Hội chứng căng trương lực Catatonia là gì? Điều cần biết
Hội chứng căng trương lực Catatonia là tình trạng rất hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Triệu chứng của bệnh phức tạp và đôi khi vô cùng nguy hiểm.
Hội chứng căng trương lực (Catatonia) là gì?
Hội chứng căng trương lực (Catatonia) là một dạng rối loạn tâm thần. Hội chứng này ảnh hưởng đến khả năng vận động, phản ứng, giao tiếp và đi kèm nhiều triệu chứng tâm thần.
Các nhà nghiên cứu đã dựa vào biểu hiện để chia hội chứng Catatonia thành 3 loại, bao gồm: hội chứng kích động tăng trương lực, bất động tăng trương lực, và tăng trương lực ác tính.
Bệnh nhân có thể chỉ xuất hiện triệu chứng kích động tăng trương lực, hoặc bất động tăng trương lực. Nhưng có trường hợp người bệnh thể hiện đầy đủ triệu chứng của cả hai thể.
Hội chứng tăng trương lực ác tính có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. May mắn là thể ác tính rất hiếm gặp.
Hội chứng căng trương lực thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm,… Ngoài ra, người lạm dụng thuốc chống loạn thần, hội chứng cận u hay viêm não cũng tăng nguy cơ bệnh.
Thống kê cho thấy, cứ khoảng 10 người bị tâm thần phân liệt nghiêm trọng sẽ có 1 người mắc hội chứng căng trương lực.
Ước tính có khoảng 0.5 – 2.1% người có các vấn đề tâm thần mắc hội chứng này. Khoảng 10% tỷ lệ bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú có biểu hiện của hội chứng Catatonia.
Xem thêm: Bệnh tâm thần phân liệt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Biểu hiện của hội chứng căng trương lực
Trong hội chứng Catatonia, hoạt động của một số bộ phận bên trong não bộ bị gián đoạn dẫn đến những bất thường về vận động, khả năng giao tiếp. Một số trường hợp còn gặp vấn đề về giác quan, cảm xúc, nhận thức,…
DSM-5 đã công nhận 12 triệu chứng chính thức của hội chứng căng trương lực bao gồm:
- Agitation (Kích động): Kích động không có mục đích. Phản ứng kích động hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các kích thích bên ngoài.
- Catalepsy (Chứng bắt thế): Catalepsy là tình trạng bệnh nhân giữ nguyên một vị trí mà người khác sắp đặt. Tư thế bất động kèm theo hiện tượng cứng cơ, không thay đổi dù có kích thích bên ngoài. Trong trạng thái Catalepsy, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có nhận thức, nhưng không thể phản ứng lại.
- Posturing (Chứng giữ nguyên tư thế): Chứng giữ nguyên tư thế là tình trạng bệnh nhân giữ nguyên tư thế chủ động, không phải tư thế mà người khác đặt (ngồi, nằm,…)
- Echolalia (Chứng nhại lời): Chứng nhại lời là một trong những triệu chứng điển hình của hội căng trương lực. Bệnh nhân nhại lại lời của người khác, hoặc mô phỏng âm thanh mà họ nghe được. Khi được hỏi, bệnh nhân chỉ lặp lại câu hỏi thay vì đưa ra câu trả lời.
- Echopraxia (Chứng nhại động tác): Bệnh nhân bắt chước hành động và tư thế của người khác.
- Grimacing (Nhăn nhó): Người bệnh có biểu cảm nhăn nhó do căng cơ mặt. Một số người có thể có biểu cảm cười, nhưng nụ cười rất kỳ dị và không phù hợp với bối cảnh.
- Mutism (Câm): Người bệnh không nói và không phát ra bất cứ âm thanh nào.
- Negativism (Phủ định): Có xu hướng chống lại những gì xảy ra xung quanh, nhưng không có mục đích hay lý do rõ ràng.
- Mannerism (Hành vi cường điệu): Hành vi có mục đích, cường điệu, thái quá và không phù hợp với hoàn cảnh.
- Stereotypy (Rập khuôn/ định hình): Hành vi lặp đi lặp lại một cách định hình, và gần như không có mục đích. Các hành vi thường gặp là vỗ tay, chơi với ngón tay, xoay cơ thể,…
- Stupor (Sững sờ): Bệnh nhân tỉnh táo, nhưng không phản ứng với mọi thứ xung quanh. Thậm chí đó có là cơn đau hay cảm giác khó chịu như ngứa, bỏng rát,…
- Waxy flexibility (Uốn sáp): Bệnh nhân không cử động, và giữ nguyên tư thế được người khác sắp đặt (đứng, ngồi, nằm). Khi di chuyển, tay chân của người bệnh có cảm giác giống như sáp. Người bệnh giữ nguyên tư thế dù rất kỳ dị.
Phân loại hội chứng Catatonia
Như đã nói ở trên, hội chứng căng trương lực Catatonia được chia thành 3 nhóm là: Catatonia bất động, Catatonia kích động, và Catatonia ác tính.
1. Akinetic Catatonia (Catatonia bất động)
Catatonia bất động, hay hội chứng bất động căng trương lực, đặc trưng bởi tình trạng bất động một phần, hoặc bất động hoàn toàn.
Thể bệnh này còn đặc trưng bởi tình trạng tăng trương lực cơ, phủ định, tính chất bệnh thầm lặng và có thể kéo dài khoảng vài tuần cho đến vài tháng.
Điểm đặc biệt là Catatonia bất động chỉ xảy ra sau hội chứng kích động căng trương lực.
Bất động không hoàn toàn/ Bán bất động:
- Người bệnh giữ nguyên một tư thế (thường là tư thế ngồi)
- Giảm khả năng giao tiếp, nói rất ít cho đến khi không nói hoàn toàn
- Một số bệnh nhân không trả lời lại bằng lời nói nhưng có thể viết ra giấy.
- Xuất hiện các hành vi định hình, lặp đi lặp lại không chủ đích
- Các triệu chứng uốn sáp xuất hiện lần đầu tiên ở cổ, sau đó đến tay và chân
- Bệnh nhân ăn uống, vận động và nói nhiều vào ban đêm yên tĩnh.
Bất động hoàn toàn:
- Bệnh nhân nằm ở tư thế bào thai và giữ nguyên trong thời gian dài
- Toàn bộ các cơ căng cứng, hai hàm cắn chặt
- Bệnh nhân hoàn toàn không có phản ứng với mọi người, và cả những yếu tố tác động (người khác sờ vào người, kích thích nhiệt, cơn đau, kim châm,…)
- Rất ít khi chớp mắt, nhưng vẫn có hiện tượng chớp mắt phản xạ
- Bệnh nhân giữ nguyên trạng thái bất động, đờ đẫn và nét mặt gần như tượng.
- Bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái bất động hoàn toàn với biểu hiện trương lực cơ tăng mạnh
2. Exited Catatonia (Catatonia kích động)
Catatonia kích động hay còn gọi là hội chứng kích động căng trương lực. Hội chứng này mang nhiều hình thái khác nhau nhưng đặc điểm chung là các hành vi kịch tính, kích động.
Kích động mang tính chất xung động:
- Thay đổi hành vi bất thường như quay chong chóng tại chỗ một cách vô cớ, nhảy ra khỏi giường đột ngột, tự xé bỏ quần áo, la hét, nhảy nhót, văng tục
- Bệnh nhân phá phách, ném và làm hư hỏng đồ vật trong tầm tay
- Một số người có hành vi bôi phân lên người, khạc nhổ lung tung
- Có biểu hiện điên dại, kích động, tự cào cấu gây thương tích cho bản thân
- Phản ứng mạnh mẽ, tàn bạo với những người cố ý giữ người bệnh lại.
- Bệnh nhân chống đối một cách vô cớ, không rõ lý do khi người khác cho uống thuốc và ăn uống
- Có biểu hiện giận dữ, khó chịu nhưng không vì mục đích gì
- Có biểu hiện nhại lời và nhại động tác
Kích động có tính chất kịch tính, bàng hoàng:
- Khởi đầu với biểu cảm hưng phấn ở dạng say đắm, bối rối
- Biểu cảm dần thiếu tự nhiên như miệng cười nhưng mặt đầy nước mặt, nét cười kỳ dị, thiếu tự nhiên
- Phấn khích thái quá
- Ngôn ngữ khó hiểu, câu nói không rõ ràng
- Tư duy ngắt quãng, lời nói có tính chất khoa trương và cường điệu quá mức
- Hành vi kiểu cách, thiếu tự nhiên
- Co hành vi định hình, vô nghĩa như vỗ tay, mắt nhìn trừng trừng, lắc người, xoay người theo nhịp, rung đùi,…
- Có biểu hiện phủ định, chống đối, hoặc làm ngược ý muốn của người khác
Kích động với tính chất lố bịch, si dại:
- Pha trò nhạt nhẽo, cười vô duyên vô cớ, nói năng và nhăn nhó một cách vô nghĩa
- Bên cạnh hưng phấn cảm xúc, bệnh nhân cũng có biểu cảm tư duy hưng phấn
- Xé quần áo, vứt đồ đạc, ném phá, nhào lộn, chạy nhảy vồ vào những người xung quanh.
- Có các hành động phủ định chống lại một cách vô cớ, không chủ đích.
Kích động im lặng:
- Kích động im lặng là dạng khá hiếm gặp với dấu hiệu điển hình là bệnh nhân lặp đi lặp lại các động tác có tính chất nhịp nhàng như múa vờn, múa giật
- Bệnh nhân không nói hoặc câm lặng hoàn toàn
3. Malignant Catatonia (Catatonia ác tính)
Catatonia ác tính hay hội chứng căng trương lực ác tính là biến thể hiếm gặp. Hội chứng này có tính chất rất nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trong hội chứng Catatonia ác tính, bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật và mất kiểm soát nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ,…
Các triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân mắc hội chứng căng trương lực cơ ác tính:
- Đổ mồ hôi liên tục
- Huyết áp không ổn định
- Tăng nhịp tim
- Tăng thân nhiệt dẫn đến sốt cao
- Tím tái do thiếu oxy đến các mô ở móng tay, môi, da,…
Trong hội chứng Catatonia ác tính, dẫn truyền thần kinh của não đến các cơ quan bị gián đoạn. Kết quả, não không thể kiểm soát huyết áp, thân nhiệt,…
Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do thân nhiệt và huyết áp tăng quá cao.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Catatonia
Hội chứng căng trương lực Catatonia được mô tả từ khá sớm nhưng chưa được nghiên cứu nhiều do tỷ lệ mắc bệnh thấp. Sau gần 150 năm nghiên cứu, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân.
Dù vậy, các nghiên cứu được thực hiện phần nào xác định được một số yếu tố nguy cơ sau:
- Mất cân bằng các chất dẫn truyền bên trong não bộ
- Di truyền
- Mắc các vấn đề tâm thần như trầm cảm nặng, tâm thần phân thiệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn phân liệt cảm xúc
- Có các vấn đề liên quan đến thần kinh như tự kỷ, hội chứng Down, động kinh, thiểu năng trí tuệ, hội chứng Tourette,…
- Tổn thương não bộ (từng bị đột quỵ, viêm não,…)
- Mắc các bệnh tự miễn (đa xơ cứng, lupus ban đỏ)
- Sử dụng ma túy và các loại thuốc hướng thần gây nghiện
Hội chứng căng trương lực có nguy hiểm không?
Hội chứng này thường không đe dọa đến tính mạng, ngoại trừ trường hợp Catatonia ác tính.
Các đợt phát bệnh có thể kéo dài hàng tuần cho đến hàng tháng, và tái phát nhiều lần. Một số người có thể phải sống chung với chứng bệnh này suốt đời.
Tuy nhiên, các triệu chứng của hội chứng căng trương lực có thể được kiểm soát bằng một số liệu pháp và sử dụng thuốc.
Tiên lượng của hội chứng Catatonia khá đa dạng. Trường hợp liên quan đến rối loạn lưỡng cực và trầm cảm thường có đáp ứng tốt hơn.
Trong khi đó, đa phần những trường hợp tâm thần phân liệt không cải thiện quá nhiều. Dù vậy, với những tiến bộ của y học, hoàn toàn có thể hy vọng tìm ra phương pháp triển vọng hơn.
Chẩn đoán hội chứng căng trương lực Catatonia
Hội chứng căng trương lực hiếm khi được chẩn đoán trên lâm sàng. Hội chứng này thường bị nhầm lẫn với hội chứng an thần kinh ác tính, hoặc các rối loạn thần kinh khác.
Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng Catatonia khi đã liên tục điều trị thất bại bằng thuốc chống loạn thần và thuốc giãn cơ.
Một số thủ thuật được thực hiện trong chẩn đoán hội chứng căng trương lực:
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: Các xét nghiệm này cho phép bác sĩ loại trừ khả năng nhiễm trùng và sử dụng chất gây nghiện.
- Đo điện não đồ (EEG): Đo điện não đồ sẽ giúp các bác sĩ loại trừ khả năng động kinh và co giật do sốt cao.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng được thực hiện để phát hiện bất thường bên trong não bộ.
Các phương pháp điều trị hội chứng căng trương lực
Hiện nay, có hai lựa chọn duy nhất trong điều trị hội chứng Catatonia là dùng thuốc và liệu pháp sốc điện (ECT). Kích thích từ xuyên sọ cũng được xem là phương pháp triển vọng, nhưng cần nghiên cứu sâu hơn.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc an thần Benzodiazepines là lựa chọn đầu tay khi điều trị hội chứng căng trương lực. Thống kê cho thấy, khoảng 60 – 90% bệnh nhân có cải thiện sau khi dùng thuốc.
Hiệu quả của các loại thuốc trong nhóm Benzodiazepines có sự khác biệt, vì thế bệnh nhân có thể phải dùng nhiều loại để tìm được loại thuốc phù hợp.
Bệnh nhân mắc chứng Catatonia có thể phủ định, chống đối lại lời dặn của bác sĩ (không uống thuốc hoặc uống không đúng liều lượng). Do đó, một số trường hợp sẽ được chỉ định tiêm để đảm bảo hiệu quả.
Các loại thuốc an thần Benzodiazepines được dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng căng trương lực:
- Lorazepam
- Zolpidem
- Diazepam
- Clonazepam
Ngoài thuốc an thần, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần, hay thuốc điều chỉnh khí sắc.
Hai loại thuốc này giúp cải thiện các triệu chứng kích động, tâm thần do hội chứng căng trương lực gây ra. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần cần được cân nhắc kỹ, vì nó gia tăng nguy cơ Catatonia ác tính.
2. Liệu pháp sốc điện (ECT)
Liệu pháp sốc điện (ECT) đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị. Phương pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát đi qua não bộ nhằm tạo ra các cơn co giật nhỏ bên trong.
Mục đích của ECT là điều hòa lại các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó giảm nhẹ các triệu chứng do hội chứng căng trương lực gây ra. Liệu pháp sốc điện thường được chỉ định nếu điều trị bằng thuốc không có hiệu quả.
Liệu pháp này mang lại hiệu quả khá cao. Sau khoảng một vài giờ, tình trạng sẽ được cải thiện rõ rệt. Hầu hết bệnh nhân sẽ thực hiện vài lần/tuần trong vài tuần để kiểm soát hoàn toàn triệu chứng.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Người mắc hội chứng Catatonia có nguy cơ bị mất nước và suy dinh dưỡng do không ăn uống. Một số trường hợp có thể hình thành cục máu đông và làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, đột quỵ,…
Do đó, bên cạnh các phương pháp điều trị chính, cần thêm các biện pháp hỗ trợ.
Gia đình cần đảm bảo bệnh nhân được ăn uống điều độ và đủ dinh dưỡng. Trường hợp người bệnh chống đối, nên liên hệ với bác sĩ để được điều trị nội trú.
Gia đình cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên, kịp thời phát hiện các biểu hiện khác thường để bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.
Người bệnh có thể gây hại cho chính bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, ngay khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh, nên thông báo ngay với bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Hội chứng Catatonia không quá nguy hiểm nếu được thăm khám và điều trị sớm. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể dẫn đến Catatonia ác tính và tăng tỷ lệ tử vong.
Có thể bạn quan tâm:
- Thuốc Risperdal chữa tự kỷ, tâm thần phân liệt có tốt không?
- Hội chứng Lithromantic là gì? Nhận biết và chữa trị thế nào?
- Rối loạn phân liệt cảm xúc và những vấn đề cần lưu ý
- Hội Chứng Cuồng Loạn Hysteria: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!