Bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?
Rối loạn lưỡng cực là một vấn đề sức khỏe tâm thần hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân làm khởi phát bệnh. Do đó, không ít người đặt ra câu hỏi rằng “Liệu bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?”. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc này.
Bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?
Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần với 2 trạng thái đặc trưng là trầm cảm và hưng cảm. Những trường hợp mắc phải chứng bệnh này sẽ có sự xen kẽ giữa các giai đoạn thay đổi tâm lý đối nghịch nhau. Họ có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tích cực, tràn đầy năng lượng hay còn được gọi là giai đoạn hưng cảm. Nhưng cũng có khi lại rơi vào trạng thái buồn chán, tuyệt vọng, mệt mỏi, không còn niềm tin vào cuộc sống hay còn được gọi là giai đoạn trầm cảm.
Theo số liệu thống kê từ Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, hiện có đến gần 2,8% dân số Hoa Kỳ ở độ tuổi vị thành niên và trưởng thành bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn tâm thần này. Cho đến hiện nay, nguyên nhân làm khởi phát chứng rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được xác định và hiểu một cách rõ ràng. Cũng chính vì thế mà không ít người tự đặt ra câu hỏi: “Bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?”.
Tuy nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa thể được hiểu đầy đủ nhưng các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra được một số yếu tố nguy cơ và nhận thấy rằng di truyền có liên quan đến chứng rối loạn này. Họ nhận thấy đây là yếu tố tác động mạnh nhất đến quá trình làm khởi phát bệnh, nhất là tiền sử gia đình đã có người thân từng mắc phải chứng rối loạn này. Theo đó, các chuyên gia nói rằng, mối liên hệ này có thể là do một vài gen nhất định trong cơ thể của mỗi người.
Các thành viên của Hiệp hội nghiên cứu gen các bệnh tâm thần (Cross-Disorder Group of the Psychiatric Genomics Consortium) cũng đã từng thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy rằng, những nhân đơn tế bào đa dạng ở gen CACNA 1 C và CACNB 2 có sự tác động đến quá trình ổn định và cân bằng canxi ở những tế bào thần kinh não bộ. Từ đó, họ cũng nhận thấy rằng có một số loại gen có khả năng làm khởi phát chứng rối loạn lưỡng cực cùng nhiều bệnh lý tâm thần khác, chẳng hạn như tự kỷ, tâm thần phân liệt, rối loạn tăng động giảm chú ý và cảm trầm cảm nặng.
Bên cạnh đó, khi các chuyên gia tiến hành nghiên cứu chuyên sâu một nhóm người mắc phải 1 trong 5 chứng rối loạn tâm thần nêu trên thì nhận thấy rằng có 4 vị trí gen có khả năng làm gia tăng nguy cơ nằm ở nhiễm sắc thể CACNA 1C, CACNB 2, 3p21, SNPs, 10q24,….Tuy rằng, vấn đề này vẫn chưa được tìm hiểu cụ thể nhưng đây cũng được xem là một trong các bằng chứng cho biết rằng di truyền là yếu tố có phần tham gia vào cơ chế bệnh sinh của các bệnh tâm thần, trong đó có chứng rối loạn lưỡng cực.
Vào năm 2009, các chuyên gia cũng đã tiến hành đánh giá với những người trưởng thành có người thần, họ hàng mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực và nhận thấy rằng nguy cơ phát triển bệnh của họ cao gấp 10 lần so với mức trung bình. Đặc biệt, tỉ lệ nguy cơ sẽ càng gia tăng nếu thành viên mắc bệnh có quan hệ huyết thống gần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu cha mẹ bạn có tiền sử mắc phải chứng rối loạn này thì bản thân bạn sẽ có nhiều khả năng phát triển rối loạn lưỡng cực hơn nếu chú bạn là người mắc bệnh.
Theo đó, yếu tố di truyền chiếm gần 60 đến 80% về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lưỡng cực. Trong nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người được chẩn đoán mắc phải chứng rối loạn này thường sẽ có ít nhất một người thân mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm. Các chuyên gia cho biết, trẻ em có cha hoặc mẹ mắc bệnh sẽ có có tỉ lệ phát triển rối loạn lưỡng cực từ 10 đến 25%. Nếu trẻ có cả cha và mẹ cùng mắc bệnh thì nguy cơ phát triển bệnh sẽ tăng lên gần 50%.
Bên cạnh đó, nếu như một cặp sinh đột không giống hệt nhau mắc phải rối loạn lưỡng cực thì khả năng có một người anh chị em khác sẽ bị chứng rối loạn này, tỉ lệ chiếm từ 10 đến 25%. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất có thể tác động đến chứng bệnh này và không chắc chắn rằng bạn sẽ phát triển bệnh nếu có người thân từng mắc rối loạn lưỡng cực. Bởi các cặp sông sinh đều có gen giống nhau nên nếu rối loạn lưỡng cực bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi di truyền thì tất cả các cặp song sinh đều sẽ chia sẻ về chứng rối loạn này.
Theo đó, các nghiên cứu khoa học cho biết rằng, bên cạnh yếu tố chính là di truyền thì rối loạn lưỡng cực cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố khác. Tiền sử chấn thương, chấn động ở đầu cũng có khả năng làm phát triển bệnh hoặc nhân tố môi trường cũng sẽ kích thích phát triển chứng rối loạn lưỡng cực.
Các đối tượng nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lưỡng cực
Thông thường thì các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực sẽ khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên hoặc bước đầu vào giai đoạn trưởng thành, cụ thể là từ 18 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp khởi phát muộn từ sau tuổi 30. Chứng rối loạn này sẽ tác động đến cả nam và nữ, gây ảnh hưởng đối với mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, chủng tộc hay tầng lớp xã hội.
Vậy ai sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực?
1. Người có tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm
Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn lưỡng cực và di truyền có mối liên hệ với nhau. Di truyền được xem như một trong các yếu tố quan trọng và chiếm phần lớn đối với cơ chế bệnh sinh của chứng rối loạn này. Chính vì lý do đó, mà những người được sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hưng – trầm cảm thì sẽ có khả năng phát triển bệnh cao hơn so với mức trung bình. Hoặc nếu cha mẹ, người thân thiết đã từng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng thì những người còn lại cũng là đối tượng nguy cơ cao.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết thêm, không chỉ chứng rối loạn lưỡng cực mà hầu hết các bệnh lý sức khỏe tâm thần đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể xác định được chính xác về loại gen gây ra bệnh và hình thức di truyền của chúng. Mặc dù thế, trong các nghiên cứu và quá trình điều tra dịch tế thì các nhà khoa học vẫn có thể khẳng định được vai trò lớn của di truyền đối với cơ chế bệnh sinh của các căn bệnh này.
2. Những người từng trải qua sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý là trạng thái và phản ứng của cơ thể khi con người chứng kiến hoặc từng trải qua các sự kiện mang tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng. Chẳng hạn như tai nạn xe, người thân đột ngột qua đời, thiên tai, khủng bố, bắt cóc, phá sản,…Khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn này thì hầu hết ai cũng trở nên căng thẳng, lo sợ, kinh hãi, hoang mang, bất lực, tuyệt vọng và chán chường.
Đặc biệt hơn, với những ai có sẵn gen gây bệnh thì khi tiếp xúc với những tình huống sang chấn sẽ dễ làm kích thích và khởi phát nhanh các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì sang chấn tâm lý có liên quan đến đa số các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên và thời kì đầu của tuổi trưởng thành.
3. Người thường xuyên bị stress, áp lực
Nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực cũng sẽ tăng cao ở những người thường xuyên đối diện với căng thẳng, stress trong cuộc sống. Khi căng thẳng, áp lực kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương,từ đó làm kích thích gen gây bệnh, khiến cho hành vi và cảm xúc bị biến đổi bất thường. Một số tình huống căng thẳng có liên quan đến chứng rối loạn này như thay đổi chỗ ở, mâu thuẫn trong hôn nhân, áp lực công việc, tài chính, nuôi dạy con cái,….
Tuy rằng những sự kiện này không gây ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần nhưng nó sẽ làm cho con người luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, buồn phiền. Nhất là với những người có gen gây bệnh thì việc chịu đựng các áp lực trong cuộc sống cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ khởi phát các chứng rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn lưỡng cực.
4. Người có lối sống không lành mạnh
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì lối sống, lối sinh hoạt hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe tinh thần của mỗi con người và đây cũng là yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực. Theo đó, hầu hết những người đã được chẩn đoán mắc bệnh đều chia sẻ rằng họ có thói quen thức khuya hoặc thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu ngủ, ăn uống không lành mạnh, có xu hướng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện
Bên cạnh đó, khi sinh hoạt hàng ngày không được đảm bảo, cơ thể không được nghỉ ngơi và bổ sung dưỡng chất đầy đủ sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, học tập và các sinh hoạt đời sống khác. Từ đó, tâm trạng cũng sẽ bị tác động và trở nên bất ổn, dễ gây ra những mâu thuẫn, xung đột, làm cản trở đến các mối quan hệ xã hội. Những điều này sẽ góp phần làm kích thích các gen gây bệnh và khiến cho các triệu chứng hưng – trầm cảm dễ khởi phát.
5. Người mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác
Bên cạnh những yếu tố đã được nên trên thì rối loạn lưỡng cực còn có nhiều khả năng phát triển đối với những người đang mắc phải một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Hầu hết những bệnh tâm lý đều có mối liên hệ với nhau. Chính vì thế, những người đang bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng hay tâm thần phân liệt sẽ có nhiều khả năng bị rối loạn lưỡng cực hơn so với người có sức khỏe bình thường.
Làm sao để phòng tránh rối loạn lưỡng cực?
Rối loạn lưỡng cực được đánh giá là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sức khỏe và đời sống của con người. Và cũng như chia sẻ, chứng rối loạn này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường sống xung quanh. Cho dù hiện nay vẫn chưa có bất kì biện pháp phòng tránh triệt để về căn bệnh này nhưng nếu bạn có thể xây dựng được lối sống lành mạnh, biết cách cân bằng cảm xúc thì sẽ góp phần làm suy giảm nguy cơ phát triển bệnh, đặc biệt là các trường hợp có người thân từng mắc bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, bổ sung nhiều dưỡng chất dinh dưỡng và cần thiết trong thực đơn ăn uống mỗi ngày. Đồng thời cần hạn chế các món ăn độc hại, những loại thức uống chứa nhiều chất kích thích.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao không chỉ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe thể chất mà còn góp phần bảo vệ cho tinh thần, tạo cảm giác vui vẻ, giảm stress hiệu quả.
- Chú ý nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ, cần đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, duy trì giấc ngủ sâu và ngon giấc.
- Hạn chế việc căng thẳng, áp lực kéo dài bằng cách áp dụng ngay các liệu pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, chăm sóc cây cảnh, chơi với thú cưng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, chán chường, bế tắc.
- Lên kế hoạch cụ thể cho những công việc mà bản thân cần phải hoàn thành, kể cả việc học tập, công việc trên văn phòng và những sinh hoạt đời sống thường ngày.
- Học cách kiểm soát cảm xúc, cân bằng tâm trạng và xử lý nhanh các bất ổn trong cuộc sống.
- Rèn luyện tính chủ động trong mọi việc, học cách chia sẻ nhiều hơn với những người thân bên cạnh.
Như vậy, thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Bệnh rối loạn lưỡng cực có di truyền không?”. Tuy rằng di truyền là yếu tố góp phần lớn trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lưỡng cực nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải có biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân để phòng chống nguy cơ làm khởi phát bệnh, nhất là các trường hợp gia đình có tiền sử mắc bệnh tâm thần.
Có thể bạn quan tâm
- Mối liên hệ giữa chứng rối loạn lưỡng cực và sự sáng tạo
- Phòng Ngừa Rối Loạn Lưỡng Cực Tái Phát
- 9 Điều cần lưu ý khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
- 5 Chuyên gia tư vấn trị liệu rối loạn lưỡng cực tại Hà Nội
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!