6 cách dạy con bướng bỉnh không nghe lời Mẹ nên áp dụng
Khi thấy con bướng bỉnh không nghe lời, nhiều bậc phụ huynh có thể cảm thấy chán nản. Tuy nhiên, bướng bỉnh chỉ là một phần của quá trình phát triển tự nhiên nên việc hiểu rõ tâm lý học đằng sau hành vi này sẽ giúp cha mẹ tìm ra các phương pháp giáo dục tích cực. Từ đó xây dựng được mối quan hệ yêu thương và tôn trọng với con cái.
Con bướng bỉnh không nghe lời – Nguyên nhân do đâu?
Trong quá trình nuôi dạy con cái, không ít bậc phụ huynh gặp phải tình huống con mình trở nên bướng bỉnh và không nghe lời. Đây là một hiện tượng phổ biến, nhưng để giải quyết vấn đề này hiệu quả, cần phải hiểu rõ nguyên nhân đằng sau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến hành vi bướng bỉnh của trẻ và cách cha mẹ có thể xử lý từng trường hợp.
- Nuông chiều quá mức:
Nuông chiều quá mức là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ trở nên bướng bỉnh và không nghe lời. Khi cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ mà không đặt ra giới hạn, trẻ sẽ nghĩ rằng mình có quyền kiểm soát mọi thứ xung quanh. Điều này làm con khó chấp nhận lời từ chối từ người khác và thể hiện sự bướng bỉnh khi không đạt được mong muốn.
- Mâu thuẫn trong cách dạy con:
Khi cha mẹ không thống nhất về phương pháp giáo dục, trẻ sẽ cảm thấy bối rối và không biết nên nghe theo ai. Điều này gây ra sự bất an cho trẻ cùng với việc thách thức giới hạn của phụ huynh và dẫn đến hành vi bướng bỉnh.
- Áp lực từ cha mẹ:
Áp lực từ cha mẹ trong việc học như điểm số, thành tích, các hoạt động ngoại khóa có thể khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc và bướng bỉnh. Khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái, trẻ có thể cảm thấy căng thẳng và muốn phản kháng lại.
- Cha mẹ không làm gương cho trẻ:
Trẻ nhỏ thường học theo hành vi của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Nếu cha mẹ không làm gương tốt, trẻ có thể sẽ bắt chước những hành vi tiêu cực và trở nên bướng bỉnh. Ví dụ, nếu cha mẹ thường xuyên cãi nhau thì trẻ sẽ học theo và thực hiện hành vi tương tự.
- Trẻ đang trong giai đoạn phát triển cái tôi cá nhân:
Trẻ em thường phát triển cái tôi cá nhân vào độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Giai đoạn này là lúc trẻ bắt đầu xác định bản thân và cho rằng mình có quyền quyết định. Đồng thời con trở nên bướng bỉnh để khẳng định cái tôi của mình.
- Trẻ học theo hành vi của người lớn:
Trẻ nhỏ có khả năng học hỏi rất nhanh từ môi trường xung quanh, đặc biệt là từ cha mẹ, ông bà, thầy cô. Nếu trẻ thấy người lớn xung quanh mình thường xuyên bướng bỉnh hoặc không tuân theo quy tắc, con sẽ bắt chước những hành vi này.
- Trẻ gặp vấn đề về sức khỏe:
Các vấn đề về sức khỏe cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ trở nên bướng bỉnh không nghe lời, bao gồm: rối loạn giấc ngủ, đau ốm, các rối loạn phát triển. Chúng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và bực bội, dẫn đến hành vi bướng bỉnh.
Dấu hiệu nhận biết con bướng bỉnh không nghe lời
Trong quá trình nuôi dạy con cái, việc trẻ thể hiện hành vi bướng bỉnh không nghe lời là điều mà nhiều bậc cha mẹ gặp phải. Một số dấu hiệu cụ thể sau đây cho thấy trẻ đang có biểu hiện bướng bỉnh và không tuân theo sự hướng dẫn của người lớn:
- Trẻ cố chấp làm theo ý mình, dù biết rằng điều đó không đúng.
- Cảm thấy bực bội nếu bị người lớn phớt lờ mong muốn
- Có xu hướng độc lập tiêu cực
- Thường xuyên nói “không” với yêu cầu của cha mẹ
- Dễ cáu kỉnh, nổi nóng và có hành vi hung hăng
- Thường khóc lóc, ăn vạ để ép buộc cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình
- Không chịu nghe lời nhắc nhở của cha mẹ
- Có hành vi thiếu tôn trọng, lời nói xúc phạm cha mẹ và người lớn
- Thường xuyên nói dối và nói xấu người lớn
- Trẻ thường quấy khóc, ăn uống thất thường.
- Trẻ ỷ lại, lười biếng, không muốn tự mình làm mọi việc.
- Cố tình làm trái ý muốn của phụ huynh, người lớn
Con bướng bỉnh không nghe lời ảnh hưởng xấu như thế nào?
Việc con bướng bỉnh không nghe lời nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Về mặt tâm lý, trẻ có thể cảm thấy tự ti, mặc cảm khi thường xuyên bị la mắng, dẫn đến giảm lòng tự trọng của con. Bé cũng bị thiếu hụt kỹ năng xã hội do không biết cách giao tiếp và hợp tác với người khác. Từ những tổn thương do lời nói và hành động của người khác, trẻ có hành vi tiêu cực như nói dối, trộm cắp, đánh nhau.
Bên cạnh đó, hành vi bướng bỉnh và không nghe lời ảnh hưởng lớn đến học tập của trẻ, khiến con khó tập trung vào bài học, mâu thuẫn với giáo viên và bạn bè. Thậm chí không ít trẻ vì không nghe lời mà bỏ bê việc học, gây hổng kiến thức và gặp khó khăn khi phải tiếp thu bài giảng.
Ngoài ra, các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự bướng bỉnh ở trẻ khiến con khó kết bạn và dễ mâu thuẫn với cha mẹ cùng các thành viên khác trong gia đình. Tình trạng này có thể khiến trẻ bị bạn bè và mọi người xung quanh xa lánh. Về lâu dài làm con khó hòa nhập xã hội khi trưởng thành, dễ sa vào tệ nạn xã hội và gặp nhiều trở ngại khi tìm kiếm việc làm.
Do đó, việc nhận biết dấu hiệu và giải quyết sớm tình trạng con bướng bỉnh không nghe lời cha mẹ, người lớn là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện và tích cực cho trẻ.
6 cách dạy con bướng bỉnh không nghe lời hữu ích cho cha mẹ
Áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực có thể giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cái. Dưới đây là một số cách hữu ích để dạy con bướng bỉnh biết nghe lười hơn mà cha mẹ có thể áp dụng:
1. Tìm hiểu quan điểm của con
Khi trẻ bướng bỉnh vì một lý do cụ thể hoặc cảm xúc đằng sau hành động của mình, cha mẹ cần dành thời gian để hỏi và lắng nghe xem con đang cảm thấy như thế nào. Điều này không chỉ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình huống mà còn cho trẻ cảm giác được tôn trọng và quan tâm.
Ví dụ, nếu con nhất quyết không muốn ăn món nào đó, cha mẹ nên hỏi lý do tại sao con không thích thay vì ép bé ăn. Có thể trẻ không thích hương vị hoặc có trải nghiệm không tốt với món ăn đó. Khi cha mẹ hiểu được lý do thì sẽ giải quyết vấn đề một cách hợp lý và nhẹ nhàng hơn.
2. Lắng nghe con nói
Lắng nghe là kỹ năng cần thiết trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt khi phải đối phó với sự bướng bỉnh của trẻ. Khi cha mẹ thực sự lắng nghe con, trẻ sẽ cảm thấy mình được coi trọng và có giá trị. Đồng thời giúp giảm bớt sự chống đối cũng như làm gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Để lắng nghe con tốt hơn, cha mẹ cần chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc của trẻ. Cụ thể, phụ huynh nên dành thời gian ngồi xuống ngang tầm mắt với con, giữ im lặng khi con nói và không ngắt lời. Đồng thời phản hồi lại những gì con nói bằng cách lặp lại hoặc diễn giải lại lời nói để bé cảm thấy được lắng nghe.
3. Không ép buộc con
Việc ép buộc con làm theo ý muốn của mình có thể dẫn đến sự phản kháng và bướng bỉnh từ phía trẻ. Thay vì ép buộc, cha mẹ nên tạo ra môi trường mà trẻ cảm thấy an toàn, được tôn trọng và tự do bày tỏ ý kiến của mình.
Cha mẹ nên tập trung thuyết phục và giải thích lý do của việc thiết lập các quy tắc trong gia đình. Phụ huynh có thể đưa ra các lựa chọn cho trẻ và để con có quyền tự quyết định trong những giới hạn an toàn. Ví dụ, thay vì ép buộc trẻ ăn rau, cha mẹ có thể giải thích lợi ích của việc ăn rau và cho trẻ lựa chọn giữa các loại khác nhau. Việc này giúp các bé cảm thấy mình có quyền được đưa ra ý kiến và dễ dàng hợp tác hơn.
4. Trò chuyện với con
Trò chuyện thường xuyên với bé là cách giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, từ đó giảm bớt sự bướng bỉnh và phản kháng. Khi trò chuyện, cha mẹ nên tạo không gian thoải mái để con cảm thấy yên tâm khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Cùng với đó, giúp giải quyết những vấn đề con bướng bỉnh không nghe lời và xây dựng mối quan hệ bền chặt cũng như tin tưởng giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi đơn giản về buổi học của con, điều bé đang suy nghĩ trong đầu,… Khi con trả lời, cha mẹ nên lắng nghe một cách chăm chú để thể hiện sự quan tâm và chân thành. Nếu trẻ nói ra vấn đề nào đó, cha mẹ có thể cùng con thảo luận nhiều hơn và tìm ra giải pháp hợp lý. Như vậy, việc thường xuyên ngồi lại trò chuyện giúp trẻ cảm thấy mình là một phần quan trọng trong gia đình và giảm bớt các hành vi bướng bỉnh.
5. Cho con được quyền lựa chọn
Cho con quyền lựa chọn là cách hiệu quả để giảm bớt sự bướng bỉnh và khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Khi được lựa chọn, bé sẽ cảm thấy mình có sự tự do quyết định và tăng sự tự tin cùng trách nhiệm.
Cha mẹ có thể tạo ra các tình huống mà trẻ được tự do lựa chọn trong giới hạn đề ra. Ví dụ, khi chuẩn bị đi chơi, cha mẹ có thể hỏi: “Con muốn đồ màu gì?” hoặc “Con muốn ăn gì cho bữa sáng?” Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và giảm bớt tình trạng bướng bỉnh bởi con thấy được mình có quyền quyết định.
6. Thiết lập và hướng dẫn con tuân thủ quy tắc
Thiết lập và hướng dẫn tuân thủ quy tắc gia đình để trẻ học cách hiểu và tôn trọng các giới hạn. Quy tắc gia đình giúp tạo ra môi trường an toàn và có trật tự, giúp trẻ phát triển tốt hơn cả về mặt xã hội và cảm xúc. Để quy tắc được áp dụng hiệu quả, chúng cần phải rõ ràng, có sự thống nhất và phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Cha mẹ nên giải thích các quy tắc một cách dễ hiểu và lý do tại sao chúng quan trọng. Ví dụ, cha mẹ có thể giải thích quy tắc là không được chơi điện thoại trong giờ ăn rằng thời gian này là để gia đình trò chuyện và gắn kết với nhau. Khi trẻ hiểu được lý do, con sẽ dễ dàng chấp nhận và tuân thủ theo.
Ngoài ra, cha mẹ cần làm gương bằng cách tuân thủ các quy tắc mà bản thân đặt ra để bé cảm nhận được sự công bằng và noi theo. Để khuyến khích trẻ tuân thủ quy tắc, cha mẹ có thể khen ngợi và thưởng khi con làm đúng, từ đó tạo động lực để bé tiếp tục thực hiện.
Việc đối mặt với con bướng bỉnh không nghe lời là thách thức không hề nhỏ khi nuôi dạy con cái của cha mẹ. Đồng thời là cơ hội để cha mẹ học cách kiên nhẫn và linh hoạt hơn trong cách giáo dục con bằng cách áp dụng những hiểu biết từ tâm lý học. Qua đó, người lớn có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, cảm xúc một cách toàn diện và mang đến sự hòa thuận trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm
- Cha mẹ độc hại (Toxic parents) & tổn thương nghiêm trọng đến con
- Con cái thù ghét cha mẹ: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hậu quả của việc áp đặt con cái cha mẹ nên quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!