8 Câu Nói Của Cha Mẹ Vô Tình Làm Tổn Thương Tâm Lý Trẻ
Có rất nhiều câu nói của cha mẹ đã vô tình làm tổn thương tâm lý trẻ nhưng phụ huynh lại không hề hay biết. Trẻ nhỏ dù rất nhanh quên nhưng con cũng cực kỳ nhạy cảm, những gì khiến con bị tổn thương thì có thể nhớ mãi không quên. Phụ huynh cần thực sự thận trọng trong việc sử dụng ngôn từ để tránh gây ra những hiểu lầm hay tổn thương khó có thể hàn gắn trong tâm trí con.
8 Câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ
Người lớn thường hay mặc định rằng trẻ con thì nhanh quên, dù bố mẹ có nói gì đi chăng nữa chỉ một loáng là con chẳng nhớ gì. Thế nhưng thực sự trẻ em vô cùng nhạy cảm, có những câu nói vô thưởng vô phạt của cha mẹ nhưng có thể khiến con cảm thấy ám ảnh, suy nghĩ mãi không thôi. Đặc biệt trong những lúc nóng giận, phụ huynh thường dễ buông những câu từ không phù hợp khiến trẻ cảm thấy tổn thương rất nhiều.
Có những câu nói tưởng chừng bình thường, thậm chí phụ huynh con cho rằng nó mang ý nghĩa vui vẻ hài hước nhưng bản thân con lại không thấy vậy. Hiểu rõ về những câu nói của cha mẹ có thể vô tình làm tổn thương tâm lý trẻ sẽ giúp phụ huynh có cái nhìn tổng quan hơn, sớm thay đổi để có thể giúp con mở lòng, không còn buồn hay lo lắng về những chuyện cũ.
1. “Nhìn con nhà người mà học hỏi!”
“Con nhà người ta” luôn là một nhân vật xuất hiện trong bất cứ câu chuyện nào của phụ huynh. Cho dù con đã làm tốt hay chưa tốt, con được điểm cao nhất lớp thì nhân vật này vẫn sẽ có mặt. “Nhìn cái Linh vừa học giỏi vừa biết giúp đỡ cha mẹ còn con chỉ biết học thôi mà cũng không xong” hay ” cái Linh nó không được điểm cao như con nhưng nó ngoan nên ai cũng quý”.. Hầu hết phụ huynh đều thường có thói quen so sánh con với một người nào đó.
Việc luôn so sánh con với người khác không hề mang ý nghĩa khích lệ con phải cố gắng hơn như người khác như cha mẹ vẫn nghĩ mà chỉ khiến con cảm thấy tự ti về bản thân mình. Cho dù con đã cố gắng hơn ở lần này nhưng mẹ vẫn có thể tìm ra một người khác để so sánh, hạ con xuống. Dần dần con trở nên mất tự tin với chính mình, cho rằng sẽ chẳng bao giờ mình có thể giỏi được như cha mẹ mong muốn nên cũng không muốn cố gắng nữa.
Khi bị tổn thương quá nhiều, một số trẻ sẽ chấp nhận bản thân mình thấp kém, đồng thời có những suy nghĩ ghen ghét với người thường được đưa lên bàn cân cùng mình. Hoặc thậm chí con còn có suy nghĩ phá hoại khiến bạn trở nên yếu kém hơn mình để cha mẹ không còn so sánh, công nhận mình ít nhất một lần.
2. Những câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ – Bố mẹ quên rồi
Đã bao giờ bạn được cha mẹ hứa hẹn điều gì đó, chẳng hạn là đi chơi cuối tuần nếu bài thi được điểm cao nhưng rồi lại chỉ nhận được câu nói “bố bận quá, bố quên mất, để lần khác nhé nhé”. Thậm chí có những lúc bạn vừa chẳng nhận được lời xin lỗi nào từ cha mẹ mà còn bị la mắng ngược lại vì không biết quan tâm đến cha mẹ, chỉ biết nguy nghĩ cho mình. Thật là đáng buồn đúng không nào.
Người lớn luôn có rất nhiều lời hứa với trẻ con nhưng lại chẳng mấy khi thực hiện hết, nếu con có nhắc cũng chỉ trả lời nhẹ tênh rằng “bố mẹ quên rồi”. Một câu nói rất đơn giản của cha mẹ nhưng cũng đủ làm tổn thương tâm lý trẻ. Một lần, hai lần rồi nhiều lần sau đó khiến con chẳng muốn tin vào những lời hứa hẹn của cha mẹ. Những sự cố gắng của con cũng trở nên vô nghĩa, chẳng còn muốn tiếp tục vì chẳng bao giờ có phần thưởng cả.
Phụ huynh sẽ có hàng loạt lý do để biện hộ cho lý do vì sao mà mình quên lời hứa với con. Nhưng điều quan trọng là con cần một lời xin lỗi và bù đắp sau đó. Một đứa trẻ hiểu chuyện đôi khi thứ chúng mong đợi không phải là phần quà mà chỉ đơn giản là sự công nhận của cha mẹ. Việc nhận được phần quà ấy tức là cha mẹ đã công nhận nỗ lực của chúng, vậy mà phụ huynh vốn chẳng bao giờ hiểu.
3. Con mà cũng làm được như vậy á?
” Con cũng có thể được 9 điểm á?”; “Làm sao mà con tự đi học được” hay “con mà động vào là đổ bể ngay”. Đây đều là những câu nói mang tính chất phủ định khả năng của con. Bản thân con luôn mong muốn được cha mẹ tin tưởng, tự hào về mình nhưng khi khoe ra thành quả thì thay vì những lời khen con lại bị ba mẹ “dội nước lạnh” không tin vào khả năng của con. Thậm chí khi con được điểm cao, bố mẹ còn hỏi rằng “liệu con có quay cóp không đấy”.
Những câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ, khiến trẻ ngày càng chẳng muốn thể hiện bản thân hay chứng minh năng lực vì làm thế nào cha mẹ cũng không hài lòng. Chẳng hạn nếu làm bài tốt mẹ lại nói ngay rằng “chắc bài hôm nay dễ phải không” hay khi con khoe được cô giáo khen bố lại hỏi ngay rằng “chắc cô nói cho vui thôi”.
Đừng bao giờ có suy nghĩ đánh giá thấp con, kể cả khi trước đó con không quá xuất sắc. Điều con cần ở cha mẹ chính là luôn động viên, tin tưởng con sẽ làm được. Cha mẹ không tin con khiến bản thân con cũng dần nghi ngờ mình, không còn tự tin vào bản thân và cũng chẳng còn muốn khoe gì với phụ huynh.
Phụ huynh hãy cố gắng kiểm soát những lời nói mang tính bất ngờ, không tin hay hạ thấp mỗi khi con khoe một thành quả hay nói về một dự định nào đó. Chẳng hạn nếu con khoe được 9 điểm cao nhất lớp mẹ có thể nói rằng “mẹ đã tin rằng con trai của mẹ có thể làm được” hay khi bé đề nghị giúp mẹ rửa ly hãy nói rằng “được thôi nhưng con phải cẩn thận hơn nhé, ly rất dễ vỡ”.
4. Trẻ con thì không được cãi, kể cả khi người lớn sai
Câu nói của cha mẹ vừa làm tổn thương tâm lý trẻ, vừa khiến con trở nên rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện tư tưởng, suy nghĩ của mình. Chẳng biết tự bao giờ, vì sao mà phụ huynh luôn có tư tưởng mặc định rằng cha mẹ luôn đúng, người lớn luôn đúng, không cho con lên tiếng phản bác. Kể cả khi con bị oan ức nhưng cha mẹ cũng chỉ nghe người khác nói và mặc định điều đó là đúng, không cho con được giải thích.
Có thể một phần phụ huynh nghĩ rằng việc cãi lại người lớn là hỗn, là không nên, người lớn thì sẽ có cái nhìn chính xác hơn. Nhưng bản thân trẻ cũng đã có nhận thức, có chính kiến, có suy nghĩ của riêng mình. Con cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân để cha mẹ thấy rõ là con giỏi, con thông minh hoặc để bảo vệ chính bản thân mình khi có những điều không đúng.
Việc phụ huynh luôn kiểm soát, áp đặt suy nghĩ lên con, không con phát biểu ý kiến, kể cả khi con đúng sẽ hình thành tâm lý luôn lo sợ mỗi khi con muốn làm điều gì đó. “Liệu mình có được phép làm điều này không, liệu mình có nên lên tiếng không, mẹ sẽ không mắng mình chứ?”. Tất cả những tâm tư này cứ xoay quanh tâm trí mỗi khi con nhìn thấy một sự việc nào đó không phù hợp, nhưng thường kết quả là con sẽ im lặng và không tham gia vì sợ mẹ.
5. “Con đừng có khóc nữa” – Câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý
Khóc hay cười đều là những cảm xúc cơ bản nhất ai cũng có nhu cầu được thể hiện để cảm thấy trong lòng thoải mái hơn. Trẻ em là đối tượng rất dễ bộc lộ cảm xúc bởi suy nghĩ của con còn rất đơn giản, vui thì cười mà buồn thì khóc. Tuy nhiên nhiều phụ huynh lại thường dùng những câu từ, hành động mang tính kiểm soát cảm xúc của con như ” không được khóc, nín ngay”; “con đừng la hét nữa” hay “im lặng đi”.
Những câu nói này thường mang âm vực lớn, ngữ điệu ra lệnh và có thể kèm theo các hành động như chỉ tay vào mặt con hay đánh vào người con. Những câu nói và hành động này được thực hiện với mục đích giảm sự quậy phá hay ồn ào của con, khiến con sợ nhưng nếu tái diễn quá nhiều lần sẽ khiến trẻ không dám thể hiện cảm xúc của mình.
“Nếu bây giờ mình cười mẹ có la mình không”; “Mình muốn khóc quá nhưng mẹ sẽ đánh mình mất”.. Tất cả những suy nghĩ này cứ quanh quẩn trong đầu khiến con dần trở thành một người không dám thể hiện cảm xúc của chính mình. Những điều tiêu cực khi không được được chia sẻ, được giải tỏa sẽ dần tích tụ lại tựa như núi lửa đang chờ ngày phun trào. Không ít trẻ bị trầm cảm, lo âu cũng đều do nguyên nhân này mà ra.
6. Bố mẹ rất xấu hổ vì con!
Như đã nói, ước mơ của con cái chính là làm cha mẹ hãnh diện, được bố mẹ khen ngợi, công nhận. Dù ở độ tuổi nào, còn là trẻ mầm non hay học sinh cấp 3, dù đang học đại học hay đã đi làm, cho dù có bao nhiêu người khen ngợi đi chăng nữa nhưng chỉ cần được cha mẹ khen 1 câu cũng đủ bạn sướng rơn cả người. Thế nhưng chỉ với một lỗi lầm nhỏ, phụ huynh lại có thể nói rằng “bố mẹ rất xấu hổ vì con!”
Một câu nói nhẹ nhàng nhưng lại có sức “sát thương” cực lớn với bất cứ đứa trẻ nào. Nuôi dưỡng con bằng những câu nói mang tính chất sỉ nhục, khích tướng hay chỉ trích có thể giúp đứa trẻ thành công, nỗ lực hơn nhưng chắc chắn đó không phải đứa trẻ hạnh phúc. Câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ và theo con đi đến suốt cuộc đời, luôn cho rằng bản thân kém cỏi nên mới làm cha mẹ phải xấu hổ.
7. Nếu con không…. là bố mẹ không yêu con nữa
Người lớn hay có thói quen trêu đùa, hù dọa con bằng việc nói rằng sẽ không yêu hay không thương con nữa. Chẳng hạn “nếu con không học giỏi là mẹ không yêu đâu”; “nếu con không ngoan ngoãn bố sẽ không thương nữa”.. Mặc dù bản chất của câu nói này vẫn nhằm mục đích khích lệ, cổ vũ con làm một điều gì đó mà cha mẹ mong muốn nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ khiến con dễ bị ám ảnh, sợ hãi nếu con không thực hiện được vế “nếu như”.
Khi cha mẹ nói như vậy con sẽ luôn mặc định rằng mình phải thật hoàn hảo thì cha mẹ mới yêu thương. Chỉ cần mình không làm đúng một điều gì đó là bố mẹ sẽ ghét mình, sẽ không còn quan tâm đến mình. Trẻ trở nên sợ hãi nếu không được nhận tình yêu từ cha mẹ, thậm chí nỗi ám ảnh có thể đi vào trong giấc mơ nếu con vô tình được điểm kém hay làm điều gì đó có lỗi.
Đồng thời trẻ cũng có thể hình thành tư tưởng rằng chỉ khi mình hoàn hảo thì những người xung quanh mới chú ý, mới quan tâm và yêu thương mình. Bản thân con cũng luôn cảm thấy bản thân thấp kém, tự ti, dần khép mình hơn hoặc có tư tưởng chỉ chơi được với những ai giỏi giang.
8. Câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ – Con thật béo/ thật gầy
Ngay cả khi là cha mẹ cũng không nên tự cho phép mình có những lời nói mang tính trêu chọc hay nhỉ nhục về ngoại hình của con. Bản thân con đã vốn bị áp lực, lo lắng bởi cân nặng, đi học thì bị bạn bè trêu chọc, đi ngoài đường thì người lạ chê bai, về đến nhà chính là nơi con cảm thấy yên bình thoải mái nhất nhưng nếu chính cha mẹ cũng nói con như thế thì thực sự là một cú “knock out”, hạ gục tinh thần của trẻ.
Cha mẹ đáng lý phải là một người đóng vai trò bảo vệ, chở che, an ủi khi con bị trêu chọc về ngoại hình chứ không phải là một người tham gia vào việc này. Nhiều phụ huynh có thể cho rằng làm như vậy là thẳng thắn, là đang giúp con nhưng thực chất chính là đang hại con. Lòng tự trọng của trẻ có thể bị tổn thương nghiêm trọng, con chẳng biết đi đâu về đâu vì ngay cả cha mẹ là người con yêu thương nhất cũng nói như thế.
Việc bị cha mẹ chê bai về ngoại hình còn khó chịu hơn bị bạn bè hay người ngoài trêu chọc gấp trăm nghìn lần. Trẻ cảm thấy gục ngã, không còn động lực để cố gắng giảm cân, nhất là khi đã bị ảnh hưởng tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc trước đó. Nếu cha mẹ không sớm nhận ra bất thường và tiếp tục chê bai con thì nguy cơ con gặp các vấn đề tâm lý cũng rất dễ xảy ra.
Trên đây chỉ là những câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ đơn giản và phổ biến nhất. Thực tế phụ huynh còn hàng loạt câu nói,những lời mạt sát, sỉ nhục khiến trẻ bị tổn thương nặng nề. Nhiều người cho rằng đây là cách họ thể hiện tình yêu thương con cái bởi “thương phải cho roi cho vọt”. Bản thân chính phụ huynh cũng không thể nhận ra rằng những điều mình nói sẽ làm tổn thương con nên vẫn tiếp tục và không chịu thay đổi. Kể cả khi trẻ có thể bày tỏ ý kiến nhưng một số phụ huynh cũng không tin và cho rằng con thích làm quá mọi chuyện.
Có rất nhiều câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ, khiến con mang nhiều mặc cảm và ám ảnh không đáng có. Cha mẹ luôn là tấm gương, là thần tượng đầu tiên của con cái nên cần phải học cách kiểm soát ngôn từ, cảm xúc của bản thân khi trò chuyện cùng con. Trẻ con rất nhạy cảm nhưng đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi đúng lúc từ cha mẹ là con sẽ quên hết sạch, vì thế nếu có nói gì lỡ lời ba mẹ cũng đừng quên xin lỗi con thật chân thành nhé!
Có thể bạn quan tâm
- Con cái thù ghét cha mẹ: Nguyên nhân và cách khắc phục
- 11 Lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
- Kiểm soát con cái quá mức: Những sai lầm cha mẹ nên tránh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!