Tổng kết trị liệu nhóm số 36: “Cân bằng sức khoẻ hậu Covid”
Trong chương trình trị liệu nhóm số 36, chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã chia sẻ đến các thành viên các quy trình, giải pháp để nâng cao sức khỏe hậu Covid và hỗ trợ các vấn đề hậu Covid mà thành viên tham gia đang gặp phải.
Thời gian vừa qua, di chứng hậu Covid đã trở thành vấn đề nóng hổi được nhiều người quan tâm. Sau khi nhiễm Covid, ai cũng muốn nhanh chóng hồi phục sức khỏe để quay lại guồng công việc, học tập và sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, có những người có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe thoát ra khỏi vấn đề hậu Covid nhưng có những người vẫn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bồn chồn, mất ngủ, khó tập trung… Bên cạnh một sức khỏe nền tảng tốt, chúng ta còn cần phải tư duy, niềm tin và tinh thần đúng đắn về vấn đề này.
Tâm trí và cơ thể là một. Tâm trí là người ra quyết định hành động và cơ thể là người thực thi. Bởi vậy, để có được những hành vi đúng đắn cho bất kỳ một vấn đề gì đó trong cuộc sống, chúng ta cần có chăm sóc tâm trí của mình.
Vấn đề hậu covid cũng như vậy. Khi chúng ta luôn tập trung suy nghĩ, cảm xúc vào vấn đề cơ thể mệt mỏi thì chúng ta sẽ có những hành vi tương ứng: Thường xuyên kêu than về vấn đề mệt mỏi, lấy nó làm lý do để chúng ta không tham gia vào một số hoạt động thường ngày như làm việc, học tập, tập thể dục, hòa mình với thiên nhiên, giao tiếp với xã hội xung quanh… đúng như quy luật trong ngoài “cái gì có ở trong đầu thì sẽ có ở trên tay”. Và khi ý thức của chúng ta tập trung vào các vấn đề hậu Covid thì vô thức sẽ nhiệm vụ để hưởng ứng quyết định của ý thức và thu hút đến cuộc sống của bạn những điều tiêu cực tương tự. Như vậy, vô hình chung, chúng ta đang làm vấn đề của mình trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không để ý đến vấn đề hậu Covid trên cơ thể mình nữa. Sau một trận ốm, cơ thể có nhiều chỗ không ổn là chuyện bình thường. Chúng ta hãy chấp nhận điều đó, bình an với nó và hiểu rằng chúng ta phải có giải pháp phù hợp cho vấn đề này thay vì cứ lo nghĩ thái quá, tìm hiểu các thông tin đầy tiêu cực trên mạng. Hãy tập lắng nghe cơ thể mình.
Hậu Covid ở mỗi người mỗi khác. Những bộ phận, cơ quan trên cơ thể đang mệt mỏi, đang gặp vấn đề hậu Covid là những cơ quan mà chúng ta chưa được chăm sóc tốt. Nó đang phát ra tín hiệu để chúng ta hiểu và quay lại chăm sóc cơ thể mình.
Mất ngủ hậu Covid thường đến từ những lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, hoảng loạn, suy nghĩ không tích cực từ sự xuất hiện của Covid cộng với những lo toan đã có sẵn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Khi chúng ta bình an với vấn đề mất ngủ, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn là chúng ta tập trung vào vấn đề mình bị hậu Covid, bị mất ngủ, người mệt mỏi, khó chịu, làm việc không hiệu quả rồi lo lắng rằng không biết bao giờ mới hết, tối nay có bị mất ngủ nữa không. Khi chúng ta có những mối lo lắng như vậy thì một vòng lặp mất ngủ nữa lại xuất hiện và chúng dần dần mở rộng khả năng ảnh hưởng đến bản thân bạn nhiều hơn.
Trước khi đi ngủ, hãy dừng sử dụng thiết bị điện tử trước ít nhất 30 phút để tâm tĩnh và thư giãn đầu óc. Việc sử dụng thiết bị di động trước khi ngủ có thể khiến bạn gặp những thông tin không phù hợp đẩy cảm xúc tiêu cực, căng thẳng hoặc phấn khích lên, điều này khiến bạn trở nên khó ngủ hơn. Thay vào đó, hãy nhắm mắt và nghĩ đến những điều tốt đẹp mà mình đã làm. Hãy tự nói với bản thân mình rằng: “Bây giờ tôi đi ngủ, 5 phút nữa tôi chìm vào giấc ngủ và tất cả mọi ý nghĩ hãy ra khỏi đầu tôi” hoặc đơn giản là nghe một chút nhạc nhẹ, nhạc thiền.
Để có được sức khỏe tốt hơn sau khi nhiễm Covid, chúng ta nên:
- Tập thở sâu mỗi ngày. Chúng ta có thể tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc tập thở theo yoga, thiền… Tập thể không chỉ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hụt hơi mà còn giúp các cơ quan, bộ phận trong cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy, đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ thể.
- Dậy sớm, tập thể dục nhẹ nhàng và nâng dần mức độ, cường độ tập thể dục lên. Đơn giản nhất là tập đi bộ sau đó chuyển qua tập chạy bền. Ngoài ra, bạn có thể tập khí công, yoga, tabata… Người ta thường nói rằng cái gì tập trung cái đấy mở rộng, cái gì vận động cái đấy phát triển. Cơ thể con người là một cỗ máy siêu thông minh. Khi chúng ta vận động cơ thể, các cơ quan trong cơ thể được vận động và sử dụng đúng cách, mọi thứ sẽ dần dần trở nên ổn hơn.
- Dinh dưỡng: Ăn đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cơ thể phục hồi nhanh chóng. Việc ăn đồ bổ cũng cần có sự cân bằng và hợp lý với cơ quan tiêu hóa và hấp thu trong cơ thể. Hãy lắng nghe cơ thể mình để có điều chỉnh hợp lý. Ưu tiên các sản phẩm thiên nhiên thay vì các sản phẩm thuốc.
- Uống nhiều nước.
- Suy nghĩ tích cực để kích hoạt năng lượng cho toàn bộ cơ quan trong cơ thể. Thay vì suy nghĩ “sao hôm nay mệt thế” hãy nghĩ “sao hôm nay người không khỏe lắm”. Sử dụng ngôn từ để giao tiếp với cơ thể đúng cách sẽ tạo ra những năng lượng tích cực cho cơ thể.
- Thiền: Thiền giúp bạn tĩnh tâm, tránh suy nghĩ tiêu cực, giúp bạn ngủ ngon hơn, kết nối với vô thức bên trong, tập thở đúng cách… Có rất nhiều kiểu thiền khác nhau để bạn chọn lựa bài tập phù hợp với mình như thiền tĩnh, thiền động, thiền hành…
- Nghe/đọc Ho’oponopono để chữa lành những tổn thương và làm sạch suy nghĩ của mình.
Sự xuất hiện của Covid trên trái đất là điều không ai mong muốn nhưng Covid cũng mang đến những thông điệp, cảnh báo, bài học riêng cho mỗi người. Bởi vậy, chúng ta cần phải quan sát bản thân mình để nhận ra những thông điệp, những góc nhìn tích cực từ Covid. Đối với nhiều người, Covid đem đến cảnh báo về vấn đề chăm sóc sức khỏe của mình.
Chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Thời gian nhiễm Covid là khoảng thời gian mà Hà cho phép mình sống chậm, có thời gian để chăm sóc bản thân mình và chăm sóc cho gia đình được tốt hơn”.
Còn bạn, Covid mang đến cho bạn thông điệp gì, bài học gì và làm thế nào để vấn đề đó được tốt hơn? Nếu bạn chưa nhận ra, hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình nhé. Và thay vì trách móc cơ thể mình, hãy học cách yêu thương và biết ơn cơ thể mình.
Sức khỏe tổng thể của con người được hình thành từ 3 khía cạnh Tâm Thân Trí. Theo các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe tâm trí, tâm lý học cho rằng, sức khỏe tâm trí quyết định 80% sức khỏe tổng thể của con người, 20% còn lại đến từ dinh dưỡng và tập thể dục. Bởi vậy, chúng ta hãy dành thời gian để chăm sóc sức khỏe hậu Covid cho chính mình nhé.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!