Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm? 10 điều cần biết

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm để giúp con sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này là nỗi trăn trở của bất cứ phụ huynh nào khi có con mắc bệnh. Sự động viên và đồng hành của cha mẹ chính là “liều thuốc” bổ dưỡng nhất giúp bệnh nhân trầm cảm nhanh chóng xốc lại tinh thần và sớm trở về với cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thường ngày.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm
Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm là nỗi lo lắng của bất cứ phụ huynh nào

Dấu hiệu con bị trầm cảm

Thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm hiện nay đang ngày càng tăng cao, có thể gặp ở tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ cho tới người lớn. Trẻ em có thể bị trầm cảm bởi bạo lực học đường, áp lực gia đình… Đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển nhanh hơn, nhiều người quá bận rộn, không có thời gian quan tâm đến con, bởi vậy mà ngày càng nhiều con trẻ mắc căn bệnh này hơn.

Dấu hiệu trầm cảm ở con trẻ có thể khác so với người lớn, việc nhận biết sớm là rất quan trọng để đảm bảo trẻ được hỗ trợ kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu chính bạn nên chú ý:

  • Thay đổi về cảm xúc và tâm trạng: Con có thể tỏ ra buồn bã, khóc nhiều hoặc dễ bị kích động hơn bình thường. Ngoài ra, con dễ nổi giận hơn, mất kiên nhẫn hoặc bùng nổ cơn giận mà không rõ lý do.
  • Thay đổi về hành vi: Con có thể tránh xa bạn bè và các hoạt động mà trước đây chúng yêu thích. Đồng thời mất hứng thú với việc học hoặc khó tập trung.
  • Thay đổi về thể chất: Con có thể khó ngủ, ngủ quá nhiều hoặc thức dậy sớm hơn bình thường. Về ăn uống cũng vậy, con có thể ăn ít hoặc nhiều hơn bình thường, hoặc thay đổi cân nặng đột ngột.
  • Thay đổi về suy nghĩ: Con hay nói về cảm giác vô dụng, tội lỗi hoặc tự trách bản thân. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể có suy nghĩ hoặc lời nói liên quan đến tự tử.
  • Thay đổi về hoạt động: Con thường cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng và không muốn làm bất cứ việc gì. Một số trẻ còn có thể có các hành vi nguy hiểm hoặc tự làm hại bản thân.

Những dấu hiệu trầm cảm ở con trẻ thường kéo dài ít nhất 2 tuần và gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ. Nếu bạn nhận thấy con mình có các dấu hiệu trên, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, đồng thời có thể làm những việc dưới đây.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm?

Trầm cảm ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Khi con bị trầm cảm, cha mẹ không chỉ cần nhận biết các dấu hiệu mà còn phải có những hành động hỗ trợ thiết thực và kịp thời.

Việc đồng hành cùng con trong giai đoạn này không chỉ giúp trẻ vượt qua cảm giác buồn bã, lo âu mà còn xây dựng mối liên kết mạnh mẽ giữa cha mẹ và con cái. Từ việc lắng nghe, tạo không gian an toàn cho con bày tỏ cảm xúc đến tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, mỗi hành động nhỏ đều mang lại tác động lớn trong hành trình giúp con thoát khỏi bóng tối của trầm cảm.

Hướng dẫn chi tiết dưới đây là những việc cha mẹ cần làm khi con bị trầm cảm, để giúp con tìm lại niềm vui và cân bằng cuộc sống.

1. Tìm hiểu kỹ hơn về trầm cảm

Không phải ai cũng thực sự hiểu về trầm cảm bởi nhiều người vẫn chỉ coi đây là một bệnh thông thường, chỉ là buồn quá, một thời gian sẽ hết.Tuy nhiên trầm cảm không phải đơn thuần như vậy bởi nó ảnh hưởng rất nhiều mặt, về cả tâm trí lẫn thể chất của con người. Nếu không tìm hiểu kỹ về trầm cảm thì rất khó có thể giúp đỡ những người đang mắc căn bệnh này vượt ra khỏi bóng tối đang bủa vây lấy họ.

Hiện nay trên báo chí, các trang mạng hay các kênh truyền thông cũng nhắc rất nhiều về căn bệnh này. Bên cạnh đó, nếu được, gia đình cũng nên tìm hiểu đâu là nguyên nhân khiến con bị trầm cảm. Áp lực công việc, áp lực học tập, bị bạo lực hay vấn đề tình cảm? Phụ huynh cũng có thể trao đổi trực tiếp với các bác sĩ điều trị, các chuyên gia tâm lý để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như hiểu được tình trạng của con mình, từ đó mới có thể lên phương pháp chăm sóc và hỗ trợ con tốt nhất.

2. Phải thực sự kiên trì

Cha mẹ luôn dành sự yêu thương và kiên trì với con cái, nhưng sự kiên trì với những người bị trầm cảm còn phải tăng thêm gấp bội phần. Bởi tâm lý của người trầm cảm rất khó đoán, rất khó cải thiện đặc biệt ở trong những giai đoạn đầu. Dù cha mẹ có thể cố gắng làm mọi cách, cố gắng chọc cho con vui cười, cố gắng chăm sóc con nhưng cũng không thể khiến con con cảm thấy vui vẻ hay cười đùa như ngày nào. Điều này khiến rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí còn bị trầm cảm bởi sự trầm buồn của những bệnh nhân này rất dễ lây lan.

Làm gì khi con bị trầm cảm?
Cha mẹ cần thực sự kiên trì bởi sự tiêu cực của con rất dễ khiến phụ huynh nản lòng

Bởi vậy nếu phụ huynh băn khoăn cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm thì cần phải thực sự kiên trì và giữ vững tinh thần. Trong giai đoạn đầu, việc chăm sóc bệnh nhân trầm cảm có thể khó khăn nhưng thực tâm mỗi bệnh nhân đều đang cảm thấy vô cùng cô đơn và lạnh lẽo, chính tình yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ sẽ sưởi ấm cho trái tim của họ và sớm đưa họ trở về với cuộc sống hạnh phúc thường ngày.

3. Đừng nói “đừng buồn nữa” hãy nói “có bố mẹ ở đây rồi”

Một trong những câu nói trở nên vô nghĩa với những người bệnh trầm cảm chính là “cố lên” hay “đừng buồn nữa” bởi bản thân họ đã từng cố gắng rất nhiều để thoát khỏi tình trạng của bản thân nhưng lại không có kết quả. Giống như khi chính ta sa chân vào một hố cát lún, ai cũng cố gắng vùng vẫy nhưng càng cố thì lại càng lún sâu hơn. Chính bởi thế họ đành bỏ mặc hy vọng, cứ mãi dậm chân một chỗ và không muốn cố nữa.

Việc nói “cố lên” hay “đừng buồn nữa” càng khiến họ cảm thấy tổn thương hơn, thậm chí chính họ còn chẳng thể biết điều gì đã khiến họ trở nên buồn phiền đến vậy. Do đó cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm thì tuyệt đối không nên nói những lời như thế này.

Điều mà bệnh nhân trầm cảm cần chính là sự thấu hiểu, cần có một lắng nghe và hiểu rằng họ đã nỗ lực thế nào. Hãy luôn nói với người bệnh biết rằng sẽ luôn có cha mẹ bên cạnh con, cho dù con cảm thấy thế nào. Hãy luôn nói rằng con không cô đơn và con rất quan trọng với bố mẹ. Chính sự chân thành của cha mẹ có thể đánh thức những tia hy vọng nhỏ nhoi đã bị chôn dấu sâu trong đáy lòng có cơ hội được bừng sáng một lần nữa.

4. “Hôm nay con thế nào?”

Việc nói chuyện và kết nối với người bệnh trầm cảm là rất quan trọng để có thể gỡ được các nút thắt trong lòng của họ. Trầm cảm giống như một loại độc tố vậy, các chất độc chính là những câu chuyện, những lời nói khiến họ tổn thương và tích tụ lại trong người. Càng ngày, độc tố càng tăng dần và bộc phát khiến họ cảm thấy sự đau đớn vô hình không thể nào diễn tả được và dùng thuốc cũng không bao giờ hết. Chỉ khi nói được ra thì mới có thể loại bỏ được các độc tố đó.

Cần làm gì khi con bị trầm cảm?
Hãy khơi gợi chuyện với con tự nhiên thay vì cố ép con phải nói chuyện

Tuy nhiên cũng chẳng dễ dàng gì để khiến người bệnh mở lòng, ngay cả với gia đình. Vậy lúc này cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm để có thể kết nối với con?  Thay vì quá o ép con phải nói chuyện, mẹ có thể khơi gợi hỏi rằng “hôm nay con thế nào, con cảm thấy ổn hơn chưa” hay “con có chuyện gì muốn kể cho mẹ không, hãy gọi mẹ bất cứ lúc nào nhé”.

Nếu con chịu nói chuyện, cha mẹ có thể nói rằng “điều này thực sự khó khăn, nhưng đừng lo vì giờ đã có cha mẹ bên con”. Điều này có thể tạo cho người bệnh cảm giác rằng bạn thực sự công nhận giai đoạn khó khăn của họ và không phải do bản thân họ làm quá vấn đề. Khi cả hai đã có sự tin tưởng lẫn nhau và giúp người bệnh sẵn sàng mở lòng chia sẻ hơn.

5. Hãy nói rằng con đã làm tốt

Đừng quá khắt khe với người bị trầm cảm, bắt buộc rằng họ phải làm điều này điều kia bởi có thể khiến bệnh nhân cảm thấy nhụt chí, cho rằng bản thân mình là kẻ thất bại. Không phải ai cũng muốn bản thân thất bại hay nhỏ bé trước mặt cha mẹ. Những người con bị trầm cảm không chỉ là trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn có thể là những người đã đi làm, đã lập gia đình. Bởi thế việc trở về nhà, chấp nhận rằng mình yếu đuối và thất bại thực sự là khó khăn với rất nhiều người.

Việc đặt mục tiêu cải thiện bệnh hằng ngày là rất cần thiết, con người luôn cần có mục tiêu để làm kim chi nam phấn đấu. Tuy nhiên dù có không hoàn thành được, phụ huynh cũng không nên trách móc mà hãy luôn nói rằng hôm nay con đã làm tốt rồi, ngày mai chúng ta cùng cố gắng hơn nhé. Việc nhìn nhận các nỗ lực của bệnh nhân cũng là một cách khích lệ tinh thần của người bệnh trầm cảm.

Dù vậy cha mẹ cũng không nên chỉ nói những nói sáo rỗng khiến bản thân bệnh nhân vốn rất nhạy cảm có thể cho rằng đó là lời nói giả dối, do cha mẹ thương hại mình. Chẳng hạn nếu người bệnh tập yoga nhưng chưa thể thực hiện được các động tác khó, mẹ có thể quan sát và chỉ cho con thấy hôm nay con đã làm tốt ở điểm nào và chưa tốt ở điểm nào. Điều này sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy được sự chân thành và quan tâm thật sự từ cha mẹ và cố gắng phấn đấu hơn.

6. Khuyến khích con ra ngoài nhiều hơn

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm thì hãy khuyến khích con ra ngoài nhiều hơn. Các nghiên cứu đã có thấy ánh sáng đem đến rất nhiều lợi ích cho người bị trầm cảm như nâng cao tâm trạng, tốt cho giấc ngủ và cũng tốt cả cho thể lực. Người bị trầm cảm thường có xu hướng chỉ ở trong nhà, trong phòng và đóng kín rèm cửa, không muốn tiếp xúc với bên ngoài. Tình trạng này sẽ khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Điều cần làm khi con bị trầm cảm
Không khí tự nhiên bên ngoài luôn giúp tinh thần thoải mái hơn rất nhiều

Bởi thế cha mẹ cần khuyến khích con ra ngoài nhiều hơn. Chẳng hạn khuyến khích con cùng ra ngoài tập thể dục, ra ngoài đi mua sắm hay chỉ đơn giản là đi dạo quanh nhà. Không khí tươi mát tự nhiên cùng thiên nhiên tươi đẹp sẽ khiến trái tim như đang được xoa dịu, tinh thần cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy không phải người bệnh nào cũng sẵn sàng bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Cha mẹ có thể kéo con ra khỏi nhà bằng những câu hỏi như “mẹ muốn đi siêu thị, con có thể đi cùng giúp mẹ chọn cam không, mẹ không biết chọn”. Hãy đánh vào một số điểm mạnh của người bệnh để họ cảm nhận rằng mình có ích. Hoặc gia đình cũng có thể nhờ một vài người bạn thân thiết, có tích cách lạc quan, tích cực để rủ người ra ngoài. Có những vấn đề không thể nói với cha mẹ mà chỉ có thể nói cùng bạn bè, điều này cũng sẽ giúp người bệnh cảm thấy giải tỏa tâm lý hơn phần nào.

Gia đình cũng có thể xem xét đưa người bệnh về ở các vùng quê cũng rất tốt cho người bị trầm cảm. Không khí ở quê vừa trong lành, yên tĩnh, quanh cảnh cũng còn rất tự nhiên đặc biệt con người trở nên gần gũi và quan tâm nhau nên phần nào cũng giúp đỡ cho tâm trí của người bệnh rất nhiều. Ở thành phố dù thuận tiện cho việc gặp gỡ bác sĩ hơn nhưng sự nhộn nhịp, đông đúc của phố xá đôi khi có thể khiến người bệnh trở nên lạc lõng hơn.

7. Tránh xa những hành vi tiêu cực

Không ít người bị trầm cảm chính bởi cha mẹ hằng ngày thường xuyên tranh cãi, bạo lực với nhau. Mặt khác trong quá trình chăm sóc con bị trầm cảm cũng khó tránh khỏi việc cha mẹ đôi lúc cảm thấy áp lực, mệt mỏi nhất là khi thấy tinh trạng của con chưa được cải thiện nên có thể to tiếng và tranh cãi với nhau. Tuy nhiên hãy cố gắng tránh việc to tiếng khi có mặt của người bệnh trầm cảm.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm thì chính cha mẹ cần phải thay đổi, luôn lạc quan, tích cực. Dù có những khó chịu hay áp lực hãy hạn chế việc thể hiện điều đó trước mặt con. Đặc biệt việc cả cha mẹ hay những người trong gia đình cãi nhau về người bệnh sẽ khiến bản thân họ cảm thấy rằng mình là gánh nặng của mọi người và trở nên mệt mỏi, tiêu cực hơn nữa.

8. Cùng con tập thể dục

Thay vì bắt ép người bệnh tập thể dục một mình thì cha mẹ nên tham gia cùng con để làm bạn đồng hành. Việc tập luyện thể dục hay làm điều gì đó hai người trở lên sẽ khiến con không quá lạc lõng và cô đơn đồng thời còn giúp gắn kết thêm tình cảm cho các thành viên trong gia đình.

Cần làm gì khi con bị trầm cảm?
Cùng con tập thể dục hay tham gia các hoạt động ngoài trời cũng giúp cải thiện tinh thần tốt hơn

Ngoài ra cha mẹ cũng có thể tổ chức các trò chơi mang tinh thần tập thể hay đồng đội, chẳng hạn như cầu lông, đá bóng, bóng chuyền hay các trò chơi dân gian mà con từng chơi. Các trò chơi đồng đội luôn cực kỳ náo nhiệt, vui vẻ, có thể giúp con nâng cao tinh thần và tích cực hơn.

9. Khơi nguồn hứng khởi từ những trải nghiệm mới

Thay vì cứ mãi loanh quanh bởi các hoạt động trong nhà quen thuộc thì cha mẹ có thể kích thích sự tò mò, hứng khởi con cho bằng những hoạt động mới mà trước đó con chưa bao giờ thử. Chẳng hạn cả nhà cùng nhau đi du lịch, đi leo núi, cùng đi học vẽ hay bất cứ trải nghiệm mới thú vị nào đó.

Những điều mới lạ luôn kích thích sự tò mò của con người và điều này có thể kéo người bệnh ra khỏi những suy nghĩ rối rắm không lối thoát trong tâm trí. Hơn hết những trải nghiệm này lại có thể được thực hiện cùng gia đình, cùng cha mẹ sẽ khiến bất cứ người con nào cũng cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ hơn rất nhiều. Vì vậy nếu còn đang cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm thì hãy cố gắng sắp xếp thời gian để tìm kiếm các hoạt động mới lạ và tham gia cùng con nhé!

10. Nên cùng con khi trị liệu tâm lý

Như đã nói, không phải phụ huynh nào cũng đủ hiểu hết về căn bệnh trầm cảm. Do đó gia đình cũng nên tham gia cùng con trong các buổi trị liệu để hiểu rõ hơn về con, biết những gì mà con đã phải trải qua. Mặt khác không ít người bị trầm cảm bắt nguồn từ chính gia đình, chẳng hạn như cha mẹ luôn cãi nhau, luôn đặt nặng áp lực học tập, công việc trên vai con. Hiểu rõ những điều này cũng giúp cha mẹ có hướng thay đổi và giúp đỡ con phù hợp.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm
Các buổi trị liệu tâm lý gia đình rất tốt cho các thành viên trong nhà

Hầu hết các bác sĩ tâm lý đều yêu cầu người bệnh trầm cảm nên đi cùng người thân để được hỗ trợ. Tùy tình trạng, một số bệnh nhân có thể được chỉ định trị liệu gia đình nếu nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến các yếu tố gia đình. Qua đó những thành viên trong nhà có thể hiểu hơn về nhau, có hướng thay đổi và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mặt khác các bác sĩ tâm lý cũng thường dành thêm thời gian nói chuyện với cha mẹ của bệnh nhân không chỉ để hướng dẫn cách chăm sóc mà còn nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho họ. Bởi sự tiêu cực cũng dễ lây lan, việc chung sống với người trầm cảm cũng không hề đơn giản nên việc nói chuyện cùng bác sĩ tâm lý có thể giải tỏa được tinh thần căng thẳng của quý phụ huynh. Chỉ khi tinh thần cha mẹ cũng thoải mái, lạc quan thì mới có thể giúp đỡ con được.

Trên đây là những việc cha mẹ cần làm khi con bị trầm cảm để giúp con nhanh cải thiện. Việc chăm sóc con khi con bị trầm cảm thực sự là một chặng đường không hề dễ dàng nhưng chính tình thương bao la của cha mẹ là liều thuốc quý giá nhất với những tâm hồn đang mang đầy những tổn thương. Cha mẹ cũng nên trao đổi thêm với bác sĩ tâm lý để có hướng chăm sóc và hỗ trợ con tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *