10 Cách giúp bạn vượt qua cảm giác hối hận, tiếc nuối
Vượt qua cảm giác hối hận, tiếc nuối là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên nếu không mạnh mẽ đối mặt và vượt qua, những cảm xúc này sẽ khiến cho tâm lý trở nên nặng nề, u uất và trở thành rào cản khiến bạn không dám tiến về phía trước.
10 Cách vượt qua cảm giác hối hận và tiếc nuối
Cảm giác hối hận, tiếc nuối thường xảy ra khi chúng ta bỏ lỡ những điều tuyệt vời và cơ hội hiếm có trong cuộc sống. Đôi khi, cảm giác này cũng có thể xuất hiện khi nhìn nhận lại những lỗi lầm của bản thân. Ân hận, hối tiếc là cách để chúng ta đánh giá bản thân và những sự việc xảy ra xung quanh để có thêm bài học quý giá, từ đó ngày một hoàn thiện và xây dựng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách vượt qua cảm giác tiếc nuối sau khi đối mặt với những sai lầm hay bỏ lỡ những cơ hội đáng giá. Cảm giác ân hận khiến bạn đắm chìm trong những sự việc đã xảy ra và suy nghĩ chúng theo chiều hướng tiêu cực nhất.
Cảm xúc này có thể trở thành gánh nặng khiến bạn quên mất những giá trị bản thân đang sở hữu và bỏ qua nhiều niềm vui trong cuộc sống. Sự ân hận, hối tiếc quá lớn còn ngăn cản bạn tiến đến tương lai và mất đi những trải nghiệm thú vị.
Nếu đang đối mặt với cảm giác hối hận và tiếc nuối, bạn nên cố gắng vượt qua để bước tiếp. 10 Cách đơn giản sau sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những cảm xúc này để có thể tha thứ cho bản thân và đón nhận cuộc sống theo cách tích cực hơn:
1. Chấp nhận thực tế và biết rằng mọi thứ rồi sẽ trôi qua
Cuộc sống vẫn luôn có những sự việc xảy ra không như mong muốn của chúng ta. Vì vậy, bạn cần phải chấp nhận thực tế là bản thân đã có những sai lầm và bỏ lỡ mất nhiều cơ hội, trải nghiệm trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn còn rất nhiều thời gian và cơ hội phía trước. Hãy chấp nhận hiện thực để có thể đón nhận những điều trị mới mẻ, thú vị hơn.
Những gì đã xảy ra không thể thay đổi được. Do đó, nếu bạn suy nghĩ quá nhiều và giữ những chuyện này trong lòng, bạn sẽ nhận lại sự mệt mỏi, chán nản, bi quan và cuộc sống sẽ trở nên trầm uất. Bước đầu tiên để bạn có thể vượt qua cảm giác hối hận, tiếc nuối đó là chấp nhận sự thật và biết rằng mọi thứ rồi sẽ trôi qua dù thực tế cuộc sống đang rất tồi tệ.
2. Chia sẻ với những người xung quanh
Nếu giữ trong lòng sự tiếc nuối và ân hận, cảm giác này sẽ đeo bám bạn trong một thời gian dài. Hơn nữa, những cảm xúc tiêu cực cũng sẽ khiến bạn trở nên mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ bi quan về mọi thứ xung quanh. Để cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bạn nên chia sẻ với gia đình và bạn bè.
Bạn không phải là người duy nhất có cảm giác hối hận, tiếc nuối về những điều đã xảy ra trong cuộc sống. Vì vậy, nên chia sẻ với mọi người để lắng nghe câu chuyện của họ và soi chiếu với chính mình. Ngoài ra, những người đã có kinh nghiệm sẽ giúp đưa ra cho bạn những lời khuyên để có thể vượt qua cảm giác hối hận và tiếc nuối dễ dàng hơn.
3. Thoải mái với cảm xúc của chính mình
Khi đối mặt với cảm giác ân hận và tiếc nuối, tâm trạng sẽ trở nên khó chịu, bi quan, buồn bã,… Nếu quá xúc động và bất lực, bạn có thể khóc để giải tỏa tâm trạng. Thoải mái với cảm xúc của chính mình là cách hiệu quả giúp bạn gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống, bao gồm cả cảm giác ân hận, nuối tiếc và xấu hổ.
Bạn có thể giải tỏa cảm xúc khi trò chuyện với người thân, bạn bè hoặc có thể khóc lóc khi ở một mình. Hơn ai hết, cảm xúc của chính bạn cần được đặt lên hàng đầu trong hoàn cảnh này. Nếu kìm nén, cảm giác hối hận sẽ kéo dài đằng đẵng khiến cho bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn bã và lo âu.
Nhiều người gặp khó khăn trong việc chia sẻ và giãi bày cảm xúc với những người xung quanh. Lúc này, bạn có thể viết nhật ký để bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Giải tỏa cảm xúc kịp thời chính là cách hiệu quả để bạn vượt qua cảm giác hối hận, tiếc nuối và biết cách cân bằng lại cuộc sống.
4. Hoàn thiện bản thân từ những sai lầm
Nếu cảm giác hối hận là do sai lầm của bản thân, bạn nên nhìn nhận lại mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Thay vì hối hận và giữ mãi sự nuối tiếc, bạn nên học từ những sai lầm của chính mình để sai lầm không xảy ra thêm bất cứ lần nào nữa.
Trong chúng ta, không ai là không có sai lầm. Vì vậy, nếu không học cách hoàn thiện bản thân từ những lỗi lầm trong quá khứ, bạn sẽ chìm đắm trong đau khổ và ân hận. Sự buồn bã, bi quan không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của chính bạn mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi do bạn luôn tỏa ra năng lượng tiêu cực và sự chán chường thể hiện rõ trên khuôn mặt.
Ban đầu, chúng ta sẽ khó có thể nhìn nhận sai lầm một cách khách quan. Thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực và nỗi ân hận khiến bạn liên tục tự trách bản thân. Vì vậy, nên chia sẻ với mọi người và giải tỏa cảm xúc kịp thời để có thể bình tĩnh lại và nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn hơn.
5. Xem xét lại vấn đề gây ra cảm giác hối hận, tiếc nuối
Bên cạnh những sai lầm của bản thân, cảm giác hối hận và tiếc nuối cũng có thể xảy ra do những sự việc xảy ra không như mong muốn. Quy luật của cuộc sống là sự thay đổi không ngừng và đôi khi bạn không thể kiểm soát điều này. Hãy nhìn nhận lại sự việc để biết rằng, bản thân hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này và cách duy nhất bạn có thể lựa chọn là chấp nhận.
Ngoài ra, việc xem xét lại vấn đề cũng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và kỹ năng sống để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Đón nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua cảm giác hối hận và xây dựng cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
6. Chấm dứt những mối quan hệ độc hại
Đôi khi cảm giác tiếc nuối, ân hận bắt nguồn từ những mối quan hệ độc hại. Mối quan hệ độc hại được hiểu là các mối quan hệ không mang lại bất cứ lợi ích nào về tinh thần và vật chất cho bạn, ngược lại thứ bạn nhận được là sự tức giận, buồn bã, chán nản, bi quan,… Khi ở trong những mối quan hệ này, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và ân hận về những gì mình đã làm cho họ.
Sau khi xác nhận đang ở trong mối quan hệ độc hại, bạn nên chủ động chấm dứt. Dù muốn hay không, bạn vẫn nên kết thúc mối quan hệ này để thoát khỏi cảm giác hối hận, bất an, lo lắng, buồn bã,… Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bạn tìm kiếm cho mình những người bạn phù hợp và chân thành hơn.
7. Ngồi thiền – Cách vượt qua cảm giác hối hận hiệu quả
Ngồi thiền là phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Khi luyện tập, cả thể xác và tâm hồn sẽ hòa làm một, từ đó giúp bạn cân bằng cảm xúc và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Hiện nay, ngồi thiền đã được xác định là liệu pháp hỗ trợ trong điều trị các vấn đề tâm lý, đồng thời mang lại hiệu quả trong việc giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.
Khi ngồi thiền, tâm trí sẽ trở về trạng thái tĩnh lặng, bạn sẽ quên đi phiền muộn, cảm giác hối hận và tiếc nuối. Khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy ngồi thiền giúp điều hòa nhịp thở, nhịp tim và cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Nhờ vậy, ngồi thiền mỗi ngày sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác hối hận và biết cách cân bằng cảm xúc của chính mình.
Ngồi thiền là phương pháp tập luyện khá đơn giản nhưng cần phải thực hiện đúng cách. Vì vậy, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của các giáo viên yoga để đảm bảo thực hiện đúng. Nếu tự thực hiện tại nhà, nhiều khả năng bạn sẽ tập sai khiến cho phương pháp này không mang lại hiệu quả tối đa.
8. Nâng cao giá trị của bản thân
Nâng cao giá trị của bản thân cũng là cách để bạn vượt qua cảm giác hối hận và tiếc nuối – nhất là khi bản thân từng có nhiều sai lầm và đã bỏ qua những cơ hội quý giá trong cuộc sống. Bạn có thể nâng cao giá trị bản thân bằng cách rèn cho mình những phẩm chất tốt đẹp, nhìn nhận mọi thứ khách quan, luôn nỗ lực và cầu tiến trong công việc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể học thêm các kỹ năng mềm và trau dồi kiến thức chuyên môn để tự tin hơn. Khi có năng lực, bạn sẽ tự tin vào chính mình và trân trọng những gì mình đang có thay vì tiếc nuối, hối hận về những chuyện đã qua.
9. Tham gia các hoạt động có ý nghĩa
Để bù đắp cho lỗi lầm của bản thân, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động có ý nghĩa như hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, tham gia các hoạt động từ thiện của khu phố hoặc các câu lạc bộ,… Các hoạt động này sẽ mang đến cho bạn niềm vui, sự lạc quan và giúp gia tăng lòng tự trọng. Theo thời gian, bạn sẽ vượt qua được cảm giác hối hận, tiếc nuối và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.
Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động ý nghĩa còn giúp duy trì thái độ sống tích cực và hạn chế mắc phải các vấn đề tâm lý thường gặp như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc,… Ngoài ra, khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, bạn sẽ nhận ra giá trị mình đang sở hữu và nỗ lực hơn để xây dựng cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp.
10. Nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý
Trên thực tế, không ít người giữ sự hối hận, tiếc nuối trong một thời gian rất dài và không biết cách để vượt qua. Trong trường hợp này, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia để giải tỏa cảm xúc và cân bằng lại cuộc sống. Chuyên gia sẽ giúp bạn nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan nhất, từ đó có thể vượt qua cảm giác hối hận và học cách chế ngự những cảm xúc tiêu cực.
Chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bạn rút ra bài học từ những sai lầm của bản thân và hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống. Trong trường hợp thiếu kỹ năng, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn một số kỹ năng để đối mặt và xử lý với những tình huống trong cuộc sống.
Trên đây là 10 cách giúp bạn vượt qua cảm giác hối hận và tiếc nuối một cách dễ dàng hơn. Nếu không thể tự mình vượt qua, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ trong thời gian sớm nhất. Tránh tình trạng để cảm giác ân hận kéo dài khiến tâm lý bất ổn và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, tâm thần.
Có thể bạn quan tâm
- Cảm giác xấu hổ là gì? Nguyên nhân và 9 cách giúp bạn vượt qua
- Nỗi sợ bị người khác bàn tán, phán xét về mình và cách vượt qua
- Hậu quả của việc thiếu tự tin trong cuộc sống bạn nên lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!