Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Nguyên nhân và điều trị
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng bệnh về rối loạn tâm thần có liên quan trực tiếp đến hành vi và cách suy nghĩ của người bệnh. Các nỗi sợ, hình ảnh, ý nghĩ không mong muốn sẽ thường xuyên xuất hiện, từ đó khiến cho bệnh nhân hình thành các hành động cưỡng chế bất thường.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
OCD là tên viết tắt của thuật ngữ Obsessive – Compulsive Disorder, đây cũng chính là tên tiếng anh của căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế hiện đang rất phổ biến trong xã hội.
Đây là một căn bệnh về tâm lý biểu hiện cụ thể bằng các ý nghĩ, hành vi của bệnh nhân. Các đối tượng bệnh thường xuyên xuất hiện các hình ảnh, nỗi sợ, ý nghĩ không mong muốn, hầu hết chúng không đến từ một lý do chính đang nào cả nhưng sẽ khiến cho bệnh nhân phải thực hiện một hành vi nào đó liên tục một cách vô lý để cơn lo âu, căng thẳng được thuyên giảm. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một căn bệnh rối loạn về tâm lý có tính chất mạn tính, duy trì và kéo dài trong một thời gian khá lâu khiến cho sức khỏe và đời sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu và thống kê thì đa phần những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có những biểu hiện từ các vấn đề xảy ra xung quanh mình. Đặc trưng nhất có thể kể đến đó là chứng sợ nhiễm khuẩn, sợ bẩn. Họ có thể rửa tay rất nhiều lần trong ngày mặc dù tay không có vết bẩn hay đã làm qua việc gì. Ngược lại, nếu không thể thực hiện được hành vi rửa tay họ sẽ luôn có ý nghĩ rằng tay đang rất bẩn và cảm thấy khó chịu, bứt rứt, bắt buộc họ phải tiến hành rửa tay.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Trong thực tế, căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh từ nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau chứ không đơn thuần là một nguyên nhân nào đó. Từ một số thống kê, các chuyên gia về tâm thần học cũng đưa ra được một số lý do có thể dẫn đến căn bệnh này như sau:
- Yếu tố sinh học: Khi cơ thể hoặc não bộ bị tác động và thay đổi sẽ khiến cho bệnh nhân xuất hiện các hình ảnh, ý nghĩ ám ảnh và tiến hành thực hiện các hành vi vô nghĩa một cách cưỡng chế.
- Yếu tố môi trường: Theo nghiên cứu của ác chuyên gia cho biết rằng, căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể hình thành từ các hành vi, thói quen được thực hiện lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Ví dụ như bạn có thói quen tắt điện khi ra khỏi nhà, kiểm tra bếp đã tắt chưa, sắp xếp đồ đạc đúng vị trí,….
- Các yếu tố khác: Các hình ảnh, ý nghĩ không mong muốn có thể thường xuyên xuất hiện do sự thiếu hụt Serotonin, đây là một chất hóa học đóng vai trò quan trọng đối với não bộ. Đặc biệt hơn, các đối tượng bị nhiễm liên cầu nhóm A và liên cầu khuẩn tán huyết beta (chủ yếu là trẻ em) sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng bệnh này.
Bên cạnh các nguyên nhân thường gặp được nêu trên thì các chuyên gia về tâm thần học cũng đưa ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tuy nhiên vẫn chưa được kiểm chứng và xác nhận cụ thể.
- Tiền sử gia đình: Những đối tượng có người thân trong gia đình như cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em,…đã từng gặp phải chứng rối loạn về tâm lý thì khả năng bệnh phát triển sẽ cao hơn đối với người bình thường.
- Hoạt động, sự kiện trong cuộc sống bị áp lực, căng thẳng: Những người có tính hay nhạy cảm hoặc thường xuyên có những hành vi, phản ứng khá mạnh mẽ đối với các sự việc căng thẳng thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, vì những phản ứng này sẽ làm cho họ xuất hiện các ý nghĩ xâm chiếm đến đời sống tinh thần và làm cho cơ thể bị mệt mỏi, khó chịu. Từ đó sẽ làm xuất hiện các hành vi mang tính chất bắt buộc phải thực hiện.
- Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh: Tuy vẫn chưa có bất kì kết luận nào về tình trạng này nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa thì những phụ nữ đang mang thai hoặc đã trải qua thời kì sinh nở sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Dấu hiệu nhận biết của rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đó chính là sự xuất hiện của các ý nghĩ, hình ảnh, nỗi sợ không mong muốn với tần suất liên tục khiến cho người bệnh phải tiến hành một hành vi cưỡng chế. Tình trạng này nếu kéo dài và không được điều trị sẽ khiến cho bệnh nhân bị ảnh hưởng rất nhiều về sức khỏe, chất lượng đời sống bị giảm sút mạnh.
Theo lời của Tiến sĩ Jeff Szymanski (Mỹ), Giám đốc điều hành của tổ chức International OCD Foundation (Tổ chức OCD Quốc tế) thì hiện nay vẫn chưa có bất kì bài test nào về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vì tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các triệu chứng sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào các dấu hiệu sau đây, bạn cũng có thể nhận biết được căn bệnh OCD:
1. Nguyên tắc dọn dẹp nhà cửa
Những người mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường tự đặt ra nguyên tắc riêng mỗi khi dọn dẹp nhà cửa và bắt buộc bản thân phải thực hiện theo. Họ luôn kì vọng rằng tất cả mọi góc nhà đều sạch sẽ và gọn gàng. Nếu bạn có những biểu hiện dọn dẹp nhà cửa sau đây thì khả năng cao bạn đang mắc phải căn bệnh OCD:
- Luôn lo lắng và có cảm giác rằng căn nhà của mình xuất hiện rất nhiều loại vi trùng.
- Nhất định phải thực hiện việc dọn nhà kể cả những lúc cơ thể mệt mỏi.
- Chuẩn bị đầy đủ và rất nhiều các loại dụng cụ để phục vụ cho việc vệ sinh căn nhà, đảm bảo nhà phải sạch tuyệt đối.
2. Thói quen rửa tay quá kỹ
Những đối tượng thường xuyên phải rửa tay quá kỹ, luôn có cảm giác tay bị bẩn và chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn thì khả năng cao đang mắc phải chứng ám ảnh vi trùng. Đây cũng chính là biểu hiện và nỗi ám ảnh đặc trưng nhất của những người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tuy nhiên, thói quen này cũng tùy mức độ, có thể bạn chỉ có ý thức muốn phòng ngừa các bệnh lây nhiễm và tự bảo vệ bản thân.
Để có thể nhận định bạn đang gặp phải căn bệnh OCD thì đây là các biểu hiện cụ thể:
- Có thói quen rửa tay rất nhiều lần trong ngày và lau chùi tay thật sạch sẽ, có khi chú ý đến từng móng tay.
- Luôn có suy nghĩ về các mầm bệnh và những loại vi khuẩn, vi trùng.
- Có nỗi sợ mắc phải các chứng bệnh lây nhiễm một cách vô lý.
3. Ám ảnh về những con số
Một trong các biểu hiện thường gặp đối với những người bệnh OCD khi có ám ảnh về các con số như:
- Luôn có cảm giác lo lắng, bất an đối với những con số mà bản thân cho rằng chúng không mang lại sự may mắn.
- Luôn quy tất cả thành các con số như số lượng người trong phòng, số giờ làm việc, số ngày đi làm, số lượng côn việc, số mục tiêu,…
- Yêu cầy tất cả mọi người phải có thái độ nghiêm túc đối với những con số.
4. Cảm giác luôn cần kiểm tra
Những biểu hiện đặc trưng của căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế đó chính là việc đã hoàn thành xong một công việc nào đó nhưng vẫn phải kiểm tra nhiều lần. Người bệnh luôn bị thôi thúc phải cẩn trọng trong mọi việc, từ đó họ luôn muốn chắc chắn và kiểm tra lại nhiều lần các việc đã làm. Có khoảng hơn 30% các người bệnh OCD đều mắc phải cảm giác này.
Nếu bạn thân hiện đang có các triệu chứng sau đây thì có khả năng bạn đang mắc bệnh lý này:
- Luôn có xu hướng kiểm tra việc vừa mới hoàn thành nhiều hơn 3 lần.
- Luôn có mặt trễ trong các cuộc hẹn, giờ làm vì phải kiểm tra nước, điện, ổ khóa nhà.
- Thường xuyên không hoàn thành đúng deadline vì phải kiểm tra công việc rất nhiều lần sau đó.
5. Nỗi sợ hãi phóng đại về bạo lực
Hầu hết tất cả mọi người đều có nỗi sợ về bạo lực, tuy nhiên những người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế lại sợ hãi ở mức độ “phóng đại” hơn. Thông thường nếu một người né tránh khi thấy có trận đánh nhau ở đường phố thì là một dấu hiệu rất bình thường. Mặt khác nếu bạn có những nỗi sợ bạo lực sau đây thì có thể bạn đang mắc phải chứng bệnh OCD:
- Nỗi sợ khi đi ra đường lúc vắng người, luôn lo lắng rằng có kẻ muốn đánh đập hoặc có ý định xâm hại tình dục bản thân.
- Nỗi sợ về sự bắt nạt của bạn bè, bạo hành của cô giáo hay các kẻ xấu có thể gây ra cho con mình.
- Khi mắc phải một sai lầm hoặc lỗi nhỏ nào đó cũng sợ hãi bị người thân bạo hành.
6. Khả năng tổ chức rất cao
Một ưu điểm có thể nhận thấy của những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế đó chính là khả năng tổ chức rất cao. Họ là người cầu toàn luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ và muốn mọi thứ đều phải đối xứng, cân bằng và chính xác về số lượng.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây nên một số vấn đề như:
- Bệnh nhân phải cố gắng hoàn thành công việc và không có thời gian để nghỉ ngơi.
- Gây khó chịu cho những người xung quanh vì sự cầu toàn quá mức, đòi hỏi phải hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ.
- Khi quá tập trung vào các quy trình và phức tạp mọi thứ lên sẽ làm cho công việc bị ảnh hưởng đến tiến độ.
7. Cảm giác dằn vặt về các mối quan hệ
Những người mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có cảm giác lo sợ, dằn vặt đối với những người xung quanh, họ sợ gây tổn thương đến bất cứ ai. Họ luôn nóng lòng muốn biết được suy nghĩ của đối phương để giảm bớt các cảm giác tội lỗi, lo lắng.
Khi người bệnh không nhận được sự phản hồi hoặc không biết rõ được suy nghĩ của những người xung quanh sẽ khiến cho họ bị bứt rứt, khó chịu, ngủ không yên. Đặc biệt, biểu hiện này sẽ xuất hiện rõ hơn khi gặp phải các trường hợp như:
- Bản thân vừa làm một việc có lỗi với người khác nhưng vẫn chưa biết cách để sửa lỗi.
- Khi bạn vừa xung đột với đồng nghiệp hoặc cấp trên.
- Người bệnh sẽ luôn có cảm giác lo lắng, bất an trong tình yêu.
- Thường xuyên lớn tiếng, xúc phạm những người trong gia đình, bạn bè thân thiết.
8. Những ý nghĩ ám ảnh về tình dục
Tình dục là ham muốn bình thường của mỗi con người, tuy nhiên những đối tượng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường xuất hiện các ý nghĩ tình dục không mong muốn.
Nỗi ám ảnh về tình dục có thể biểu hiện qua các ý nghĩ như:
- Quan hệ với người cùng giới tình hoặc trẻ em.
- Quan hệ với một ai đó hấp dẫn nhưng chưa từng quen biết
- Quan hệ với đồng nghiệp, sếp, các khách hàng.
9. Ghét soi gương
Biểu hiện này cũng có liên quan đến hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD). Những người mắc phải hội chứng này sẽ rất ghét việc phải soi gương, khi nhìn bản thân trong gương sẽ cảm giác mình xấu xí.
Các đối tượng bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xuất hiện các dấu hiệu nhận biết sau:
- Không sử dụng gương hoặc khi bắt buộc phải sử dụng luôn có cảm giác khó chịu, miễn cưỡng.
- Không có niềm tin vào các lời khen của người khác đối với ngoại hình của bản thân.
- Luôn cảm thấy bất hạnh, kém may mắn khi không xinh đẹp như người khác.
10. Niềm kỳ vọng vào sự bảo đảm
Khi mắc phải căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người bệnh thường tìm kiếm những sự đảm bảo từ lời khuyên, ý kiến của người khác. Cũng bởi bản thân họ luôn có cảm giác bất an, hoài nghi về những lựa chọn, quyết định của bản thân. Do đó, họ luôn có xu hướng muốn đặt niềm tin và kỳ vọng nhiều về việc người khác sẽ giúp mình.
Một số dấu hiệu có thể nhận biết như:
- Trước khi đưa ra quyết định về một sự việc nào quan trọng đối với cuộc đời bạn thường tham khảo và muốn nhận được ý kiến của nhiều người.
- Bạn sẽ không kí bất cứ giấy tờ, văn bản, hợp đồng nào khi chưa xem xét kỹ từng điều khoản và quyền lợi.
- Bạn cần đảm bảo chuẩn bị đủ tất cả điều kiện về kinh tế, tinh thần trước khi kết hôn và sinh con.
Có thể bạn quan tâm: Sự khác biệt giữa rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn
Cách điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà quá trình điều trị sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay việc chữa trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Do đó, để cải thiện được tốt các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cũng cần kiên trì áp dụng đúng theo phác đồ điều trị của chuyên gia trong thời gian dài.
Một số phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế mang lại kết quả tốt nhất như:
1. Điều trị bằng thuốc Tây
Khi áp dụng phương pháp điều trị này sẽ giúp các các triệu chứng của bệnh được kiểm soát và hạn chế các ảnh hưởng mà căn bệnh này có thể gây ra. Tùy vào thể trạng và mức độ bệnh của từng người mà các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn và hướng dẫn liều lượng sử dụng phù hợp nhất.
Một số loại thuốc thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế như:
- Fluvoxamine (luvox CR)
- Paroxetin (paxil, pexeva)
- Sertraline (zoloft)
- Fluoxetine (prozac)
- Clomipramine (anafranil)
Nếu các trường hợp bệnh đã phát triển ở mức độ nghiêm trọng, những triệu chứng bệnh thường xuyên xuất hiện và khó có thể kiểm soát thì các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc với nháy. Thông thường các chuyên gia sẽ áp dụng những loại thuốc chống trầm cảm với thuốc chống loạn thần để làm thuyên giảm nhanh chóng các dấu hiệu bệnh, đồng thời giúp bệnh nhân được cân bằng cảm xúc, tinh thần, phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, do các loại thuốc hỗ trợ điều trị về tâm thần đều có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng bệnh nhân cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt không được tự ý tăng giảm liều dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và giúp bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế được kiểm soát tốt nhất.
Bên cạnh đó, khi tiến hành thăm khám và được áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc Tây các bệnh nhân cũng phải khai báo rõ về tình trạng bệnh sử và các loại thuốc đang sử dụng. Điều này sẽ giúp cho các chuyên gia kê đơn thuốc phù hợp hơn, tránh được sự tương tác thuốc. Trong thời gian điều trị bằng thuốc nếu có xảy ra các triệu chứng bất thường nào, người bệnh cũng nên thông báo ngay với chuyên gia để được giải quyết kịp thời và tiến hành thăm khám ngay sau đó.
2. Tâm lý trị liệu
Những đối tượng bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ được phục hồi một cách tự nhiên thông qua phương pháp trị liệu tâm lý. Bằng liệu pháp này các bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi, trò chuyện để có thể biết rõ được nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa giải pháp phù hợp nhất. Khi điều trị bằng công cụ này sẽ giúp bệnh nhân nhận thấy rõ được các hành vi, suy nghĩ bất thường trong cuộc sống hàng ngày của mình. Từ đó bác sĩ tâm lý và người bệnh sẽ cùng nhau đưa ra được các cách kiểm soát và cải thiện chúng.
Liệu pháp nhận thức, hành vi này có thể áp dụng được cho tất cả mọi đối tượng từ trẻ em đến những người cao tuổi. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ cải thiện các bệnh tâm lý mà còn giúp cho bệnh nhân cân bằng được cảm xúc, biết cách kiềm chế các cơn nóng giận, khó chịu và rèn luyện thói quen sinh hoạt lành mạnh để hạn chế nguy cơ tái phát.
Tuy nhiên, không phải cơ sở điều trị tâm lý nào cũng có thể mang lại kết quả tốt cho việc điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người bệnh cần phải lựa chọn và tìm hiểu các đơn vị uy tín, chất lượng để có thể cải thiện bệnh một cách an toàn và tự nhiên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần có ý chí cao để có thể đối đầu với căn bệnh quái ác này, kiên trì áp dụng điều trị để mang lại kết quả tốt nhất.
3. Chăm sóc sức khỏe tại nhà
Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh lưỡng cực chỉ có thể hỗ trợ cải thiện được các triệu chứng bệnh, thông thường bệnh nhân có thể sống chung với bệnh lý này nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí là cả đời. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tại nhà là điều cực kì quan trọng để không làm bệnh tiến triển nặng hơn hoặc tái phát trở lại.
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dung nạp các thực phẩm béo, cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá,…
- Tránh làm việc, học tập quá sức, dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để vận động, có thể tập luyện các bài thể thao đơn giản như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…
- Chú ý đến giấc ngủ, ngủ đủ 8 tiếng và rèn luyện thói quen ngủ trước 23 giờ mỗi ngày.
- Suy nghĩ tích cực, hạn chế áp lực, căng thẳng kéo dài.
- Tham gia vào các hoạt động mà mình yêu thích như vẽ tranh, xem phim, ca hát, nhảy múa hoặc đi du lịch.
- Tái khám đúng hẹn để biết được tình trạng bệnh của bản thân.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một căn bệnh khá phổ biến, nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, thậm chí là sức khỏe của họ. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh lý này, bạn nên nhanh chóng tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn hoảng sợ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!