Tự trách móc bản thân: Mối nguy hại & Cách vượt qua
Tự trách bản thân là cảm giác tự dằn vặt về sai lầm, tội lỗi của chính mình. Một số người sau khi trải qua sang chấn nghiêm trọng cũng có thể tự trách móc bản thân dù nguyên nhân thực sự không phải do họ. Tương tự như các cảm xúc tiêu cực khác, tình trạng này kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe.
Tự trách bản thân ảnh hưởng như thế nào?
Tự trách bản thân là phản ứng không thể tránh khỏi khi chúng ta mắc phải sai lầm, thất bại và gây ra tổn thương cho người khác. Đôi khi, phản ứng này cũng có thể xuất hiện sau khi trải qua những sang chấn tâm lý cho dù thực tế, bản thân không phải là nguyên nhân dẫn đến sự việc. Tuy nhiên, tổn thương tâm lý sâu sắc khiến không ít người cho rằng chính mình là nguồn cơn của mọi đau khổ và tự trách móc bản thân.
Khi đối mặt với thất bại (kết quả học tập không như mong muốn, trượt kì thi, không thực hiện được công việc mà mình mơ ước, kế hoạch không thành công,…), cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như tai nạn, sự cố dẫn đến sự mất mát quá lớn về người và của, tình trạng có thể kéo dài hơn.
Những người tự trách bản thân luôn lặp đi lặp lại suy nghĩ bản thân là người thất bại, không xứng đáng và nên bị ghét bỏ. Những suy nghĩ quẩn quanh này giết chết những cảm xúc tích cực và gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe lẫn cuộc sống.
Nếu không có biện pháp khắc phục, tự trách bản thân có thể gây ra nhiều ảnh hưởng và hậu quả như:
1. Ảnh hưởng đến tâm trạng
Khi tự dằn vặt bản thân, tâm trạng là yếu tố bị ảnh hưởng đầu tiên. Tình trạng này thường đi kèm với những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, buồn bã, bi quan, đôi khi tức giận và chán ghét chính mình. Tâm trạng bất ổn khiến bạn khó có thể làm việc, học tập như bình thường. Ngoài ra, yếu tố này cũng chi phối suy nghĩ và hành vi của bản thân.
2. Gây mệt mỏi, suy nhược
Ở những người thường xuyên tự trách móc bản thân, não bộ luôn hiện diện những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến các tế bào thần kinh bị quá tải, dẫn đến suy nhược thần kinh. Khi não bộ “quá tải”, toàn bộ cơ thể đều bị ảnh hưởng. Biểu hiện thường gặp nhất là mệt mỏi, suy nhược, sụt cân và giảm năng lượng.
Thể chất và tinh thần là hai yếu tố song hành với nhau. Tinh thần suy sụp khiến cho thể chất giảm sút dần theo thời gian và ngược lại. Do đó khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý, các bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân phải ăn uống, sinh hoạt điều độ để nâng đỡ thể trạng, qua đó cải thiện tinh thần và sức khỏe một cách toàn diện. Chính vì vậy, suy nhược và mệt mỏi là tình trạng khó tránh khỏi ở người có thường tự trách bản thân.
3. Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý
Tự trách bản thân hầu như không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Ngược lại, tình trạng này kéo dài gây ra nhiều vấn đề tâm lý. Các vấn đề thường gặp nhất:
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một dạng rối loạn lo âu thường xảy ra sau 1 tháng kể từ khi trải qua sự kiện gây sang chấn quá mạnh và kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Ngoài cảm giác dằn vặt và trách móc bản thân, người mắc chứng bệnh này còn có những hồi tưởng mang tính thâm nhập (giấc mơ, suy nghĩ hoặc hoang tưởng) về các sự kiện đã xảy ra. Đi kèm là tâm trạng bất ổn, hoảng loạn, lo lắng và đề phòng quá mức.
- Trầm cảm: Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự giảm thấp của tâm trạng, biểu hiện chính là khí sắc u uất, buồn bã sâu sắc, chán nản, mất hứng thú và giảm năng lượng. Nếu không vực dậy sau các sự kiện gây sang chấn, bạn sẽ phải đối mặt với trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Ngoài những vấn đề tâm lý kể trên, tự trách bản thân cùng với các cảm xúc tiêu cực cũng là nguồn cơn của nhiều bệnh lý khác như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoang tưởng, loạn thần cấp tính,… Tuy nhiên, tỷ lệ phát triển các chứng bệnh này thấp hơn trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn.
4. Giới hạn cơ hội nghề nghiệp
Tự trách bản thân có thể giới hạn cơ hội nghề nghiệp của mỗi người. Những người hay dằn vặt và luôn cảm thấy có lỗi thường cho rằng cho bản thân đáng bị trừng phạt. Do đó, thay vì lựa chọn công việc lý tưởng, họ có thể hành hạ mình bằng cách làm những công việc thu nhập thấp.
Ngoài ra, tình trạng suy nghĩ quá nhiều và tự trách móc bản thân cũng gây suy giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung. Tình trạng này làm gia tăng sai sót khi làm việc. Khi phải đối mặt với liên tục những sai lầm, nhiều người từ bỏ công việc tốt để làm những công việc chân tay như là hình phạt dành cho bản thân.
5. Lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện
Cảm giác tội lỗi, dằn vặt nhấn chìm tất thảy các cảm xúc tích cực và mang đến sự u uất, nặng nề cho cuộc sống. Nhiều người không thể tự kiểm soát suy nghĩ của bản thân và bị ám ảnh quá mức về sai lầm đã phạm phải. Để giải thoát, không ít người chìm đắm trong bia rượu và chất kích thích.
Cồn và các chất gây nghiện đều gây ức chế thần kinh nên sẽ giúp bạn quên đi những phiền muộn, đau khổ và gạt bỏ tạm thời những suy nghĩ quẩn quanh. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, những cảm xúc tiêu cực sẽ nhanh chóng tìm đến bạn – thậm chí mức độ còn nghiêm trọng hơn trước.
6. Đánh mất các mối quan hệ
Nhiều người tự cô lập bản thân và sống tách biệt với mọi người do dằn vặt tội lỗi. Ban đầu, mọi người cũng sẽ cố gắng tìm cách gắn kết và giúp bạn quên đi muộn phiền, đau khổ. Tuy nhiên nếu không nỗ lực vượt qua và luôn chìm đắm trong sự dằn vặt, trách móc bản thân, bạn có thể đánh mất các mối quan hệ thân thiết.
Ngoài ra, tâm lý có thể trở lên bất ổn sau khi trải qua sang chấn hoặc khi chứng kiến những thất bại của bản thân. Tâm lý bất ổn khiến bạn trở nên nóng nảy, dễ tức giận và mâu thuẫn với những người xung quanh. Nếu tình trạng không được cải thiện, các mối quan hệ dần đi ngõ cụt và bạn sẽ đánh mất những người bạn thực sự.
7. Mất đi ý nghĩa của cuộc sống
Cuộc sống là một cuộc hành trình dài xen lẫn giữa niềm vui – đau khổ, được – mất. Nếu mãi đắm chìm trong đau khổ và tự trách bản thân, bạn đã đánh mất ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Giá trị thực của cuộc sống đó là sự tha thứ và hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày để sống có ý nghĩa và bù đắp được những thiếu sót, sai lầm trong quá khứ.
Tự trách bản thân – Làm sao để vượt qua?
Tự trách bản thân kéo dài chính là nguồn cơn của nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất và khiến cuộc sống trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách vượt qua tổn thương và gạt bỏ cảm giác tội lỗi, dằn vặt.
Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số cách vượt qua cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân trong nội dung sau:
1. Chia sẻ với những người xung quanh
Tự trách bản thân thường xảy ra sau khi bạn phải đối mặt với sai lầm và thất bại. Thực tế, rất nhiều người không đủ dũng cảm để thừa nhận sai lầm của bản thân trước mặt người khác mà chỉ giữ cho riêng mình và tự dằn vặt trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, cách đơn giản nhất để vượt qua tình trạng tự trách bản thân là chia sẻ với những người xung quanh.
Khi thẳng thắn thừa nhận sai lầm, bạn có thể vứt bỏ hết mọi đau khổ, phiền muộn và cảm thấy nhẹ nhõm trong tâm hồn. Ngoài ra với tư cách là người ngoài cuộc, người thân và bạn bè sẽ có đánh giá khách quan, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua tình trạng này.
Bạn không nên phải gồng mình tỏ ra mạnh mẽ để khiến mọi người yên tâm. Thay vào đó, hãy chiều chuộng bản thân bằng cách thể hiện cảm xúc thật để giải tỏa tâm lý. Thông thường, những người có cảm xúc mãnh liệt sau khi trải qua sự kiện gây tổn thương tâm lý thường vượt qua nhanh hơn. Trong khi những người cố kìm nén phải đối mặt với nỗi đau âm ỉ kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm liền.
2. Tập trung xử lý vấn đề
Thay vì chìm đắm trong đau khổ và dằn vặt, bạn nên xốc lại tinh thần để tập trung xử lý vấn đề. Nếu sai lầm do bản thân gây ra, nên tìm cách khắc phục và giảm tối đa thiệt hại. Cách xử lý này vừa giúp cải thiện tình hình vừa để lại ấn tượng đẹp trong mắt của đồng nghiệp và những người xung quanh.
Bản thân mỗi người không phải là cá thể hoàn hảo nhưng phải luôn nỗ lực để hoàn thiện hơn từng ngày. Cách bạn khắc phục hậu quả chính là sự bù đắp tốt nhất cho những sai lầm đã gây ra. Thông qua sự việc này, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và trở nên trưởng thành hơn.
Rõ ràng việc chủ động xử lý vấn đề “đáng khen” hơn so với việc tự trách móc bản thân và đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra khi giải quyết được những sai lầm bản thân gây ra, bạn sẽ tìm thấy sự nhẹ nhõm và có thể tha thứ cho bản thân thay vì giữ cảm giác dằn vặt, nặng nề.
3. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn
Sau khi trải qua sự kiện lớn, tất cả chúng ta đều cần có khoảng không gian riêng để chiêm nghiệm lại mọi thứ xung quanh. Khi mọi thứ đã yên ổn, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà trong vài ngày hoặc làm mới bản thân với những chuyến du lịch.
Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn nạp lại tinh thần và nhìn nhận sự việc đã xảy ra với tâm thế bình tĩnh hơn. Từ đó biết cách điều chỉnh tâm trạng và rút kinh nghiệm để tránh những sai lầm trong tương lai. Tuy nhiên nếu phải trải qua sang chấn quá lớn, nên ở cùng với bạn bè hoặc người thân để tránh những tình huống đáng tiếc.
4. Thay đổi suy nghĩ và làm chủ cảm xúc
Dù không dễ dàng nhưng cách hiệu quả nhất để vượt qua tình trạng tự trách bản thân là thay đổi suy nghĩ và làm chủ cảm xúc. Ban đầu, bạn sẽ rất khó để kiểm soát những dòng suy nghĩ quẩn quanh. Tuy nhiên thay vì cố gắng ngừng suy nghĩ, hãy nghĩ đến những kỷ niệm đáng nhớ để khơi gợi những cảm xúc tích cực.
Nếu có suy nghĩ bản thân đáng trách và yếu kém, hãy nhớ đến những thế mạnh riêng. Ngoài ra, đừng quên ngoài kia có những người thiếu may mắn hơn và cũng có những người đạt được thành công dù vạch xuất phát thấp hơn bạn.
Sau khi cho phép bản thân giải tỏa hết những cảm xúc dồn nén, bạn cần học cách làm chủ cảm xúc. Bởi nếu để bản thân trôi theo cảm xúc, bạn sẽ khó có thể vượt qua tình trạng tự trách bản thân và những cảm xúc tiêu cực khác.
5. Tham vấn/ trị liệu tâm lý
Không phải ai cũng có đủ khả năng để vượt qua cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân. Do đó nếu cần thiết, bạn nên xem xét việc tham vấn và trị liệu tâm lý. Phương pháp này được thực hiện bởi các nhà trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý thông qua hình thức giao tiếp (ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ).
Trị liệu tâm lý sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ, từ đó có thể điều chỉnh cảm xúc và hành vi của bản thân. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về sự việc đã xảy ra. Từ đó có thể gạt bỏ cảm giác tự dằn vặt và tội lỗi.
Tự trách bản thân chính là cách để mỗi người nhìn nhận lại bản thân và hoàn thiện hơn từ những sai lầm. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài đôi khi cũng dẫn đều nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, thể chất và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn có thể vượt qua sự dằn vặt, trách móc và trưởng thành hơn sau mỗi vấp ngã.
Có thể bạn quan tâm
- Tổn Thương Tâm Lý Vì Bị Bỏ Rơi Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua
- 11 Cách Giải Tỏa Tâm Trạng Buồn, Chán Nản Hiệu Quả Nhất
Mình cảm ơn
Chào bạn, nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 096.589.8008 hoặc để lại THÔNG TIN tại link: https://tamlytrilieunhc.vn/dat-lich-hen. Trung tâm sẽ sớm liên hệ và hỗ trợ thông tin cho bạn. Chúc bạn một ngày tốt lành!