Erotomania là gì? Hội chứng ảo tưởng người khác yêu mình

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania) đặc trưng bởi sự ngộ nhận của một người rằng, những người xung quanh đang để ý và si mê mình. 

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là gì
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là tình trạng người bệnh luôn ngộ nhận người khác thích mình

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania) là gì?

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania) là một rối loạn tâm thần hiếm gặp, trong đó một người tin rằng ai đó, thường là một người nổi tiếng hoặc có địa vị cao hơn đang thích họ, yêu họ, dù thực tế không phải như vậy. Đây là một dạng ảo tưởng tình yêu, ảo tưởng người khác thích mình.

Bác sĩ tâm thần người Pháp Gaëtan Gatian de Clérambault lần đầu tiên dùng thuật ngữ này vào năm 1921, và nó được sử dụng đến ngày nay. Cũng có nhiều người gọi đây là hội chứng De Clérambault.

Đặc trưng của Erotomania là người bệnh cho rằng những người xung quanh đang yêu họ say đắm. Đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng, nổi tiếng, giàu có, xinh đẹp hoặc có địa vị cao.

Sự lầm tưởng này bắt nguồn từ ảo giác của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, đối tượng mà người bệnh ảo tưởng không có thật, hoặc đối phương còn không biết họ là ai.

Người bệnh tin ràng người khác sẽ yêu họ từ cái nhìn đầu tiên. Họ ảo tưởng đến mức tự hợp lý hóa chuyện đối phương không dám thừa nhận tình cảm.

Xem thêm: Hội chứng ám ảnh tình yêu (Adele): Biểu hiện & Hướng điều trị

Biểu hiện của hội chứng Erotomania

Những người mắc phải chứng Erotomania có niềm tin mãnh liệt về một người hoàn mỹ nào đó đang yêu thương mình hết mực. Mặc dù điều đó hoàn toàn không có thực.

Một số biểu hiện thường gặp ở người mắc chứng Erotomania bao gồm:

  • Liên tục gửi mail, gửi thư, nhắn tin, tặng quà cho “người yêu”
  • Cố gắng thông báo với mọi người xung quanh về mối quan hệ của cả hai (thực chất là từ một phía).
  • Ngụy tạo, đưa ra những tình huống, sự kiện phức tạp sai lệch về đối phương
  • Luôn nghĩ rằng người kia đang quan sát, chú ý, bí mật trao đổi qua ánh mắt, cử chỉ
  • Có nhưng hành vi quá đáng như một kẻ bám đuôi, biến thái
  • Ghen tuông mù quáng, ảo tưởng đối phương không chung thủy với mình.
  • Xuất hiện các hành vi gây rối nơi công cộng
  • Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
  • Phấn khích, mất kiểm soát khi nghĩ về người yêu trong trí tưởng tượng
  • Tích cực tham gia vào nhiều hoạt động có liên quan đến người ấy.
Hội chứng Erotomania là gì?
Người bệnh Erotomania luôn cho rằng người khác đang say đắm mình

Hội chứng ảo tưởng người khác yêu mình có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có thể duy trì lâu dài nếu không được hỗ trọ.

Những ví dụ về chứng hoang tưởng người khác yêu mình

Bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh này là một người phụ nữ. Cô ta luôn cho rằng có một người đàn ông đang cố gắng theo đuổi mình.

Tình trạng bệnh kéo dài liên tiếp trong khoảng 8 năm cho đến khi được phát hiện. Người bệnh sau đó được điều trị thành công bởi các bác sĩ tâm thần.

Khoảng những năm 1995, Robert Hoskins bắt đầu theo đuổi cô ca sĩ nổi tiếng Madonna. Anh cho rằng cô cũng yêu mình, và định sẵn là người phụ nữ của mình.

Anh ta nhiều lần trèo tường vào nhà Madona, và có lần đe dọa đến sự an toàn của cô. Hoskins nhanh chóng bị bắt, xét xử và tống giam với mức án 10 năm.

Vào năm 2016, một người phụ nữ tầm 50 tuổi đã kết hôn cũng được chẩn đoán mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Bà được đưa đến phòng khám tâm thần để điều trị.

Người phụ nữ tin rằng ông chủ đang yêu mình say đắm, và cố gắng theo đuổi bà. Hơn thế, bà còn cho rằng chính chồng bà đã ngăn cảm tình cảm đó.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Erotomania

Đã có rất nhiều các giả thuyết được đặt ra để giải thích cho tình trạng này. Trong đó, thiếu thốn tình cảm trong thời thơ ấu là một trong các giải thích thuyết phục và được nhiều người đồng tình nhất.

Tổn thương tâm lý do gia đình không toàn vẹn, không hạnh phúc ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về mặt tâm thần, tâm lý của người bệnh. Họ sẽ khao khát tình cảm một cách mù quáng.

Ngoài ra, hội chứng này còn bị kích phát trong những tình huống:

  • Ảnh hưởng của rối loạn lưỡng cực, hoặc tâm thần phân liệt
  • Do tính chất di truyền. Gia đình có tiền sử Erotomania thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao
  • Cơ chế tự vệ để đối phó với nỗi đau và sự cô đơn
  • Ảnh hưởng sau những cú sốc tâm lý
  • Ám ảnh do tình yêu không được đáp trả
  • Do sự bất thường ở não (thể tích não thất to, thùy thái dương phát triển không đối xứng)
Hội chứng ảo tưởng người khác thích mình (Erotomania) là gì?
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình xuất phát từ những sự thiếu thốn tình cảm ở thời thơ ấu

Trên thực tế, tỉ lệ người mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với số liệu thống kê. Có rất nhiều các trường hợp bị bệnh nhưng cố gắng tránh né sự hỗ trợ của y khoa.

Các biến chứng của Erotomania

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình có thể khiến người bệnh có hành vi hung hăng, gây nguy hiểm cho chính mình và người xung quanh.

Trong một số trường hợp, những hành động quá khích của người bệnh có thể bị bắt vì tội quấy rối, rình rập, xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

Nguy hiểm hơn, tình trạng Erotomania còn có thể khiến cho người bệnh phát cuồng. Họ sẵn sàng thực hiện hành vi giết chết người họ yêu và tự sát.

Hội chứng này có liên quan đến rối loạn lưỡng cực, và những vấn đề sức khỏe tâm thần như:

Phương pháp điều trị hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania)

Mục đích chính của việc điều trị hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là giải quyết triệt để các vấn đề loạn thần hoặc ảo tưởng.

Người bệnh thường sẽ được tiến hành điều trị bằng cách kết hợp đồng thời cả hai phương pháp. Đó là điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.

1. Điều trị tâm lý

Điều trị tâm lý là điều cần thiết nhằm kéo bệnh nhân khỏi ảo tưởng, thay đổi nhận thức và hành vi. Gia đình nên đưa người bệnh đến bệnh việc, hoặc trung tâm tư vấn tâm lý uy tín.

Bác sĩ và các chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn và tiến hành chẩn đoán trước khi điều trị. Thông qua những cuộc trò chuyện 1:1, chuyên gia sẽ giúp người bệnh:

làm sao để hết ảo tưởng người khác thích mình
Người bệnh nên tìm đến những chuyên gia tâm lý uy tín để hạn chế ảnh hưởng của hội chứng này
  • Thoát khỏi ảo tưởng về tinh yêu không có thật
  • Vượt qua nỗi đau trong quá khứ
  • Nhận thức hành vi sai trái của bản thân
  • Giảm thiểu các hành vi quá khích
  • Cải thiện suy nghĩ, hành vi theo hướng tích cực

Quá trình điều trị tâm lý cần thời gian dài, và sự cố gắng của cả bệnh nhân và chuyên gia điều trị.

2. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc giúp hạn chế những biểu hiện ảo tưởng và quá khích. Một số loại thuốc chống loạn thần cổ điển, ví dụ như pimozide, sẽ được sử dụng nhiều trong quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, các loại thuốc chống loạn thần không điển hình như olanzapine, risperidone và clozapine cũng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Trong các trường hợp bệnh khởi phát từ các tình trạng tiềm ẩn như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, bác sẽ tiến hành áp dụng điều trị từng dạng bệnh khác nhau.

Trong đó, tình trạng rối loạn lưỡng cực sẽ được áp dụng điều trị bằng một số chất giúp ổn định tâm trạng như axit valproic (Depakene) hoặc lithium (Litva).

Làm sao để hết ảo tưởng người khác thích mình? Mẹo hỗ trợ

Để thoát khỏi ảo tưởng rằng người khác thích mình, đặc biệt khi điều đó không có cơ sở thực tế, cần một quá trình tự nhận thức và điều chỉnh tâm lý. Dưới đây là một số phương pháp và lời khuyên có thể giúp bạn:

1. Tự nhận diện vấn đề

Hiểu bản thân, nhận ra rằng cảm xúc và suy nghĩ của bạn có thể không phản ánh thực tế. Điều quan trọng là phải tự hỏi: “Liệu có bằng chứng thực sự chứng minh rằng người đó thích mình?”

Nếu người kia không cho thấy sự quan tâm trực tiếp hoặc biểu lộ tình cảm rõ ràng, hãy cố gắng chấp nhận thực tế rằng tình cảm chỉ đến từ phía bạn.

Làm sao để hết ảo tưởng người khác thích mình?
Làm sao để hết ảo tưởng người khác thích mình?

2. Hiểu rõ về ảo tưởng

Ảo tưởng rằng người khác thích mình có thể xuất phát từ những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng hoặc cảm giác thiếu tự tin trong mối quan hệ. Hiểu rõ điều này có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác ảo tưởng.

Nhận ra sự phóng đại, nhiều khi chúng ta dễ phóng đại những cử chỉ hoặc tín hiệu nhỏ từ người khác thành sự quan tâm đặc biệt, trong khi chúng chỉ mang tính xã giao.

3. Trò chuyện với người thân hoặc bạn bè

Xin ý kiến khách quan từ bạn bè hoặc người thân về mối quan hệ của bạn với người kia. Họ có thể cung cấp cái nhìn khách quan, giúp bạn nhận ra tình cảm có thực hay không.

Đôi khi, chỉ cần chia sẻ với người thân thiết về cảm xúc của bạn đã có thể giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề một cách sáng suốt hơn.

4. Tập trung vào bản thân

Cảm giác ảo tưởng về tình yêu có thể đến từ việc thiếu tự tin. Hãy tập trung vào việc xây dựng sự tự tin, phát triển các mối quan hệ lành mạnh và độc lập hơn về mặt cảm xúc.

Hãy dành thời gian cho sở thích, công việc, hoặc các mối quan hệ lành mạnh khác để không phụ thuộc vào cảm xúc đối với một người cụ thể.

5. Tránh tiếp xúc quá mức với đối tượng ảo tưởng

Nếu bạn nhận ra mình đang bị lôi cuốn quá mức vào ảo tưởng về một người, hãy cố gắng giảm thiểu tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ qua mạng xã hội) với họ để tránh tiếp tục duy trì ảo tưởng.

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Nếu cảm giác ảo tưởng kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý. Tư vấn tâm lý hoặc liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp bạn điều chỉnh suy nghĩ và hành vi, từ đó thoát khỏi ảo tưởng.

Sử dụng thuốc (nếu cần). Trong một số trường hợp ảo tưởng nghiêm trọng liên quan đến rối loạn tâm thần, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc điều trị như thuốc chống loạn thần để giảm thiểu các triệu chứng.

7. Chấp nhận thực tế

Tập trung vào sự thật và học cách chấp nhận rằng tình cảm đơn phương hoặc không có thật là một phần của cuộc sống, và điều đó không làm giảm giá trị của bạn.

Tập nhìn nhận mọi mối quan hệ theo cách thực tế hơn, thay vì hy vọng vào những tín hiệu mà bạn muốn thấy.

Việc thoát khỏi ảo tưởng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Quan trọng là luôn lắng nghe bản thân và không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh hoặc các chuyên gia nếu cần.

Bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc biết thêm về những thông tin bổ ích của hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Ngay khi nhận thấy ai đó có dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *