9 lưu ý khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Sống chung với người gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,… là điều không dễ dàng. Những người thân yêu trong gia đình tốt nhất cần trang bị những kiến thức về bệnh để có thể thấu hiểu, cảm thông cũng như biết cách chăm sóc và giúp đỡ người bệnh.
Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực cần lưu ý gì?
Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường rất khó kiểm soát cảm xúc của mình, vui buồn thất thường và bộc lộ nó một cách quá mức bình thường. Họ cũng rất dễ nghĩ đến những vi liều lĩnh như đua xe, gian lận, mua sắm quá mức hay thậm chí là dùng chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Đặc biệt người bệnh thường có xu hướng nghĩ nhiều đến cái chết, tự tử hay tự khiến bản thân đau đớn để không còn thấy đau khổ.
Do những hành động có phần tiêu cực quá mức nên thường bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên chuyển về sống cùng gia đình, người thân để điều trị và kiểm soát bệnh tốt hơn. Tuy nhiên khi cảm xúc bị kích thích bùng phát, đôi khi người bệnh có thể làm hại hay khiến những người xung quanh tổn thương. Vì vậy cần phải thực sự cẩn thận và có các phương pháp quan tâm chăm sóc phù hợp khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực.
1. Tham gia các lớp học tâm lý cùng người bệnh
Cha mẹ hay người thân nên cùng người bệnh tham gia các lớp học tâm lý thường xuyên. Điều này sẽ vừa giúp hiểu rõ tình trạng người bệnh vừa được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc phù hợp. Bác sĩ tâm lý sẽ hỗ trợ người nhà cách nói chuyện, chăm sóc hay làm thế nào để kiểm soát các trạng thái cảm xúc khi người bệnh bị kích thích.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh còn nguy hiểm hơn trầm cảm, do đó cần phải thực sự hiểu được bản chất của bệnh thì mới có hướng sống cùng phù hợp. Bác sĩ cũng luôn khuyến khích người thân đi thăm khám hay đi trị liệu cùng người bệnh để tránh những bỡ ngỡ trong suốt quá trình sống chung.
Đồng thời bạn cũng cần khuyến khích người bệnh tham gia trị liệu tâm lý đầy đủ theo đúng yêu cầu. Nhiều người thường cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi đi trị liệu, việc có người thân đi cùng sẽ tạo động lực và sự kiên trì để bệnh nhân tham gia trị liệu đến thời điểm cuối cùng.
2. Luôn thấu hiểu và cảm thông với người bệnh
Ở trạng thái trầm cảm, người bệnh sẽ cảm thấy buồn bã, tiêu cực, không muốn tiếp xúc với ai trong khi đó ở trạng thái hưng cảm người bệnh lại có xu hướng nói nhiều, luyên thuyên hay có ham muốn tính dục cực độ. Điều này có thể làm những người sống cùng khá mệt mỏi và khó chịu, nhất là trong những thời kỳ đầu tiên của bệnh.
Tuy nhiên bạn cần phải hiểu rằng đây là bệnh, chính những người bệnh cũng không muốn như thế. Vì vậy hãy yêu thương người bệnh thật nhiều hơn. Hãy cố gắng kiểm soát những hành động mất kiểm soát của người bệnh thông qua những gì học hỏi được với bác sĩ. Thực tế khi đã tiếp nhận điều trị, người bệnh cũng bắt đầu có thể giảm tần suất các triệu chứng theo hướng lành mạnh.
Nếu thấy cảm xúc của người bệnh có dấu hiệu bất thường hãy đưa những người già hay trẻ nhỏ hay những người dễ tổn thương cách ly tạm thời với người bệnh để tránh gây ra ảnh hướng tiêu cực. Lúc này bạn cũng cần bình tĩnh trao đổi với bệnh nhân về những tác hại mà các hành động tiêu cực đó gây ra. Hoặc gọi ngay cho bác sĩ nếu người bệnh đang có dấu hiệu tự tử, cố gắng làm hại bản thân.
3. Hạn chế sự tiêu cực khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Trong suốt quá trình điều trị, những người trong gia đình cần hạn chế những tác động tiêu cực có thể làm ảnh hưởng xấu đến tâm trí người bệnh chẳng hạn như những tranh cãi, chỉ trích hay các chất kích thích. Đây cũng là các tác nhân khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn hoặc quay trở lại sau qua trình điều trị.
Thực tế việc sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực đôi khi có thể khiến những người trong gia đình, kể cả cha mẹ cũng gặp nhiều áp lực. Vì thế rất dễ xảy ra những tranh cãi trong quá trình chăm sóc hay cải thiện bệnh cho người bệnh. Tuy nhiên hãy cố gắng hạn chế việc thể hiện những điều này trước mặt người bệnh hoặc để cho người bệnh nghe thấy.
Tương tự với bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích cũng cần để tránh xa người bệnh càng tốt. Trong trạng thái hưng cảm hay buồn bã người bệnh thường tìm đến những thứ này để giải tỏa cảm xúc. Các chất này vừa làm giảm tác dụng của thuốc vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời còn dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực gây hại khác. Do đó tốt nhất không nên để những thứ này xuất hiện trong gia đình.
Bên cạnh đó người thân cũng không nên chỉ trích, phê bình hay phàn nàn người bệnh quá nhiều. Trước mọi vấn đề hãy nhẹ nhàng giải quyết, phân tích các mặt đúng/ sai, qua đó để người bệnh tự hiểu thay vì cố gắng la hét hoặc chỉ trích họ.
4. Giám sát quá trình tuân thủ trị bệnh
Cảm giác hưng phấn có thể khiến những người bệnh cảm thấy vui vẻ, dễ chịu nên thường bỏ thuốc, đồng thời không phải ai cũng chấp nhận việc mình mắc bệnh. Mặc dù thuốc cũng không điều trị bệnh khỏi hoàn toàn nhưng lại giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát các tâm trạng quá khích cũng như giảm suy nghĩ tự tử của bệnh nhân nên vẫn rất cần thiết.
Vì vậy hãy luôn khuyến khích nhắc nhở người bệnh uống thuốc hằng ngày. Bạn có thể dán các stick nhắc nhở người bệnh ở những nơi dễ thấy hoặc đặt báo thức để ghi nhớ. Cần luôn đảm bảo rằng đã thấy người bệnh uống thuốc. Trong trường hợp người bệnh có xu hướng bỏ thuốc, không chịu uống hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý để có hướng xử trí lành mạnh.
5. Tránh để những đồ có thể làm hại bản thân trong nhà
Người bệnh rối loạn lưỡng cực thường dễ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân. Họ có xu hướng làm đau bản thân để giải tỏa những cảm xúc khó chịu. Vì vậy bạn cần cất gọn các đồ vật mà người bệnh có thể dùng để làm đau chính mình như dao, kéo, dao lam,… Bát chén hay bình hoa đôi khi cũng có thể làm vỡ để rạch tay, rạch chân nên bạn cũng cần chú ý.
Thực tế khi cảm xúc dâng trào và người bệnh không kiểm soát được họ cũng có thể tự đập đầu vào tường, cào rách da mà người thân rất khó để phòng tránh được hết. Tuy nhiên bạn vẫn cần đặc biệt chú ý đến những vật dụng có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
6. Lắng nghe và chia sẻ cùng người bệnh
Khi bạn có những bức bối, khó chịu trong lòng bạn sẽ thường muốn có người lắng nghe bản thân mình hơn là việc nhận những lời khuyên. Chẳng hạn khi bạn than buồn quá thì bạn muốn có người hỏi vì sao bạn buồn chứ chẳng hề muốn nghe lời khuyên “đừng buồn nữa”. Tương tự những người bị rối loạn lưỡng cực cũng vậy, họ muốn tìm kiếm một người lắng nghe nhiều hơn.
Đôi khi trong trạng thái hưng cảm họ có thể luyên thuyên vô nghĩ nhưng người thân hãy vẫn dịu dàng ở bên lắng nghe thôi cũng sẽ giúp người bệnh dễ dàng ổn định cảm xúc. Hãy nhẹ nhàng hỏi han cảm xúc của người bệnh để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh và những mong muốn của họ. Thông qua đó sẽ giúp việc điều trị đi đúng hướng hơn. Hãy luôn để họ biết rằng sẽ luôn có một người yêu thương và quan tâm họ thật lòng.
7. Đừng tạo cho người bệnh cảm giác vô dụng, bị kiểm soát
Một vấn đề mà những người sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực dễ gặp phải khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn chính là tạo cho bệnh nhân cảm giác bị kiểm soát, vô dụng. Chẳng hạn từ chối sự giúp đỡ của người bệnh, luôn bên cạnh người bệnh 24/24 hay theo dõi mọi hành động của bệnh nhân. Điều này khiến người bệnh cảm thấy áp lực, bức bối bởi sự quan tâm đặc biệt quá mức.
Tốt hơn hãy cố gắng thể hiện sự quan tâm một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Thực tế khi tình trạng bệnh đã ổn hơn những người bị rối loạn lưỡng cực vẫn có thể tham gia sinh hoạt, làm việc và cống hiến như những người bình thường nên bạn không cần quá lo lắng. Vì vậy hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bệnh nhân với những công việc phù hợp như nhặt rau, nấu cơm, làm việc nhà,… để giúp người bệnh cảm nhận được mình còn có ích, mình cũng rất quan trọng trong gia đình.
Với vấn đề kiểm soát cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi không thể nào kiểm soát được người bệnh 24/ 24. Những cảm xúc tiêu cực hay hưng phấn của người bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đặc biệt trong thời gian đầu điều trị. Chưa kể nếu bạn còn cần đi làm việc thì rất khó để kiểm soát được người bệnh. Vì vậy bạn có thể lắp camera trong nhà để theo dõi người bệnh trong lúc không ở nhà để ngăn chặn được những hành động tiêu cực tốt hơn.
8. Lên kế hoạch kiểm soát sự hưng phấn
Hãy cùng người bệnh bàn về những biện pháp để giải quyết những cảm xúc quá khích của bản thân. Khi đã hiểu về bệnh của mình thì không ai là không muốn sớm điều trị nó cả, vì vậy hãy để chính người bệnh đưa ra ý kiến về cách kiểm soát bản thân mình.
Tốt nhất người bệnh và cả người thân hãy luôn chuẩn bị những tấm card hay mảng giấy có ghi rõ tình trạng bệnh, số điện thoại người thân hay số điện thoại của bác sĩ để để phòng các trường hợp xấu, chẳng hạn như bệnh bộc phát khi không có người thân bên cạnh.
9.Thực hiện lối sống lành mạnh khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao hằng ngày, đi ngủ sớm hơn đều là những lối sống lành mạnh không chỉ tốt cho người bệnh mà còn tốt cho tất cả mọi người. Hãy cùng người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh hạnh phúc để tạo động lực cùng nhau cố gắng hơn. Bên cạnh đó lối sống lành mạnh vui vẻ cũng rất tốt cho quá trình cải thiện tâm trí, tăng cường sức khỏe để người bệnh nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.
Một số cách đơn giản để cùng người bệnh có lối sống tích hơn như
- Cùng nhau tập thể dục, chạy bộ buổi sáng
- Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh trong thực đơn hằng ngày
- Uống đủ nước mỗi ngày, nên bổ sung thêm các loại nước trái cây
- Học thiền, học yoga vừa tốt cho trí não, tăng các hormone hạnh phúc đồng thời kiểm soát được tâm trạng
- Đi ngủ sớm hơn
- Hòa mình vào thiên nhiên, có thể chỉ đơn giản như đi dạo tại công viên hay đi du lịch tại những vùng đất mới đều rất tốt cho tâm trạng, giúp gia tăng những cảm xúc vui vẻ và tích cực
- Cười nhiều hơn, kết bạn với những người lạc quan, vui vẻ
- Cùng nhau nấu những món ăn yêu thích
- Cùng nhau xem một bộ phim hài hước
- Ôm nhau và khích lệ nhau mỗi ngày
- Thực hiện sở thích của nhau
Các hoạt động trên tưởng rằng đơn giản nhưng lại đem đến rất nhiều tác dụng tích cực cho người bệnh và cả những người chăm sóc. Khi tinh thần luôn trong trạng thái vui vẻ hạnh phúc, lạc quan thì sức khỏe cũng ổn định, các dấu hiệu rối loạn cảm xúc cũng được cải thiện rất nhiều.
Cần chú ý rằng nên tránh để người bệnh tiếp xúc với mạng xã hội quá nhiều bởi cũng có rất nhiều điều tiêu cực ẩn chứa bên trong. Thay vào đó hãy hướng người bệnh thực hiện những hoạt động lành mạnh, có ý nghĩa chẳng hạn như thêu thùa, may vá, học chơi đàn hay học bất cứ bộ môn nào đó để phân tán thời gian, không để thời gian khiến người bệnh có thể làm những chuyện tiêu cực.
Gia đình là nơi mà bạn có thể quay về bất cứ lúc nào, dù bạn là ai, bạn thất bại hay thành công, khỏe mạnh hay bệnh tật thì vẫn sẽ luôn có người giang tay đón chào. Việc điều trị các bệnh lý về tâm thần bên cạnh phác đồ của bác sĩ, sự quyết tâm của người bệnh thì sự hỗ trợ của gia đình và người thân cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Sự yêu thương chân thành của người thân và gia đình chính là liều thuốc tốt nhất có thể chữa lành mọi vết thương. Hy vọng thông qua những chia sẻ về những điều nên làm khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực đã đem đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Hãy luôn hướng tới những điều tích cực để có thể nhanh chóng điều trị bệnh và khám phá cuộc sống tươi đẹp này nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn khí sắc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và những tác dụng phụ nên lưu ý
- Bị rối loạn lưỡng cực nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
- 5 Chuyên gia tư vấn trị liệu rối loạn lưỡng cực tại Hà Nội
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!