng vào mâu thuẫn gia đình và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính mình, người thân, đặc biệt là con cái. Vậy làm thế nào để gia đình được hòa hợp hơn?
Theo Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, một trong những bí kíp để có được cuộc sống hạnh phúc hơn là giao tiếp đúng cách.
Chúng ta giao tiếp với chính mình và với người khác qua 4 con đường giao tiếp của con người: Hành động, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ. Chúng ta sử dụng 4 con đường giao tiếp này để chữa lành khu vườn tâm trí của chính mình, để kết nối và chữa lành khu vườn tâm trí của những người thân yêu trong gia đình, để đồng hành và bồi đắp cho khu vườn tâm trí của con.
Tuy nhiên, khi chúng ta giao tiếp sai cách sẽ gây tổn thương cho chính mình và những người xung quanh. Ví dụ, khi con học được điểm kém, nhiều cha mẹ hay nói “sao kém thế”. Việc nói con những lời như thế sâu thẳm trong chúng ta mong muốn con chăm chỉ học hành để đạt được kết quả tốt hơn, có tương lai xán lạn hơn. Tuy nhiên, ba mẹ lại không nói rằng “lần sau con nên học hành chăm chỉ hơn để được điểm cao hơn” mà ba mẹ lại hay nói “sao con dốt vậy”.
Những hành động, lời nói không đúng với chủ đích của ba mẹ có thể khiến con hiểu sai rằng: Mình kém cỏi, mình làm sai, mình có lỗi, mình xấu, mình kém, mình làm cho bố mẹ thất vọng. Con sẽ không ngừng yêu thương bố mẹ nhưng con ngừng yêu thương chính bản thân mình. Ở mức độ cao, không yêu thương chính mình là không yêu thương mạng sống của mình.
Theo khoa học tâm trí, nghệ thuật giao tiếp ứng xử giữa con người với con người cần tuân thủ 2 nguyên tắc là thể hiện chính xác điều mình muốn và sử dụng ngôn từ tích cực. Giải pháp này không chỉ áp dụng cho con cái mà còn áp dụng cho bất kỳ một mối quan hệ nào trong cuộc sống để giúp bạn đạt được mục tiêu, ước muốn, khao khát của chính mình.
Đồng hành cùng ước mơ của con
Khi ba mẹ có sự hiểu biết về sức khỏe tâm trí, ba mẹ có thể sử dụng những kiến thức đó để đồng hành cùng ước mơ, khao khát của con, thúc đẩy con phát triển, bộ lộ những khả năng tiềm ẩn trong trẻ. Như vậy, trẻ sẽ dễ dàng đạt được thành công trong học tập và công việc sau này.
Khu vườn tâm trí của trẻ khi mới sinh ra rất đẹp, không có nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực, niềm tin giới hạn, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu. Bởi vậy, trẻ thường rất giàu năng lượng và có rất nhiều ý tưởng sáng tạo, hành vi tinh nghịch.
Tuy nhiên, trong quá trình trẻ lớn lên, cha mẹ và người thân xung quanh trẻ thường gieo cho trẻ những nỗi sợ khiến trẻ hình thành rác trong khu vườn tâm trí của mình. Ví dụ như khi trẻ leo cầu thang hay đứng lên một cái ghế cao, người lớn nhìn thấy nguy hiểm thường hét lên, mắng trẻ, đánh trẻ… khiến trẻ hình thành nỗi sợ.
Hay các bạn trẻ con thường có ước mơ trở thành các nhân vật siêu nhân để giải cứu thế giới và có những hành động khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội nên nhiều bố mẹ thường có hành động quát, mắng, phủ nhận ước mơ của con. Điều này làm ước mơ của con nhỏ đi, khao khát của con bớt rực cháy, niềm tin giới hạn của con tăng lên. Hay mỗi lần bố mẹ nói dối, phủ nhận quan điểm sẽ làm cho con bối rối, mâu thuẫn nội tâm.
Dần dần những sự kiện như vậy sẽ khiến trẻ có thêm nhiều rác trong khu vườn tâm trí và đến một ngày nào đó, vấn đề của trẻ có thể bùng lên thành trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, thậm chí là nghĩ đến tự tử.
Thực tế hiện nay, trầm cảm học đường đang có xu hướng gia tăng và đáng bạo động. Số người tử tử do trầm cảm ở Việt Nam mỗi năm còn lớn hơn gấp 3-4 lần số người tử vong do tai nạn giao thông. Và thỉnh thoảng chúng ta cũng đọc được những thông tin không vui trên mạng về những vụ trẻ tự tử. Hay ở Nhật, một đất nước luôn khiến chúng ta ngưỡng mộ, khao khát về sự sạch đẹp, kỷ luật, chất lượng cuộc sống của con người nhưng lại là quốc gia có số người tự tử lớn nhất. Bởi vậy, nếu trẻ có biểu hiện về sức khỏe tâm trí, cha mẹ cần sớm chữa lành cho trẻ để tránh những nguy cơ về sau.
Nhiều nhà khoa học đã rằng nếu từ 0 – 7 tuổi, trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường tích cực, chỉ tập trung vào ước mơ, khao khát, lớn lên các bạn trẻ sẽ là những thiên tài.
Nếu chúng ta nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương vô điều kiện, trẻ sẽ có một khu vườn tâm trí đẹp, không rác. Khi đó, chúng ta không cần chữa lành cho trẻ mà chỉ cần đồng hành với ước mơ, mục tiêu, khát khao của trẻ để hỗ trợ, thúc đẩy con phát triển.
Nếu con ước mơ là siêu nhân, bạn hãy thử hỏi trẻ xem tại sao trẻ muốn như vậy, hãy thử nghĩ xem đằng sau ước mơ đó là ước mơ, khao khát gì?
Tập trung vào hiện tại – Bí quyết để cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn
Có rất nhiều người thường vướng vào những chuyện trong quá khứ mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Hay như chúng ta thường nghĩ quá nhiều việc trong một lúc làm rối loạn hoạt động của não bộ khiến đầu óc khó tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và nhiều cơ chế tự động của cơ thể. Ví dụ như hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn… Một số người thường thở sai cách: Khi hít vào bụng xẹp xuống, thở ra bụng lại phồng lên. Hít thở đúng cách là hít vào bụng phồng ra, thở ra bụng xẹp lại giống như các bạn trẻ con lúc mới sinh ra vậy.
Bởi vậy, chúng ta nên tập trung vào hiện tại. Hiện tại là hạt giống để cho quả trong tương lai. Quá khứ đi qua rồi, muốn cuộc sống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ quá khứ thì hiện tại chúng ta phải chuyển hóa nó. Muốn có cuộc sống tốt đẹp trong tương lai thì hiện tại chúng ta phải hành động điều tốt đẹp. Những gì nhận ở hiện tại là từ quá khứ. Những gì chúng ta nhận được ở tương lai là từ hiện tại được gieo hạt.
Sống với hiện tại cũng có nghĩa rằng, chúng ta cần làm tập trung cho một công việc mà thôi. Nếu chúng ta đi làm, hãy gác lại những công việc nhà. Nếu chúng ta dành thời gian cho gia đình, hãy gác lại những công việc ở cơ quan. Người quan trọng nhất là người bên cạnh mình. Việc quan trọng nhất là làm cho người bên cạnh mình hạnh phúc. Tập trung vào thời gian hiện tại sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc và thành công hơn, biết cân bằng cuộc sống của mình. Đặc biệt là các chị em phụ nữ có gia đình, gánh vác trên vai nhiều trách nhiệm khiến họ đôi khi cảm thấy mình phải lựa chọn giữa công việc và gia đình.
Chương trình tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp. Những hướng dẫn của Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến không chỉ áp dụng trong các vấn đề liên quan đến dịch bệnh mà còn áp dụng trong bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Đó là những kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm trí cơ bản để giúp chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc, bình an và thành công hơn. Tất nhiên, bất cứ một giải pháp nào cũng đều cần chúng ta thực hành đều đặn, thường xuyên và đúng cách mới có thể mang lại những giá trị thực sự cho cuộc sống của mình.
Xem thêm video Tọa đàm “Sự ảnh hưởng của Covid đến sức khỏe con người” tại Doanh nghiệp Hà Nội:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!