Cách phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật
Tập trung bổ sung dinh dưỡng phù hợp, chăm sóc các vết thương và vận động đúng là cách giúp phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật đơn giản. Với những đối tượng này, người bệnh càng cần quan tâm đến sức khỏe hơn để sớm bổ sung lại những năng lượng đã mất do quá trình phẫu thuật.
Nguyên nhân gây suy nhược cơ thể sau phẫu thuật
Suy nhược cơ thể sau phẫu thuật thường liên quan đến phụ nữ phải sinh mổ, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh xương khớp, bệnh nhân ung thư.. Nguyên nhân là do sau phẫu thuật người bệnh có sức khỏe rất yếu, mất nhiều máu đồng thời phải kiêng khem nhiều khiến sức khỏe lâu hồi phục, cân nặng giảm sút trông thấy.
Bên cạnh đó ở một số bệnh nhân, nếu kết quả phẫu thuật không đạt đúng như ý muốn, chẳng hạn như chưa loại bỏ hết bệnh hoàn toàn cũng rất dễ gây suy nhược. Người bệnh phải thường xuyên nghĩ về bệnh tật, tiền bạc, vẫn phải chịu những cơn đau nhức kéo dài khiến thể trạng này càng hao mòn.
Ở những bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến xương khớp vẫn cần tiếp tục trị liệu vật lý và kiêng khem trong thời gian dài. Điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, cảm giác không quay trở lại cuộc sống bình thường, ăn uống không ngon, tinh thần dễ suy giảm và rơi vào trạng thái kiệt quệ.
Đặc biệt với những người có cơ địa đã gầy yếu trước hoặc ở những bệnh nhân đau nặng, khó đi lại ngày thường gặp những vấn đề về cả thể chất và tinh thần làm suy nhược. Nếu không nhanh chóng kiểm soát và điều trị phù hợp có thể khiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy giảm đồng thời tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nguy hiểm hơn.
Cách phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật
Trên thực tế, tình trạng suy nhược cơ thể chỉ được coi là bệnh khi đã diễn ra trên 6 tháng. Những triệu chứng này bắt nguồn ngay từ thời điểm sau phẫu thuật khiến sức khỏe ngày càng suy giảm hơn. Tuy nhiên khắc phục sớm ngay từ giai đoạn bệnh khởi phát hay ngay sau thời điểm mới phẫu thuật sẽ giúp hạn chế nguy cơ này.
Để phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân suy nhược do phẫu thuật, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp sau đây
1. Thực hiện theo chỉ định của bác sĩ
Sau bất cứ ca phẫu thuật này, bác sĩ cũng thường dặn dò kỹ lưỡng về các chăm sóc vết thương, dinh dưỡng, thuốc men hay các lưu ý về tác dụng phụ. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc nếu có bất cứ thắc mắc nào cần trao đổi sớm để đảm bảo an toàn khi nghỉ ngơi tại nhà.
Đặc biệt cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc được bác sĩ chỉ định. Bởi một số bệnh nhân sau phẫu thuật thường cảm giác khá đau nên có thể lạm dụng một số loại thuốc giảm đau. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh trong giai đoạn phục hồi và sau đó vì vậy không nên tự ý tăng/ giảm liều khi bác sĩ không cho phép.
Bên cạnh đó cũng đừng quên tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra trạng thái hồi phục. Nếu có bất cứu dấu hiệu bất thường nào bác sĩ cũng có thể phát hiện và giải quyết ngay để ngăn ngừa các ảnh hưởng khác làm suy nhược cơ thể.
2. Bổ sung dinh dưỡng
Hầu hết bệnh nhân sau phẫu thuật thường kiêng khem khá kỹ vì sợ để lại sẹo tại vết mổ. Mặc dù theo các bác sĩ việc có để lại sẹo hay không thường liên quan đến yếu tố cơ địa của từng người, tuy nhiên để đảm bảo an toàn hơn người bệnh vẫn kiêng nên kiêng ăn một số thực phẩm không tốt cho các vết thương hở.
Một số thực phẩm trong nhóm cần kiêng như thịt bò, trứng, rau muống vì có thể để lại sẹo, thịt gà vì gây ngứa vết mổ hay các đồ ăn khô cứng vì khó tiêu hóa. Tuy nhiên có thể thấy các thực phẩm trên đều thuộc nhóm chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng để phục hồi năng lượng và sức khỏe. Do đó nếu không đảm bảo cân bằng được các dưỡng chất lúc này sẽ làm cân nặng sụt giảm nhanh chóng và gây suy nhược.
Tốt nhất những người sau phẫu thuật nên bổ sung dinh dưỡng qua các thực phẩm sau đây để phục hồi năng lượng và sức khỏe nhanh nhất
- Bổ sung đạm: bên cạnh thịt heo, người mới phẫu thuật cũng có thể bổ sung nguồn đạm thực vật như hạt, đậu hũ, đậu hay thực phẩm chay, nấm nếu lo lắng để lại sẹo. Thịt gà cũng là thực phẩm có nguồn đạm giúp bổ sung năng lượng, nếu sợ vết mổ bị ngứa bạn chỉ cần loại bỏ phần da gà là hoàn toàn có thể sử dụng như bình thường.
- Chất xơ: Sau phẫu thuật hệ tiêu hóa người bệnh chưa thực sự ổn định nên cần tăng cường bổ sung chất xơ để hỗ trợ cho tiêu hóa. Trong đó rau củ và các loại trái cây là nguồn bổ sung chất xơ cùng rất nhiều các loại vitamin cần thiết. Tuy nhiên nên tránh dùng những loại trái cây chua và cứng như xoài xanh, ổi..
- Các chất chống oxy hóa: giúp thanh lọc các độc tố trong cơ thể, nhất là khi đang dùng thuốc đồng thời làm lành nhanh vết thương và tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh có thể bổ sung chất này thông qua các loại rau màu xanh đậm hay tảo biển..
- Các vitamin cần thiết: vitamin B và vitamin C là hai thành phần quan trọng cho cả người đang cần hồi phục sau phẫu thuật và người bị suy nhược cơ thể.
- Bổ sung sắt: đây là thành phần tham gia vào quá trình tái tạo hồng cầu để đưa đến lượng máu chất lượng cho cơ thể. Khi phẫu thuật người bệnh có thể bị mất một lượng máu lớn làm cơ thể dễ suy nhược, do đó cần tăng cường bổ sung sắt để phục hồi máu. Một số thực phẩm giàu chất này như gan, thận, hay một số nội tạng động vật.
Đặc biệt ở phụ nữ sau sinh, việc bổ sung dinh dưỡng không chỉ để phục hồi sức khỏe cho bản thân mà còn để nuôi con. Mẹ nếu bị suy nhược hay thiếu chất trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con. Do đó cần tăng cường bổ sung dưỡng chất hơn, có thể trao đổi thêm với bác sĩ để được hỗ trợ.
Sau khi các vết thương đã dần hồi phục và lành sẹo người bệnh nên nhanh chóng bổ sung các dưỡng chất đầy đủ như trước để cơ thể kịp phục hồi.
3. Lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh
Tùy vào từng giai đoạn sau phẫu thuật mà người bệnh cần lưu ý về cách chế biến các món ăn cũng như chế độ ăn. Nếu người suy nhược vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, ăn uống kém thì nên ưu tiên chế biến các món ăn mềm lỏng như cháo, súp hay các loại canh rau củ nghiền để dễ hấp thụ hơn.
Để phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật, người bệnh cũng nên chia nhỏ các bữa ăn thay vì tập trung ăn quá nhiều vào bữa chính. Việc chia nhỏ các bữa ăn nhằm giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa, nhờ đó tăng khả năng hấp thụ hơn. Đồng thời ăn các bữa nhẹ cũng đảm bảo người bệnh luôn được cung cấp đủ năng lượng hoạt động suốt cả ngày.
Tuy nhiên chú ý với các bữa phụ chỉ nên ăn nhẹ với các món ăn trái cây, sữa chua, ngũ cốc.. Tránh việc ăn quá nhiều vào bữa phụ khiến bữa chính vẫn còn đang ngang bụng và không muốn ăn.
4. Uống đủ nước mỗi ngày
Sau phẫu thuật người bệnh vẫn có thể phải dùng một số loại thuốc để làm lành nhanh vết thương hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh khác liên quan ( trừ trường hợp sinh nở). Việc dùng thuốc tây nhiều cùng với quá trình phẫu thuật khiến thận phải hoạt động mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.
Uống đủ nước mỗi ngày sẽ hỗ trợ cho quá trình thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố và làm giảm áp lực tại thận. Ngoài ra nước cũng cung cấp năng lượng cần thiết để người bệnh hoạt động linh hoạt hơn. Tạo thói quen uống đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày còn giúp da dẻ khỏe mạnh trắng sáng hơn.
5. Học các kiểm soát cơn đau
Cơn đau sau phẫu thuật là một trong những nguyên nhân chính gây suy nhược cơ thể. Tuy nhiên chú ý người bệnh tuyệt đối không dùng bất cứ các loại thuốc nào để giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ. Thường các cơn đau cũng không kéo dài nên bạn cũng không cần quá lo lắng.
Bọc một cục đá vào một miếng vải sạch và chườm lên vị trí vết thương là cách đơn giản để giảm đau. Bên cạnh đó người bệnh cũng nên học các bài tập thiền hay yoga để làm giảm tình trạng đau nhức đáng kể. Nếu các cơn đau tại vị trí phẫu thuật kéo dài quá lâu ngày người bệnh nên nhanh chóng thăm khám với bác sĩ để được điều trị.
6. Bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng
Để sức khỏe nhanh chóng được phục hồi người bệnh rất cần luyện tập vận động. Nhiều người sau phẫu thuật thường cảm thấy đau đớn nên thường nằm hay ngồi một chỗ mà không vận động. Điều này có thể làm các cơ và khớp yếu dần, đặc biệt ở những người phẫu thuật xương khớp hay sinh mổ.
Đừng quá lo lắng và hãy bắt đầu tập luyện từ những bài tập nhẹ nhàng và có người hỗ trợ. Hãy bắt đầu bằng các bài tập đi lại nhẹ nhàng, không nên vận động quá mạnh có thể gây đau đớn. Chỉ cần đi bộ vài vòng cũng giúp tinh thần được thư giãn thả lỏng, cảm nhận được những nguồn sinh khí mới khiến cơ thể khỏe hơn hẳn.
Nếu có thời gian hơn bạn có thể tham gia các lớp thiền hay yoga cũng được đánh giá rất tốt để phục hồi sức khỏe.
7. Sử dụng các chế phẩm bổ sung sức khỏe đúng cách
Để hỗ trợ quá trình phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật nhiều người thường tăng cường bổ sung các chế phẩm như nhung hươu, tổ yến, nhân sâm hay các loại thuốc bổ. Các thực phẩm sẽ đem đến nguồn dưỡng chất vô cùng dồi dào để người bệnh nhanh chóng khỏe lại, tránh những di chứng do quá trình phẫu thuật.
Tuy nhiên không phải tình trạng bệnh lý nào cũng có thể dùng các chế phẩm trên. Chẳng hạn với người có huyết áp thấp được khuyến khích không dùng nhung hươu hay người có thể trạng xanh xao, tỳ vị yếu lại không nên dùng yến sào. Do đó cần tham khảo thêm bác sĩ để đảm bảo phù hợp với từng đối tượng.
8. Lựa chọn sữa giúp phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật
Sữa cũng là thức uống giúp tăng cường dưỡng chất cực kỳ phù hợp cho người bị gầy gò, suy nhược sau phẫu thuật. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất trong quá trình phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật, người bệnh còn cần chú ý lựa chọn những loại sữa phù hợp cho sức khỏe.
Chẳng hạn với người sau sinh hay phẫu thuật xương khớp cần dùng các loại sữa giàu canxi, người phẫu thuật tim nên dùng sữa có MUFA, PUFA, giàu chất xơ và ít cholesterol xấu. Trong khi đó với những người phẫu thuật ở bụng hay liên quan đến hệ tiêu hóa lại cần tránh uống sữa vì có thể gây đau bụng hay táo bón.
Tốt hơn việc uống sữa nên thực hiện khi các vết thương đã dần hồi phục và tham khảo thêm với bác sĩ để đảm bảo an toàn.
9. Hướng đến những điều lạc quan tích cực hơn
Phẫu thuật khiến người bệnh vô cùng lo lắng, đặc biệt ở những bệnh mãn tính hay ung thư khiến người bệnh cần phải tiến hành thực hiện nhiều giai đoạn. Người sau phẫu thuật không chỉ phải chịu những cơn đau mà còn thường xuyên tự trách cứ, cho rằng bản thân ngày càng vô dụng, lo lắng cho chức khỏe khiến tinh thần ngày càng xuống dốc.
Tâm trạng lo lắng, suy nghĩ nhiều, sợ hãi cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ suy nhược cơ thể, đặc biệt ở người già. Chính vì thế việc cải thiện những suy nghĩ tiêu cực, luôn hướng đến những giá trị tích cực cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình loại bỏ suy nhược cơ thể.
Người bệnh nên ra ngoài nhiều hơn, gặp gỡ bạn nè, tâm sự với gia đình và người thân cũng là cách giảm căng thẳng sau phẫu thuật. Khi sức khỏe đã dần ổn định hơn, người bệnh cũng nên tham gia các hoạt động thể chất phù hợp để sớm giải tỏa những bức bối trong lòng, tránh để lâu sinh tâm bệnh.
Trên đây là những biện pháp đơn giản giúp phục hồi suy nhược cơ thể sau phẫu thuật. Thực hiện đúng theo chỉ định từ bác sĩ, bổ sung dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp sẽ ngăn chặn sớm các triệu chứng suy nhược ngay trong giai đoạn đầu tiên.
Có thể bạn quan tâm
- Bà bầu bị suy nhược cơ thể có ảnh hưởng tới thai nhi không?
- Suy nhược cơ thể ở trẻ em: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Người bị suy nhược cơ thể nên kiêng gì nhanh khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!