6 kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả cho trẻ
Nhiệm vụ trang bị cách phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ không phải chỉ của riêng phụ huynh, mà còn là trách nhiệm của nhà trường hay các cơ quan ban ngành về giáo dục. Trẻ nhỏ cần được học tập trong môi trường văn minh, lành mạnh, tích cực, không sử dụng bạo lực để bảo vệ tâm lý, thể chất, được biệt là giữ gìn tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, hạnh phúc nhất cho con.
Trang bị 6 kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường để bảo vệ cho trẻ
Bạo lực học đường luôn là một trong những vấn nạn được đưa ra bàn luận và tìm cách ngăn chặn, tuy nhiên chưa có bất cứ cách nào hiệu quả tuyệt đối. Bạo lực không chỉ đơn giản là bắt nạt, hành hạ về thể chất mà còn tấn công về mặt tinh thần thông qua các hành vi như cô lập hay Cyberbullying – đe dọa trên mạng xã hội với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Cho dù là bạo lực học đường theo bất cứ hình thức, hành vi nào thì những hệ quả nó để lại cũng vô cùng to lớn. Nhiều trẻ bắt nạt đến mức cơ thể toàn những tổn thương, không dám đến trường, thậm chí là tự tử vì không thể tìm cách giải quyết. Những tổn thương về thể xác thì để lại những vết sẹo, những tổn thương tâm lý trở thành nỗi ám ảnh đi theo trẻ vào đến cả giấc ngủ khiến con sống trong sự sợ hãi đến cả khi trưởng thành.
Hầu hết nạn nhân của bạo lực học đường đều có tính cách nhút nhát nên thường không dám lên tiếng khi bị bắt nạt. Chỉ khi những biểu hiện bất ổn về thể chất hay tâm lý của trẻ ngày càng rõ ràng, người lớn mới bắt đầu phát hiện. Bởi thế việc trang bị các cách phòng tránh bạo lực học đường đang rất được chú trọng hiện nay để bảo vệ sức khỏe, tuổi thơ của con. Vậy chúng ta cần phải làm gì?
1. Giáo dục con về bạo lực học đường
Phụ huynh và nhà trường luôn tuyên truyền các cách phòng tránh bạo lực học đường nhưng lại quên mất việc giải thích cho con hiểu như thế nào được coi là bạo lực học đường. Ranh giới giữa việc trêu chọc và bắt nạt vô cùng mong manh, hoàn toàn có thể bị đánh tráo khái niệm nếu không hiểu rõ tính chất.
Hiểu một cách đơn giản, bạo hành học đường là các hành vi mang tính chất cố ý, không có sự đồng thuận từ đối phương, không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức xã hội nhằm tấn công vào một đối tượng khiến họ bị tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, danh dự nhân phẩm bị hạ thấp. Các hành vi này được diễn ra trên nhiều hình thức như đánh nhau, cô lập, tấn công trên mạng xã hội hay lời nói; quấy rối hay lạm dụng tình dục, hạ thấp danh dự..
Trẻ có thể bị bắt nạt bởi các lý do rất vô lý, chẳng hạn như “trông thấy ghét” mà không cần một nguyên nhân cụ thể. Người thực hiện các hành vi xấu xí này không chỉ là học sinh mà đôi khi còn có thể chính là các thầy cô giáo. Hầu hết nạn nhân bị bạo lực học đường thường có tâm lý yếu, đơn độc, nhút nhát cách phòng tránh và bảo vệ bản thân.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, kẻ bắt nạt sử dụng việc cô lập, tung tin đồn, trêu ghẹo ác ý nhưng khi được hỏi thì luôn phản biện rằng là bạn bè trêu đùa nhau chứ không phải là bạo hành, bởi không gây ra tổn thương nào về thể xác. Hay việc thầy cô giáo sử dụng các hình phạt nặng như tát, bắt quỳ, hạ thấp danh dự học sinh nhưng lại luôn nói rằng đó chỉ là răn đe để trẻ sợ và cố gắng hơn.
Như vậy, bản thân trẻ nếu không hiểu hành vi nào thực sự là bạo lực học đường thì cũng không dám lên tiếng “cầu cứu” với những người xung quanh. Mặt khác, bản thân trẻ cũng hoàn toàn có thể là người gây bạo hành nếu con không đủ nhận thức về hành vi, lời nói của bản thân. Đôi khi con nghĩ việc nói bạn béo chỉ là lời “trêu ghẹo cho vui” mà không biết rằng bạn cảm thấy tổn thương đến mức nào.
Giáo dục về bạo lực học đường không chỉ nhằm giúp trẻ có cách phòng tránh, ngăn chặn nguy cơ trở thành nạn nhân mà còn nhằm mục đích nâng cao nhận thức, biết phân biệt đúng/sai để con không có hành vi tương tự với bạn bè. Nhận thức của trẻ còn rất non nớt, hành động mà không nghĩ đến hậu quả nên rất cần được người lớn
Mặt khác phụ huynh hay giáo viên cũng hoàn toàn có thể chỉ ra các dấu hiệu của bạo lực học đường để trẻ có thể nhận biết và tìm cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Chẳng hạn như nếu trong trường học có nhóm bạn xấu cần hạn chế việc tiếp xúc hay gây chú ý vì vô tình có thể trở thành đối tượng của chúng.
2. Rèn luyện kỹ năng hòa nhập, kết bạn
Trẻ khi ở một mình, không giao tiếp với bạn sẽ càng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Mặt khác việc trẻ thiếu các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kết bạn cũng khiến trẻ cảm thấy bị cô lập, tâm lý tiêu cực, chán nản, thậm chí là dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Hướng dẫn trẻ kỹ năng hòa nhập chính là cách phòng tránh bạo lực học đường, bảo vệ con tránh khỏi nguy cơ trở thành đối tượng bị bắt nạt.
Khi trẻ càng kết bạn, càng tiếp xúc nhiều với bạn bè sẽ càng tăng những trải nghiệm giúp con có thể “chọn bạn mà chơi”. Bất cứ môi trường nào cũng có người tốt, người xấu và việc con có sự tương tác với những bạn bè tốt sẽ mang lại giá trị tích cực cho bản thân. Phụ huynh cũng nên khuyến khích con kể về bạn bè, gặp gỡ bạn bè của con để có thể hiểu hơn về tâm lý, tính cách của trẻ.
Chẳng hạn như khi trẻ kể về trong lớp có bạn A hay giật tóc, bắt nạt, đẩy ngã bạn B phụ huynh nên khuyên con không nên giao tiếp nhiều với bạn A để bảo vệ bản thân cũng như tránh lây các tính xấu. Dù vậy phụ huynh cũng có cái nhìn công bằng, văn minh, kiểm chứng về sự thực, tránh có cái nhìn phiến diện, sai lệch khiến trẻ nhận thức sai về bạn bè.
3. Dạy trẻ dám lên tiếng, phản ánh cái xấu
Trang bị các cách phòng tránh bạo lực học đường không chỉ đơn thuần là nhắc nhở trẻ cần tránh né các hành vi tệ nạn mà còn cần khuyến khích trẻ dám chống lại bạo lực, tuy nhiên cần thực hiện một cách khéo léo. Nếu ai cũng thờ ơ, cũng sợ mình là nạn nhân và không lên tiếng mà chỉ tìm cách tránh né thì chắc chắn bạo lực sẽ không bao giờ dừng lại.
Chẳng hạn như nếu trẻ vô tình chứng kiến bạn bè mình bị bắt nạt có thể tìm cách thông báo với giám thị, bảo vệ hay giáo viên để có người lớn hỗ trợ kịp thời. Việc trẻ vô tình ra mặt đôi khi có thể biến mình trở thành nạn nhân thay thế. Hay nếu trong lớp có trường hợp bạn bị cô lập, tẩy chay cũng có thể thông báo cho giáo viên để tìm hướng xử lý.
Phụ huynh có thể thông qua việc trò chuyện hằng ngày, cùng con xem các bộ phim có liên quan đến nội dung bạo lực học đường để phân tích cho trẻ vì sao hành vi đó là sai, vì sao cần bảo vệ lẽ phải. Khi bản thân trẻ đã nhận thức đầy đủ về cái tốt/cái xấu thì con sẽ biết cách bài trừ tệ nạn, các hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức xã hội ra khỏi cuộc sống.
4. Kỹ năng bảo vệ bản thân
Trẻ nếu thiếu các kỹ năng bảo vệ bản thân nhưng lại ra mặt bảo vệ nạn nhân của bạo lực đôi khi lại khiến con rơi vào tình trạng nguy hiểm. Do đó phụ huynh cần phải đảm bảo con có khả năng bảo vệ bản thân mình trước khi bảo vệ người khác. Đó mới là cách phòng tránh bạo lực học đường có hiệu quả nhất.
Nếu bản thân con là người bị bắt nạt, hãy chủ động lên tiếng phản kháng ngay từ đầu thay vì chỉ luôn chấp nhận nín nhịn cho qua bởi kẻ bắt nạt vốn dĩ sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Nhìn thẳng vào đối phương, nói rành mạch, rõ ràng, đúng lý lẽ một cách bình tĩnh sẽ khiến kẻ bắt nạt cảm thấy lo lắng bởi trước mặt chúng không phải một người nhút nhát như vẫn tưởng. Nếu vẫn không có hiệu quả, việc cần làm tiếp theo là thông báo với người lớn.
Phụ huynh nên cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng mềm để tăng khả năng phản ứng, xử lý nhanh trước các tình huống ngờ. Chẳng hạn như khi thấy bạn bè bị bắt nạt ở nơi vắng người, không thể cầu cứu ai có thể quay phim lại làm bằng chứng, mở các âm thanh tiếng còi, tiếng xe cảnh sát để đánh động cho người xấu biết thay vì vội vàng ra mặt.
Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng nên tạo điều kiện để trẻ học thêm các kỹ năng bảo vệ bản thân, chẳng hạn như các động tác tự vệ cơ bản hay võ thuật. Vận động thường xuyên và nâng cao thể lực cũng là cách để trẻ bảo vệ bản thân và phòng tránh bạo lực học đường. Tuy nhiên đừng quên nhấn mạnh với trẻ rằng, võ thuật chỉ để bảo vệ bản thân chứ không để tấn công người khác.
5. Kỹ năng làm chủ cảm xúc
Nhận thức, tư duy của học sinh còn rất non nớt nên con chưa thực sự làm tốt việc kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình trước các tình huống bất ngờ. Không ít trường hợp trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng lại không thông báo với giáo viên hay phụ huynh, mà tự mình chịu đựng và giải quyết bằng bạo lực ngược lại. Những câu chuyện về việc những đứa trẻ mới chỉ cấp 2 cầm dao đâm bạn vì bị bắt nạt khiến ai đọc cũng đau lòng.
Các kỹ năng này không chỉ hướng dẫn trong các cách phòng tránh bạo lực học đường mà cần được ứng dụng trong chính đời sống hằng ngày. Phụ huynh cần quan sát cách con thể hiện cảm xúc hay ứng biến trước các tình huống diễn ra trong cuộc sống để tìm cách điều chỉnh, uốn nắn nếu cách hành xử của con chưa thực sự phù hợp.
Một số kỹ năng để giúp trẻ làm chủ cảm xúc của bản thân, tránh thực hiện các hành vi bốc đồng như hít thở sâu và đếm từ 1- 10; nắm chặt bàn tay; đọc một câu thần chú nào đó.. Nếu cảm xúc tiêu cực này vẫn tồn tại sau đó thì có thể thực hành các biện pháp như viết suy nghĩ ra giấy, ngâm mình trong nước ấm, nghe một bài nhạc hay trò chuyện với một ai đó..
Thực tế đôi khi giữa những học sinh có những hiểu lầm nho nhỏ nhưng không được giải quyết dẫn con đến hình thành những suy nghĩ thù hằn, tức giận, thậm chí là có tâm lý luôn trả thù để bạn “biết tay”. Đây chính là nền tảng của bạo lực học đường mà phụ huynh hay nhà trường cần tìm cách phòng tránh. Trẻ biết cách xoa dịu và cân bằng cảm xúc, làm chủ được tâm lý bản thân sẽ hạn chế các nguy cơ này.
6. Tạo môi trường, tình huống để giáo dục đúng cách về đạo đức
Nếu chỉ dùng lý thuyết để nói rằng trẻ cần phải làm người tốt, phải biết giúp đỡ bạn bè, phải tránh xa bạo lực học đường thì đôi khi trẻ không thể hiểu được. Thay vì chú trọng vào lý thuyết, việc đặt trẻ vào các môi trường thực hành để tăng tính đoàn kết dân tộc, đề cao sự công bằng, có tinh thần bao dung, lòng nhân ái chính là cách phòng tránh bạo lực học đường có hiệu quả.
Chẳng hạn như tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện để khơi gợi lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về cách giải quyết mâu thuẫn hay xung đột với bạn bè; tổ chức các trò chơi về ứng xử để học sinh biết cách cách phòng tránh bạo lực học đường hay các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thực hiện cách phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ như thế nào?
Hiện nay có không ít cách phòng tránh bạo lực học đường, tuy nhiên ai sẽ là người thực hiện, thực hiện như thế nào, làm sao để có hiệu quả thì vẫn là những câu hỏi còn đang bị bỏ ngỏ. Biện pháp thì có nhưng nếu mỗi người không tự ý thức về trách nhiệm là luôn đùn đẩy nhiệm vụ cho nhau thì chắc chắn không thể hiện thực hóa thành công. Không chỉ nhà trường, phụ huynh mà cả xã hội cần chung tay phòng tránh nạn bạo lực học đường.
1. Vai trò của gia đình
Bất cứ gia đình nào đang có trẻ ở độ tuổi học sinh cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc đến các khía cạnh tâm sinh lý của trẻ, nhất là trẻ đang ở độ tuổi dậy thì. Trẻ nhỏ rất cần được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn đặc biệt là một gian sống lành mạnh, hạnh phúc, ấm áp để trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái nhất khi về nhà.
Để bảo vệ tuổi thơ của trẻ khi đến trường, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau
- Dành thời gian quan tâm, trò chuyện, chia sẻ về suy nghĩ, cảm xúc của trẻ sau mỗi ngày đến trường để nắm bắt nhanh chóng những vấn đề, xung đột bất thường mà con đang gặp phải nếu có
- Xây dựng tình cảm gia đình gắn kết giữa các thành viên, không để xảy ra bạo lực trước mặt con trẻ. Nền tảng gia đình có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tính cách, đạo đức của trẻ nên nếu cha mẹ thường xuyên xảy ra xung đột hay sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình hằng ngày thì chắc chắn trẻ sẽ bị tác động và có nhận thức sai về bạo lực học đường
- Thường xuyên cung cấp cho trẻ các thông tin, tình huống, nội dung có liên quan đến bạo lực học đường để trẻ hiểu, từ đó xây dựng, định hướng cho con cách giải quyết và phòng tránh có hiệu quả
- Không được cổ súy nếu trẻ có những lời nói hay hành vi không phù hợp, mang tính chất bạo lực, hạ thấp ngoại hình hay nhân phẩm của người khác. Phụ huynh cần quan sát, lắng nghe cách hành xử của trẻ mỗi ngày để có hướng điều chỉnh, uốn nắn ngay khi có các biểu hiện không phù hợp
- Kiểm soát lại các thông tin mà trẻ đang tiếp cận mỗi ngày, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội mà con sử dụng. Không ít trường hợp trẻ xem các bộ phim, video không phù hợp với lứa tuổi, có nội dung cổ động sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề nên đã học theo và xử sự không đúng mực
- Nếu phát hiện trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường, không chỉ hướng dẫn trẻ cách phòng tránh, cần động viên, an ủi, tạo cho con cảm giác an toàn, nhanh chóng tìm cách giải quyết, thậm chí là chuyển trường để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển lâu dài của con
- Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong mọi hoạt động, không chỉ để tìm cách phòng tránh bạo lực học đường mà còn để nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập, giáo dục rèn luyện về tri thức hay đạo đức
- Tạo điều kiện để trẻ tham gia các lớp học kỹ năng, vận động, phát triển tài năng để trẻ có thể tiếp cận nhiều hơn với môi trường bên ngoài thay vì chỉ giới hạn con trong không gian ở nhà và trường lớp
- Luôn lắng nghe và phân tích các vấn đề mà con gặp phải theo nhiều chiều hướng thay vì chỉ luôn áp đặt con phải hành xử theo cách của người lớn
- Phụ huynh cần là tấm gương để con noi theo, trực tiếp hướng con cách phòng tránh bạo lực học đường, ngăn chặn nguy cơ con chính là thủ phạm của bạo lực
2. Vai trò của nhà trường
Trường học cần chính là nơi tạo cho trẻ sự an toàn, hứng thú mỗi ngày chứ không phải là nơi khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, ám ảnh vào mỗi buổi sáng. Và muốn các cách phòng tránh bạo lực học đường có hiệu quả, hoàn toàn ngăn chặn được vấn nạn này thì nhà trường chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất.
Để xây dựng môi trường học tập văn minh, lành mạnh, an toàn cho trẻ nhỏ, giáo viên và nhà trường cần chú ý đến những vấn đề sau
- Không ngừng tuyên truyền, giáo dục đúng cách và đưa ra các cách phòng tránh bạo lực học đường đến với từng học sinh
- Quan sát, theo dõi những học sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi để tìm cách can thiệp, hỗ trợ ngay khi cần thiết, ngăn cản kịp thời nguy cơ bạo lực học đường có thể xuất hiện
- Bổ sung thêm các hoạt động cải thiện kỹ năng mềm, chăm sóc tâm lý học đường, hướng nghiệp để trẻ có cơ hội hoàn thiện bản thân, nhận được lời giải đáp phù hợp về các vấn đề đang băn khoăn
- Đảm bảo giữ bí mật danh tính cho học sinh nếu phát hiện và cung cấp các trường hợp bạo lực học đường
- Quan tâm đến hoàn cảnh của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, đặc biệt những trường hợp thiếu vắng tình cảm của cha mẹ, sống trong bạo lực gia đình để có hướng chăm sóc, hỗ trợ khi cần thiết
- Xây dựng các cách phòng tránh bạo lực học đường cho học sinh bằng những tình huống cụ thể, có nội dung rõ ràng để dễ dàng tiếp cận với trẻ hơn
- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt giữa giờ để học sinh có thời gian vận động, giải trí cũng như kết nối với nhau nhiều hơn
- Tìm hiểu về các trường hợp xảy ra bạo lực học đường giữa học sinh – học sinh hay học sinh – giáo viên để hiểu rõ nguyên nhân từng vấn đề, từ đó có thể đưa ra hướng xử lý hay hình phạt thích đáng nhất, đảm bảo sự công bằng với mọi học sinh
Để ngăn chặn được vấn nạn này, chắc chắn sẽ còn là một hành trình dài không hề đơn giản. Mỗi người trong chúng ta cũng cần chung tay tìm cách phòng tránh bạo lực học đường bởi chỉ cần thêm một người có ý thức cũng đồng nghĩa với việc xã hội sẽ văn minh hơn, an toàn hơn, góp phần xây dựng một môi trường tốt nhất để mọi đứa trẻ được an toàn và hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm
- Tham Vấn Tâm Lý Học Đường Là Gì? Quan Trọng Như Thế Nào?
- Các dấu hiệu nhận biết sớm rối loạn tâm thần tuổi học đường
- Trầm cảm tuổi học đường: Căn bệnh đáng báo động hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!