Suy nhược cơ thể: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Suy nhược cơ thể là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc lao lực quá sức. Người mắc chứng bệnh này luôn trong trạng thái mệt mỏi như cạn kiệt năng lượng nào, tinh thần cũng có cảm giác kiệt quệ không còn sức sống. Từ suy nhược cơ thể có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác nên cần điều trị càng sớm càng tốt.
Suy nhược cơ thể là gì?
Bất cứ ai cũng có giai đoạn cảm thấy mệt mỏi nặng nề như không còn sức sống, thường là do làm việc quá sức trong thời gian dài. Tuy nhiên nếu các trạng thái cạn kiệt năng lượng thường xuyên kéo dài, người bệnh thường xuyên mắc các bệnh vặt, khí sắc suy giảm thì rất có thể đây là dấu hiệu của suy nhược cơ thể. Đây là một bệnh lý tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm liên quan đến cả thể chất và sức khỏe toàn diện mà bất cứ ai cũng không nên chủ quan.
Suy nhược cơ thể còn được gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính bởi các trạng thái mệt mỏi kéo dài không thể chấm dứt. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, giới tính ra sao trong đó người trong độ tuổi từ 20- 40 được đánh giá là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt là nữ giới.
Các cấp độ suy nhược cơ thể
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, suy nhược cơ thể có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, đòi hỏi cách điều trị phù hợp để giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Suy nhược cơ thể cấp độ 1: Đây là mức suy nhược nhẹ hơn, người bệnh vẫn có thể hoàn thành các công việc hàng ngày nhưng cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống. Nếu không điều chỉnh chế độ sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn.
- Suy nhược cơ thể cấp độ 2: Ở cấp độ này, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi dai dẳng, sức khỏe suy giảm rõ rệt, thậm chí không còn đủ năng lượng để thực hiện những hoạt động đơn giản trong ngày. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sinh hoạt hàng ngày, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để điều trị.
Triệu chứng suy nhược cơ thể
Các dấu hiệu điển hình của hội chứng mệt mỏi mãn tính bao gồm:
- Cảm giác cạn kiệt năng lượng như không còn sức sống, chỉ muốn nằm một chỗ mà không muốn làm bất cứ một việc gì khác
- Cơ thể mệt mỏi, cảm giác đau nhức vô hình nhưng không tìm được nguyên nhân chính xác
- Hay ốm vặt hay mắc rất nhiều bệnh khác do suy giảm hệ miễn dịch
- Mất tập trung, khó ghi nhớ nhưng công việc hay hành động vừa thực hiện
- Rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ kéo dài, khi ngủ cũng thường xuyên gặp ác mộng
- Da dẻ xanh xao và sạm đi, xuất hiện nhiều nếp nhăn, nổi mụn.
- Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đau đầu nhất là khi làm việc
- Lo lắng, bi quan, dễ kích động, dễ cáu gắt với mọi người xung quanh
- Không muốn nói chuyện giao tiếp với ai, trốn tránh với mọi người nhất là sau một ngày dài phải làm việc
- Chán ăn, không muốn ăn uống, ăn mất ngon
- Mất ham muốn tình dục
- Ù tai, giảm thính giác
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Nổi hạch ở cổ hay họng
- Gặp các vấn đề về dạ dày hay huyết áp
- Đầy bụng, táo bón, khó tiêu, tiêu hóa kém
- Sụt cân nghiêm trọng
- Thờ ơ, tính khí thay đổi thất thường
- Có các biểu hiện của trầm cảm nếu không nhanh chóng kiểm soát bệnh kịp thời
Các dấu hiệu bệnh được biểu hiện trên cả tinh thần và thể chất nhưng thường không rõ nguyên nhân thực thể khiến nhiều người chủ quan cho rằng đó chỉ là mệt mỏi thông thường. Suy nhược cơ thể được xác định là bệnh khi các triệu chứng kéo dài trong 6 tháng liên tiếp mà không có dấu hiệu giảm sút. Cần phát hiện và điều trị bệnh sớm để phòng tránh những hệ lụy đáng tiếc khác có thể xuất hiện.
Nguyên nhân gây suy nhược cơ thể
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng mệt mỏi mãn tính, có thể liên quan đến các vấn đề tâm lý – tâm thần; các bệnh lý kéo dài hay thậm chí là làm việc lao lực trong thời gian dài cũng có thể dẫn tới bệnh lý nguy hiểm này. Bệnh có thể xuất hiện do một hoặc nhiều yếu tố xuất hiện cùng lúc. Xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu để nhanh chóng loại bỏ bệnh.
Theo đó các nguyên nhân được cho rằng làm tăng nguy cơ mắc suy nhược cơ thể bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm, các cơ quan chức năng hoạt động chậm chạp khiến việc hấp thụ các chất ngày càng kém dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh
- Các bệnh lý thực thể: thường là các bệnh có yếu tố mãn tính, kéo dài, điều trị mãi không khỏi khiến tinh thần sa sút mà sức khỏe cũng không được cải thiện. Một số bệnh lý dễ gây hội chứng mệt mỏi mãn tính như bệnh ung thư, các bệnh về xương khớp, bệnh thận mãn tính, đái tháo đường, huyết áp thấp..
- Nhiễm trùng: bệnh lao phổi, nhiễm trùng toàn thân, viêm nội tâm mạc hay viêm gan B
- Thiếu vận động: có thể liên quan đến những người bị chấn thương, tai nạn lao động không thể vận động làm các cơ yếu dần đi.
- Cơ thể bị thiếu chất: thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu canxi hay thiếu rất nhiều vitamin khác với mức độ trầm trọng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Mang thai: Ở những người mang thai thường có nhu cầu dinh dưỡng cao nhưng mức độ dự trữ năng lượng thấp và rất dễ thiếu chất nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu
- Biến chứng do tác dụng phụ của thuốc: suy nhược cơ thể cũng có thể do việc dùng các loại thuốc trong thời gian dài, thường là các loại thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ
- Gặp các vấn đề tâm lý: stress, căng thẳng, lo âu hay trầm cảm đều khiến tinh thần trì trệ, sức khỏe sa sút và dễ gây ra nhiều bệnh lý thực thể. Tình trạng này kéo dài nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính.
- Nguyên nhân khác: người làm việc quá sức, có nhiều áp lực trong cuộc sống không thể giải quyết khiến tinh thần cạn kiệt, từ đây dễ dẫn tới các triệu chứng suy nhược trên toàn thân. Bên cạnh đó một số nghiên cứu cũng cho rằng ở những người thường ở trong phòng, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt thời cũng là đối tượng hàng đầu dễ mắc bệnh.
Ai có nguy cơ bị suy nhược cơ thể?
Từ người già, trẻ em đến phụ nữ, tất cả đều có nguy cơ trải qua tình trạng suy nhược cơ thể nếu không được chăm sóc và theo dõi sức khỏe đúng cách. Mỗi độ tuổi, giai đoạn cuộc sống đều cần được hiểu rõ để phòng tránh và đối phó kịp thời.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường dễ bị suy nhược cơ thể do sự thay đổi nội tiết tố, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao và áp lực từ quá trình mang thai.
- Người già: Người cao tuổi thường gặp nguy cơ suy nhược cao hơn do sức khỏe suy giảm, hấp thụ dưỡng chất kém và các bệnh lý mãn tính.
- Trẻ em: Trẻ em, đặc biệt là những trẻ có chế độ dinh dưỡng không đủ, đang mắc các bệnh mãn tính cũng có thể gặp tình trạng suy nhược
- Người mới phẫu thuật: Quá trình phẫu thuật khiến cơ thể dễ bị thiếu máu và tiêu hao năng lượng nhiều. Người bệnh sẽ dễ rơi vào trạng thái suy nhược nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phục hồi.
Tác hại của suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể gây ra những ảnh hưởng trên cả tinh thần và thể chất nên không thể xem nhẹ. Các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này nhưng từ hội chứng sẽ gây ra hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm khác. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng về lâu về dài nếu không can thiệp thời thì những hệ lụy do hội chứng mệt mỏi mãn tính gây ra sẽ ảnh hưởng cho tuổi thọ của bệnh nhân.
Khi bị cơ thể bị suy nhược dẫn đến tinh thần cũng luôn trong trạng thái “hết pin”, người bệnh dần trở nên thay đổi tích cách, dễ kích động, nóng giận, khép mình lại và không muốn giao tiếp với ai. Thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng này tiến triển đến giai đoạn trầm cảm hay các rối loạn thần kinh khác là rất cao. Trong giai đoạn trầm cảm nặng, bệnh nhân không thể kiểm soát được bản thân có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như tự tử để giải thoát cho chính mình.
Không chỉ có tinh thần sa sút mà sức khỏe cũng giảm nhanh chóng. Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về tim mạch, huyết áp, rối loạn tiền đình, các bệnh về dạ dày hay hàng loạt các bệnh khác. Một số bệnh nhân còn ngất xỉu khi làm việc hay tăng nguy cơ bị đột quỵ đặc biệt ở người lớn tuổi. Việc cơ thể suy nhược biến chứng tới các bệnh lý này càng làm việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Đặc biệt ở những đối tượng như phụ nữ mang thai, suy nhược cơ thể không chỉ ảnh hưởng tới mẹ bầu mà còn tác động trực tiếp đến thai nhi. Bé sinh ra có thẻ bị khiếm khuyết về mặt nào đó do không được cung cấp đủ chất, suy dinh dưỡng, kém phát triển hay hàng loạt các vấn đề khác. Thậm chí nếu phát và điều trị quá muộn còn làm tăng nguy cơ sảy thai cực kỳ nguy hiểm.
Cách chẩn đoán suy nhược cơ thể
Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về bệnh sử cá nhân và gia đình, cũng như các triệu chứng hiện tại. Qua việc hỏi bệnh, bác sĩ có thể đánh giá mức độ suy nhược, từ khi nào tình trạng này xuất hiện và có triệu chứng nào đi kèm như mất ngủ, đau cơ hay giảm cân. Mục đích của việc này là thu hẹp nguyên nhân tiềm ẩn và xác định các yếu tố có thể điều trị được. Bên cạnh đó, bác sĩ còn kiểm tra sơ bộ các cơ quan như da, tim, phổi, khớp để phát hiện dấu hiệu bất thường.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra sự mất cân bằng nội tiết, thiếu chất dinh dưỡng hay tình trạng viêm nhiễm
- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện các bất thường liên quan đến thận và hệ tiết niệu
- Chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, MRI hoặc CT scan giúp phát hiện tổn thương ở cơ, xương hoặc dây thần kinh
- Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện điện cơ đồ (EMG) để kiểm tra hoạt động điện của cơ và dây thần kinh nhằm xác định rõ hơn nguyên nhân gây suy nhược.
Hướng điều trị suy nhược cơ thể
Tùy theo triệu chứng và căn nguyên gây bệnh mà hướng điều trị mệt mỏi mãn tính được thực hiện khác nhau. Nếu liên quan đến các vấn đề tinh thần thì cần phải điều trị tâm lý, nếu liên quan đến các bệnh lý thì phải điều trị bệnh đó hoặc cải thiện dần bệnh nền bên cạnh đó kết hợp với bồi bổ cơ thể và điều chỉnh lối sống khoa học hơn. Việc hồi phục cơ thể có thể sẽ kéo dài để đảm bảo các cơ quan chức năng hoạt động lại hết như bình thường.
Thuốc dùng trong chữa suy nhược cơ thể
Hầu hết không có một loại thuốc cụ thể nào được dùng cho bệnh nhân mệt mỏi mãn tính. Bên cạnh những loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh lý liên quan bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm một số loại vitamin để bồi bổ cơ thể, bồi bổ máu huyết hay các loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe. Mặc dù đây đều là các loại thuốc phổ biến nhưng người có cơ thể suy nhược vẫn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Những loại thuốc Tây y phổ biến thường được chỉ định như vitamin nhóm B giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng cho tế bào, cải thiện chức năng của hệ thần kinh; canxi tốt cho xương khớp, viên sắt giúp bổ sung máu hay các thực phẩm chức năng như viên nhung hươu, nhân sâm, linh chi.. để bồi bổ cơ thể nhanh tăng cân và hồi phục hơn..
Bên cạnh thuốc Tây y, các loại thuốc Đông y cũng được dùng nhiều cho bệnh nhân mệt mỏi mãn tính. Y học cổ truyền hướng tới giải quyết căn nguyên gây bệnh từ bên trong, cải thiện khí huyết, bồi bổ cơ thể nhưng không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào nên có thể sử dụng cho rất nhiều đối tượng.
Một số bài thuốc Đông y thường được dùng như:
- Bài thuốc cho người phế khí hư: Chuẩn bị Hoàng kỳ, đẳng sâm, ngũ vị tử mỗi dược liệu 10g; Tang bạch bì, thục địa, tử uyển 12g mỗi vị thuốc. Làm sạch các dược liệu đem sắc uống ngày một thang, chia làm 2- 3 uống hết trong ngày.
- Bài thuốc do tỳ khí hư: Sử dụng các dược liệu gồm đẳng sâm 16g; liên nhục,ý dĩ, hoài sơn, bạch truật, biển đậu 12g mỗi vị thuốc; cát cánh, phục linh dùng 8g mỗi dược liệu cùng trần bì và sa nhân mỗi vị 6g. Làm sạch các dược liệu, sao vàng hạ thổ rồi đem tán bột, dùng ngày 20g.
- Bài thuốc do tâm huyết hư: Chuẩn bị thục địa 16g; dạ giao đằng, xuyên khung, đương quy, bạch thược 12g mỗi vị thuốc; phục linh, bá tử nhân, táo nhân mỗi dược liệu 8g. Sắc uống ngày một thang chia làm 2- 3 lần.
Đối với các bài thuốc Đông y cũng được các thầy thuốc chẩn đoán rõ nguyên nhân, tình trạng để bốc thuốc, người bệnh không nên tự ý sử dụng.
Trị liệu tâm lý
Giữ được tinh thần thoải mái là yếu tố hàng đầu để bệnh nhân có thể nhanh chóng khỏe lại bởi khi tinh thần càng trị trệ thì sức khỏe sẽ không thể được cải thiện. Đặc biệt những người đang mắc các bệnh mãn tính, người chịu áp lực tinh thần quá mức thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tinh thần tuột dốc không phanh, luôn trong trạng thái mệt mỏi không còn sức sống thì cho dù có bồi bổ thế nào, dùng thuốc tốt ra sao thì việc điều trị vẫn không mang lại kết quả.
Vì vậy các bác sĩ cũng khuyến khích cũng khuyến khích người bệnh nên tham gia trị liệu tâm lý để cải thiện tất cả các vấn đề trên cơ thể. Mục đích của trị liệu là giúp bản thân bệnh nhân hiểu được tình trạng của mình, giải quyết những vấn đề trong tâm lý đồng thời hướng tới lối sống lạc quan tích cực hơn.
Ngoài ra trị liệu tâm lý cũng giải quyết được các vấn đề mất ngủ lâu năm, loại bỏ trầm cảm hay các vấn đề tâm lý – tâm thần liên quan để đem lại sức khỏe toàn diện nhất. Khi tinh thần khỏe mạnh người bệnh sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng, ngủ ngon từ đó sức khỏe dần phục hồi, người bệnh sẽ tăng cân trông thấy.
Cách phòng ngừa suy nhược cơ thể
Khi cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi kéo dài, thiếu năng lượng và không đủ sức chống chọi với những áp lực hàng ngày, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tránh rơi vào tình trạng này, việc phòng ngừa suy nhược cơ thể với các cách sau là vô cùng quan trọng:
Bồi bổ cho người suy nhược cơ thể
Người bệnh cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết để cơ thể nhanh chóng khỏe lại. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, thực phẩm giúp bổ sung máu để tăng dần cân nặng ổn định. Hãy trao đổi thêm với các bác sĩ dinh dưỡng để lên thực đơn bổ sung phù hợp nhất cho từng đối tượng.
Một số thực phẩm được khuyến khích nên bổ sung cho người bị suy nhược như:
- Các thực phẩm giàu đạm tốt như thịt nạc, trứng, ức gà, các loại cá béo
- Nên ưu tiên ăn các món ăn mềm lỏng, dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa
- Các loại rau củ, đặc biệt là rau có màu xanh đậm để bổ chất xơ và đầy đủ các loại vitamin cần thiết
- Trái cây giúp bổ sung nhiều vitamin như cam, nho, thanh long, táo, chuối
- Đảm bảo uống đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày
- Một số món ăn cực kỳ phù hợp cho người bị suy nhược như cháo mè đen, cháo bồ câu, cháo đậu đen hạt sen, canh hạt sen tim lợn, canh gà hầm hoàng kỳ.
- Bổ sung một số loại sữa để hấp thụ chất tốt hơn, với những người bị ung thư hay mắc một số bệnh lý khác sẽ có những loại sữa chuyên biệt, người dùng nên tham khảo thêm trước khi sử dụng
- Tránh xa các thực phẩm cay nóng, đồ ăn khô cứng, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn khó tiêu hóa, thức ăn giàu các loại đạm nhưng khó tiêu..
- Tuyệt đối không sử dụng bia rượu, thuốc lá hay bất cứ chất kích thích nào khác
Thay đổi lối sống khoa học lành mạnh mỗi ngày
Điều trị mệt mỏi mãn tính là một quãng thời gian dài và không thể phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ mà cần có các biện pháp chăm sóc bản thân tại nhà theo hướng lâu dài. Trong đó điều chỉnh lối sống khoa học lành mạnh mỗi ngày không chỉ là cách giúp cải thiện bệnh nhanh chóng mà còn giúp phòng tránh nguy cơ bệnh tái phát trở lại hiệu quả nhất.
Cụ thể người bệnh nên chú ý đến các vấn đề sau đây:
- Coi trọng giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ 7-8h mỗi ngày
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức
- Học cách thư giãn cơ thể mỗi ngày
- Không tạo áp lực cho bản thân, không suy nghĩ đến các vấn đề ngoài lề quá mức
- Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để phục hồi sức khỏe như chạy bộ, đạp xe, bơi lội
- Yoga, thiền và dưỡng sinh không chỉ là bộ môn nâng cao sức khỏe mà còn rất tốt cho sức khỏe tinh thần
- Chia sẻ với người thân về tình trạng mà mình đang gặp phải để tìm cách giải quyết hiệu quả
- Giải quyết các vấn đề sức khỏe đang gặp phải càng sớm càng tốt
Câu hỏi thường gặp về suy nhược cơ thể
Không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa suy nhược và mệt mỏi thông thường hay khi nào cần phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Để giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề này, dưới đây là những câu hỏi thường gặp về suy nhược cơ thể cùng lời giải đáp chi tiết:
1. Làm sao biết mình đang bị suy nhược cơ thể?
Nếu cảm thấy cơ thể yếu ớt, không còn sức lực hoặc tinh thần mệt mỏi mà không cải thiện sau khi nghỉ ngơi, đó có thể là dấu hiệu suy nhược. Việc gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị là điều cần thiết.
2. Sự khác biệt giữa suy nhược cơ thể và mệt mỏi thông thường là gì?
Mệt mỏi thường xảy ra sau khi vận động, làm việc quá sức và có thể cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Trong khi đó, suy nhược cơ thể là tình trạng mất sức kéo dài, có thể do bệnh lý tiềm ẩn và thường không được cải thiện dù đã nghỉ ngơi.
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp tình trạng suy nhược kéo dài, không cải thiện dù đã nghỉ ngơi hoặc kèm theo các triệu chứng như đau ngực, khó thở, nói khó, méo mặt, hãy đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.
4. Suy nhược cơ thể còn được gọi là gì?
Suy nhược cơ thể còn được gọi bằng những thuật ngữ như “mất sức”, “yếu ớt”, “sự suy yếu”, hoặc “sự mệt mỏi mãn tính”, tùy thuộc vào cách mô tả của bác sĩ và bệnh nhân.
Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của chứng suy nhược cơ thể, kể cả những người trẻ. Vì vậy không nên chủ quan mà ngay khi phát hiện bản thân có vấn đề bất thường về sức khỏe hãy nhanh chóng tiến hàng điều trị càng sớm càng tốt. Đồng thời đừng quên dành thời gian khám sức khỏe định kỳ hằng năm để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Người bị suy nhược cơ thể nên kiêng gì nhanh khỏi?
- Suy nhược cơ thể có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì không?
- Bị suy nhược cơ thể do làm việc quá sức và cách khắc phục
Nguồn tham khảo:
- tamanhhospital.vn, vinmec.com,…
- https://www.osmosis.org/answers/asthenia
- https://www.maxhealthcare.in/our-specialities/internal-medicine/conditions-treatments/asthenia
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!