Rối loạn tiền đình là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi với triệu chứng đặc trưng như đau đầu, chóng mặt, dễ té ngã khi đứng dậy đột ngột. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người kèm theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác nên cần điều trị càng sớm càng tốt.
Rối loạn tiền đình là gì?
Hệ thống tiền đình là bộ phận của hệ thần kinh trung ương có vị trí phía sau ốc tai. Bộ phận này đảm nhiệm việc giữ thăng bằng, dáng bộ đồng thời tạo sự nhịp nhàng khi phối hợp giữa các cử động của tay chân, mắt, miệng, thân mình.. Dây thần kinh số 8 chính là cơ quan đảm nhiệm việc dẫn truyền thông tin và điều khiển hệ thống tiền đình để cơ thể có thể giữ thăng bằng. Khi cơ thể di chuyển hay thực hiện các động tác cúi xuống, xoay người thì hệ thống tiền đình cùng đồng thời nghiêng, lắc nhằm giúp cơ thể duy trì thăng bằng, tránh đổ ngã.
Rối loạn tiền đình (Vestibular disorder) thường liên quan đến sự tổn thương của các dây thần kinh số 8 hay tắc nghẽn mạch máu não dẫn đến các rối loạn dẫn truyền thần kinh hoặc tắc nghẽn trong quá trình truyền dẫn. Tình trạng này khiến cơ thể không tiếp nhận không tin một cách đồng bộ dẫn tới mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ù tai, dễ bị té ngã.. Bệnh có thể gây ra rất nhiều biến chứng trầm trọng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm
- Chóng mặt: đây là triệu chứng điển hình nhất và thường xuất hiện đầu tiên, lúc này người bệnh thường xuyên cảm thấy những cơn chóng mặt, đứng lên lảo đảo. Người bệnh luôn trong trạng thái đầu óc lâng lâng, khó tập trung, nặng trĩu đầu và cảm thấy quay cuồng.
- Mất thăng bằng: người bị rối loạn tiền đình thường khó giữ thăng bằng. Việc đứng lên ngồi xuống diễn ra chậm chạp và gặp nhiều khó khăn, trong giai đoạn nặng có thể không đứng lên được. Sự mất thăng bằng thường liên quan đến sự tắc nghẽn trên toàn bộ vùng tiền đình, mắt, ngoại tháp, tiểu não..
- Rối loạn giấc ngủ: thường liên quan đến tình trạng đau đầu mệt mỏi khiến người bệnh không thể ngủ được
- Rối loạn thị giác: mắt mờ đi, nhìn không rõ, hoa mắt và nhạy cảm hơn với ánh sáng, rung giật nhãn cầu theo nhiều hướng
- Rối loạn thính giác: người bệnh có thể cảm thấy bị ù tai, luôn có tiếng ong ong trong tai vô cùng khó chịu, thính giác cũng giảm sút do đó nhạy cảm hơn với tiếng động
- Ngất xỉu, mất ý thức: bệnh tiến đến những giai đoạn nặng có thể khiến người bệnh ngất xỉu đột ngột, mất ý thức vô cùng nguy hiểm. nguyên nhân có thể lo lượng máu lên não bị giảm đột ngột và dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác
- Một số triệu chứng khác: mất tập trung, buồn nôn, thay đổi tâm lý dễ cáu gắt, lo âu quá mức, mất định hướng không gian, thời gian…
Tùy từng đối tượng và tình trạng bệnh mà các triệu chứng có thể diễn ra khác nhau tuy nhiên đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người bệnh. Các triệu chứng này đều rất dễ nhận biết tuy nhiên trong giai đoạn đầu mọi người thường xem nhẹ nên dễ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng khác.
Phân loại rối loạn tiền đình và nguyên nhân
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà rối loạn tiền đình được phân loại riêng biệt. Bệnh thường có xu hướng gặp ở những người lớn tuổi, những người có tiền sử đau đầu hay những người làm trong môi trường bận rộn có quá nhiều tiếng ồn.. Tùy từng dạng rối loạn tiền đình mà mức độ nguy hiểm khác nhau. Theo đó bệnh được chia làm hai dạng chính bao gồm
Rối loạn tiền đình ngoại biên
Đây là dạng rối loạn tiền đình thường gặp, chiếm đến 90 – 95% số ca bệnh với triệu chứng đặc trưng là những cơn đau đầu chóng mặt thoáng qua. Các triệu chứng thường xuất hiện trong thời gian ngắn khi bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột, ví dụ từ nằm chuyển sang ngồi. Rối loạn tiền đình ngoại biên được đánh giá khá lành tính bởi bệnh nhân vẫn có thể tính táo khi di chuyển nhưng nếu kéo dài cũng có thể dẫn tới chóng mặt nặng, người bệnh gặp khó khăn khi thay đổi tư thế sinh hoạt.
Các nguyên nhân chính dẫn tới rối loạn tiền đình ngoại biên bao gồm
- Viêm dây thần kinh tiền đình: người bị thủy đậu hay quai bị dẫn tới liệt dây thần kinh tiền đình hay mắc Virus zona thần kinh..
- Rối loạn chuyển hóa: thường liên quan đến các bệnh lý như tiểu đường, cường giáp, nhược giáp.
- Hội chứng Meniere
- Viêm tai giữa
- Chấn thương, dị dạng tai trong
- Chứng song thị (nhìn đôi)
- U dây thần kinh số VIII
- Người có cơ địa bị say tàu xe
- Người lạm dụng một số loại thuốc ( như streptomycin, gentamycin…)hay người nghiện rượu, ma túy
Kèm theo đó người bệnh cũng gặp tình trạng nôn ói, ù tai, hoa mắt.. Đặc biệt những người làm công việc văn phòng, ngồi phòng máy lạnh nhiều, người phải thường xuyên tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài có thể khiến cột sống bị nhiễm lạnh và dẫn tới co thắt cột sống thân nền cũng liên quan đến rối loạn tiền đình ngoại biên.
Rối loạn tiền đình trung ương
So với rối loạn tiền đình ngoại biên thì dạng trung ương ít gặp hơn nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn. Người bệnh thường xuyên buồn nôn, chóng mặt, xây xẩm mặt mày và có thể dễ dàng bị té ngã. Nguyên nhân thường liên quan đến những tổn thương nhân tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não hay tổn thương tại đường dẫn truyền của các nhân dây tiền đình ở thân não hoặc cũng liên quan đến một số bệnh lý khiến lượng máu từ động mạch mang máu đến nuôi não bị suy giảm.
Cụ thể những yếu tố bệnh lý có thể gây ra rối loạn tiền đình trung ương bao gồm
- Thiểu năng tuần hoàn sống nền
- Bệnh Parkinson
- Hội chứng Wallenberg
- Xơ vữa động mạch
- Tụt huyết áp tư thế
- U, nhồi máu tiểu não
- Giang mai thần kinh
- Nhức đầu Migraine
- Thoái hóa cột sống
Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm nên mức độ rối loạn tiền đình cũng kèm theo nhiều nguy hiểm khác. Phát hiện và điều tị các bệnh lý liên quan này càng sớm sẽ giúp kiểm soát mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe càng cao.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh
Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh bao gồm
- Người cao tuổi. Thống kê cho thấy có đến hơn 35% bệnh nhân Vestibular disorder đều trên độ tuổi 40. Mắc bệnh lý này càng làm sức khỏe những người lớn tuổi suy giảm nhanh chóng và dễ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe khác
- Người bị thiếu máu hay máu xấu
- Người bị rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ thường xuyên
- Người có tiền sử mắc bệnh đau đầu
- Người làm công việc văn phòng thường xuyên ngồi một chỗ với nhiệt độ thấp, thiếu vận động và tiếp xúc với máy tính hay điện thoại nhiều
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cũng là giai đoạn rất dễ mắc căn bệnh này
- Người phải sống trong các môi trường ô nhiễm tiếng ồn trong một thời gian dài.
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Tùy dạng Vestibular disorder mà mức độ nguy hiểm của bệnh khác nhau tuy nhiên nhìn chung cả hai dạng đều gây rất nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và cả chất lượng cuộc sống. Bệnh không chỉ gây ra rất vấn đề cho tinh thần mà có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng, thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ nếu không có biện pháp can thiệp sớm.
Những hệ lụy mà rối loạn tiền đình gây ra cho sức khỏe bao gồm
- Người bệnh luôn trong trạng thái đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ủ rũ, dễ cáu gắt với người xung quanh vì cảm thấy khó chịu. Nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn tiền đình thường có nguy cơ cao bị trầm cảm, lo âu hay các vấn đề tâm lý khác.
- Đi lại khó khăn và ảnh hưởng đến chức năng vận động
- Dễ bị té ngã khi cơn đau đầu choáng váng diễn ra đột ngột làm người bệnh không giữ được thăng bằng. Nếu triệu chứng này diễn ra khi đang tham gia giao thông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng
- Là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh Alzheimer, Parkinson, thiếu máu não… đặc biệt ở người lớn tuổi
- Lượng oxy và máu lên não không đủ là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, tai biến mạch máu não.. nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hay phải nằm liệt giường, mất khả năng vận động
- Mất thính lực
Hướng điều trị rối loạn tiền đình
Để xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh, bạn cần phải đến các bệnh viện uy tín để thực hiện các chẩn đoán cần thiết. Một số phương pháp thường dùng để chẩn đoán như điện não đồ, chụp X quang, chụp CT Scanner, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay siêu âm doppler động mạch cổ, đo âm ốc tai.. Ngay khi phát hiện các vấn đề bất thường trong sức khỏe người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám và điều trị sớm.
Trong điều trị rối loạn tiền đình có thể áp dụng các biện pháp đông hoặc tây y, tùy từng tình trạng bệnh đồng thời cần kết hợp với cả quá trình trị liệu tại nhà để đạt kết quả tốt. Trong một số trường hợp người bệnh có dấu hiệu trầm cảm, stress căng thẳng quá mức làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị bác sĩ cũng có thể khuyến khích bệnh nhân trị liệu tâm lý nhằm giúp trạng thái của bệnh nhân ổn hơn.
Điều trị theo phương pháp y khoa
Điều trị theo các phương pháp Tây y là biện pháp được người bệnh hướng tới đầu tiên vì cho hiệu quả nhanh chóng. Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể điều trị được bằng thuốc nhưng lại dễ tái phát trong khi rối loạn tiền đình trung ương lại cần xác định được nguyên nhân gây bệnh và điều trị dựa trên các yếu tố này. Càng phát hiện bệnh sớm thì tiên lượng điều trị càng tốt.
Một số loại thuốc thường được chỉ định với bệnh nhân rối loạn tiền đình bao gồm
- Nhóm thuốc glucocorticoid: được dùng khi tình trạng hoa mắt chóng mặt có liên quan đến viêm dây thần kinh tiền đình.
- Thuốc an thần: giúp cải thiện giấc ngủ, giảm lo lắng cho bệnh nhân, từ đó cải thiện sức khỏe và một số triệu chứng suy giảm sức khỏe. Các thuốc an thần được sử dụng phổ biến như diazepam, lorazepam…,
- Thuốc tăng tuần hoàn não: được chỉ định dùng sau giai đoạn cấp và có thể dùng duy trì trong thời gian dài để kiểm soát các triệu chứng. Một số loại thuốc phổ biến như betahistin (Betaserc), almitrin – raubasin (Duxil).
- Thuốc ức chế kênh canxi: có tác dụng chọn lọc mạch máu não để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho hệ thống tiền đình. Một số loại thuốc thường dùng như flunarizin (Sibelium), cinnarizin (Stugeron).
- Một số TPCN giúp cải thiện chức năng tiền đình: thường dùng các sản phẩm có chiết xuất tự nhiên như Piracetam (Nootropyl), Ginkgo biloba (Tanakan).
Các loại thuốc thường dùng trong rối loạn tiền đình có thể gây ra các tác dụng phụ kèm theo nên người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc. Trong trường hợp bệnh nặng bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình nhằm ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các biến chứng như
- Liệu pháp tập luyện phục hồi tiền đình (VRT Vestibular rehabilitation therapy)
- Liệu trình Oxy cao áp
- Bài tập Cawthorne và Cooksey
- Các bài tập ổn định thị giác…
Tuy nhiên việc trị liệu cần được thực hiện tại các cơ sở uy tín có chuyên môn dưới sự giám sát và hỗ trợ của các bác sĩ. Người bệnh nên tìm đến các bệnh viện uy tín có các dịch vụ này để đảm bảo an toàn và chất lượng điều trị đạt đúng lộ trình điều trị. TRong một số trường hợp nếu các phương pháp trên không đem lại kết quả bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
Điều trị theo đông y
Ứng dụng y học cổ truyền vào điều trị rối loạn tiền đình để giảm các triệu chứng đau đầu chóng mặt là phương pháp được dân gian sử dụng từ xưa tới nay. Ưu điểm của phương pháp này là có chi phí thấp, mang lại hiệu quả ổn định và hầu như không gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên các biện pháp đông y thường đem lại hiệu quả khá chậm, do đó với những trường hợp bệnh nặng, có thể xuất hiện biến chứng cần xem xét kỹ nếu muốn điều trị bằng phương pháp này.
Các bài thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn tiền đình như
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các dược liệu bao gồm ngưu tất, phục thần, câu đằng, ích mẫu, sơn chi, tang ký sinh mỗi loại 12g; đỗ trọng, dạ giao đằng, hà thủ ô trắng, hoàng cầm mỗi vị thuốc 10g, thạch quyết minh sống 20g cùng thiên ma 8g. Sắc các dược liệu lấy nước uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần trong ngày. Sử dụng 3 – 5 thang liền để thấy hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc 2: Dùng các dược liệu gồm bạch tật lê và trạch tả 20g mỗi dược liệu; thiên ma cùng bán hạ mỗi loại 16g; đạm trúc diệp, phục thần cùng cát nhân 12g mỗi vị và 30g long cốt đem sắc trước. Sắc các dược liệu dùng ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Nên uống 5 – 10 thang liền sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị đơn bì, bạch cúc hoa, câu kỷ tử, trạch tả, phục linh mỗi loại 120g; sơn dược và sơn thù 160g mỗi vị cùng thục địa 320g. Tất cả làm sạch rồi tán bột làm hoàn. Uống ngày 8 – 16g chiêu với nước muối nhạt để thấy kết quả tốt nhất.
Các bài thuốc được chỉ định cũng phụ thuộc vào triệu chứng và tình trạng bệnh nên cũng cần được các thầy thuốc thăm khám kỹ lưỡng, người bệnh không nên tự ý sử dụng. Chú ý không nên dùng chung các bài thuốc Đông – Tây y cùng lúc vì có thể làm tương tác giữa các chất khiến tình trạng bệnh gặp nhiều vấn đề hơn.
Bên cạnh đó thay vì các phương pháp trị liệu vật lý như Tây y, y học cổ truyền cũng áp dụng nhiều kỹ thuật khác vào điều trị rối loạn tiền đình như day ấn huyệt, châm cứu, ngâm chân với nước nóng.. Tuy nhiên các biện pháp này sẽ tác động đến các kinh huyệt để giải quyết tận gốc các vấn đề từ bên trong nên thông hiểu về kinh huyệt thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Điều trị tại nhà
Các bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn để cải thiện dần các triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Điều trị rối loạn tiền đình là một quá trình dài cần có sự quyết tâm của chính người bệnh và sự hỗ trợ từ những người thân trong gia đình.
Một số biện pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng và bảo vệ sức khỏe tốt hơn như
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức
- Đứng lên và ngồi xuống hay thực hiện các động tác thay đổi tư thế một cách nhẹ nhàng, chậm rãi, tránh thực hiện đột ngột
- Khi xuất hiện các triệu chứng đau đầu chóng mặt, nên tránh việc dùng thuốc mà nên nằm nghỉ và dùng tay xoa nhẹ nhàng tại vùng trán, sau gáy, hai bên ổ mắt hay vùng đỉnh đầu trong vài chục phút sẽ thấy tình trạng này giảm dần
- Luyện tập thể dục thể thao phù hợp, tránh các bài tập vận động mạnh hay quá sức, nên ưu tiên luyện tập các bài vật lý trị liệu theo hướng dẫn từ bác sĩ
- Thiền và yoga là các bộ môn thường được khuyến khích với bệnh nhân rối loạn tiền đình
- Tránh để bản thân căng thẳng hay suy nghĩ quá nhiều
- Điều chỉnh chế độ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Theo đó người bệnh nên tăng cường uống đủ nước, bổ sung rau xanh, tăng cường thực phẩm giàu sắt, magie, vitamin C, Vitamin B6 hay vitamin D.
- Tránh các các thực phẩm khô cứng, nhiều dầu mỡ, bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác
- Đi ngủ sớm và ngủ đủ
Rối loạn tiền đình có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, đặc biệt là người già nên cần có các biện pháp phòng tránh từ sớm. Mỗi người nên dành thời gian đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm để sớm phát hiện các nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn và có các biện pháp can thiệp kịp thời. Thay đổi lối sống lành mạnh, rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày là các biện pháp cần thực hiện từ ngay bây giờ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Mẹo dùng rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình đơn giản tại nhà
- 12 viên uống trị rối loạn tiền đình của Nhật được đánh giá tốt
- Rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám bác sĩ? Khám khoa nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!