Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu
Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu là phương pháp luôn được ưu tiên trong hầu hết các trường hợp. Tâm lý trị liệu đã được chứng minh là rất an toàn, phù hợp với nhiều người bệnh. Ngoài giúp cải thiện các triệu chứng lo lắng, mệt mỏi, hồi hộp,… thì còn giúp người bệnh nâng cao các kỹ năng quản lý căng thẳng.
Liệu pháp tâm lý hoạt động dựa trên cơ sở tương tác hai chiều giữa người bệnh và nhà trị liệu. Phương pháp này thiết lập những mối quan hệ cá nhân đặc biệt nhằm hỗ trợ bệnh nhân giải quyết các khúc mắc tâm lý, xoa dịu trải nghiệm đau đớn, phục hồi tổn thương, nuôi dưỡng tư duy tích cực và củng cố chất lượng đời sống tinh thần. Những mục tiêu của liệu pháp tâm lý bao gồm:
- Tăng cường khả năng thấu hiểu bản thân, chấp nhận vấn đề của chính mình và nhận thức tầm quan trọng của công tác điều trị
- Hỗ trợ bệnh nhân tìm kiếm giải pháp, loại bỏ hoặc giảm nhẹ các triệu chứng tâm lý tiêu cực (ám ảnh, sợ hãi, căng thẳng, lo âu…)
- Thay đổi nhận thức, cảm xúc hoặc hành vi sai lầm, lệch lạc, kém thích ứng
- Rèn luyện khả năng ứng phó với các khúc mắc mà bản thân đang gặp phải hay những áp lực, tác động đến từ cuộc sống thường ngày, cải thiện hành vi, nhân cách, đồng thời củng cố giá trị bản thân của người bệnh
- Giáo dục, nâng cao ý thức về sức khỏe tinh thần của bệnh nhân và cộng đồng
Trước đây, phương pháp điều trị này thường được chỉ định cho những người trưởng thành bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…
Tuy nhiên, hiện nay, phạm vi ứng dụng liệu pháp đã mở rộng ra đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên (những người mắc chứng chậm phát triển tâm thần, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý…). Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn góp phần cai nghiện, trị liệu trước khi sinh con – phẫu thuật, điều tra tội phạm, giáo dục giới tính…
Phương pháp này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với một số loại thuốc Tây và liệu pháp điều trị khác để tăng cường hiệu quả chữa bệnh.
9 dạng trị liệu tâm lý điều trị chứng rối loạn lo âu
Phương pháp trị liệu tâm lý giúp người bệnh nắm vững nguồn cơn cảm xúc cá nhân, những tác nhân kích thích họ lo lắng cũng như cách thức đối phó với chúng. Thậm chí, một số liệu pháp còn hướng dẫn kỹ thuật thực tế để thay đổi suy nghĩ tiêu cực và điều chỉnh hành vi của bệnh nhân.
Mỗi loại rối loạn lo âu có những đặc trưng riêng biệt. Do đó, các liệu pháp tâm lý cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tiến hành phù hợp với kết quả chẩn đoán cùng những triệu chứng lâm sàng cụ thể, dưới dạng trị liệu cá nhân, nhóm, cặp đôi và gia đình.Tương tự, thời gian điều trị và tần suất trị liệu cũng phụ thuộc vào hai yếu tố trên. Dưới đây là 9 dạng trị liệu tâm lý phổ biến nhất trong quá trình chữa chứng rối loạn lo âu.
1. Liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là giải pháp điều trị rối loạn lo âu được ứng dụng rộng rãi nhất. Kỹ thuật trị liệu này đồng thời cũng mang đến kết quả khả quan trong việc kiểm soát và đẩy lùi chứng trầm cảm theo mùa, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ…
Là kỹ thuật trị liệu ngắn hạn với định hướng cụ thể, liệu pháp nhận thức – hành vi có giải thích cặn kẽ về những kích thích mơ hồ khiến người bệnh cảm thấy áp lực, xóa bỏ thành kiến cố hữu về tình trạng lo âu, thay thế các hành vi né tránh bằng cách ứng phó phù hợp, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng trong nhận thức và cảm giác an toàn, yên ổn cho tâm trí.
Tiền đề của liệu pháp nhận thức – hành vi là suy nghĩ của chính bệnh nhân (không phải tình trạng hiện tại của họ) tác động mạnh mẽ đến cách thức họ cảm nhận và hành động. Vì vậy, mục tiêu của kỹ thuật này là xác định cụ thể và thấu hiểu chính xác những suy nghĩ tiêu cực cùng hành vi lệch lạc, từ đó cố gắng thay thế chúng bằng những suy nghĩ thực tế và hành vi đúng đắn hơn.
Trong quá trình điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu hành vi – nhận thức, nhà trị liệu sẽ đóng vai trò như một người dẫn đường. Thông thường, chúng ta cho rằng một vấn đề, sự việc nào đó là đúng – sai, trắng – đen tách bạch, rõ ràng. Nhưng trên thực tế, đôi khi chúng lại mang gam màu xám trung tính và nằm giữa lằn ranh mong manh của trắng – đen, đúng – sai. Các chuyên gia sẽ giúp bạn nhận ra điều này.
Bệnh nhân cần kiên trì áp dụng các chiến lược tâm lý do nhà trị liệu hướng dẫn. Bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng và bất an, bạn hãy tìm cách áp dụng những kỹ năng đối phó đã học từ liệu pháp nhận thức – hành vi nhằm kiểm soát tình trạng căng thẳng, lo lắng của mình.
Liệu pháp nhận thức hành vi là một thuật ngữ mang nét nghĩa rất rộng, bao gồm nhiều yếu tố điều trị khác nhau. Trong đó, đa số chương trình trị liệu nhận thức – hành vi đều có chung năm yếu tố chính sau:
- Quản lý kích thích: Kỹ thuật này hướng tới mục tiêu giảm thiểu triệu chứng rối loạn lo âu về thể chất thông qua các động tác thư giãn và thói quen tập thể dục với những bài tập hít thở, căng cơ.
- Tiếp xúc phân loại: Người bệnh được tạo điều kiện thuận lợi để từ từ đối diện với nguồn cơn của triệu chứng rối loạn lo âu, từ đó học cách suy nghĩ khác đi về những tình huống tương tự với trải nghiệm trong quá khứ.
- Ức chế phản ứng an toàn: Bệnh nhân có thể hạn chế các hành vi thể hiện sự lo lắng, sợ hãi (chẳng hạn hành động trốn tránh hay mong muốn được trấn an). Do đó, họ sẽ không còn vô thức củng cố, nuôi dưỡng niềm tin tiêu cực trước đây, đồng thời chủ động phá vỡ chu kỳ lo lắng.
- Đầu hàng tín hiệu an toàn: Người bệnh tránh xa hoặc loại bỏ những tín hiệu an toàn (ví dụ điện thoại di động, hiểu biết về vị trí nhà vệ sinh gần nhất, sự hiện diện/đồng hành của những người bạn thân…) nhằm trau dồi khả năng thích nghi và đối phó với những tình huống khó khăn, vướng mắc.
- Chiến lược nhận thức: Bệnh nhân thực hành tái cấu trúc nhận thức (thay đổi mô hình tư duy hiện tại), từ đó điều chỉnh nhận thức phóng đại của bản thân về sự nguy hiểm.
Bên cạnh các buổi trị liệu tâm lý trực tiếp với chuyên gia, người bệnh có thể tham gia những chương trình điều trị tâm lý trị liệu nhận thức – hành vi trực tuyến với sự hỗ trợ của máy tính (eCBT). Hiện nay, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần mới mẻ này có thể được tiếp cận dễ dàng. Theo một số thống kê lâm sàng, eCBT sẽ mang đến hiệu quả tương đương với kỹ thuật trị liệu nhận thức – hành vi trực tiếp.
2. Liệu pháp “tự phơi nhiễm”
Liệu pháp “tự phơi nhiễm” (Exposure Therapy – EP) là một trong những kỹ thuật nhận thức – hành vi được áp dụng chủ yếu trong quá trình chữa khỏi chứng rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, trầm cảm theo mùa. Liệu pháp này hoạt động dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ hãi của chính mình.
Xuyên suốt liệu trình điều trị, nhà trị liệu sẽ từ từ chỉ ra cho bệnh nhân những tình huống khiến họ lo lắng nhờ vào phương pháp giải mẫn cảm hệ thống (Systematic Desensitization). Phương pháp này bao gồm:
- Thư giãn: Chuyên gia hướng dẫn người bệnh các kỹ năng thư giãn để đối phó với triệu chứng lo lắng, căng thẳng, bất an (chẳng hạn chỉ dẫn hình tượng, thiền định, hít thở sâu…)
- Liệt kê: Tạo nên danh sách những tác nhân gây kích thích, dẫn đến tình trạng lo âu hiện tại của người bệnh, đồng thời sắp xếp chúng theo từng mức độ cụ thể
- Tiếp xúc: Bệnh nhân tìm cách vượt qua những yếu tố gây lo lắng trong danh sách đã liệt kê và có thể kết hợp thư giãn nếu cần thiết
Ba cách phổ biến giúp người bệnh tiếp xúc với các tác nhân kích thích trạng thái lo lắng là:
- Tiếp xúc tưởng tượng: Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bạn tưởng tượng tác nhân gây lo lắng một cách sinh động.
- Tiếp xúc “in vivo” (nghĩa là tiếp xúc từ tận sâu bên trong): Bệnh nhân đối mặt với những tình huống hay đối tượng gây lo lắng trong cuộc sống hiện thực.
- Tiếp xúc thực tế ảo: Nếu hình thức tiếp xúc “in vivo” không phù hợp, người bệnh sẽ được chỉ định tiếp xúc với các hình ảnh tương ứng thông qua công nghệ thực tế ảo. Thủ thuật này đặc biệt hiệu quả đối với binh lính hoặc các bệnh nhân rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
3. Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, chánh niệm có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần bằng cách điều hòa cảm xúc, hạn chế lo âu, căng thẳng, giảm thiểu xu hướng nghiền ngẫm (rumination – suy nghĩ liên tục về một vấn đề không hồi kết – đây là một trong những điểm chung điển hình của chứng rối loạn lo âu cùng căn bệnh trầm cảm) và ngăn ngừa trầm cảm tái phát. Một số bằng chứng ban đầu cho thấy, chánh niệm còn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và các chất kích thích.
Tiến sĩ Patricia Rockman (người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chánh niệm tại thành phố Toronto, Canada) nhận định, khi chúng ta đau khổ, suy nghĩ tiêu cực về bản thân hay nhìn nhận cuộc sống một cách cứng nhắc, phương pháp chánh niệm sẽ giúp họ tiếp cận một góc nhìn độc đáo, khác biệt, mở ra nhiều hướng tư duy mới mẻ, đồng thời tăng cường khả năng chịu đựng đau khổ và chữa lành tâm hồn.
Là sự kết hợp hài hòa giữa chánh niệm với một phần liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (Mindfulness Based Cognitive Therapy – MBCT) có thể can thiệp tinh thần bệnh nhân thông qua nền tảng chánh niệm. Kỹ thuật điều trị này đang được ứng dụng phổ biến trong nhiều ca lâm sàng những năm gần đây.
Trong công tác điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu, liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm dẫn dắt bệnh nhân đạt đến trạng thái nhận thức khách quan, không phán xét về bất cứ trải nghiệm cá nhân nào trong khoảnh khắc hiện tại (bao gồm suy nghĩ, cảm giác, ý thức, trạng thái cơ thể và môi trường xung quanh), từ đó khuyến khích tư duy tò mò, cởi mở và tinh thần chấp nhận.
Hiện nay, liệu pháp đã được Viện Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe (National Institute for Health and Care Excellence – NICE) của Anh Quốc công nhận khả năng hỗ trợ những bệnh nhân đang bị trầm cảm tái phát. Thêm vào đó, NICE cũng khuyến nghị người bệnh áp dụng kỹ thuật này để kiểm soát các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội.
Ngoài liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness Based Stress Reduction – MBSR). Hình thức này bao gồm yoga, thiền định và “quét cơ thể” (trong đó sự tập trung lần lượt được hướng vào từng bộ phận khác nhau của cơ thể).
Các phân tích tổng hợp đã chứng minh rằng, liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm có thể mang đến hiệu quả tương đương liệu pháp nhận thức – hành vi trong việc giảm thiểu các triệu chứng rối loạn lo âu.
4. Liệu pháp hành vi biện chứng
Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy – DBT) là tập hợp các kỹ năng giúp người bệnh giải quyết những tình huống thử thách, khó khăn. Ban đầu, liệu pháp này phát triển như một hình thức trị liệu nhận thức – hành vi thay thế trong công tác cải thiện chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, sau đó, kỹ thuật này trở thành giải pháp được ưu tiên lựa chọn cho nhiều căn bệnh tâm thần khác.
Liệu pháp hành vi biện chứng có thể mang đến kết quả cao trong việc điều trị chứng ăn uống quá độ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý và lạm dụng chất gây nghiện. Hình thức trị liệu này có thể xác định và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, ngăn cản hành động tự hủy hoại bản thân, đồng thời hướng đến những thay đổi tích cực về mặt tư duy và nhận thức. Bên cạnh cách nhìn lạc quan, mới mẻ về chính mình và cuộc sống, liệu pháp còn giúp bệnh nhân thấu hiểu cũng như chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn.
Nhìn chung, liệu pháp hành vi biện chứng giúp người bệnh thay đổi cách nhìn (biện chứng) và chấp nhận cuộc sống như nó vốn là. Trong quá trình điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu này, bạn sẽ học được cách bao dung với nỗi lo lắng, bất an của bản thân, đồng thời tích cực điều chỉnh và triệt tiêu chúng. Phương châm trị liệu hành vi biện chứng tương tự khái niệm trân trọng, yêu thương bản thân, trong khi chúng ta vẫn cố gắng hoàn thiện chính mình.
Bốn thành phần cơ bản của liệu pháp hành vi biện chứng bao gồm:
- Chánh niệm (tuệ tri, nắm vững những sự việc đang diễn ra trong thực tế)
- Điều hòa cảm xúc (kiểm soát và đối phó với cảm xúc cá nhân)
- Giao tiếp đa cá nhân (học cách yêu cầu – từ chối và dung hòa nhu cầu của bản thân với người khác)
- Chịu đựng đau khổ (bình tĩnh lùi lại trước khi hành động nông nổi, bốc đồng dưới tác động của tình trạng căng thẳng, đẩy lùi cảm giác căng thẳng khi đối mặt với tình huống khó khăn)
Thông thường, liệu pháp hành vi biện chứng yêu cầu bệnh nhân tham gia nhiều buổi điều trị hàng tuần và gặp gỡ bạn bè tại nhà để cùng thực hành những điều đã học. Đối với hình thức trị liệu cá nhân, chuyên gia tâm lý sẽ tập trung chủ yếu vào chất lượng cuộc sống, kỹ năng xã hội cơ bản, khả năng ứng phó với vấn đề căng thẳng, hành vi cản trở liệu trình điều trị và hành động tự gây thương tích hoặc tự tử của bệnh nhân.
Mục tiêu cuối cùng của kỹ thuật này là thay vì điều trị triệu chứng đơn thuần, nhà trị liệu sẽ cùng người bệnh xây dựng nên một cuộc đời đáng sống. Khi áp dụng liệu pháp hành vi biện chứng, mỗi nhà trị liệu cố gắng hỗ trợ người bệnh cảm thấy được yêu thương, trân trọng, đồng cảm, nhờ đó họ có thể thoải mái mở lòng và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tiến tới xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho một tương lai tươi sáng, tốt đẹp.
5. Liệu pháp chấp nhận và cam kết
Là kỹ thuật trị liệu tâm lý mới với cơ sở khoa học vững chắc, liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and Commitment Therapy – ACT) thuộc “làn sóng thứ ba” trong công tác trị liệu nhận thức – hành vi. Kỹ thuật này dựa trên nền tảng Lý thuyết Khung Quan hệ (Relational Frame Theory (RFT) – một chương trình nghiên cứu quy mô và bài bản về cách thức tâm trí con người vận hành).
Theo nghiên cứu này, nhiều công cụ được chúng ta sử dụng để giải quyết vấn đề thường khiến bản thân sa đà vào cái bẫy của sự khổ đau. Trên thực tế, loài người đang tham gia vào một trò chơi kịch tính mà trong đó tâm trí của mỗi cá nhân (một công cụ có khả năng làm chủ môi trường tuyệt vời) có thể chống đối chính họ.
Kỹ thuật này đã được chứng minh là mang đến kết quả tích cực trong quá trình chữa trị nhiều dạng rối loạn lo âu. Liệu pháp chấp nhận và cam kết giúp bệnh nhân xác định giá trị bản thân trong cuộc sống, đồng thời hành động theo cách phù hợp và xứng đáng với giá trị của chính mình thông qua hai giai đoạn:
- Chấp nhận cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực thay vì đấu tranh với chúng: Người bệnh được hướng dẫn tập trung vào thực tại, tạo nên khoảng cách nhất định về mặt tinh thần với những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, quan sát và để chúng tự do tồn tại, không cố gắng xác định hay phán đoán về chúng.
- Cam kết hành động theo những giá trị cốt lõi cá nhân: Bệnh nhân tìm thấy giá trị cốt lõi của bản thân, căn cứ vào các giá trị này để xác định hành vi tác động tiêu cực đến bản thân, đồng thời cam kết thực hiện những hành vi phù hợp và nhất quán với giá trị của chính mình.
6. Liệu pháp nghệ thuật
Trong quá trình điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu, trị liệu nghệ thuật (Art Therapy – AT) hướng vào trải nghiệm thị giác thực tế (hội họa, điêu khắc, làm gốm…) và gần như không sử dụng ngôn từ, lời nói. Kỹ thuật này có thể biểu hiện, xử lý cảm xúc và hỗ trợ thực hành thư giãn, chánh niệm.
Tuy đây là cách thức hồi phục tinh thần độc đáo nhưng liệu pháp nghệ thuật thường không được ứng dụng đơn độc mà kết hợp với các phương pháp điều trị khác và cần được nghiên cứu chuyên sâu về hiệu quả cải thiện triệu chứng căng thẳng, lo âu.
7. Liệu pháp phân tâm học
Dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Sigmund Freud, đây là một trong những kỹ thuật trị liệu nổi tiếng nhất với mục tiêu giúp đỡ bệnh nhân thấu hiểu những điều đang diễn ra trong tầng vô thức. Tại sao chúng ta lại biểu hiện những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi trong hiện tại? Đó chính là những vấn đề mà liệu pháp này sẽ gỡ rối cùng bạn.
Theo Freud, vô thức là nơi chứa đựng mọi xu hướng, ký ức, ham muốn phía dưới bề mặt nhận thức hay suy nghĩ có ý thức. Những ảnh hưởng sâu sắc của tầng vô thức có thể dẫn đến nhiều trải nghiệm khổ đau và các dạng rối loạn tâm lý.
Chuyên gia cho biết, liệu pháp phân tâm học nghiên cứu cách thức tâm trí vô thức tác động đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Bằng cách xem xét những trải nghiệm thời thơ ấu của bệnh nhân, phân tâm học có thể khám phá những sự kiện định hình đặc trưng nhân cách cá nhân, sau đó tìm cách điều chỉnh hành vi hiện tại.
Không chỉ dừng lại ở đó, kỹ thuật này còn hướng dẫn người bệnh đối phó với những rủi ro có thể xảy ra. Thay vì cố tình né tránh hoặc giải quyết không lành mạnh, bạn có thể nhận thức và định danh cảm xúc, từ đó xử lý phù hợp, hiệu quả hơn.
Liệu pháp phân tâm học có thể điều trị: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, rối loạn cảm xúc…
8. Liệu pháp tương tác cá nhân
Kỹ thuật tương tác cá nhân (Interpersonal Therapy – IPT) tập trung vào vai trò của các mối quan hệ xã hội. Khi điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa gợi mở mọi vấn đề mà các cá nhân đang gặp phải, chẳng hạn mâu thuẫn trong gia đình, xung đột với bạn bè, thay đổi công việc… Từ đó, bạn có thể học được cách kiểm soát cảm xúc và cải thiện chất lượng các mối quan hệ.
9. Liệu pháp giải quyết vấn đề
Liệu pháp giải quyết vấn đề (Problems Solving Therapy – PST) giúp người bệnh trau dồi kỹ năng giải quyết nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến các triệu chứng thể chất và tâm lý, từ đó ổn định tâm trạng và quản lý tốt hơn những sự kiện căng thẳng diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây, vai trò của bác sĩ lâm sàng là định hướng và trao quyền cho bệnh nhân tự giải quyết khó khăn của bản thân thay vì tư vấn giải pháp khả thi cho họ.
Các sự kiện tiêu cực dẫn đến căng thẳng bao gồm: mất việc, ly hôn, người thân lìa đời, mắc bệnh nan y… Những khó khăn cũng có thể tích lũy dần dần theo thời gian như: khó khăn tài chính, bất hòa với đồng nghiệp, tranh cãi với người thân… Chúng khiến vấn đề tâm lý hoặc bệnh lý thể chất nền của bệnh nhân nặng thêm đáng kể.
Liệu pháp giải quyết vấn đề có khả năng điều trị hiệu quả chứng: rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu lan tỏa, trục trặc trong các mối quan hệ, trầm cảm nặng, khó cân bằng cảm xúc…
Nhìn chung, điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu là giải pháp phổ biến, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, đây vốn là hành trình chữa lành tinh thần riêng biệt của mỗi bệnh nhân. Thời gian điều trị và kết quả đạt được phụ thuộc rất lớn vào loại liệu pháp được áp dụng, tinh thần hợp tác, phối hợp với bác sĩ chuyên khoa và mức độ triệu chứng lo âu của mỗi người bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Biến chứng của rối loạn lo âu đến sức khỏe người bệnh
- Rối loạn hoang tưởng: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (hội chứng ái kỷ) là gì?
- 12 cách giúp bạn vượt qua chứng rối loạn lo âu tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!