Dạy Con Cách Đối Diện Và Ứng Xử Khi Bị Trêu Chọc
Trang bị cho con kỹ năng ứng xử khi bị trêu chọc là vấn đề hết sức cần thiết. Khi có đủ kỹ năng, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn và có thể khéo léo xử lý những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Dạy con cách đối diện, ứng xử khi bị trêu chọc
Ở trường học, trẻ có thể bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt. Nếu hành vi trêu chọc chỉ với mục đích tạo tiếng cười thì sẽ không có vấn đề gì phải xem xét. Tuy nhiên, nếu con trẻ bị tổn thương khi các hành vi trêu chọc lặp đi lặp lại và có tính chất nghiêm trọng, bố mẹ cần phải dạy con cách ứng xử phù hợp.
Thực tế, trẻ không chỉ cần những kiến thức được thầy cô cung cấp mà còn phải được trang bị kỹ năng để đối phó và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Trong đó, bị bạn bè trêu chọc là vấn đề đầu tiên trẻ phải đối mặt khi đến trường. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ cấp bậc nào bao gồm cả mầm non, tiểu học, THCS, THPT và đại học.
Rất nhiều trẻ không biết cách ứng xử khi bị bạn bè trêu chọc và phải chịu đựng các hành vi này trong một thời gian dài. Để giúp con trẻ có được môi trường học tập lành mạnh, gia đình nên dạy cho trẻ cách ứng xử phù hợp khi bị bắt nạt và trêu chọc.
Dưới đây là một số cách giúp trẻ đối mặt và ứng xử khi bị trêu chọc:
1. Giữ bình tĩnh khi bị trêu chọc
Trước các hành vi trêu chọc, trẻ rất khó giữ được bình tĩnh và thường có biểu hiện tức giận, nóng nảy, sợ hãi và lo lắng. Tuy nhiên, phản ứng này khiến kẻ bắt nạt cảm thấy hứng thú và tiếp tục lặp lại hành vi. Vì vậy, phụ huynh nên dạy cho trẻ cách giữ bình tĩnh khi bị trêu chọc.
Việc giữ bình tĩnh đối với trẻ là vấn đề không dễ dàng. Tuy nhiên, bố mẹ có thể chỉ cho con một số bí quyết như hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh hoặc đừng chú ý đến lời nói khiêu khích của kẻ bắt nạt. Ngoài ra, hãy nhắc còn cái việc mất bình tĩnh trong thời điểm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Vì vậy, nên cố gắng kìm nén và có thể giải tỏa với bố mẹ khi trở về nhà.
2. Không đáp trả lại bằng hành vi và lời nói tương tự
Khi bị trêu chọc, phản ứng chung của trẻ là đáp lại bằng hành động và lời nói tương tự. Tuy nhiên, cách ứng xử này sẽ khiến sự việc bị đẩy lên cao trào và có thể dẫn đến gây hấn, ẩu đả. Hơn nữa, mục đích của kẻ trêu chọc là khiến con trẻ mất bình tĩnh và có những hành vi quá khích.
Bên cạnh việc khuyên con giữ bình tĩnh, bố mẹ cũng cần giáo dục con không được có hành vi, lời nói thóa mạ và hạ thấp danh dự của người khác – cho dù người đó có các hành vi không phải với con. Trẻ có thể không đồng tình với cách ứng xử này. Do đó, bố mẹ nên giải thích để con trẻ biết được rằng, việc đáp lại bằng các hành vi, lời nói tương tự sẽ khiến sự việc diễn ra theo chiều hướng tiêu cực và có thể tái diễn gây ảnh hưởng nhiều đến việc học của con.
Ngoài ra, nên nhấn mạnh cho trẻ hiểu, cách ứng xử này chứng tỏ trẻ chưa trưởng thành. Ngược lại, việc con tôn trọng bạn bè dù người đó có các hành vi, lời nói không phải cho thấy con chín chắn và ngoan ngoãn. Điều này sẽ khơi gợi trong trẻ lòng tự trọng và giúp trẻ hình thành những tính cách tốt.
3. Tránh mặt và phớt lờ kẻ bắt nạt
Mục đích của kẻ bắt nạt là muốn trẻ mất kiểm soát cảm xúc và có những hành vi, lời nói đáp trả. Do đó, bố mẹ nên khuyên con nên phớt lờ kẻ bắt nạt. Nếu có thể, nên khéo léo tránh mặt để giảm thiểu những phiền toái xảy ra. Khi liên tục nhận được sự phớt lờ, kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy nhàm chán và tìm kiếm đối tượng mới.
Trong trường hợp kẻ bắt nạt thường xuyên chặn đường, bố mẹ nên đưa đón trẻ đến trường để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trẻ cũng nên tránh đi một mình, thay vào đó nên đi cùng nhóm bạn để tránh lọt vào tầm mắt của những kẻ bắt nạt.
4. Yêu cầu đối phương dừng các hành vi trêu chọc
Nếu đối phương tiếp tục các hành vi trêu chọc, nên khuyên trẻ nói chuyện trực tiếp và đề nghị đối phương dừng các hành vi này. Tuy nhiên, nên khuyên trẻ giữ tâm lý bình tĩnh và nói chuyện tự tin để kẻ bắt nạt cảm nhận được sự nghiêm túc trong lời nói.
Trước khi thực hiện, bố mẹ có thể cho trẻ thực hành trước tại nhà. Việc đề nghị đối phương dừng các hành vi trêu chọc có thể không mang lại hiệu quả. Do đó, nên hướng dẫn một số cách xử lý nếu đối phương không hợp tác. Trong trường hợp này, cần xem xét độ tuổi của trẻ để tìm giải pháp. Với trẻ mầm non, cấp 1 và cấp 2, trẻ nên nói trực tiếp với kẻ bắt nạt sẽ báo với giáo viên và bố mẹ nếu còn tiếp tục các hành vi này.
Tuy nhiên, trẻ đang học THPT có thể không sợ hãi bố mẹ và thầy cô. Do đó, bố mẹ nên khuyên trẻ nói rõ cảm nhận của mình sau các hành vi bắt nạt và trẻ chỉ muốn được học trong môi trường lành mạnh nhất. Đồng thời trẻ nên hỏi đối phương lý do vì sao có những hành vi trêu chọc mình và tiến hành giải quyết mâu thuẫn, xích mích để xây dựng mối quan hệ hòa hợp.
5. Báo với giáo viên chủ nhiệm nếu cần thiết
Trong trường hợp kẻ bắt nạt không thỏa hiệp trước đề nghị, bố mẹ nên khuyên con chủ động báo với giáo viên chủ nhiệm. Thay vì ra mắt giúp con, gia đình nên khuyến khích trẻ chủ động xử lý những vấn đề của mình và đứng đằng sau làm chỗ dựa tinh thần cho con.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương án xử lý phù hợp. Nếu kẻ bắt nạt tiếp tục có các hành vi không đúng mực, sự việc sẽ được ban giám hiệu xử lý và đưa ra các hình thức kỷ luật để răn đe.
Trẻ có tâm lý nhạy cảm, tính cách nhút nhát có thể cảm thấy có lỗi khi kẻ bắt nạt phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc và có xu hướng tự dằn vặt bản thân. Lúc này, bố mẹ nên cho trẻ hiểu rằng trẻ đã hành động đúng và trước khi báo với giáo viên, trẻ đã đề nghị thỏa hiệp nhưng không nhận được kết quả. Ngoài ra, nên trấn an tinh thần bằng cách nói rằng hành động của trẻ đã giúp ngăn chặn các hành vi bắt nạt, trêu chọc tiếp tục xảy ra với người khác.
6. Ra mặt giúp con khi vấn đề bị đẩy đi quá xa
Thực tế, có không ít trẻ phải đối mặt với các hành vi đe dọa, trêu chọc có tính chất nghiêm trọng. Nếu trẻ bị tổn thương tâm lý và hoảng loạn, gia đình nên ra mặt để giải quyết sự việc. Đầu tiên, cần trấn an tinh thần con và hỏi rõ ngọn ngành.
Sau đó, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu để đánh giá sự việc, từ đó đưa ra các phương án xử lý phù hợp. Sau khi xử lý sự việc, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi vài ngày và chuyển trường nếu con có mong muốn.
Dạy con cách ngăn chặn các hành vi trêu chọc
Trẻ có thể trở thành đối tượng bị trêu chọc nếu có những hành vi, lời nói không phù hợp và thu hút sự chú ý của những trẻ ưa bắt nạt. Dù đây không phải là lỗi của trẻ nhưng việc phải đối mặt thường xuyên với những hành vi này khiến trẻ khó có thể học tập và thoải mái khi đến trường. Vì vậy sau khi dạy con cách ứng xử khi bị trêu chọc, gia đình nên hướng dẫn con cách phòng ngừa tình trạng này.
Cách giúp con ngăn chặn các hành vi trêu chọc từ bạn bè:
- Giúp con trở thành học sinh nổi bật và tấm gương tốt thông qua thành tích học tập, tác phong nghiêm túc, lời nói và hành vi đúng mực. Khi trở thành tấm gương để các học sinh khác noi theo, trẻ sẽ tránh được những hành vi chọc phá từ bạn bè và tự tin hơn khi đến lớp.
- Giúp con xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng. Bởi trẻ nhút nhát, tự ti thường là đối tượng của các hành vi bắt nạt và trêu chọc.
- Khuyến khích con tham gia các hoạt động của lớp để dễ dàng kết bạn và thể hiện được năng lực của bản thân. Ngoài ra, các hoạt động này cũng giúp trẻ dạn dĩ và có kỹ năng xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
- Thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến đời sống tinh thần của con bên cạnh kết quả học tập. Khi xây dựng mối liên hệ mật thiết và tin tưởng, trẻ sẽ thoải mái kể các vấn đề phải đối mặt với bố mẹ.
- Nếu con bị bắt nạt qua mạng, bố mẹ cần quản lý tài khoản mạng xã hội và điện thoại của con. Ngay khi có các hành vi bắt nạt, bố mẹ nên có phương án xử lý để bảo vệ trẻ khỏi các hành vi công kích và thóa mạ danh dự.
- Cho trẻ học võ và ăn uống điều độ để cải thiện thể chất. Thể trạng khỏe mạnh và cao lớn sẽ giúp trẻ tránh những hành vi bắt nạt, trêu chọc từ bạn bè. Ngoài ra, trẻ được học võ sẽ biết cách bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực từ bạn bè. Tuy nhiên, nên giáo dục trẻ chỉ học võ để phòng thân, không phải để gây hấn và bắt nạt người khác.
Dạy con cách đối diện và ứng xử khi bị trêu chọc sẽ giúp trẻ chủ động xử lý những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Bên cạnh việc ứng xử khéo léo, những kỹ năng này cũng giúp trẻ tự tin hơn và hình thành những tính cách tốt khi trưởng thành.
Có thể bạn quan tâm
- Cha mẹ nên làm gì khi con bị bạn bè trêu chọc bắt nạt?
- Ảnh hưởng tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc và cách giúp trẻ vượt qua
- Trẻ nhút nhát thiếu tự tin: Nguyên nhân, biểu hiện và sự ảnh hưởng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!