Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Rối loạn lưỡng cực là một loại rối loạn tâm lý khiến người bệnh thay đổi cảm xúc nhanh chóng với các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm đan xen hoặc xảy ra đồng thời. Khi đã hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, việc can thiệp sớm và đúng cách có thể làm giảm triệu chứng cũng như tăng chất lượng đời sống cho mọi người.

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực (trước đây gọi là bệnh hưng trầm cảm) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi bất thường về tâm trạng và hành vi từ các giai đoạn hưng cảm (phấn chấn cực độ) đến trầm cảm (buồn bã, vô vọng). Người mắc chứng này có thể gặp thêm các rối loạn khác như rối loạn lo âu, tăng động giảm chú ý (ADHD),….. Bệnh có thể gây khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày và còn làm tăng nguy cơ tự sát.

rối loạn lưỡng cực là gì
Rối loạn lưỡng cực có đặc trưng là sự chuyển đổi bất thường giữa hai trạng thái buồn bã và hưng phấn

Rối loạn lưỡng cực xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Theo kết quả thống kê, nó đang ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số thế giới. Những đối tượng dễ mắc chứng bệnh này bao gồm:

  • Những người ở độ tuổi dưới 25.
  • Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sau khi sinh con hoặc đang cho con bú khoảng 6 – 12 tháng đầu tiên.
  • Những đối tượng có tiền sử mắc trầm cảm, người thân trong gia đình đã mắc căn bệnh này.
  • Các đối tượng thường xuyên phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng từ công việc, học tập, gia đình.
  • Lạm dụng rượu bia, chất kích thích
  • Người bệnh từng bị tổn thương tâm lý.

Triệu chứng của rối loạn lưỡng cực

Người bệnh có thể đang trong trạng thái vui vẻ, hưng phấn, tràn đầy năng lượng trong thời điểm này. Nhưng chỉ sau vài phút, mọi thứ thay đổi và họ chuyển sang tâm trạng u buồn, chán nản, tuyệt vọng, và tự cô lập bản thân mình.

Mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của các triệu chứng phụ thuộc vào bệnh tình của mỗi người. Một số dấu hiệu nhận biết về trạng thái trầm cảm của những người rối loạn lưỡng cực bao gồm:

  • Khí sắc u buồn, tâm trạng chán nản, không có sức sống
  • Cơ thể di chuyển chậm chạp, chân tay uể oải, không thực hiện được việc gì
  • Mất dần niềm vui và cảm hứng với mọi thứ
  • Luôn có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống
  • Giận dữ, cáu gắt một cách vô cớ
  • Ngại giao tiếp với mọi người và muốn cô lập bản thân
  • Khó tập trung, trí nhớ bị suy giảm, khó đưa ra quyết định
  • Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Ham muốn tình dục giảm
  • Cơ thể mệt mỏi, đau lưng, đau đầu
  • Suy nghĩ về cái chết, có ý định muốn tự sát
triệu chứng rối loạn lưỡng cực
Triệu chứng của người bệnh thay đổi liên tục từ vui vẻ sang u buồn

Những dấu hiệu nhận biết của trạng thái hưng cảm trong bệnh rối loạn lưỡng cực:

  • Cảm giác hưng phấn quá mức gây mất kiểm soát hành vi và ngôn từ
  • Khó tập trung, suy nghĩ nhanh và nói nhanh
  • Năng lượng dư thừa khiến người bệnh rơi vào cảm giác hưng phấn, sức khỏe và trạng thái tinh thần tăng cao, tăng khả năng làm việc
  • Trạng thái hưng phấn khiến người người bệnh khó bình tĩnh, do đó công việc đòi hỏi sự tập trung rất khó hoàn thành
  • Rơi vào trạng thái nghiện rượu, bia, thuốc lá,… khiến cơ thể suy nhược, uể oải
  • Không cảm thấy buồn ngủ, không mệt mỏi mà luôn phấn khích

Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn lưỡng cực

Đến nay nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được các nhà khoa học và bác sĩ hiểu rõ hoàn toàn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng bệnh không chỉ xuất phát từ một yếu tố đơn lẻ mà thường là kết quả của sự kết hợp giữa các nguyên nhân sau đây:

1. Di truyền học và sinh lý học

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của rối loạn lưỡng cực, đặc biệt đối với những người có người thân bị bệnh này, nguy cơ mắc bệnh của họ sẽ cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến độ tuổi khởi phát của bệnh. Ngoài ra, sự mất cân bằng trong chất dẫn truyền thần kinh và hormone trong não cũng được cho là một yếu tố chính gây ra rối loạn này, làm ảnh hưởng đến cách não bộ điều chỉnh cảm xúc và hành vi của con người.

2. Yếu tố môi trường

Những biến cố lớn diễn ra từ quá khứ đến hiện tại và môi trường sống căng thẳng có thể kích hoạt cơn rối loạn lưỡng cực đầu tiên ở người có nguy cơ mắc bệnh. Những cú sốc tinh thần, mất mát lớn, stress kéo dài đều là tác nhân khởi phát tình trạng rối loạn khí sắc. Khi các cơn rối loạn diễn ra, chúng gây ra biến đổi trong hoạt động của não bộ, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh và làm giảm chức năng của các tế bào thần kinh.

Yếu tố nguy cơ của rối loạn lưỡng cực

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay chưa có những bằng chứng hay nghiên cứu chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên bệnh sẽ có khả năng bị kích phát và hình thành khi chịu ảnh hưởng của một số yếu tố dưới đây:

nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực
Nhiều nghiên cứu chỉ ra đau buồn do mất mát người thân là yếu tố gây rối loạn lưỡng cực
  • Mối quan hệ đổ vỡ
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Sự mất mát của người thân, bạn bè

Trong một số trường hợp, người mắc rối loạn lưỡng cực không tìm ra yếu tố kích phát bệnh. Mỗi người sẽ bị ảnh hưởng bởi một nguyên nhân khác nhau, cũng có những người chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Tác hại của rối loạn lưỡng cực

Trong thời gian ngắn, bệnh rối loạn lưỡng cực có thể khiến bệnh nhân khó hoàn thành công việc thường ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ gia đình và xã hội. Về lâu dài, người bệnh mất luôn khả năng duy trì việc làm, không còn tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ cao mắc phải các rối loạn tâm thần khác như hoang tưởng, thậm chí dẫn đến ý định tự tử.

Tình trạng này còn có thể gây tổn hại đến chức năng não bộ, đặc biệt là làm giảm lượng chất xám, dẫn đến phản xạ chậm hơn và khó hoàn thành các nhiệm vụ yêu cầu kỹ năng vận động phức tạp. Khi kết hợp với rối loạn lo âu, người bệnh có thể trải qua tình trạng tim đập nhanh, mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn lưỡng cực có thể gây ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng khác như lạm dụng ma túy và rượu, dẫn đến các vấn đề rắc rồi về mặt pháp lý cũng như tài chính. Bệnh nhân còn dễ bị cô lập trong các mối quan hệ xã hội, làm việc hoặc học tập không đạt hiệu quả. Cuối cùng người bệnh chỉ có thể nghĩ tới việc kết thúc cuộc đời mình.

Chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một căn bệnh khá phức tạp khiến việc chẩn đoán và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian chữa bệnh có thể kéo dài nếu triệu chứng không thuyên giảm. Một số trường hợp người bệnh chỉ có thể thuyên giảm triệu chứng và phải chấp nhận sống chung với căn bệnh này đến hết đời

Để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng thông qua bài test chuyên môn, đồng thời khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh với mục đích:

chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán chính xác với nhiều phương pháp đánh giá hiện đại
  • Kiểm tra và đánh giá xem người bệnh có những dấu hiệu nhận biết của trầm cảm, kèm theo các triệu chứng của chứng hưng cảm nhẹ không.
  • Biết được bệnh nhân có những dấu hiệu không điển hình như buồn ngủ, mệt mỏi, ngủ nhiều không kiểm soát hoặc rối loạn vận động.
  • Xác định được suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh, phác họa biểu đồ tâm trạng, giấc ngủ để thuận tiện cho việc điều trị.
  • Nắm rõ người bệnh có đang sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc các loại thuốc có liên quan.

Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác của kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành xét nghiệm máu hoặc nước tiểu nếu cần.

Phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực

Hiện nay các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh, tùy vào mức độ bệnh lý của mỗi người mà hiệu quả sẽ khác nhau. Thông thường các phương pháp chữa bệnh sẽ phải đảm bảo 3 nguyên tắc là: giảm nhanh các triệu chứng, phục hồi hiệu quả các chức năng, và ngăn ngừa tái phát.

1. Điều trị bằng thuốc

Rối loạn lưỡng cực vừa và nghiêm trọng được cân nhắc điều trị bằng thuốc. Đặc biệt nếu người bệnh có hành vi loạn thần, tự cô lập bản thân, rối loạn ăn uống, có suy nghĩ về cái chết và muốn tự sát

Thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng rối loạn cảm xúc. Các loại thuốc đặc trị có tác dụng ức chế, và cân bằng lại cảm xúc hiệu quả.

  • Thuốc hỗ trợ điều trị giai đoạn hưng cảm: thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc an thần
  • Thuốc hỗ trợ điều trị giai đoạn trầm cảm: thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm đa vòng, thuốc chống trầm cảm SSRI

Lưu ý khi dùng thuốc:

  • Người bệnh không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn và liều dùng, không tự ý tăng giảm liều lượng của thuốc.
  • Trong quá trình sử dụng nếu có xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được ngăn chặn kịp thời.
  • Bảo quản thuốc ở nơi có nhiệt độ phù hợp.
  • Việc sử dụng thuốc có thể được duy trì trong nhiều năm, có trường hợp phải sử dụng cả đời để để ngăn ngừa tình trạng tái phát.

2. Trị liệu tâm lý

Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng trị liệu tâm lý là một phương pháp được đánh giá rất cao, và là lựa chọn hàng đầu của nhiều chuyên gia. Với biện pháp này, bệnh nhân sẽ được chia sẻ, trò chuyện cùng các chuyên gia tư vấn tâm lý nhằm tháo gỡ những khúc mắc. Khi nhận ra cảm xúc bất thường, người bệnh có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

điều trị rối loạn lưỡng cực
Trị liệu tâm lý có vai trò hữu ích trong điều trị rối loạn lưỡng cực

Xem thêm: Hành trình vượt qua rối loạn lưỡng cực bằng trị liệu tâm lý của H.D

Liệu pháp tâm lý được đánh giá là có tác động tích cực đến tinh thần, không gây hại cho người bệnh vì không tác động trực tiếp như khi sử dụng thuốc.

Các bác sĩ tâm lý sẽ dùng các phương pháp tâm lý trị liệu như liệu pháp nhận thức-hành vi để giúp bệnh nhân cải thiện một cách tự nhiên, dần hồi phục được sức khỏe và tâm trạng.

Quá trình điều trị tâm lý thường tốn nhiều thời gian và yêu cầu sự phối hợp tốt từ người bệnh. Tốc độ và khả năng hồi phục của từng bệnh nhân là khác nhau, do đó thời gian điều trị cũng có sự khác biệt.

Điều trị tâm lý cần được thực hiện tại bệnh viện, hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để có kết quả tốt nhất.

3. Áp dụng phương pháp sốc điện

Nếu các triệu chứng không có chuyển biến tích cực, dù đã được điều trị bằng phương pháp tâm lý và sử dụng thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng phương pháp sốc điện. Phương pháp này giúp đưa một dòng điện với cường độ thích hợp vào não để kích thích não bộ, làm giảm các triệu chứng rối loạn lưỡng cực.

Liệu pháp sốc điện chỉ được áp dụng với một số trường hợp đặc biệt. Nguyên nhân là do liệu pháp có thể khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ, lú lẫn trong một thời gian ngắn. Thông thường sẽ có loại sốc điện như sốc điện lưỡng cực, đơn cực, sốc điện bằng công nghệ Propofon và sốc điện truyền thống. Với phương pháp này người bệnh thường sẽ thực hiện khoảng từ 8 đến 12 lần.

Cách phòng ngừa rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến cả tâm trí lẫn thể chất. Do đó, ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ thì duy trì lối sống lành mạnh cách hiệu quả để quản lý triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

phòng ngừa rối loạn lưỡng cực
Một giấc ngủ sâu chất lượng là cách có ích để ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục đều đặn như chạy bộ, bơi lội để cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể
  • Thiền định giúp giảm trầm cảm, nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc
  • Duy trì giấc ngủ đủ, chất lượng và không lạm dụng chất kích thích
  • Tăng cường giao tiếp với xã hội, tham gia các hoạt động tập thể, du lịch để mở rộng kết nối
  • Loại bỏ các mối quan hệ độc hại, xây dựng quan hệ lành mạnh với gia đình và bạn bè
  • Theo dõi tâm trạng, sức khỏe bản thân và điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết

Một số câu hỏi thường gặp về rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu rõ trong cộng đồng. Mọi người thường băn khoăn về nguyên nhân, di truyền, mức độ nguy hiểm và liệu có phương pháp nào giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hay không. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này:

Câu 1: Rối loạn lưỡng cực có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, với sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý và thay đổi thói quen lành mạnh hơn, người bệnh có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và duy trì sự ổn định về mặt tinh thần.

Câu 2: Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Rối loạn lưỡng cực có thể gây ra những dao động mạnh về cảm xúc từ hưng phấn đến trầm cảm, làm suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và duy trì mối quan hệ xã hội. Một số trường hợp nặng hơn còn có thể kèm theo ảo giác, tăng nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Vì vậy, người bệnh cần được điều trị kịp thời để kiểm soát tình trạng này.

bipolar disorder là gì
Rối loạn lưỡng cực là dạng rối loạn tâm thần nguy hiểm cần được điều trị tích cực

Câu 3: Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?
Có thể nói yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rối loạn lưỡng cực. Nếu cha mẹ ruột mắc bệnh này, con cái sẽ có nguy cơ cao phát triển rối loạn. Theo thống kê, khoảng 1% dân số thế giới mắc rối loạn lưỡng cực mà không có sự phân biệt giữa nam và nữ.

Nhìn chung, rối loạn lưỡng cực đã gây ra không ít thách thức trong cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, với việc hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết dấu hiệu và tuân thủ các phương pháp điều trị, bệnh nhân có thể vượt qua nó và sống khỏe mạnh. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng đóng góp vai trò quan trọng để người bệnh ổn định cuộc sống.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/symptoms-causes/syc-20355955
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9294-bipolar-disorder
  • https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/bipolar-disorder

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *