Tổng kết trị liệu nhóm số 41: Kết nối người thân trong gia đình thông qua năm ngôn ngữ yêu thương
Thông qua quy trình chữa lành và bài test dành cho mối quan hệ vợ chồng, chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm đã giúp cho các thành viên nhìn nhận lại mối quan hệ của mình với người (đã từng là) bạn đời. Điều gì đã khiến cho họ hòa hợp, điều gì đã khiến cho họ có những mâu thuẫn, tổn thương trong mối quan hệ đó. Đặc biệt, các thành viên tham gia còn được thực hiện quy trình chữa lành mối quan hệ.
Chữa lành mối quan hệ với cha mẹ
Trong quá trình trưởng thành và lớn lên (0 – 21 tuổi), hầu hết chúng ta đều có những tổn thương, cảm xúc mà nó còn lưu lại bên trong vô thức của chúng ta. Tâm trí của con người gồm có 3 phần ý thức, vô thức và trường năng lượng. Tâm trí giống như một khu vườn, trong đó có cả những điều tốt đẹp là những cây tích cực, ra hoa thơm kết trái ngọt, và nhưng điều tiêu cực giống như cỏ, rác, cây độc trong khu vườn của chúng ta.
Nếu chúng ta không dọn dẹp, không tìm cách chuyển hóa thì rác, cỏ, cây độc vẫn còn đó, thậm chí là còn phát triển mạnh hơn. Có nghĩa là những đau khổ, tổn thương trong quá khứ sẽ được lưu lại trong vô thức. Nó có thể chi phối cảm xúc, suy nghĩ, hành động của chúng ta khi chúng ta gặp những sự kiện tương tự trong tương lai. Và những sự kiện này tiếp tục được xếp chồng chất trong vô thức.
Những điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chất lượng mối quan hệ, khả năng học tập và làm việc của con người. Tuy nhiên, người nào can đảm đối diện với góc khuất bên trong của mình, dám đối diện với những tổn thương, yếu đuối của mình thì sẽ có sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa có thể là từ chính mình hoặc nhờ sự đồng hành giúp đỡ của người thân hoặc các quy trình chữa lành được hướng dẫn bởi các chuyên gia tâm lý trị liệu.
Sự chữa lành là một quá trình kiên trì và đều đặn. Theo nghiên cứu về khoa học tâm trí, quy trình chữa lành cần thực hiện tối thiểu 25 lần với những tổn thương nhẹ, nặng hơn có thể là 50 lần – 100 lần – hoặc nhiều hơn nữa.
Trong quá trình học tập, nghiên cứu và trị liệu, chuyên gia Cao Kim Thắm nhận ra mối quan hệ cần chữa lành nhiều nhất chính là mối quan hệ giữa khách hàng và ba mẹ của họ. Nếu ba mẹ vẫn hiện diện trong cuộc đời này thì sự chữa lành đó sẽ giúp cho khách hàng cải thiện mối quan hệ với ba mẹ và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, nếu cha/mẹ của khách hàng đã không còn trên cuộc đời này thì sự chữa lành có thể thực hiện được không, có cần thiết phải thực hiện không vì có nhiều người cho rằng, những sự việc trong quá khứ đã qua lâu rồi. Theo chuyên gia tâm lý Cao Kim Thắm, những tổn thương đó vẫn tồn tại trong vô thức và điều quan trọng hơn là chữa lành để chuyển hóa những đau khổ, tổn thương cho người “ở lại” có được cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Hay trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ba mẹ thường đặt ra quá nhiều kỳ vọng với con trẻ, áp đặt và đi sâu sát quá vào những vấn đề riêng tư, quyền lựa chọn của con. Điều này khiến cho con trẻ cảm thấy không lắng nghe, không tôn trọng mình, bị áp đặt và quản lý quá nhiều và không có được sự tin tưởng ba mẹ.
Hiện nay, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam tiếp nhận rất nhiều các bạn đang học cấp 2, cấp 3 đến trị liệu. Ở độ tuổi này, trẻ mong muốn ba mẹ xem mình như một người trưởng thành, được lắng nghe, được chia sẻ và được tôn trọng mình nhưng trong mắt ba mẹ dù con có bao nhiêu tuổi thì con vẫn nhỏ. Đó là lý do vì sao chưa có sự thấu hiểu giữa hai bên, chưa có đứng được ở góc nhìn của nhau để thấu hiểu đối phương. Nếu ngẫm lại câu chuyện con thỏ đi câu cá thì ba mẹ có thể điều chỉnh lại chính mình để thay đổi vấn đề.
Trị liệu nhóm tuy không chuyên biệt cho từng vấn đề của từng người như trị liệu 1 chuyên gia : 1 khách hàng nhưng khi chuyên gia giải quyết vấn đề cho một người trong chương trình trị liệu nhóm thì các thành viên khác cũng có thể chữa lành. Chúng ta có thể nhìn thấy những điểm chung trong vấn đề của người khác với vấn đề của mình hay học những bài học từ câu chuyện của người khác. Sự cộng hưởng này sẽ giúp cho những người tham gia đều được hưởng lợi từ việc chữa lành.
Bạn chọn đúng hay chọn hạnh phúc?
Người ta thường nói rằng: “Khi móng tay dài chúng ta cắt móng tay chứ không cắt ngón tay, cũng như khi hiểu lầm hãy cắt bớt cái tôi chứ đừng cắt đứt mối quan hệ”. Câu nói này ẩn ý rằng, thường trong một mối quan hệ, nếu có hiểu lầm, chúng ta thường tức giận và đổ lỗi cho người kia. Điều này có thể khiến cho mối quan hệ đang tốt đẹp của mình trở nên xấu hơn, có nhiều mâu thuẫn hoặc mất đi mối quan hệ đó trong khi chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi vấn đề khi chúng ta quay vào bên trong để nhìn nhận lại chính mình.
Khi một mối quan hệ xảy ra vấn đề thì nguyên nhân thường đến từ hai phía, có thể ít hoặc nhiều. Bởi vậy, hãy tự vấn bản thân xem chúng ta có làm điều gì khiến cho người khác tổn thương hay không, mình thực sự mong muốn điều gì, có phải chúng ta đang ép họ làm điều mà mình muốn chứ không phải điều họ muốn không? Bản thân có thể tự hỏi rằng: “Bạn chọn đúng hay chọn hạnh phúc?”. Nếu như chúng ta cãi đúng sai với nhau, phân định thắng thua với nhau thì mối quan hệ này sẽ như thế nào, được gì và mất gì. Việc phân định đúng sai, thắng thua đó có phải là điều chúng ta cần không? Hay việc chúng ta cần là làm thế nào để mối quan hệ này nó trở nên tốt đẹp hơn mới thực sự cần. Hãy tìm hiểu xem người thân của mình thực sự cần điều gì và mình trao cho họ điều họ muốn.
Tại sao trong mối quan hệ của mình thường có mâu thuẫn xảy ra, đôi khi vì ngôn ngữ yêu thương của mỗi người khác nhau và chúng ta chưa thực sự hiểu được nhu cầu của người kia là gì? Một người thích được khen ngợi sống với người mà toàn thích chê thì người có nhu cầu khen ngợi sẽ luôn cảm thấy buồn, thiếu gì đó. Một cô gái thích thời gian chia sẻ nhưng anh người yêu suốt ngày bận rộn, lúc cô ấy cần thì không ở bên thì một thời gian sau cô cảm thấy anh người yêu này hết yêu mình rồi, bên trong tổn thương, giận hờn và muốn nói lời chia tay.
Thật tuyệt vời nếu điều mình muốn và điều họ muốn nó trùng khớp với nhau nhưng điều đó không có nhiều. Và thường sở thích, mong muốn của đôi bên sẽ không giống nhau. Hoặc là đôi khi chúng ta dùng sở thích của mình để bắt người khác làm theo ý mình chứ chưa hỏi sở thích của họ là gì.
Trong mối quan hệ, người ta thường nói rằng một người cộng một người không phải bằng hai mà bằng một. Vì khi 2 người kết hợp lại với nhau, mỗi người bỏ bớt một nửa bản ngã, một nửa cái tôi của mình đi để dung hòa lại trong mối quan hệ. Đó là việc mà chúng ta nên làm để mối quan hệ đó trở nên hòa hợp hơn. Trong một mối quan hệ, ai cũng có ưu điểm, nhược điểm, có điểm cộng, điểm trừ nên chúng ta hãy đặt mong muốn lên và bỏ bớt những cái tôi, bản ngã của mình xuống để có thể giúp cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu như một ngày nào, chúng ta nghĩ về một người từng làm tổn thương mình trong quá khứ, chúng ta có thể tha thứ được cho họ, có thể nhìn thấy nguyên nhân vì sao mối quan hệ đó có kết quả như vậy thì chúng ta đã học được bài học cho chính mình và được chữa lành phần nào đó. Bài học sẽ giúp ta chỉnh sửa bản thân và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình để có được mối quan hệ tốt hơn trong tương lai vì bản thân mình xứng đáng được như vậy.
Đó cũng chính là mong muốn của chuyên gia Cao Kim Thắm khi thực hiện chuỗi chương trình trị liệu nhóm về năm ngôn ngữ yêu thương. Chương trình trị liệu nhóm số 42 sẽ tiếp tục chia sẻ về cách ứng dụng 5 ngôn ngữ yêu thương để có mối quan hệ tốt đẹp với sự tham gia của 3 chuyên gia tâm lý trị liệu của NHC Việt Nam để giúp các thành viên có bài học, góc nhìn, giải pháp đa dạng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!