Hay có cảm giác vô dụng, vô giá trị, làm gì để vượt qua
Đôi lúc chúng ta thường có cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân, đặc biệt khi nhìn thấy những người xung quanh đều đã thành công trong khi bản thân mình lại chẳng có gì. Đừng vội nản lòng bởi thành công không bao giờ là một điều dễ dàng. Chỉ cần mỗi người cố gắng quyết tâm không ngừng nghỉ, học hỏi phấn đấu từng ngày, luôn nhìn về hướng tích cực, chắc chắn những điều tuyệt vời sẽ sớm đến với chúng ta.
Vì sao chúng ta có cảm giác bản thân vô dụng, vô giá trị?
Hầu như trong chúng ta, ai cũng từng đặt ra câu hỏi, giá trị của bản thân nằm ở đâu? Sẽ có những lúc không tránh khỏi chúng ta tự trách mình, cảm thấy bản thân thật vô giá trị, vô dụng và tự dằn vặt chính mình. Những cảm xúc này rất khó diễn tả, nó giống như một sợi dây đang kìm kẹp tâm trí, kéo chùng tâm trạng xuống, khiến chúng ta nhìn nhận vấn đề bằng con mắt tiêu cực hơn, có xu hướng tách biệt chính mình.
Khi thấy bản thân vô dụng sẽ kèm theo trạng thái thiếu tự tin. Nếu chúng ta đánh mất sự tự tin vào chính mình thì sẽ chẳng dám làm gì, chẳng dám thay đổi, luôn sống trong một vòng lặp khép kín do bản thân tạo ra đầy nhàm chán, vô vị. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại những điều quen thuộc, cảm giác bức bối khi thấy mình quá kém cỏi so với người khác lại càng tăng thêm áp lực về mặt tinh thần nghiêm trọng hơn.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến chúng ta có cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân?
- Áp lực đồng trang lứa: khi nhìn thấy bạn bè cùng tuổi đã bắt đầu có sự nghiệp, người mua nhà, mua ô tô trong khi bản thân vẫn đang lẹt đẹt trả góp chiếc xe cũ, không ai là tránh khỏi cảm giác nản lòng, thấy bản thân thật vô dụng và kém cỏi. Áp lực đồng trang lứa khiến chúng ta luôn tự kéo tụt giá trị của bản thân, tăng nguy cơ stress và có xu hướng trốn tránh các mối quan hệ bạn bè hơn để không bị xấu hổ.
- Tính cách tự ti: người tự ti cũng là người không dám công nhận năng lực của bản thân, luôn cho rằng mình kém cỏi, vô giá trị so với người khác. Tự ti không phải là khiêm tốn bởi người khiêm tốn hoàn toàn có thể hiểu rõ khả năng của bản thân, dám thể hiện những gì mình hiểu biết trong khi người tự ti chỉ lẩn mình trong đám đông, luôn sợ phải công khai năng lực của chính mình.
- Môi trường sống tiêu cực: một người có cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân có thể do họ luôn bị những người xung quanh xem thường, chỉ trích, không công nhận năng lực của họ. Chẳng hạn khi gia đình luôn so sánh con mình với “con nhà người ta”, cho rằng con quá kém cỏi có thể khiến đứa trẻ thực sự tin rằng mình là người vô dụng, không ai cần đến.
- Từng bị bỏ rơi: Một người từng bị bỏ rơi có thể luôn mang ám ảnh rằng mình là người không có giá trị gì, không ai cần đến mình hết nên mới bị cha mẹ vứt bỏ. Suy nghĩ này có thể phát triển lớn dần, trở thành một bóng đen tâm lý khiến những người này mang nỗi ám ảnh, cảm thấy bản thân vô dụng, vô giá trị ngay cả khi trưởng thành.
- Từng thất bại: những người từng thất bại trong học tập hay công việc, chẳng hạn như người mới phá sản cũng mang tâm lý rằng mình là người quá kém cỏi, bất tài vô dụng nên mới nên cơ sự này.
- Ảnh hưởng từ mạng xã hội: khi mà Facebook, TikTok xâm chiếm toàn cầu, ai cũng muốn thể hiện mình trên mạng xã hội hào nhoáng cũng khiến cho nhiều người dễ bị tác động từ những luồng thông tin tiêu cực, cảm thấy bản thân kém cỏi hơn. Chẳng hạn khi thấy bạn bè lâu ngày không gặp lại khoe mới tậu một căn nhà, nhưng bài báo về việc cần để dành bao nhiêu tiêu mỗi năm để có thể mua nhà năm 30 tuổi trong khi ở tuổi 27, số dư ngân hàng của bạn cũng bằng 0.
Thực tế thì dù do bất cứ nguyên nhân nào, nếu cứ mang cảm giác rằng bản thân là người vô dụng, vô giá trị thì có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần và cả tương lai của mỗi người. Sự tự ti, không nhìn nhận được giá trị của bản thân sẽ khiến bạn đánh mất rất nhiều cơ hội phát triển cho chính mình.
Mặt khác khi bị ám ảnh bởi những cảm giác này cũng khiến bạn có nhiều suy nghĩ tiêu cực hơn, dễ phát triển thành các vấn đề tâm lý, tâm thần nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Bởi khi tâm trạng tích tụ quá nhiều những điều tiêu cực không thể loại bỏ ra ngoài thì tâm trí không tránh khỏi những hỗn độn, cạn kiệt sức lực nên mới dẫn đến các vấn đề này.
Làm sao để vượt qua cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân
Mỗi cá nhân đều có một thế mạnh riêng, quan trọng là làm như thế nào để chúng ta có thể phát hiện và phát huy những giá trị tích cực này cho bản thân. Học cách nhìn nhận một cách tích cực, không ngừng cố gắng, chăm chỉ, lập kế hoạch riêng cho bản thân sẽ giúp bạn sớm đạt được thành để vượt qua cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân.
Xác định giá trị bản thân
Tất nhiên để xác định giá trị của bản thân khi mà tâm trí đang tiêu cực, luôn có cảm giác vô dụng, vô giá trị chắc chắn là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên nếu bạn cứ luôn mặc định cho rằng mình kém cỏi, mình sẽ chẳng làm được gì thì mãi mãi cũng chỉ ở trong một vỏ ốc không thể nào thoát ra được. Do đó hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian thư giãn, tĩnh tâm để suy ngẫm và tìm ra giá trị của chính mình.
Để hiểu hơn về bản thân, bạn hãy nghĩ xem mình thực sự thích gì, mình có thể làm tốt nhất được điều gì, nghĩ tới điều gì có thể khiến bạn vui vẻ và hứng thú. Chẳng hạn khi bạn thích viết lách thì không thể nào có thể gắn bó lâu dài với nghề kế toán, điều này sẽ khiến bạn cực kỳ mệt mỏi, chất lượng công việc có thể giảm sút. Hãy luôn ưu tiên những công việc vừa có thể tạo được thu nhập, vừa khiến cho bạn hạnh phúc, vừa nâng cao được giá trị bản thân.
Một điều bạn cần hiểu rằng, giá trị bản thân không nhất thiết phải là bạn có thể tạo ra được điều gì to lớn, vĩ đại, có ích cho toàn bộ xã hội. Đôi khi sự trung thực, chân thành, tốt bụng, luôn biết giúp đỡ người khác cũng là giá trị đặc biệt của bạn. Có một câu nói rằng “Sự chính trực không chỉ là một giá trị, mà nó đảm bảo cho tất cả các giá trị khác”, điều này có nghĩa là ít nhất bạn cần giữ vững bản chất của mình, đó chính là giá trị tốt đẹp bền vững nhất khiến bạn luôn trở nên “lấp lánh” trong mắt những người khác.
Liệt kê ra những điều khiến bạn có cảm giác vô dụng, vô giá trị
Cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân đôi khi cứ tự xuất hiện trong đầu, tác động lên toàn bộ cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của mỗi chúng ta, đôi khi chẳng cần một lý do gì. Mà khi chúng ta không biết mình thiếu sót gì thì không thể nào thay đổi, không thể nào hoàn thiện bản thân được. Bởi vậy song song với việc tìm ra giá trị của bản thân, bạn cũng cần tìm và sửa đổi các khuyết điểm của chính mình.
Hãy thử liệt kê ra những điều gì mà bạn chưa hài lòng về bản thân, những điều mà tự bạn thấy mình còn thiếu sót. Chẳng hạn như vẫn còn chưa hết mình trong công việc, chưa chủ động tìm khách hàng, chưa biết cách tư vấn khách.. Hoặc bạn cũng có thể nhờ những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, gia đình nhận xét về bản thân mình, từ đó tiếp thu và hoàn thiện về bản thân mình hơn.
Nói chung, việc hiểu về những thiếu sót của bản thân mục đích cuối cùng cũng vì chính bạn chứ không vì ai hết. Khi bản thân mình tốt hơn thì giá trị của bạn trong mắt những người xung quanh cũng tự tăng lên, mọi người tự tìm đến bạn để tạo ra các giá trị khác cho họ chứ không cần bạn phải chủ động. Đây cũng chính là lúc bạn sẽ không còn cảm giác vô dụng, vô giá trị về chính mình.
Làm một điều gì đó ý nghĩa cho những người xung quanh
Nếu một lúc nào đó, bạn bỗng nhiên có cảm giác bản thân thật vô dụng, vô giá trị, không còn ai cần mình thì hãy thử dành thời gian làm một điều gì đó có ích cho xã hội, có ích cho những người xung quanh. Chẳng hạn mua vé số để giúp đỡ những người khó khăn, đến các ngôi nhà tình thương hay chỉ đơn giản là giúp một người già qua đường. Khi bạn nhận được những nụ cười và lời cảm ơn của người khác chính là lúc bạn cảm thấy bản thân thật có giá trị.
Chính các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, việc tham gia các công việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Thậm chí bạn có thể tìm thấy những giá trị cốt lõi của bản thân, tìm được mục đích sống, tăng thêm niềm tin, giúp bản thân có thêm niềm tin để tiếp tục cố gắng hơn từng ngày.
Bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất
Đừng quá vội vàng chạy theo những thứ xa hoa, không rõ ràng, ngoài tầm với để khi không thành công bạn sẽ càng thêm thất vọng, mất niềm tin vào chính mình. Hãy tưởng tượng sự thành công, vinh quang giống như một bậc thang vậy. Nếu không biết cách giữ thăng bằng, không biết nhảy xa bạn chỉ nên bước 1 bậc 1, hoặc cũng có thể là 2 bậc 1 lần, không thể nào nhảy vọt lên 5- 6 bậc thì té ngã là điều khó tránh khỏi.
Chậm mà chắc, nhất là ở những thời điểm ban đầu. bạn đừng nên quá vội vàng làm gì. Một căn nhà nếu muốn vững chãi, có thể xây nhiều lầu thì cần có một nền móng thật cứng cáp, sử dụng các vật liệu chất lượng nhất. Bởi vậy hãy bắt đầu từ những thứ bạn có thể làm tốt nhất, nằm trong tầm với của bạn, sau đó mới dần mở rộng mục lớn hơn. Cứ từng bước, từng bước như vậy sẽ giúp bạn xua tan ngay cảm giác vô dụng, vô giá trị khi nhìn thấy thành quả mà mình đạt được.
Để làm được điều này, hãy lập chiến lược riêng cho bản thân để có lộ trình tăng tiến một cách rõ ràng. Không chỉ trong công việc mà trong các vấn đề hằng ngày của cuộc sống, bạn cũng có thể thiết lập cho mình mục tiêu cá nhân. Chẳng hạn như nếu bạn muốn giảm 10 cân thì đầu tiên nên đặt mục tiêu 2 cân trong một tháng, thử nghiệm phương pháp mới, nếu có kết quả tốt mới tiếp tục thực hiện, không thể nào ép mình giảm một lúc 10kg mà thành công được.
Ngưng so sánh
Rõ ràng mỗi người đều có một thế mạnh riêng mình, không ai giống ai. Thay vì cố gắng chạy theo người này người kia vì nghĩ họ làm như vậy là đúng thì sao bạn không tự tạo lập một thế giới cho riêng mình. Chẳng hạn khi bạn là người mơ mộng, giỏi văn thơ, không logic nhưng khi thấy người khác kinh doanh mỹ phẩm quá thành công cũng muốn học theo, cho rằng người ta làm được thì mình cũng làm được, cuối cùng kết quả là bạn trắng tay, tâm trí luôn kiệt quệ sức lực vì những con số.
Hầu hết khi chúng ta so sánh sẽ luôn cảm thấy bản thân mình kém cỏi hơn người khác, cảm giác vô dụng, vô giá trị cũng chính do đó mà xuất hiện. Dần dần từ cảm xúc buồn bã, thất vọng sẽ chuyển thành cảm giác đố kỵ, ghen ghét với những người xung quanh và làm tâm trí luôn cực kỳ tiêu cực, khó chịu, nóng nảy hơn.
Thực tế thì không ai là hoàn hảo tất cả mọi mặt. Một người để có được thành công họ phải tốn rất nhiều công sức, thậm chí không có thời gian dành cho riêng mình. Một người có vóc dáng đẹp, họ phải bỏ qua đam mê ăn đồ ngọt của mình cùng rất nhiều thời gian để tập thể hình mỗi ngày. Bạn đừng chỉ nhìn vào bề nổi để đánh giá vấn đề mà cần hiểu được cả tảng băng chìm phía dưới.
Khi đã vượt qua được việc thường xuyên so sánh mình hoặc lắng nghe những người khác so sánh mình thì tâm trí bạn sẽ tự nhiên trở nên cực kỳ thoải mái, nhẹ nhàng, học được cách chấp nhận là chính mình. Tuy nhiên cần hiểu rằng, so sánh đố kỵ với người khác và chấp nhận sự thành công của những người xung quanh để tạo hình mẫu để bản thân có động lực cố gắng hơn sẽ là hai trạng thái khác nhau hoàn toàn.
Vượt qua cảm giác vô dụng, vô giá trị bằng cách tin tưởng vào bản thân
Nếu bản thân bạn còn chưa tin tưởng vào chính mình thì sẽ chẳng có ai có thể đặt niềm tin ở bạn, cảm giác vô dụng, vô giá trị sẽ vẫn còn mãi. Khi bạn tin tưởng vào chính mình, dám tự tin thay đổi, phát triển bản thân trong những cơ hội mới, không ngừng phấn đấu sẽ tự khắc sẽ tạo ra giá trị cho chính bản thân mình. Niềm tin vào bản thân chính là một nền tảng quan trọng để bạn phát triển và hoàn thiện hơn.
Hoàn thành các mục tiêu nho nhỏ đã đề ra trước đó chính là cách giúp bạn dần tạo dựng vào niềm tin của chính mình. Bên cạnh đó, bạn có thể nói chuyện với những người đáng tin cậy, những người tích cực luôn biết cách động viên bạn. Đôi chúng ta còn băn khoăn một điều gì đó chưa dám thực hiện nhưng chỉ cần một người nói rằng, “mình tin bạn có thể làm được” thì tự khắc, ý chí, quyết tâm của bạn sẽ thực sự được tiếp thêm năng lượng để hoàn thành những dự định này.
Đừng quên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Thể chất và tinh thần luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động theo chiều hướng xuôi dòng. Chẳng hạn khi một người lúc nào cũng cảm thấy buồn bã, ăn ngủ không ngon, luôn có suy nghĩ tiêu cực thì tự khắc cơ thể cũng trở nên uể oải, sức khỏe giảm. Trong khi đó nếu bạn có một sức khỏe tốt, chế độ ăn lành mạnh, ngủ đủ giấc thì tinh thần cũng có chiều hướng lạc quan tích cực hơn, đứng trước khó khăn cũng không hoảng sợ quá nhiều.
Do đó để vượt qua cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân, luôn có tinh thần tích cực, bạn nên làm những điều sau
- Duy trì chất lượng giấc ngủ mỗi ngày, khi cơ thể nạp đủ năng lượng thì tinh thần cũng khỏe khoắn hơn, tích cực hơn, làm điều gì cũng có kết quả tốt.
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, đặc biệt có thể tham khảo các bộ môn như thiền hay yoga
- Học cách nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, đừng xoáy sâu vào các vấn đề tiêu cực mà hãy nhìn vào mặt tích cực để giải quyết vấn đề đó
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường trái cây, rau xanh hay các nhóm thực phẩm lành mạnh khác.
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích hay mọi chất có hại cho thần kinh khác khi tinh thần đang tiêu cực, cảm giác vô dụng, vô giá trị xâm chiếm mọi suy nghĩ
- Giải tỏa cảm xúc căng thẳng, tiêu cực về bản thân thông qua các biện pháp như nghe nhạc, đi dạo, thư giãn với nước ấm, xông hơi tinh dầu hay tìm một nơi thật yên tĩnh, trong lành để xoa dịu tâm trí
Gặp gỡ chuyên gia nếu cần thiết
Nếu bạn đã làm mọi cách mà vẫn luôn cảm thấy rằng bản thân mình thật kém cỏi, mệt mỏi, thường xuyên cảm giác không muốn làm gì, ngày càng kiệt sức, không có động lực để cố gắng thì hãy thử tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là bạn gặp vấn đề về tâm lý, tâm thần mà đôi khi bạn không còn cảm thấy sự cân bằng trong tâm trí, không tìm được hướng đi riêng cho bản thân thì việc tìm đến các chuyên gia để hỗ trợ hoàn toàn mang đến nhiều lợi ích.
Thực tế thì khi bản thân đã có cảm giác vô dụng, vô giá trị thường do rất nhiều yếu tố tác động vào tâm trí chứ không phải chỉ một. Khi tinh thần đã tích tụ quá nhiều điều tiêu cực thì tự bản thân chúng ta cũng rất khó để giải tỏa, càng vùng vẫy thì cảm giác như càng tụt xuống những hố sâu thăm thẳm hơn. Do đó bạn hoàn toàn nên tìm đến các chuyên gia để được tư vấn, tránh tối đa các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Nhà trị liệu sẽ là người lắng nghe những lo lắng, những khúc mắc trong lòng để tìm cách giải tỏa những điều tiêu cực cho từng người. Thông qua sự chia sẻ, chuyên gia sẽ chỉ rõ cho từng người thấy, cách suy nghĩ nào không phù hợp và đã ảnh hưởng đến họ như thế nào. Dần dần những suy nghĩ sai lệch này dần được loại bỏ và thay thế bằng những nhận thức tích cực, đúng đắn hơn.
Chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn mỗi người cách giải tỏa căng thẳng, đối diện với lo lắng, tìm ra giá trị của bản thân và phát huy thế mạnh một cách đúng đắn. Khi đã lấy lại được sự tự tin và có suy nghĩ tích cực thì tự khắc những cảm giác vô dụng, vô giá trị này cũng dần lo âu và biến mất.
Nói chung, trong mỗi chúng ta hầu như không thể tránh khỏi việc đã từng có cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân. Tuy nhiên chỉ cần bạn biết nhìn nhận về hướng tích cực thì hoàn toàn có thể vượt qua được cảm giác này. Giá trị của bản thân cần phải do chính bạn khai phá bởi chỉ bạn mới có thể phát huy hết sức mạnh của bản thân chứ không phải là một ai khác. Giữ vững niềm tin vào bản thân và không ngừng cố gắng chắc chắn sẽ đem đến cho bạn rất nhiều thành quả tốt đẹp ở tương lai.
Có thể bạn quan tâm:
- Hay suy nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân là bị gì?
- Thường xuyên cảm giác không muốn làm gì là do đâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!