Tổng kết Zoom Meeting số 3: Quản lý cuộc hội thoại bên trong
Nằm trong chuỗi chương trình “21 ngày tự chữa lành và gieo trồng hạnh phúc”, chương trình Zoom Meeting số 3 với chủ đề “Quản lý cuộc hội thoại bên trong” diễn ra vào ngày 8/8/2022 do chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Kiều chia sẻ đã mang đến cho khách hàng những tư duy và phương pháp mới để lắng nghe tiếng nói bên trong của chính bản thân mình và điều chỉnh cuộc hội thoại đó.
Quản lý cuộc hội thoại bằng ngôn từ tích cực
Biết cách quản lý cuộc hội thoại bên trong giúp chúng ta nhận diện ra mình đang nghĩ gì về bản thân mình, đang giao tiếp với chính mình như thế nào, mình có cảm xúc gì hay đang mong cầu điều gì. Nói chúng, quản lý cuộc hội thoại giúp bạn thấu hiểu chính mình và có giải pháp phù hợp để dần dần điều chỉnh và quản lý cuộc hội thoại (cảm xúc, suy nghĩ) của mình. Khi chúng ta biết cách quản lý cuộc hội bên trong mình thì chúng ta cũng biết cách quản lý cuộc hội thoại của người khác về mình.
Khi nói bản thân mình khổ thì người khác cũng thấy bạn như vậy vì khi nói mình như thế nào thì cơ thể bạn cũng có phản ứng tương tự như vậy. Những người cảm thấy mình khổ thường kêu ca, than vãn để nhận được sự quan tâm, yêu thương từ người khác, để người khác hiểu mình nhưng thực ra, những người đó đôi khi không nhận được sự tôn trọng, không nhận được giải pháp phù hợp. Vậy thì than vãn có thực sự tốt cho chúng ta không?
Nếu như chúng ta bớt nói lại, lắng nghe và quan sát người khác nhiều hơn thì chúng ta sẽ có lời giải đáp cho chính mình. Người mà bạn quan sát có thể là người thân xung quanh mình cũng có thể là người lạ mà chúng ta thấy ở nơi mình đến. Hãy xem những người đang nói về những điều tích cực thì cảm xúc, nét mặt… của họ như thế nào. Và ngược lại, những người đang nói về những điều tiêu cực thì họ như thế nào?
Tất cả cảm xúc của chúng ta không hoàn toàn đến từ người khác. Bởi nếu người khác có thể làm bạn buồn thì khi họ bảo bạn vui, bạn có chắc rằng mình sẽ vui được không? Do đó, hãy chủ động làm chủ cuộc đời của mình, chịu trách nhiệm 100% cho những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, đứng đóng vai là nạn nhân. Đừng đưa ra lời khuyên cho người khác và cũng đừng đi xin lời khuyên của người khác. Bởi lời khuyên đôi khi là đúng nhưng đôi khi là sai. Khi lời khuyên không thể giúp ích cho chính mình hay người khác, chúng ta thường có chỗ để đổ thừa như kiểu “đáng lẽ ra tôi nên làm thế này mới phải…” hay trách móc người cho lời khuyên. Hãy tự đưa ra quyết định cho bản thân mình và bước hai chân vào quyết định đó, chịu trách nhiệm cho những gì mình đã ra quyết định và đã làm.
Khi quan sát thấy bản thân mình có những cảm xúc không tốt, hãy giao tiếp lại với chính mình ngôn từ tích cực. Ngôn từ có sức mạnh rất lớn. Nó có thể là động lực để tiếp thêm sức mạnh nhưng nó cũng có thể làm tụt ý chí phấn đầu của con người. Bởi vậy, thay vì chờ đợi người khác nói ra điều mình muốn nghe, hãy xây dựng cho mình sức mạnh tinh thần bằng việc giao tiếp tích cực với chính bản thân mình và người khác.
Bất cứ khi nào bạn có suy nghĩ hay lời nói tiêu cực, hãy giao tiếp lại với chính mình bằng những câu nói tích cực ở thể khẳng định. Ví dụ như “tôi dở lắm, tôi ngu lắm” sửa thành “tôi thông minh, tôi là con người tuyệt vời”. Nếu bạn chưa quen, bạn có thể thêm các từ: Có thể, không,… Chẳng hạn như “hôm nay tôi không được khỏe lắm”, “tôi có thể giải quyết được vấn đề này”, “tôi có thể có được cuộc sống bình an”, “tôi có thể có giải pháp tốt cho chính mình”… Nếu bạn vô tình có những trạng thái, cảm xúc không mong muốn từ một người khác, bạn cũng có thể sử dụng ngôn từ tích cực như vậy để giao tiếp lại với chính mình.
Ai cũng có nỗi đau và vấn đề của chính mình, có thể chúng ta không dễ để thoát ra khỏi vấn đề đó nhưng khi giao tiếp bằng những ngôn từ tích cực, bạn sẽ nhận được năng lượng tích cực. Nếu còn ở trong vấn đề đó, hãy hỏi chính mình, khi tôi như vậy, tôi nhận được lợi ích gì? Đó có thể là những lời hỏi thăm, động viên của người khác, đó có thể là sự bình yên cho chính bạn… Nếu bạn có câu trả lời, bạn sẽ tìm được những giải pháp khác để thay thế cho vấn đề hiện tại.
Giúp đỡ người khác là cách tốt để giảm căng thẳng và vui vẻ, bình an hơn
Chúng ta thường nghĩ rằng, căng thẳng – stress khiến bản thân mình gặp vấn đề tâm lý và sức khỏe yếu đi nhưng có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó là niềm tin tiêu cực khiến căng thẳng, stress ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người.
Kelly McGonigal, một nhà tâm lý học và giảng viên sức khỏe tại Đại học Stanford, đã làm một nghiên cứu ở 30.000 người trong vòng 8 năm với hai câu hỏi rằng: Trong năm vừa qua, bạn phải chịu đựng bao nhiêu stress và bạn có tin rằng stress có hại cho sức khỏe của bạn không? Kết quả cho thấy những người đã trải qua rất nhiều căng thẳng trong năm vừa qua có nguy cơ tử vong tăng 43% nhưng điều này chỉ đúng với những người tin rằng stress có hại cho sức khỏe của họ. Và những người trải qua rất nhiều stress nhưng lại không tin rằng stress có hại cho sức khỏe của họ thì có nguy cơ tử vong thấp nhất.
Điều này cho chúng ta thấy rằng niềm tin có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Nếu chúng ta nghĩ rằng stress là kẻ thù thì stress, căng thẳng sẽ thực sự gây ảnh hưởng đến bạn. Bởi vậy, thay đổi suy nghĩ của bản thân về stress, bạn có thể thay đổi cách cơ thể phản ứng với stress.
Nhà tâm lý học Kelly McGonigal cũng chỉ đưa ra một vài phương pháp để giúp bạn giảm stress và cảm thấy tốt hơn. Một trong những giải pháp đó chính là giúp đỡ người khác. Trong khoa học, việc giúp đỡ người khác giúp cơ thể sản sinh ra nhiều hơn những hóc môn hạnh phúc Oxytocin và làm bạn cảm thấy bình an, vui vẻ hơn, giúp cơ thể bạn phục hồi sau stress, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Bởi vậy, thay vì tập trung vào vấn đề khiến mình đang căng thẳng hãy thử hỏi người khác cần mình giúp gì không.
Điều này có thể khó tin vì một người đang stress, căng thẳng, mệt mỏi thì lấy đâu động lực, năng lượng để giúp đỡ người khác nhưng bạn có quyền lựa chọn, một là giúp người khác để bản thân bình an và giảm stress, căng thẳng, hai là tiếp tục kêu than với người khác về vấn đề của mình và chờ đợi sự giúp đỡ, quan tâm từ người khác. Và nếu họ không quan tâm, không giúp đỡn, bạn sẽ lại thêm những cảm xúc xấu.
Những chia sẻ từ chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Kiều trong chương trình Zoom Meeting số 3 “Quản lý cuộc hội thoại bên trong” đã giúp các thành viên có thêm góc nhìn, bài học tích cực và giải pháp mới cho vấn đề của chính mình. Chương trình cũng nhận được sự tương tác, hỏi đáp sôi nổi từ các thành viên tham gia. Hy vọng những kiến thức trong chương trình và những chia sẻ của chuyên gia Trần Thị Kiều đã giúp các thành viên bình an hơn mỗi ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!