Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 14: Bố mẹ tỉnh thức, con hạnh phúc
Đến với buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 14, ngày 22/10/2022 của Trung tâm NHC Việt Nam, với chủ đề “Bố mẹ tỉnh thức, con hạnh phúc” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Lê Thanh Phương, khách hàng đã hiểu hơn về kỹ năng nuôi dạy, giao tiếp và đồng hành cùng con đúng cách, chữa lành mối quan hệ với con, kỹ năng xử lý khi con bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý và cuối cùng là kỹ năng khiến con trở thành đứa trẻ hạnh phúc, đong đầy yêu thương.
Bí quyết để cha mẹ là chuyên gia tâm lý của con
Con người khi sinh ra và lớn lên đều cần có một mái ấm, một chỗ dựa. Điểm tựa vững chắc của trẻ không đâu khác chính là cha mẹ. Để có thể phát triển toàn diện, trẻ luôn cần được nuôi dưỡng và dạy dỗ bởi cả bố lẫn mẹ.Làm thế nào để trẻ có thể khôn lớn, có một cuộc sống bình an, hạnh phúc và vững bước trong tương lai? Hãy cùng tìm hiểu bí quyết để cha mẹ là chuyên gia tâm lý của con ngay sau đây!
1. Giúp con phát triển nhận thức
Trẻ em càng ngày càng có cơ hội tiếp cận với nhiều kênh thông tin: tivi, mạng internet, tài liệu, sách báo,… Thế nhưng các con chưa đủ khả năng để chọn lọc phân tích đâu là những thông tin tích cực nên làm theo và đâu là thông tin tiêu cực nên tránh.
Trong khi đó, cha mẹ dành lại ít thời gian đồng hành cũng con, điều các bố mẹ quan tâm nhất là kết quả học tập của con, chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho con, không khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, mất đi kết nối giữa những thành viên trong gia đình, lối sống xa lánh thiên nhiên,… Vì vậy, nhiều trẻ em lớn lên bị mất phương hướng, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, trầm cảm và mất phương hướng.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thanh Phương:
Việc bé như một chấm đen nhỏ nhưng nó có thể mở rộng theo hình xoắn ốc, cứ mở rộng mãi, mở rộng mãi liên tục. Ví dụ, một sự việc A con không thể giải quyết thì sang đến việc B, việc C con lại càng không thể giải quyết được. Nếu con căng thẳng, áp lực và không tự giải quyết vấn đề của mình trong 2 tuần thì con đã có thể rơi vào tình trạng trầm cảm.
Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý ở khía cạnh này, hãy dạy trẻ cách nhận ra vấn đề của mình, sau đó dạy con biết cách đối diện và xử lý vấn đề. Ví dụ con bị bắt nạt trong lớp, thay vì ra mặt giúp đỡ hay xử lý giúp con, các bậc phụ huynh nên dạy con cách bảo vệ mình như thế nào, xử lý tình huống ra sao, thông báo cho gia đình và trường học bằng phương pháp nào hiệu quả nhất,…
Lần đầu con chưa quen mình sẽ dạy, lần hai cũng vậy nhưng những lần tiếp theo con con sẽ dần quen với việc phải tự nghĩ cách. Không phải lần nào mình cũng chỉ con cụ thể nhưng mình sẽ dạy cho con một lộ trình để con xử lý một vấn đề như thế nào. Bởi theo chuyên gia Lê Thanh Phương, đặt ra đúng câu hỏi thì mới có câu trả lời, dạy con tìm cách xử lý thay vì khóc lóc, bất lực hay đổ lỗi là thói quen tốt cần có trong tương lai.
Tiếp đến là kỷ luật, các bậc phụ huynh có thể không áp đặt con nhưng con phải giúp đỡ bố mẹ. Ví dụ, con có việc của con, con học thì phải tự dậy và cha mẹ không có nghĩa vụ phải gọi con vào mỗi sáng, nếu vấn đề của con là con không dậy được, con phải tự sắp xếp thời gian, điều chỉnh hành vi của mình cho đúng.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau. Sẽ thật tuyệt nếu con trẻ biết giúp cha mẹ quét nhà, gấp quần áo,… Vì vậy, bạn hãy tạo trách nhiệm cho con và con phải hoàn thành nó, hãy dạy con ngay từ những cái nhỏ nhặt nhất để biết tự lo cho mình, hình thành nên thói quen và kỹ năng tích cực trong tương lai.
2. Giúp con phát triển về mặt văn hóa – xã hội
Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, cách trẻ cư xử với mọi người xung quanh, cách chúng chơi và chọn bạn bè, tinh thần đồng đội và nhiều thứ khác của trẻ đều ảnh hưởng từ việc bố mẹ đối xử với nhau thế nào. Lý giải điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy, người đầu tiên mà chúng ta tiếp xúc khi còn bé chính là cha mẹ, đây chính là tấm gương để mình học hỏi. Bố mẹ làm gì là chúng ta sẽ học theo ngay, kể từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và thực tế, con sẽ học tính xấu nhanh hơn tính tốt nên ba mẹ cần hết sức lưu ý, việc cha mẹ đối xử với nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con.
Ở Việt Nam chúng ta, các cặp đôi đến với nhau thường theo tình yêu chứ không được trang bị kiến thức đầy đủ về hôn nhân, về gia đình. Do đó, cha mẹ cần chuẩn bị về kinh tế, kiến thức, kỹ năng đối nhân xử thế với nhau để con trẻ học hỏi. Nếu cha mẹ không biết cách thể hiện yêu thương với nhau thì con cái cũng vậy, không biết nói lời yêu thương với người khác.
Ví dụ, cha mẹ đi làm về không chào con thì con cũng không có thói quen này, cha mẹ không nói lời cảm ơn thì con cái cũng vậy, nhận quà hay sự giúp đỡ của người khác cũng không biết nói lời cảm ơn. Những điều này đã tạo ra tâm lý thờ ơ, sống không tình cảm, dù cha mẹ có yêu thương, tạo điều kiện như thế nào thì con cái vẫn quay lại oán trách.
Do đó, các bậc phụ huynh cần làm gương cho con để giúp con phát triển về mặt văn hoá, xã hội, xây dựng kỹ năng mềm cần thiết. Và đôi lúc cha mẹ cũng không hoàn hảo, mắc lỗi và điều chúng ta cần làm là chia sẻ với con, sẵn sàng nhận lỗi, chia sẻ với con nhiều hơn. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cả cho người lớn và các mối quan hệ xung quanh cực kỳ hiệu quả.
3. Giúp con phát triển về thể chất
Sức khỏe thể chất là điều vô cùng quan trọng, những yếu tố quyết định đến sức khỏe thể chất gồm: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và được phát triển trong một môi trường tốt.
Ngay từ khi còn nhỏ, các bậc phụ huynh hãy dạy con về vai trò của sức khoẻ, khi con đã lớn thì để con tự tìm hiểu qua báo đài, sách vở. Bởi chỉ khi con chủ động tìm hiểu vấn đề này mới nhận thức được tầm quan trọng của sách vở, tại sao mình cần trân quý và yêu thương cơ thể này nhiều hơn.
Đặc biệt, cơ thể không khỏe mạnh, không được vận động thì không thể giải phóng năng lượng, tạo ra hoocmon hạnh phúc. Những hormone hạnh phúc bao gồm:
- Dopamine: Dopamine có liên quan đến cảm giác sảng khoái cùng với khả năng học tập, trí nhớ, chức năng hệ vận động và hơn thế nữa.
- Serotonin: Điều chỉnh tâm trạng cũng như giấc ngủ, sự thèm ăn, tiêu hóa, khả năng học tập và trí nhớ.
- Oxytocin: Thúc đẩy sự tin tưởng, đồng cảm và gắn kết trong các mối quan hệ.
- Endorphin: Là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, được sản xuất để phản ứng với căng thẳng hoặc khó chịu.
4. Giúp con phát triển về tinh thần
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thanh Phương:
Khi chúng ta có một tinh thần lạc quan, tích cực thì mọi thứ trong cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn, dù ăn cơm trắng với rau luộc chấm mắm cũng thấy hạnh phúc. Nhưng nếu như mình tiêu cực, bi quan thì dù nhà lầu xe hơi cũng cảm thấy đau khổ, u buồn. Tất cả đều phụ thuộc vào tinh thần của mình.
Trẻ sẽ hứng thú hơn khi được trải nghiệm thực tế. Nếu được, các bậc phụ huynh hãy đưa con đi nhiều nơi để con thấy cuộc sống đất nước này muôn màu và vô cùng tươi đẹp, hiểu thêm về con người. Những kiến thức thực tế này không một cuốn sách, một video nào có thể mang lại được.
Đặc biệt là nên đưa con đi từ thiện để con học được cách biết ơn, cảm thấy bản thân mình đã rất may mắn và trân trọng cuộc đời này, yêu thêm đất nước, chữa lành tâm hồn tuyệt vời. Đây là phương pháp xây dựng thế giới quan cho con, tạo ra sức đề kháng cho tinh thần cực kỳ hiệu quả.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy cho con thế nào là kỷ luật, biết cách đạt được mục tiêu và chấp nhận thất bại, tìm cách vượt qua những vấp ngã trong cuộc đời. Con cũng cần học được cách lắng nghe những nhận xét về bản thân để học hỏi nhiều hơn, không ngừng trau dồi và hoàn thiện bản thân mình.
Lời khuyên hữu ích trong việc nuôi dạy con
Cuối chương trình trị liệu nhóm, Master Coach Lê Thanh Phương có chia sẻ một số lời khuyên trong việc nuôi dạy con, cụ thể:
- Hãy là những phụ huynh tích cực: Cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho các con học tập và noi theo, vì thế việc các bậc phụ huynh duy trì một lối sống tích cực, lạc quan hay mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu sẽ khiến trẻ nhận được nhiều sự ảnh hưởng về mặt tích cực. Hãy tích cực ngay cả trong suy nghĩ và hành vi, con sẽ học theo điều này và trở thành người lạc quan.
- Lắng nghe những nhu cầu nhỏ nhất của con: Nhiều cha mẹ quan niệm rằng, con nhỏ chỉ có nhu cầu: ăn, ngủ, vui chơi, đồ chơi đẹp vậy là đủ. Chính vì vậy mà một bộ phận phụ huynh bỏ qua việc giao tiếp và lắng nghe trẻ vì lý do bận công việc, không có thời gian, thậm chí nghĩ là: trẻ nhỏ thì không có nhu cầu trò chuyện với người lớn. Đây là điều hoàn toàn sai lầm, hãy tâm sự trò chuyện với con hàng ngày để con nhận thấy mình được quan tâm, được lắng nghe và thấu hiểu.
- Thường xuyên thể hiện tình cảm với con: Đây cũng là điều vô cùng quan trọng mà nhiều bậc phụ huynh thường bỏ quên vì công việc bận rộn hay từ nhỏ đã không có thói quen này. Nhưng nếu muốn con trở thành một người tình cảm, biết yêu thương mọi người xung quanh thì đừng ngần ngại ôm hôn con, nói lời cảm ơn hay chỉ đơn thuần là “Bố/Mẹ yêu con thật nhiều.”
- Giao tiếp đúng: Giao tiếp đúng trong gia đình cũng là lưu ý mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Cha mẹ hãy sử dụng những mẫu câu tích cực, ẩn chứa kết quả mong muốn thay vì dùng những từ ngữ tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ. Ví dụ, nếu muốn con làm tốt thì cha mẹ hãy nghĩ con sẽ làm tốt, con sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ kiểm tra tới, nói rằng: “Cha mẹ biết con là đứa trẻ rất thông minh và con có thể làm được”. Tuyệt đối không so sánh hay nói những lời làm trẻ tổn thương.
- Thiết lập thói quen sinh hoạt cho trẻ: Một thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp trẻ trở thành người tự lập, biết quản lý chính bản thân mình và chủ động hơn trong cuộc sống. Vì vậy, hãy hướng dẫn con cách ngủ sớm, dậy sớm, tập thể dục đều đặn, ăn sáng đầy đủ và xây dựng thời gian biểu học – chơi hợp lý.
- Bữa ăn gia đình: Bữa ăn gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe mà còn là phương tiện để tương tác và quan tâm chia sẻ giữa các thành viên qua đó có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con. Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để cha mẹ lắng nghe, chia sẻ với con và gắn kết tình cảm bền chặt hơn.
- Tạo dựng niềm tin, tình yêu và công bằng trong các mối quan hệ: Đây là lưu ý cuối cùng về cách nuôi dạy con cái. Bởi niềm tin cần có từ tình yêu vô điều kiện nên cha mẹ hãy yêu thương con một cách chân thành nhất, trung thực với cảm xúc bản thân, lắng nghe con bằng ánh mắt, không ngắt lời và giữ đúng lời hứa. Như vậy, con sẽ có niềm tin để mình làm được những việc sau này, những việc quan trọng khi trưởng thành.
Chia sẻ với buổi trị liệu nhóm, khách hàng trải nghiệm đã có một số cảm nghĩ:
“Sau khi mà nghe chuyên gia chia sẻ ở đây, tôi mới nhận ra rằng là mình chưa bao giờ dạy con mình được 1 câu 1 chữ nào như thế. Tôi nhận ra không chỉ con có lỗi với mình mà chính bản thân tôi cũng có lỗi nhiều với con.”
“Những chương trình trị liệu nhóm giúp mình hiểu rõ hơn về bản thân mình, về con cái, về những điều đúng và chưa đúng. Cảm ơn coach Phương đã giúp tôi nhận ra mình còn thiếu sót rất nhiều và cần yêu thương con đúng cách.”
Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 14 đã giúp khách hàng có thêm kiến thức về kỹ năng nuôi dạy, giao tiếp và đồng hành cùng con đúng cách. Hy vọng qua những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thanh Phương, bạn sẽ biết cách chữa lành mối quan hệ với con, kỹ năng xử lý khi con bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý và cuối cùng là kỹ năng khiến con trở thành đứa trẻ hạnh phúc, đong đầy yêu thương.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!