Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 04: Vượt qua trầm cảm
Đến với buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 4 với chủ đề “Vượt qua trầm cảm” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà, các khách hàng đã có thêm những góc nhìn mới về nguyên nhân gây ra trầm cảm và những phương pháp để vượt qua những vấn đề của mình.
Trầm cảm đến từ đâu
Chuyên gia tâm lý cho rằng, hầu hết những trường hợp trầm cảm đều bắt nguồn từ sự mất kết nối.
Mất kết nối căn bản nhất và thường gặp ở những người trầm cảm là sự mất kết nối với bản thân, hay chính xác hơn, là sự mất kết nối giữa chính mình và vô thức, giữa nội tâm và con người bên ngoài của mình. Thiếu đi sự kết nối ấy, ta không hiểu được những mong muốn của bản thân, không biết được bản chất và vai trò của mình, và điều ấy dẫn đến những mâu thuẫn nội tâm, mất đi sự kiểm soát cảm xúc và tâm trạng trong mỗi chúng ta.
Một mối kết nối quan trọng khác mà khi thiếu đi cũng sẽ đẩy chúng ta vào trầm cảm là với những người xung quanh. Khi ấy, những người trầm cảm sẽ gặp những vấn đề với các mối quan hệ của mình. Họ sẽ cảm thấy mình cô độc trên thế giới này, và không cảm nhận được tình yêu thương, quan tâm và chăm sóc từ những người thân thích. Sự mất kết nối này có thể bắt nguồn từ chính sự mất kết nối với bản thân dẫn tới không hiểu được mong muốn bản thân, hoặc từ việc thiếu giao tiếp hiệu quả, tôn trọng giữa mỗi người với nhau.
Ở trẻ em, môi trường gia đình và nhà trường có thể gây ra sự mất kết nối này. Có thể đó là vì cha mẹ, thầy cô – những người có vai trò đem lại cho con trẻ tình yêu thương, sự dẫn dắt và sự bảo vệ – không hiểu được rõ khi con trẻ gặp những vấn đề từ bạn bè như bị bắt nạt, bị cô lập, hay đơn giản hơn như không được giáo dục theo cách mà chúng có thể hiểu. Thiếu đi sự thấu hiểu, cảm thông và hướng dẫn, trẻ em có thể sẽ giải quyết vấn đề của mình theo những cách không phù hợp, hoặc kìm nén và giao tiếp với những người lớn tuổi. Bên cạnh đó, trẻ có thể vì mong muốn được yêu thương, được bảo vệ, được quan tâm từ người thân, bạn bè mà học cách chiều lòng người khác, lâu dài dẫn tới việc mất tiếng nói bản thân, không quyết đoán, không có mục tiêu và không đấu tranh cho bản thân mình, rốt cục sẽ mất đi sự kết nối với bản thân.
Khi rời ghế nhà trường, trầm cảm có thể bắt rễ ở mỗi người do sự mất kết nối với công việc. Sự mất kết nối này có thể là từ những bất đồng với đồng nghiệp, hoặc có thể do bản thân công việc không khiến bản thân mình tìm được ý nghĩa. Công việc, nếu không cho ta cơ hội tìm hiểu cái mới, không có lộ trình thăng tiến rõ ràng, có thể khiến mỗi người bị cô lập khỏi chính việc mình làm. Nếu như ngành nghề có tính đặc thù, khó có thể linh hoạt thay đổi, hoặc nếu tài chính không cho phép, bị lệ thuộc và mắc kẹt trong công việc không khiến mình hứng thú có thể làm cho nhiều người bị rơi vào trầm cảm. Đồng thời, nếu chúng ta không lựa chọn công việc theo sở thích, đam mê của mình mà vì lý do bên ngoài (làm hài lòng phụ huynh, thu nhập cao,…) chúng ta sẽ còn có thể bị mất kết nối với những giá trị có ý nghĩa với bản thân – một tác nhân gây trầm cảm khác.
Thêm nữa, sự mất kết nối với xã hội và thiên nhiên là những tác dụng phụ đáng tiếc của sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại. Mỗi cá nhân là một thành phần tất yếu trong xã hội, nên trầm cảm còn có thể đến từ sự mất kết nối với vị trí xã hội. Con người vốn là loài động vật xã hội, một bản năng bắt nguồn từ thời nguyên thủy xa xưa. Do vậy, việc bị coi thường, khinh bỉ, hoặc thậm chí cô lập khỏi tập thể, môi trường mình sinh sống có thể để lại nhiều hệ lụy tới những quyền lợi cơ bản cá nhân, sự phát triển của bản thân, và đương nhiên, tới tâm lý của những ai bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, vốn là một loài động vật, con người có mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên. Trái với sự phát triển nhanh của công nghệ và đô thị hóa, não bộ chúng ta chưa kịp tiến hóa để thích nghi với môi trường xa rời tự nhiên, và do vậy sự mất kết nối với thiên nhiên cũng có thể là tác nhân gây ra trầm cảm.
Ngoài sự mất kết nối, còn có những nguyên nhân quan trọng khác có thể ảnh hưởng tới việc một người bị trầm cảm. Với rất nhiều trường hợp, đó là những sang chấn, tổn thương tâm lý, phần lớn xảy ra trong quá trình trưởng thành. Những chấn thương đó có thể ảnh hưởng tới tư duy, suy nghĩ và hành vi của mỗi người, khiến họ không tìm được cách thoát khỏi trầm cảm.
Ngoài ra, di truyền có thể đóng vai trò lớn tới khả năng gặp trầm cảm – đã có những nghiên cứu chỉ ra ở những gia đình có bố hoặc mẹ bị trầm cảm, xác suất con gặp trầm cảm cao hơn những gia đình khác.
Chúng ta cần hiểu được những nguyên nhân gây trầm cảm mới có thể tìm cách hóa giải những vấn đề của mình.
Phương pháp vượt qua trầm cảm
Nếu như nguyên nhân lớn nhất của trầm cảm bắt nguồn từ sự mất kết nối, để vượt qua trầm cảm, ta cần có những phương pháp để tái kết nối.
Quan trọng nhất, chúng ta cần phải tìm cách kết nối lại với bản thân. Chuyên gia tâm lý cho biết, thực chất sự kết nối này là kết nối với vô thức của chúng ta. Chúng ta cần có sự giao tiếp tốt hơn giữa ý thức và vô thức của mình để có được sự bình an trong tâm trí mình, và từ đó nhìn nhận thế giới, sự việc bên ngoài bình yên hơn.
Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà:
Các sự kiện trong cuộc sống chúng ta thực chất là phản ánh từ bên trong nội tâm mỗi người. Giống như việc khi ta mang cặp kính đen, ta sẽ nhìn mọi vật với sắc màu xám xịt. Khi ấy, ta cần đổi màu kính để có cái nhìn thông suốt hơn. Ta cần thay đổi cái nhìn, thay đổi tư duy, để ta có thể tập trung vào giải pháp cho những vấn đề đang có thay vì triền miên đắm chìm trong nó.
Ta cần học cách trân trọng, yêu thương bản thân mình trước tiên, thay vì phụ thuộc vào người khác để có thể chấp nhận bản thân. Cần hiểu rằng vô thức sẽ xâu chuỗi các sự kiện cũ trong cuộc đời, và vì vậy nếu ta không biết cách giúp cho ý thức ra mệnh lệnh đúng cho vô thức, ta sẽ phản ứng với với những sự kiện mới theo những cách không ổn, khiến ta lẩn quẩn trong một vòng lặp trầm cảm. Master Coach khuyên rằng, sự kiện trong quá khứ không thể thay đổi được, nhưng ta có thể thay đổi cách nhìn nhận chúng. Hãy biết ơn những bài học mà chúng đem lại, và làm chủ suy nghĩ của mình, tránh đặt mình vào thế thụ động, nạn nhân.
Mỗi người cần có nhận thức về vấn đề bản thân, và thiết lập lại tư duy của mình để có thể kết nối với những yếu tố khác trong môi trường xung quanh. Với những người xung quanh trong gia đình, công sở, ta cần cố gắng không thu mình và giao tiếp với họ với sự đồng cảm và thấu hiểu. Ta cần biết dành thời gian để tái kết nối với thiên nhiên khi ta xa chúng quá lâu. Sau mỗi lần tái kết nối với thiên nhiên, khi quay về cuộc sống bình thường, ta cần có sự quan sát – quan sát bản thân, quan sát những người xung quanh.
Sau khi đã cải thiện được bản thân, tạo dựng được mối quan hệ tốt với những người mình tiếp xúc hàng ngày, ta dần dần trở thành một phần của tập thể, của cộng đồng thay vì đứng một mình. Chuyên gia tâm lý tin rằng, khi tham gia vào cộng đồng, đóng góp cho nơi mình thuộc về, ta sẽ có thể kết nối lại với những giá trị mà ta trân trọng, nắm giữ, giúp ta tìm được thêm ý nghĩa trong cuộc đời mình và mục tiêu, động lực sống.
Không chỉ vậy, đối với sự nghiệp, hành vi của mình, mỗi cá nhân cần học cách tôn trọng cảm xúc, mong muốn của bản thân. Ta nên làm những gì mình đam mê, để thấy được lộ trình phát triển trong tương lai. Khi ta làm vì chính bản thân mình, làm những việc mình cảm thấy có ý nghĩa, không chỉ ta có thêm động lực để đạt kết quả cao, ta còn có thể đem lại giúp đỡ cho người khác. Như chuyên gia tâm lý chia sẻ, việc giúp ai hạnh phúc cũng sẽ khiến mình hạnh phúc.
Đương nhiên, trong suốt chiều dài cuộc đời, khó có thể tránh được những tổn thương. Master Coach khuyên rằng, thay vì chối bỏ, cố gắng đeo một mặt nạ tích cực, ta nên chấp nhận những tổn thương trong ta. Ta cũng không nên đổ lỗi, mà hành nhận trách nhiệm cho bản thân mình, và thay đổi suy nghĩ hiện tại. Đó là những việc làm cần thiết để rèn luyện bản thân đón nhận những thách thức trong tương lai. Hãy học cách tha thứ cho chính mình, cũng như người làm tổn thương mình.
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý cho rằng, một phương pháp quan trọng để vượt qua trầm cảm là vượt qua tính vị kỷ. Hãy vượt lên nhưng tư lợi cá nhân, vì nếu ta coi trọng vật chất, sau khi đạt được mục tiêu đó, ý nghĩa sống lại dần mất đi. Khi những duy vật không còn có ý nghĩa nữa, chúng ta sẽ mất phương hướng và rơi vào trầm cảm. Ngược lại, nếu học được cách cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, ta sẽ luôn có sứ mệnh, mục đích sống. Và ta sẽ luôn biết mình đang trên hành trình tiến tới mục đích đó, bất kể hành trình ra sao, có nhanh hay chậm.
Buổi trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 04 diễn ra vào ngày 30/7/2022 đã giúp các khách hàng hiểu được phần nào những nguyên nhân gây ra trầm cảm, và tiếp thêm những động lực và công cụ để vượt qua chúng. Đã có những khách hàng chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc của mình trong quá trình đồng hành cùng Tâm lý trị liệu NHC, giúp những người xung quanh thêm hiểu biết và đồng cảm với hành trình vượt qua trầm cảm của họ. Tuy trải nghiệm với trầm cảm mỗi người một khác nhau, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam mong rằng những buổi trị liệu nhóm này sẽ giúp các khách hàng có thêm kiến thức và hành trang để vượt qua vấn đề của mình, có thêm cơ hội để chia sẻ và giúp đỡ những người chung hoàn cảnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!