Bạo lực học đường và những điều cha mẹ cần biết để bảo vệ con
Bạo lực học đường dễ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, sợ đến trường, ảnh hưởng tới kết quả học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạo lực học đường có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau và không phân biệt vùng miền. Việc chủ động tìm hiểu bạo lực học đường là cách tốt để cha mẹ đồng hành cùng con trong suốt quãng đường học sinh tươi đẹp.
Bạo lực học đường thường xảy ra ở lứa tuổi 8 – 15.
Thực trạng bạo lực học đường
Theo một thống kê của tổ chức Unicef về bạo lực học đường (số liệu được cập nhật tháng 9 năm 2020).
- Trên toàn cầu, một nửa số học sinh trong độ tuổi 13–15 – khoảng 150 triệu em – cho biết đã từng bị bạo lực giữa bạn bè và bạn bè trong và xung quanh trường học.
- Có một phần ba học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 bị bắt nạt, và tỷ lệ tương tự có tham gia vào các cuộc ẩu đả về thể xác.
- Khoảng 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia mà chúng không được pháp luật bảo vệ đầy đủ khỏi các hình phạt nhục hình ở trường học.
Ở Việt Nam, tuy chưa có những con số thống kế đầy đủ và cụ thể qua từng giai đoạn nhưng không khó để tìm thấy những bài báo có liên quan đến bạo lực học đường trên các trang báo điện tử, mạng xã hội với hình thức ngày càng mạnh bạo và tinh vi hơn.
Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của internet giúp vừa làm sáng tỏ hơn tình trạng bạo lực học đường hiện nay nhưng nó cũng hình thành một kiểu bạo lực học đường mới.
Bạo lực học đường không chỉ gây ra những đau đớn về thể xác, ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh, thậm chí là đối mặt với cái chết.
Bài đăng trên báo điện tử laodong.vn ngày 1/4/2021.
Là bậc làm cha, làm mẹ, chắc hẳn chúng ta không khỏi lo lắng khi nhìn thấy các thông tin về bạo lực học đường như thế này? Làm thế nào để biết con mình ở trường có bị bắt nạt không, con mình ở trường có gây gổ, đánh nhau không? Làm thế nào để giúp con phòng tránh được vấn nạn này, làm thế nào để xoa dịu tổn thương của con khi bị bắt nạt, bạo lực ở khu vực trường học. Nếu bạn có kiến thức về bạo lực học đường, bạn sẽ có câu trả lời cho vấn đề này.
Bạo lực học đường là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bạo lực là ”việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực, bị đe dọa hoặc thực tế, chống lại bản thân, người khác hoặc chống lại một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng cao dẫn đến thương tích, tử vong , tổn hại tâm lý, kém phát triển hoặc mất năng lực hành vi dân sự”.
Bạo lực học đường diễn ra trong, xung quanh khuôn viên nhà trường hoặc trên các nền tảng mạng xã hội. Nạn nhân của bạo lực học đường là học sinh. Người gây ra bạo lực học đường có thể là học sinh hoặc giáo viên/nhân viên khác của trường nhưng theo thống kê, đa số là từ bạn bè cùng lứa gây ra.
Bạo lực học đường có thể xảy ra dưới những hình thức nào?
Dựa trên các cuộc điều tra quốc tế hiện có thu thập dữ liệu về bạo lực trong trường học, UNESCO phân loại và công nhận các hình thức bạo lực học đường sau:
- Bạo lực thể chất: Là bất kỳ hình thức xâm phạm thân thể nào với ý định làm tổn thương nạn nhân.
- Bạo lực tâm lý: Là hành vi lạm dụng bằng lời nói và tình cảm, bao gồm mọi hình thức cô lập (tẩy chay), từ chối, phớt lờ, lăng mạ, tung tin đồn, bịa đặt, gọi tên, chế giễu, sỉ nhục và đe dọa cũng như trừng phạt tâm lý.
- Bạo lực tình dục: Bao gồm đe dọa, quấy rối tình dục, sờ mó không mong muốn, cưỡng bức tình dục và hiếp dâm.
- Bắt nạt: Bắt nạt được định nghĩa là một chuỗi các hành vi có chủ đích và hung hãn, lặp đi lặp lại chứ không phải các sự cố riêng lẻ. Nó có thể có nhiều dạng khác nhau: Bắt nạt thân thể, bắt nạt tâm lý, bắt nạt tình dục.
- Bắt nạt trên mạng là một hình thức bắt nạt, đe dọa tâm lý hoặc tình dục diễn ra trên mạng trực tuyến.
Tại sao bạo lực học đường xảy ra?
Bất cứ vấn đề gì cũng có thể được đưa ra làm cái cớ để gây ra bạo lực học đường. Từ văn hóa, dân tộc, giới tính, ngoại hình, địa vị xã hội hay bất cứ một sự “khác biệt” nào đó trong mắt kẻ bắt nạt và không hề có một quy luật nào cả. Tại sao vậy? Bởi nó chỉ là bề nổi của vấn đề.
Lý do thực sự đến từ phía những học sinh gây ra bạo lực đầu tiên. Có thể những học sinh này đang làm theo những gì trẻ thấy ở nhà (cha mẹ cãi lộn, đánh nhau, chửi con cái), trên đường phố hay trong phim, TV, game. Có thể trẻ cũng từng bị bắt nạt, từng bị bạo lực học đường, từng bị tẩy chay, cô lập, từng bị đối xử không công bằng. Hoặc có thể các em đang phải đối mặt với một vấn đề về sức khỏe tâm thần (ví dụ như mắc trầm cảm, rối loạn lo âu… ), một hậu quả đến từ những trải nghiệm xấu (ký ức không tốt) trong quá khứ.
Môi trường tiêu cực sẽ tạo ra những trải nghiệm xấu cho trẻ.
Tựu chung lại là các em đã sống trong một môi trường không tích cực, không lành mạnh. Môi trường đó đã tạo cho các em những trải nghiệm xấu trong quá khứ. Các em “học hỏi”, ghi nhớ và in hằn sâu vào trong tâm trí. Điều này tạo ra những hành động, cách xử lý tương tự trong tương lai tùy vào điều mà các em đã “học hỏi” được.
Ví dụ, nếu học sinh A thường xuyên chứng kiến cha đánh mẹ vì bất kỳ lý do gì (cơm không ngon, say rượu, bực bội trong công việc…) sẽ nhận được bài học gì? Có thể học sinh A đã nhận được bài học rằng, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết bằng bạo lực, kẻ nào mạnh là kẻ đó thắng hoặc bạo lực không phải là điều sai trái. Và có thể trong tương lai, học sinh A sẽ giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng bạo lực.
Nếu học sinh B thường xuyên nghe những lời chửi rủa, chế giễu, sỉ nhục từ người khác, có thể sẽ ghi nhớ những câu từ tiêu cực đó vào trong tâm trí và có thể sử dụng khi cảm thấy bất bình, mâu thuẫn, ức chế.
Thường xuyên chỉ trích, bắt lỗi, mắng chửi có thể khiến trẻ mất niềm tin vào cha mẹ.
Và đó mới chỉ là “điều kiện cần”, “điều kiện đủ” đến từ phía nạn nhân của bạo lực học đường. Nếu học sinh hiểu được đánh bạn, tẩy chay, bôi nhọ, nói xấu… bạn bè là không đúng. Học sinh đó sẽ phản ánh với thầy cô, cha mẹ và mọi chuyện sẽ được can thiệp sớm trừ khi nhà trường và gia đình giải quyết không thỏa đáng, không triệt để. Hoặc có điều gì đó ngăn cản học sinh chia sẻ những điều đó với cha mẹ hoặc thầy cô giáo thì bạo lực học đường có thể sẽ tiếp tục được xảy ra.
Vậy điều gì có thể ngăn cản học sinh chia sẻ vấn đề bạo lực với gia đình hay thầy cô? Điều này cũng đến từ những trải nghiệm xấu trong quá khứ. Có thể học sinh bị bạo lực đã từng là nạn nhân, đã từng chia sẻ với gia đình hoặc thầy cô nhưng không nhận được sự tin tưởng hay giải quyết thỏa đáng.
Học sinh C từng bị vu oan là ăn trộm tiền, học sinh C khẳng định với cha mẹ là mình không lấy trộm nhưng gia đình đã không tin tưởng vào con mình, cho là con đã ăn trộm thật và làm phụ huynh cảm thấy xấu hổ nên đã đánh con, phạt con. Khi đó, học sinh C có thể học được bài học: Không ai có thể giúp được mình cả, nói ra còn bị đánh thêm, phạt thêm, nên không nên nói là tốt nhất.
Hoặc quay trở lại câu chuyện của học sinh A. Học sinh A chứng kiến cha đánh mẹ, mẹ có vài lần phản kháng nhưng mỗi lần phản kháng là mẹ bị đánh đau hơn. Ở góc nhìn này, học sinh A có thể nhận được một bài học khác: Nếu mình phản kháng lại sẽ bị đánh đau hơn.
Hậu quả của bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả cho cả học sinh bị bắt nạt và học sinh gây bạo lực.
Bắt nạt, bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất (kể cả sức khỏe sinh sản), tinh thần, khả năng học hỏi và thậm chí là tính mạng của học sinh. Tất cả các hình thức bạo lực đều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, ngay cả học sinh chứng kiến bạo lực. Nếu học sinh không nói ra, cảm xúc tiêu cực có thể tích cụ bên trong và gây ra các vấn đề về tâm lý như lo lắng, sợ hãi, dần dần có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), thậm chí là có ý định tự tử hoặc tự tử.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ: “Trung tâm NHC Việt Nam đã từng trị liệu cho nhiều khách hàng bị tổn thương tâm lý do bạo lực học đường gây ra. Đáng lo ngại là một số gia đình chỉ biết khi tình trạng của con mình đã rất tệ rồi, thậm chí là con tự tử không thành cha mẹ mới biết. Tâm sự với Hải Yến, các em chia sẻ là rất sợ đến trường, rất sợ gặp người lạ và trong tâm trí thường hiện ra cảnh tượng mình bị bắt nạt, bị đe dọa, bị đánh nhưng không dám chia sẻ cùng ai. Độ tuổi chủ yếu khi các bạn đến với trung tâm là từ 14 – 18 tuổi, thậm chí 22-23 tuổi cũng có. Nhưng thực tế, những sự kiện bạo lực học đường đầu tiên hay những trải nghiệm xấu các em phải chịu đựng có thể đã bắt đầu từ trước đó một thời gian dài rồi. Điều đó cho chúng ta thấy bạo lực học đường có sức ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng đối với các em. Và việc trị liệu tâm lý cho các khách hàng còn trong độ tuổi học sinh, sinh viên cũng khó khăn hơn các khách hàng đã trưởng thành. Các em có rất nhiều bí mật khó nói chất chứa trong lòng không muốn thổ lộ với ai. Các chuyên gia của chúng tôi phải rất thân thiện, đồng cảm, thấu hiểu và tạo được niềm tin với các em, các em mới dám chia sẻ nỗi đau của mình. Bên cạnh các buổi trị liệu trực tiếp tại Trung tâm, chuyên gia sẽ đồng hành cùng các em ngoài giờ bằng nhiều cách thức khác nhau, giúp các em giải tỏa căng thẳng, lo sợ cũng như tạo sự bình an cho các em. Có như vậy, các em mới nhanh chóng vượt qua được các trạng thái tâm lý tiêu cực để trở lại cuộc sống bình thường. Sau trị liệu, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng các em để các em quen dần với cuộc sống mới, duy trì được tính tích cực trong suy nghĩ và hành động, vững vàng tâm lý để có thể đón nhận những khó khăn khác đến trong cuộc đời”.
Bạo lực học đường khiến trường học không còn là nơi an toàn với trẻ.
Hơn nữa, những học sinh bị bạo lực có thể sẽ bắt đầu bộc lộ hành vi hung hăng, chống đối và tạo ra các vụ bạo lực/bắt nạt mới trong học đường.
Những học sinh gây ra bạo lực/bắt nạt nếu không được phát hiện để nhận được sự chỉ bảo và quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội có thể sẽ gây ra các vấn đề bạo lực với diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn.
Quan tâm và yêu thương con cái là biện pháp ngăn ngừa và chữa lành tổn thương từ bạo lực học đường
Bạo lực học đường có liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng hơn ai hết, các bậc làm cha mẹ cần quan tâm và có trách nhiệm với con mình đầu tiên. Hãy tạo dựng cho con một môi trường tích cực để ngăn ngừa, phòng tránh bạo lực học đường đồng thời giúp con chữa lành những tổn thương từ vấn nạn này.
Hãy cho con một gia đình bình yên và ấm áp nhất.
Cụ thể hơn:
- Thường xuyên chia sẻ với con về việc học tập ở trường, về thầy cô, về bạn bè của con và những vấn đề dù nhỏ mà con cảm thấy vui vẻ hoặc khó chịu ở trường.
- Hãy dạy cho trẻ hiểu thế nào là bạo lực/bắt nạt, dạy trẻ biết tôn trọng người khác, dạy trẻ nhận thức được các điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường, tránh việc soi mói, chế giễu người khác; dạy con về giáo dục giới tính.
- Khi con gặp vấn đề rắc rối, hãy tin tưởng và nghe con chia sẻ.
- Thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, giao tiếp của con ở trường.
- Tạo cho con một môi trường sống tích cực, tránh xa bạo lực và những lời chửi mắng, sỉ nhục, lăng mạ… từ đời sống thực tế hay trên phim ảnh, game.
- Nhận biết trẻ có xu hướng bạo lực: Chơi với vũ khí, khoe khoang về những hành vi bạo lực mà trẻ muốn thực hiện, thể hiện sự ám ảnh về phim bạo lực hay trò chơi bạo lực, bắt nạt hoặc đe dọa người khác, đối xử tàn ác với vật nuôi hoặc động vật khác.
- Đọc thêm một số cuốn sách về dạy con.
- Xoa dịu con sau tổn thương từ bạo lực bằng sự quan tâm và yêu thương. Nếu tâm lý con bất ổn và kéo dài, gia đình có thể nhờ các chuyên gia tâm lý giúp đỡ.
Nói chung, có rất nhiều phương pháp để giúp con không trở thành nạn nhân hay kẻ bắt nạt nhưng tất cả đều xuất phát từ tình thương yêu của cha mẹ dành cho con.
Có thể bạn quan tâm
- Tâm lý trị liệu – phương pháp giúp chữa lành “đứa trẻ” bên trong bạn
- Nỗi ám ảnh sợ quá khứ và cách vượt qua
- 6 kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả cho trẻ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!