Body shaming trên truyền hình – Đùa vui hay là tổn thương tâm lý

Body shaming trên sóng truyền hình đang gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Vậy body shaming tác động tiêu cực của tới tâm lý con người ra sao và làm thế nào để giao tiếp hiệu quả?

Việc bị body shaming có ảnh hưởng đến tâm lý của con người không?

Body shaming không chỉ là hiện tượng đang dấy lên những làn sóng trong dư luận trong thời gian gần đây mà đã xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào. Thực tế, có rất nhiều người gặp những vấn đề về tâm lý thú nhận bản thân mình bị tổn thương bởi body shaming từ người khác.

Hiểu một cách thông thường thì body shaming là hiện tượng mà một ai đó đưa một yếu tố về cơ thể của một người khác trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí là một chủ đề gây cười, trào phúng trong câu chuyện của họ. Đó có thể là câu chuyện 1-1, câu chuyện trong một nhóm nhỏ hoặc cũng có thể câu chuyện nói trước đám đông.

Thực tế, hiện tượng này đang diễn ra khá thường xuyên ở nhiều môi trường khác nhau như ở gia đình, học đường, công sở, thậm chí là trong những hoạt động có tính chất ngoại khóa, tính chất công khai nơi đông người như chương trình cộng đồng, game show…

Tùy từng trường hợp, có thể người thực hiện body shaming với mục đích tạo ra một không khí thoải mái hơn, tạo sự giao lưu kết nối gần gũi hơn nhưng vô tình có thể đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ: Nhiều khi cách tặng quà còn quan trọng hơn cả bản thân món quà đó. Vậy nên, cùng là tình huống body shaming nhưng ở những bối cảnh, những trường hợp khác nhau cùng với cách thực hiện, thái độ, ngôn từ sẽ dẫn tới những cách phản ứng khác nhau của người tiếp nhận”.

Theo đó, tâm lý của người trở thành một đối tượng của body shaming trong từng trường hợp với các yếu tố như vậy sẽ khác nhau. Có thể chủ đích của body shaming là tích cực khi nó đủ sự tế nhị.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam

Song với trải nghiệm của một nhà trị liệu tâm lý, đặc biệt là thông qua các khách hàng đến với Trung tâm NHC Việt Nam, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến thấy rằng đại đa số mọi người đều cảm thấy bị tổn thương khi mình là đối tượng bị body shaming.

Nếu ví mỗi một sự tổn thương như giọt nước nhỏ giỏ vào trong chiếc bát không thì nhiều người nói hoặc một người nói rất nhiều lần sẽ khiến cho nước trong bát đến một lúc nào đó sẽ tràn. Lúc đó, người bị body shaming sẽ gặp phải những vấn đề về mặt cảm xúc, tâm lý với những hệ lụy không hề tốt.

Chuyên gia Hải Yến nhấn mạnh: “Đứng ở góc độ của người bị body shaming, họ không hề vui khi mà người khác cứ nhắc đến những điều mà họ cho là khuyết điểm trên cơ thể mình. Bởi vậy, dù là lời khen thì chưa chắc họ đã đã tin chứ đừng nói là chê hay trào phúng thiếu tế nhị”.

Body shaming trên sóng truyền hình có thể gây tổn thương tâm lý trầm trọng hơn

Thực trạng body shaming diễn ra trên sóng truyền hình, các gameshow không còn xa lạ. Đầu năm nay, tại lễ trao giải Oscar 2022 tài tử Will Smith đã không chần chừ bước lên sân khấu và dành cho người dẫn chương trình Chris Rock một cái tát trời giáng trước sự theo dõi của hàng triệu khán giả toàn thế giới. Nguyên nhân là do MC Chris Rock đã tạo sự hài hước bằng cách đùa cợt với mái đầu bị hội chứng rụng tóc của vợ Will Smith.

Body shaming cũng đang trở thành hiện tượng tại Việt Nam vì những pha trêu đùa trên sóng truyền hình, gameshow. Nổi lên gần đây là câu chuyện của Trường Giang với Hương Giang hay MC Trấn Thành với Đức Phúc.

Có thể trong cuộc sống hàng ngày, họ là những đồng nghiệp, anh em thân thiết để nói chuyện như vậy nhưng sự hiện diện của nó trên sóng truyền hình khiến nhiều người cho rằng, đó là sự thiếu “duyên dáng”, không lịch sự trong giao tiếp.

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, dưới góc độ tâm lý, sự ảnh hưởng của body shaming còn phụ thuộc vào chiều sâu tâm lý, thế giới nội tâm của đối tượng nghe và đang trải nghiệm vấn đề này. Nếu người ta thực sự còn lấn cấn về đặc điểm nào đó trên cơ thể của mình thì họ sẽ nhạy cảm trong cảm nhận và cảm xúc khi ai đó đề cập tới.

Chẳng hạn như Đức Phúc có một bản lĩnh hoặc thế giới nội tâm vững vàng, chấp nhận cơ thể đó của mình, hoàn toàn thoải mái và hoan hỉ với những câu trêu đùa của Trấn Thành thì không sao cả. Tuy nhiên, nếu như đặc điểm cơ thể bị body shaming là một yếu thế khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở bên trong thì họ sẽ không thoải mái, không vui vẻ với sự trêu đùa này nữa và nó có thể trở thành một tổn thương tâm lý.

Tổn thương dồn nén và tích tụ lâu ngày và việc “tức nước vỡ bờ” sẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn. Sự buồn bã ban đầu sẽ dần leo thang, chuyển hóa những tiêu cực thành khủng hoảng, căng thẳng, thậm chí là sang chấn tâm lý dẫn tới các hệ luyện đáng tiếc. Đặc biệt, với nghệ sĩ, sự tổn thương có thể sẽ trầm trọng hơn người bình thường vì họ là những người làm việc bằng cảm xúc nhiều hơn.

Body shaming có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc.

Nghệ sĩ là những người đem lại cho công chúng rất nhiều niềm vui, sự giải tỏa, tiếng cười. Họ là những người làm việc bằng não phải, vùng não của sự sáng tạo và cảm xúc. Bản thân họ cũng đặc biệt để ý đến hình ảnh của mình trước công chúng.

Bởi vậy, nếu chẳng may gặp tình trạng body shaming trên các chương trình truyền hình, game show, có thể họ đã nén lại những cảm xúc không tích cực để cống hiến cho khán giả niềm vui trọn vẹn nhưng những tổn thương vẫn còn đó.

Điều đáng bàn là không phải ai cũng được thấu hiểu và vượt qua nỗi đau của chính mình. Trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều người nổi tiếng lựa chọn giải pháp tiêu cực để giải tỏa những căng thẳng bên trong. Thậm chí không ít trường hợp đã từ bỏ cuộc sống và cả tương lai của mình ở phía trước khi còn rất trẻ.

Bên cạnh đấy, ở vị trí là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, câu chuyện đáng buồn của họ dễ tạo nên làn sóng lây lan, kéo theo những người đang bấp bênh về tâm lý cùng rơi vào khủng hoảng.

Nếu bạn body shaming với người khác khiến mọi người hưởng ứng vui cười lúc đó nhưng biết đâu khi về nhà, họ suy nghĩ lại và cho rằng lúc nào đó sẽ bị bạn body shaming giống như nhân vật mà họ đã cười. Điều đó khiến mọi người thấy ngại gặp bạn, không thích tham gia những chương trình có bạn xuất hiện. Và hệ quả lâu dài chính là sự rạn nứt của các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, nếu body shaming khiến hàng trăm người vui nhưng một người tổn thương thì có nên không?

Ranh giới đúng – sai và chìa khóa để giao tiếp vui vẻ

Có nhiều người cho rằng body shaming chỉ là lời trêu đùa để tạo sự hài hước, sự trào phúng cho câu chuyện họ đang nói, sự kiện họ đang góp phần ở trong đó chứ không cố ý làm tổn thương nhau.

Theo chuyên gia Hải Yến, mỗi người sẽ có những trải nghiệm trong quá khứ, các sự kiện ta trải qua, được giáo dục và nuôi dưỡng để hình thành nên một một hệ niềm tin, hệ tư duy, hệ giá trị và những quan điểm cá nhân mình. Vậy nên quan điểm về body shaming cũng không có đúng và sai nhưng chúng ta khó có thể nhận biết được nội tâm người khác. Và với những tác động tiêu cực mà chuyên gia đã nêu trên thì sự phù hợp và tế nhị trong giao tiếp là rất quan trọng.

Lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn.

Người nói lời body shaming có thể chưa từng bao giờ bị tổn thương hay chứng kiến người khác bị suy sụp tinh thần bởi hành vi ấy. Và người bị body shaming có thể cũng vững vàng trong tâm trí, không bị áp lực tinh thần khủng khiếp như những gì cộng đồng xôn xao. Tuy nhiên, như vậy cũng không có đồng nghĩa với sự vô tâm và thờ ơ với cảm xúc của người khác. Người nghệ sĩ có trách nhiệm truyền cảm hứng cho cộng đồng và phải luôn ý thức rõ ràng về hành vi, lời nói của mình.

Qua đây, chuyên gia Hải Yến cũng đã gợi ý về chìa khóa để giao tiếp hiệu quả, tạo được không khí vui vẻ trong cuộc nói chuyện mà không làm người khác bị ngại ngùng, xấu hổ.

Thứ nhất đó là sự quan sát và lắng nghe trước khi muốn trêu đùa. Hãy đặt mình ở vị trí người được nhắc đến, quan tâm tới thế giới nội tâm họ giống như với chính mình. Nếu chúng ta đang đang muốn nói về điều gì đó chưa phải là sở trường, điểm mạnh của người khác vậy thì hãy dụng tâm của mình để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu. Khi bạn lùi lại vào bên trong tâm trí, nhìn nhận khách quan về những thông tin, chia sẻ, kết nối có phù hợp với chính đối tượng mình tập trung không thì sẽ biết cách để kiểm soát tốt hơn về ngôn từ sử dụng, câu chuyện bạn kể và cách tương tác với xung quanh.

Thứ hai là tập trung vào tài năng của người nghệ sĩ thay vì những thiếu sót. Cái gì tập trung thì cái đó mở rộng, cái gì vận động thì cái đó phát triển. Vì vậy nếu chúng ta liên tục bàn luận, đào sâu phân tích khiếm khuyết của họ thì chỉ càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, đến với công chúng bằng niềm đam mê và khát khao được cống hiến. Chính khán giả cũng cần hướng sự quan tâm của mình vào những điều tích cực để cùng nuôi dưỡng tài năng của họ nở rộ. Và sự trân trọng, nâng niu và tình yêu thương của chúng ta cũng là lời cảm ơn, tri ân những giá trị tinh thần đã nhận được từ người nghệ sĩ.

Đứng ở góc độ của một người làm về tâm lý thì với bất kỳ hiện tượng nào làm cho bất kỳ một ai đó có sự tổn thương, chuyên gia Hải Yến kêu gọi với tất cả trái tim của mình là chúng ta hãy dừng lại những hành động đó. Hãy dừng lại những cách giao tiếp đó để tránh làm cho một ai đó bị tổn thương.

Trực tiếp đồng hành và dẫn dắt khách hàng vượt qua được những khó khăn ấy, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến thấu hiểu và rất mong rằng: Mọi người hãy cẩn trọng hơn trong những ngôn từ và giao tiếp để tạo ra những niềm vui, không khí sôi nổi, phá đi những tảng băng trong giao tiếp mà không cần phải sử dụng đến việc nhắm vào hoặc đưa ra một điểm nào đó trên cơ thể của người khác mà đó chưa phải điểm mạnh, khiến cho họ tự hào”.

Body shaming chắc chắn vẫn sẽ tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, không chỉ là nhận xét về khiếm khuyết của một ai đó mà suy rộng ra đó còn là thái độ phán xét tiêu cực về tất cả các khía cạnh trong cuộc sống. Chỉ khi bạn nuôi dưỡng sự chấp nhận, thấu cảm và yêu thương thì mới dần gạt bỏ định kiến trong tâm trí và hình thành cho mình cuộc sống tích cực, hạnh phúc!

Xem thêm video chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ về ảnh hưởng của Body Shaming tới tâm lý con người tại đây:

Có thể bạn quan tâm:

👉 [New] Hội chứng ám ảnh tình yêu: Nguyên nhân, biểu hiện và hướng điều trị

👉 [Hot] Mất ngủ – hay quên ở dân văn phòng: nguyên nhân, cách điều trị

👉 [Xem nhiều nhất] Tập thể dục giúp ngăn ngừa và chữa trầm cảm hiệu quả

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *