Hội chứng Tourette: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Hội chứng Tourette được đặc trưng bằng các cử động nhanh, xuất hiện đột ngột, lặp đi lặp lại không có nhịp điệu và không thể kiểm soát được. Đây là một dạng rối loạn thần kinh khởi phát đột ngột trong giai đoạn từ 2- 18 tuổi, có thể biến mất vào thời niên thiếu nhưng cũng có thể kéo dài đến suốt đời. Tuy rối loạn này không ảnh hưởng đến trí thông minh, tuổi thọ nhưng nhìn chung vẫn tác động rất nhiều đến chất lượng sống hằng ngày.
Hội chứng Tourette là gì?
Hội chứng Tourette (Tourette Syndrome) còn được biết đến với những thuật ngữ khác như Gilles de la Tourette (GTS) là một chứng rối loạn thần kinh xảy ra trên khoảng 20% trẻ em. Đặc điểm nổi bật của hội chứng này là các chuyển động lặp đi lặp lại như giật cơ bắp, phát ra âm thanh, giật mắt, ngoẹo đầu một cách không thể kiểm soát, không có nhịp điệp rõ ràng kèm theo nói tục.
Những biểu hiện đầu tiên của Tourette Syndrome thường khởi phát trong độ tuổi từ 2 đến 21 tuổi, có thể kéo dài trong một năm hoặc ảnh hưởng đến suốt cuộc đời, trong đó tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn bé gái. Mức độ và tần suất các triệu chứng diễn biến khác nhau trên từng đối tượng và nghiêm trọng hơn nếu người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.
Các vấn đề về hội chứng Tourette được bàn luận đầu tiên bởi Bs. George Gilles de la Tourette (1857-1904) người Pháp. Ông đã liệt kê ra hàng loạt các biểu hiện bất thường trên Nữ Hầu Tước de la Dampierre, trong đó nổi bật phải kể đến tật máy giật và nói tục. Tuy nhiên người phụ nữ này vẫn sống thọ đến 86 tuổi với mức độ các triệu chứng giảm dần theo thời gian.
Thực tế, hội chứng Tourette vô cùng phức tạp và vẫn đang được nghiên cứu sâu. Một số bệnh nhân có mức độ triệu chứng rất nhẹ, họ có thể trải qua một khoảng thời gian dài không có bất cứ dấu hiệu nào xuất hiện. Một số khác lại có các biểu hiện nghiêm trọng vượt bậc khi bước vào tuổi dậy thì hay những năm đầu tuổi hai mươi.
Hội chứng Tourette được phân thành
- Dạng Tourette đơn giản: Hầu hết chỉ xuất hiện các triệu chứng máy giật trên một vài nhóm cơ nhỏ chẳng hạn như nhún đầu, khịt mũi, giật cơ ở tay chân, ho liên tục, rên rỉ.. Dạng Tourette được đánh giá là nhẹ và dễ điều trị hơn.
- Dạng Tourette phức tạp: Xuất hiện các triệu chứng đồng thời trên nhiều nhóm cơ và tạo thành các vận động hay âm thanh phức tạp. Chẳng hạn vừa nhún vai, giật tay chân, vừa tự đánh bản thân; nói tục hay nhại lại lời người khác một cách không kiểm soát. Trạng thái khó chịu, bứt rứt thường báo hiệu Tourette phức tạp sắp xuất hiện, sau khi các triệu chứng bộc phát, trẻ sẽ thấy dễ chịu và nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Nói chung, một may mắn là dù Tourette Syndrome gây ra nhiều cản trở đến cuộc sống, công việc, học tập, giao tiếp tuy nhiên nó không tác động đến trí thông minh hay tuổi thọ. Đây không phải một bệnh thoái hóa nên người bệnh vẫn duy trì sức khỏe khá ổn định, một số vẫn có cuộc sống bình thường nếu biết cách kiểm soát các triệu chứng này.
Biểu hiện hội chứng Tourette
Để hiểu về hội chứng Tourette, cần hiểu về một thuật ngữ khác là Tic – một dạng bất thường về vận động, phát âm, xảy ra một cách không thể kiểm soát, lặp lại ( được gọi là tic vận động – motor tic và tic tạo âm – vocal tic). Không phải trẻ nào bị Tic cũng là Tourette nhưng đã mắc Tourette chắc chắn sẽ luôn đi kèm các triệu chứng của Tic. Trên thực tế, Tic gặp rất phổ biến ở trẻ em, bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý thì việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử cũng được cho là liên quan trực tiếp gây ra các tật này.
Tic kéo dài hơn 1 năm và đã cắt giảm việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhưng không thuyên giảm có thể được chẩn đoán là hội chứng Tourette. Các biểu hiện Tourette Syndrome có thể biểu hiện theo từng cơn, sau đó biến mất hoặc diễn biến liên tục, các triệu chứng cũ ngưng và xuất hiện các cơn co giật mới. Do đó các dấu hiệu của hội chứng Tourette thường cực kỳ phức tạp, cần theo dõi để có chuẩn đoán chính xác.
Cụ thể, các biểu hiện chính của Tourette Syndrome thường bao gồm:
- Khó tập trung, quá hiếu động không kiểm soát
- Co giật
- Nháy mắt, gật đầu, nhún vai, lắc lư đầu một cách vô thức
- La hét, càu nhàu, chửi rủa bằng những từ ngữ thiếu văn minh
- Khóc dài, khóc to không thể ngừng
- Nhại giọng người khác (echolalia)
- Tự nhại giọng chính mình (palilalia)
- Nói tục, chửi thề, phân biệt tôn giáo, dân tộc (coprolalia)
- Tâm trạng thay đổi nhanh chóng mà không có các tác nhân cụ thể
- Liếm môi, khạc nhổ bừa bãi, khịt mũi, e hèm, rên rỉ hoặc tạo ra các âm thanh kỳ lạ, chẳng hạn tiếng sủa ( được cho là để giảm cảm giác khô trong cổ họng)
- Cử chỉ thô kệch, khiêu dâm ( dù không có chủ ý)
- Lo lắng, bồn chồn và có thể các cách hành vi cưỡng chế ( bắt buộc phải thực hiện mà không ngừng lại được)
- Có thể xuất hiện các hành vi tự hại như tự đánh chính mình
- Đái dầm hay lẩm bẩm khi ngủ
- Vỗ tay hoặc vỗ vào mọi thứ
- Nhảy lò cò hoặc đá vào mọi thứ
- Chớp mắt liên tục ( nhằm làm giảm cảm giác khô bỏng mắt)
Các tật vận động thường xuất hiện sớm hơn các tật phát âm. Thường tic vận động bắt đầu biểu hiện trong giai đoạn từ 3 – 8 tuổi rong khi tic âm thanh thường khởi phát sau 10 tuổi hoặc sớm hơn. Với các tật máy âm, dù có cố gắng kiểm soát, kìm nén nhưng hầu hết vẫn sẽ bộc lộ ra ít nhiều.
Mức độ và tần suất các triệu chứng có xu hướng tăng nếu người đó rơi vào căng thẳng, stress. Tuy nhiên hầu hết người mắc hội chứng Tourette thường rơi vào căng thẳng do bị những người xung quanh bắt nạt, kỳ thị, bị cô lập, đặc biệt là học sinh trong lứa tuổi đi học. Trạng thái mất ngủ, lo âu, bồn chồn, mắc các bệnh nhiễm khuẩn hay cam cúm cũng được cho là các yếu tố làm trầm trọng hơn Tourette Syndrome .
Các hội chứng liên quan
Hội chứng Tourette thường xuất hiện đi kèm với một số dạng rối loạn tâm thần khác ( được gọi là bệnh lý đồng diễn) khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tính các các triệu chứng gia tăng và khó kiểm soát hơn. Theo các chuyên gia, nếu trẻ mắc đồng thời các rối loạn này cũng gặp những cản trở về mặt thích nghi, giao tiếp, hòa nhập với xã hội, nhất là trẻ đang trong độ tuổi đến trường.
Tourette Syndrome được cho là có liên quan đến các hội chứng sau đây
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nếu mắc đồng thời sẽ khiến trẻ dễ kích động, có các hành vi hiếu động quá mức gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) dẫn đến trạng thái bồn chồn, lo âu, thực hiện cách hành vi lặp đi lặp lại mất kiểm soát, sạch sẽ quá mức..
- Rối loạn trầm cảm chủ yếu hay Rối loạn lo âu làm tăng mức độ căng thẳng khiến các biểu hiện của hội chứng Tourette xuất hiện với tần suất và mức độ tăng dần
- Rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối đặc biệt khi các nhu cầu của trẻ không được thỏa mãn sẽ càng làm tăng mức độ bốc đồng, kích thích
- Rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, không thể tập trung
- Chứng khó học tập, có thể khó khăn trong làm toán, xử lý thông tin ( trong một vài trường hợp) mà không liên quan đến trí tuệ.
Nguyên nhân hội chứng Tourette
Trên thực tế, các nguyên nhân gây hội chứng Tourette vẫn chưa được xác minh rõ. Cơ chế bệnh sinh cực kỳ phức tạp có thể liên quan đến nhiều yếu tố đồng thời. Chính điều này cũng khiến cho việc điều trị dứt điểm Tourette Syndrome vẫn chưa thể giải quyết.
Qua các nghiên cứu, một vài yếu tố được xác minh làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Tourette bao gồm:
- Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có cha mẹ mắc hội chứng Tourette hoặc ông bà, cha mẹ từng có tiền sử mắc bị co giật, bị mắc các dạng rối loạn thần kinh thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cơ chế di truyền cũng chưa hoàn toàn được làm rõ.
- Các vấn đề ở não bộ: Sự bất thường về chất hóa học trong não bộ như dopamine và serotonin.. cũng được cho là đóng vai trò liên quan nào đó.
- Giới tính: Một vài thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng Tourette giữa bé trai và bé gái là 3 : 1 nên những bé trai nếu có đủ hai yếu tố trên thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 2 lần.
- Môi trường: Ở Tic, việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời thơ ấu có thể gây ra các tật vận động hay phát âm. Ở hội chứng Tourette, việc trẻ hay bà bầu sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, chất độc hoàn toàn có thể gây ra những bất thường trong gen hay hệ thần kinh.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là các giả thuyết được các nhà khoa học đặt ra và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Vẫn có những trường hợp trẻ nằm ngoài các yếu tố trên nhưng vẫn mắc bệnh.
Hội chứng Tourette có nguy hiểm không?
Như đã nói, một điều may mắn là hội chứng Tourette không gây ra những ảnh hưởng về trí thông minh hay tuổi thọ. Nếu việc điều trị diễn ra sớm, người bệnh hoàn toàn có thể học được cách kiểm soát phần nào mức độ các triệu chứng để dễ dàng hòa nhập trong cuộc sống, có thể học tập hay làm việc như người bình thường. Trên thực tế có không ít người mắc Tourette những vẫn đạt được những thành công nổi trội như ca sĩ, nhạc sĩ thiên tài Lewis Capaldi hay nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart cũng được cho là mắc hội chứng này.
Tuy nhiên người mắc Tourette Syndrome luôn gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt, hòa nhập với xã hội. Trẻ đi học thường dễ là mục tiêu bị bắt nạt, thậm chí những âm thanh, tiếng ồn của con cũng khiến chính các giáo viên e dè, lo lắng. Do thường xuyên mất tập trung nên khả năng tiếp thu kiến thức của trẻ cũng thường bị hạn chế.
Trong khi đó ở người trưởng thành, nếu các triệu chứng không được thuyên giảm và kiểm soát sẽ khiến người bệnh khó tham gia vào các công việc cần giao tiếp, gặp đối tác. Tic vận động cũng ảnh hưởng đến các thao tác cần có kỹ thuật gây mất thời gian và làm giảm hiệu suất trong công việc. Do đó cơ hội nghề nghiệp của người mắc hội chứng Tourette cũng dần bị thu hẹp.
Chính những khó khăn trong sinh hoạt, ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh thường khiến bệnh nhân Tourette có nguy cơ rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn cảm xúc rất cao. Nếu không được thấu hiểu và động viên đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể hình thành suy nghĩ tự tử để giải thoát cho chính mình.
Tất nhiên hiện nay, các vấn đề về Tourette Syndrome đã được công khai phổ biến nhằm giảm sự kỳ thị, tách biệt của mọi người xung quanh cho bệnh nhân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn. Mặt khác tấm gương thành công dù mắc Tourette cũng đã tiếp thêm động lực cho những người mắc hội chứng này để có thêm ý chí, quyết tâm chiến thắng bệnh tật.
Chẩn đoán hội chứng Tourette
Hiện tại vẫn chưa có các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng Tourette tiêu chuẩn mà cần xem xét nhiều yếu tố như tiền sử bệnh lý, thời gian xuất hiện các triệu chứng đồng thời làm một số xét nghiệm cần thiết khác như điện não đồ, xét nghiệm máu hay MRI. Cần hiểu rằng các xét nghiệm lâm sàng chưa chắc có thể xác minh chính xác tình trạng bệnh nhưng sẽ giúp loại trừ nguy cơ về các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Cụ thể, một số tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá trẻ có mắc hội chứng Tourette hay không bao gồm:
- Xuất hiện các biểu hiện đầu tiên, đặc biệt là Tics trước 18 tuổi
- Tic vận động và tic âm thanh dù không nhất định phải xuất hiện đồng thời nhưng cần phải diễn ra trong cùng một thời điểm
- Tic đã xuất hiện trong hơn 1 năm, có thể diễn ra hằng ngày, thường xuyên hoặc không liên tục
- Vị trí, tần suất và mắc độ có xu hướng tăng dần và không thể tự kiểm soát
- Tật máy giật không phải là hệ quả của việc dùng thuốc, chất kích thích hay một tình trạng bệnh lý nào khác
Tốt nhất gia đình nên đưa trẻ đến các bệnh viện uy tín gần nhất, có chuyên môn để được kiểm tra chính xác. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu trẻ ngồi im và xem xét về các biểu hiện xuất hiện để có kết quả chẩn đoán cuối cùng chính xác nhất.
Hướng điều trị hội chứng Tourette
Dù đã chính thức đưa vào nghiên cứu đã lâu nhưng hiện tại vẫn chưa có bất cứ loại thuốc nào được công nhận là thuốc đặc trị cho hội chứng Tourette. Hiện tại vẫn chưa có biện pháp điều trị Tourette hoàn toàn, việc dùng một số loại hóa dược hỗ trợ kèm giáo dục tăng cường vẫn được các chuyên gia đề nghị chủ yếu. Càng can thiệp điều trị sớm, khả năng trẻ có thể dễ dàng thích ứng với xã hội, tham gia học tập, làm việc và có cuộc sống bình thường càng cao.
1. Điều trị bằng thuốc
Như đã nói, hiện tại không có thuốc đặc trị đáp ứng với hội chứng Tourette. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra một vài loại thuốc có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng như tật máy giật bắp thịt, tật phát âm, ổn định giấc ngủ, ngăn ngừa các vấn đề về trầm cảm hay rối loạn lo âu có thể xảy ra, nhờ đó có thể hỗ trợ các chức năng hoạt động bình thường trong cuộc sống.
Một số loại thuốc phổ biến được dùng trong điều trị hội chứng Tourette bao gồm:
- Thuốc ức chế nồng độ dopamin: phổ biến nhất là Fluphenazine, haloperidol, risperidone hoặc pimozide có tác dụng làm giảm các biểu hiện của tic thông qua việc điều hòa nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh
- Tiêm Botulinum (Botox): được cho là có tác dụng làm dịu cơn co giật và giảm liệt cơ ở bệnh nhân Tourette
- Thuốc chẹn alpha 1: sử dụng Guanfacine, Clonidine được chỉ ra có thể làm giảm mức độ hung hăng, kích động
- Thuốc chống ADHD: Thường sử dụng các loại thuốc có chứa methylphenidate và dextroamphetamine để kiểm soát mức độ tăng động cũng như gia tăng sự tập trung trong học tập và các hoạt động thường ngày của trẻ. Tuy nhiên một số nhóm thuốc ADHD cũng có thể làm tăng các biểu hiện của tic nên cần tham khảo thật kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thuốc chống trầm cảm: thường chỉ định nếu trẻ có các biểu hiện u uất, khí sắc u sầu, chán nản
- Thuốc chống động kinh: một vài nghiên cứu cho rằng thuốc chống động kinh Topiramate có thể làm giảm một vài biểu hiện của hội chứng Tourette tuy nhiên vẫn chưa được khẳng định hoàn toàn.
Cần hiểu rằng, thuốc chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời, nếu lạm dụng quá mức thậm chí có thể làm suy giảm một số sức năng của hệ thần kinh và cơ thể. Do đó việc dùng thuốc với người mắc hội chứng Tourette chỉ nên thực hiện nếu có sự cho phép và cung cấp đơn thuốc từ bác sĩ chuyên môn.
Trên thực tế, chỉ có haloperidol (Haldol), pimozide (Orap) và aripiprazole (Abilify) được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức chấp nhận cho phép dùng trong điều trị tic. Tuy nhiên các loại thuốc khác vẫn có thể linh hoạt chỉ định trong một vài trường hợp cần thiết nhưng nhất định phải do bác sĩ chủ trị kê đơn, không được tự ý sử dụng trong bất cứ trường hợp này.
2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có thể giúp ích trong việc giúp trẻ tự kiểm soát các hành vi khi tic vận động và tic âm thanh xuất hiện cũng như xoa dịu các trạng thái bức bối tâm lý để thoải mái hơn trong cuộc sống. Các nghiên cứu cũng chỉ ra liệu pháp hành vi CBT , liệu pháp đảo ngược, liệu pháp tiếp xúc và dự phòng đáp ứng đã giúp ích cho hơn 50% bệnh nhân Tourette trong việc giảm mức độ và tần suất của các triệu chứng.
Tùy tình trạng hội chứng Tourette trên từng đối tượng mà lộ trình các liệu pháp sẽ được xây dựng khác nhau, thường kéo dài ít nhất trong 8 tuần. Nhà trị liệu cũng có thể thiết lập các buổi trị liệu nhóm xen kẽ nhằm giúp trẻ học được cách tương tác để dễ dễ dàng hòa nhập và thích ứng hơn khi đến tuổi đi học. Mặt khác mục tiêu của các biện pháp này còn nhằm điều trị hoặc phòng ngừa các nguy cơ trầm cảm cũng như giảm nhẹ mức độ ADHD hay OCD nếu có.
3. Các phương pháp hỗ trợ
Giáo dục hỗ trợ cũng được đánh giá là các biện pháp cần thiết với hội chứng Tourette để tăng cường chất lượng cuộc sống cho trẻ. Mặc dù không bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ nhưng tic vẫn có thể gây khó khăn về phát âm, vận động cũng như cản trở một số hoạt động khác nên việc can thiệp các liệu pháp hỗ trợ sẽ giúp ích trong các trường hợp này.
Các biện pháp hỗ trợ chính với trẻ mắc hội chứng Tourette bao gồm:
- Vật lý trị liệu: cho trẻ khởi phát tic vận động sớm gây khó khăn trong di chuyển, đi lại
- Âm ngữ trị liệu: Nhằm khắc phục các tật như nuốt ức, ho, nhại lời, chảy nước dãi, khó phát âm đồng thời cải thiện khả năng giao tiếp bằng lời nói cho trẻ
- Chức năng trị liệu: tăng cường các kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống, tham gia vào việc đi học hay vui chơi như bạn bè đồng trang lứa
4. Một số liệu pháp khác
Hội chứng Tourette không thể điều trị trong thời gian ngắn mà cần áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ trong thời gian dài để có những thay đổi khả quan nhất. Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp đồng thời nhiều liệu pháp, bao gồm
- Kích thích não sâu ( deep brain stimulation -DBS) : được chỉ định trên các trường hợp Tourette nặng, không đáp ứng tốt với thuốc. Trẻ sẽ được đưa vào một thiết bị điện cực ( hoạt động bằng pin) cắm sâu vào não nhằm tạo ra các kích thích điện có thể kiểm soát các khu vực mục tiêu. Tuy nhiên phương pháp này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện.
- Phương pháp Can thiệp Hành vi Toàn diện trong điều trị Tic ( Comprehensive Behavioral Intervention for Tics – CBIT): thường kéo dài từ 8-10 buổi trị liệu, được xây dựng với 2 liệu pháp chính là đào tạo đảo ngược thói quen (habit reversal training – HRT) cùng can thiệp điều trị dựa vào chức năng (function-based treatment – FBT). Mục tiêu chung của phương pháp này là nâng cao nhận thức, thư giãn, giảm lo âu. Việc thực hiện CBIT sẽ được tiến hành bởi đội ngũ chuyên gia tâm lý, cán sự xã hội, và các cố vấn chức năng trị liệu nên thường mang lại hiệu quả rất cao.
5. Chăm sóc và hỗ trợ trẻ Tourette
Tăng cường các hoạt động giáo dục đặc biệt kết hợp xây dựng thói quen sống lành mạnh, tích cực cũng được đánh giá mang đến nhiều lợi ích trong điều trị hội chứng Tourette. Thực tế việc duy trì lối sống khoa học kéo dài đến thời điểm trưởng thành đã cho thấy các biểu hiện tic đã dần được khống chế đáng kể, nhiều người bệnh vẫn có thể tham gia làm việc, sinh học, lập gia đình như những người bình thường, thậm chí là thành công vượt trội.
Để mang đến cuộc sống tốt đẹp lâu dài, thay đổi tương lai cho bệnh nhân Tourette, cần lưu ý những điều sau
- Thiết lập thói quen vận động hằng ngày
- Xây dựng thời gian sinh hoạt, ăn uống, học tập, vui chơi hợp lý
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây, nước lọc, nhóm đạm lành mạnh và tránh xa các đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều chất hóa học hay các thức ăn đã chế biến sẵn
- Giữ tâm trí thư giãn bằng cách đọc sách, tập thể dục, luyện tập thiền nguyện, trò chuyện với người thân
- Tránh để cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, tiêu cực, stress kéo dài
- Tránh xa bia rượu, chất kích thích, đồ uống có cồn hay các nhóm chất có thể gây dị ứng
- Phát triển các thế mạnh cá nhân bởi sự tập trung vào một chủ thể nào đó có thể kiểm soát được tic xuất hiện
Gia đình nên động viên, hỗ trợ trẻ bằng cách thường xuyên trò chuyện, tạo điều kiện để con tìm ra sở thích, hứng thú của bản thân. Việc tham gia các lớp kỹ năng mềm, các câu lạc bộ hay các hoạt động kết nối với bạn bè đồng trang lứa cũng cần được gia đình chú ý hơn để tạo điều kiện giúp con phát triển toàn diện về mọi mặt.
Hội chứng Tourette vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, khám phá thêm. Mặc dù hiện tại chưa có biện pháp nào có thể điều trị hoàn toàn Tourette tuy nhiên vẫn có rất nhiều bệnh nhân vượt qua số phận, luôn kiên cường chiến đấu và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống thay vì để căn bệnh này đánh gục. Càng can thiệp sớm, khả năng kiểm soát các triệu chứng càng cao nên gia đình cần luôn thận trọng trước các biểu hiện bất thường của con.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng căng trương lực Catatonia: Biểu hiện, Chẩn đoán, Điều trị
- Hội chứng Rett là gì? Nguyên nhân, chuẩn đoán và điều trị
- Hội chứng Stendhal gây ra nhiều triệu chứng không thể xem nhẹ
Bé nhà tôi đã đi nhi đồng 1 điều trị 7 tháng nhưng tình trạng ko thuyên giảm mấy. Cứ hết biểu hiện này lại xuất hiện cái khác. Tôi rất lo lắng. Xin cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn