Mặc cảm về ngoại hình (Sợ xấu): Đừng để tự ti ngăn bạn toả sáng
Mặc cảm về ngoại hình (Hội chứng sợ xấu) là một dạng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 1.7 – 2.4% dân số thế giới. Người mắc chứng hội chứng này bị ám ảnh quá mức về các khuyết điểm trên khuôn mặt và cơ thể dẫn đến cảm giác đau khổ, lo âu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Hội chứng sợ xấu là gì?
Hội chứng sợ xấu còn được biết đến với tên gọi rối loạn khiếm khuyết cơ thể hay mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder – BDD). Hội chứng này là dạng rối loạn tâm thần mà người mắc bệnh luôn chú ý quá mức đến những khuyết điểm trên cơ thể, mặc dù chỉ là những dấu vết nhỏ như sẹo, da không đều màu, vết bớt.
Tình trạng chú ý quá mức đến những khuyết điểm trên gương mặt và ngoại hình luôn khiến người bệnh rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và đôi khi sợ hãi vì lo lắng người khác sẽ coi thường và cười chê bản thân. Không chỉ vậy, người mắc hội chứng này luôn cố gắng tìm ra điểm chưa hoàn thiện ở ngoại hình và luôn nỗ lực để cải thiện.
Điểm chung ở những người mắc hội chứng sợ xấu là dành nhiều thời gian để chăm chút cho ngoại hình (thay đổi kiểu tóc thường xuyên, chăm sóc da, tập luyện để cải thiện vóc dáng, thử nhiều bộ quần áo trước khi ra đường, trang điểm kỹ,…).
Ngoài ra, không ít người mắc hội chứng này phẫu thuật thẩm mỹ để sở hữu khuôn mặt và hình thể mơ ước. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, người bệnh lại tìm thấy những khuyết điểm và nỗ lực để sửa chữa.
Theo thống kê, khoảng 1.7 – 2.4% dân số thế giới có biểu hiện mặc cảm về ngoại hình. Tỷ lệ không chênh lệch quá nhiều giữa nam và nữ. Tuy nhiên ở một số quốc gia quá coi trọng về ngoại hình của nữ giới, tỷ lệ nữ mắc bệnh thường cao hơn. Hội chứng sợ xấu có thể đi kèm với rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm và rối loạn hoảng sợ.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ xấu
Mặc cảm ngoại hình là cảm giác tiêu cực khi bản thân mỗi người ý thức về khuôn mặt và vóc dáng có nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên, mặc cảm thông thường khác hẳn với hội chứng sợ xấu.
Nếu như chỉ bị mặc cảm ngoại hình thông thường, cảm giác tự ti thường chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và nhanh chóng mất đi khi các khuyết điểm này được cải thiện (có thể bằng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tự cải thiện bằng các phương pháp lành mạnh). Ngược lại, những người mắc hội chứng sợ xấu luôn luôn cảm thấy bản thân chưa hoàn hảo và cố gắng tìm kiếm các khuyết điểm trên cơ thể.
Ngay cả khi đã phẫu thuật thẩm mỹ, người bệnh sẽ nhanh chóng bị lo lắng và sợ hãi trở lại vì các khuyết điểm khác như răng thưa, hình thể răng không đẹp, tóc mỏng, lỗ chân lông to, da có nếp nhăn, sẹo,… Những khuyết điểm dù nhỏ cũng gây ra sự đau khổ và lo âu cho người mắc hội chứng sợ xấu.
Các dấu hiệu nhận biết người mắc hội chứng sợ xấu (mặc cảm ngoại hình):
- Để tâm và chú ý quá mức đến những khuyết điểm trên khuôn mặt, cơ thể như làn da sạm nám, lỗ chân lông to, tóc không mượt mà, mũi tẹt, thân hình quá ốm hoặc quá mập,…
- Dành nhiều thời gian để nhìn ngắm bản thân nhằm phát hiện ra các khuyết điểm trên cơ thể và khuôn mặt.
- Trau chuốt kỹ trước khi ra ngoài, thường mất từ 1 tiếng thậm chí đến vài giờ đồng hồ. Người mắc hội chứng sợ xấu thường thay nhiều bộ quần áo để chắc chắn che đậy được khuyết điểm của bản thân, tạo kiểu tóc cầu kỳ, trang điểm, sử dụng nước hoa,…
- Người bị mặc cảm ngoại hình luôn cảm thấy bản thân xấu xí và lo ngại người khác sẽ nhìn thấy khuyết điểm của mình.
- Luôn so sánh bản thân với những người khác và luôn cho rằng những người xung quanh sẽ cười cợt, chế giễu, thậm chí tẩy chay nếu nhìn thấy khuyết điểm của bản thân.
- Để trấn an tinh thần, không ít người bệnh liên tục đặt câu hỏi với những người thân trong gia đình liệu bản thân có phải là người xấu xí hay không, có cần phẫu thuật thẩm mỹ hay can thiệp các phương pháp làm đẹp hay không.
- Người mắc hội chứng sợ xấu dành nhiều thời gian để cải thiện khuôn mặt và vóc dáng. Thậm chí, một số người còn phẫu thuật thẩm mỹ để sở hữu vẻ ngoài như mong ước.
- Sau khi thẩm mỹ, bệnh nhân có cảm giác hài lòng về ngoại hình. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, tâm lý lo âu, căng thẳng lại tái diễn vì bệnh nhân không ngừng tìm kiếm các khuyết điểm trên cơ thể – dù chỉ là những khuyết điểm rất nhỏ như da dầu, da khô ráp, lỗ chân lông to, tóc bạc, nếp nhăn, sẹo, vết bớt,…
- Những trường hợp nặng còn cho rằng bản thân bị dị dạng trầm trọng và không dám tiếp xúc với cộng đồng do lo sợ bị cười chê.
- Người bị hội chứng sợ xấu rất nghiêm khắc với bản thân trong việc luyện tập và ăn uống. Khi nhìn vào, không ít người lầm tưởng người mắc hội chứng này có chế độ sống lành mạnh và biết cách yêu thương bản thân. Tuy nhiên trên thực tế, người bị mặc cảm ngoại hình thường tập luyện quá độ, ăn kiêng kham khổ,… để sở hữu ngoại hình như mơ ước.
- Rất nhạy cảm với lời nói của người khác về cơ thể mình.
- Sự quan tâm quá mức về các khiếm khuyết trên cơ thể khiến bệnh nhân luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, đau khổ,… Thậm chí, không ít bệnh nhân phát triển các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Mặc cảm ngoại hình còn dẫn đến nhiều biểu hiện bất thường như ngại hẹn hò, kết bạn, sợ đám đông, tự giới hạn cơ hội nghề nghiệp,… Thực tế, rất nhiều người không hiểu rõ bệnh lý này nên khó có thể nhận biết được sự bất thường của người mắc bệnh. Nhiều người cho rằng, người bị hội chứng sợ xấu là người quá chú trọng về ngoại hình mà không biết rằng đây thực chất là một dạng rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân gây mặc cảm ngoại hình
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ xấu chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người từng phải trải qua sang chấn tâm lý liên quan đến ngoại hình sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, những người có sẵn các rối loạn lo âu, trầm cảm sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Dưới đây là một số yếu tố đã được xác định có thể gây ra hội chứng sợ xấu:
- Từng bị chế giễu, tẩy chay do ngoại hình mập mạp, xấu xí. Ngoài ra, nữ giới bị phản bội do chồng/ người yêu ngoại tình với những cô gái xinh đẹp hơn cũng có thể là yếu tố gia nguy cơ mắc hội chứng sợ xấu.
- Bố mẹ vứt bỏ hoặc tra tấn tinh thần, thể chất do ngoại hình.
- Sinh sống trong xã hội xem trọng ngoại hình.
- Chứng kiến những tổn thất mà người không có ngoại hình phải đối mặt như bị ghét bỏ, không được yêu thương, cơ hội nghề nghiệp hạn chế,…
- Người có tính cách cầu toàn, theo đuổi sợ hoàn hảo cũng có nguy cơ bị mặc cảm ngoại hình do không chấp nhận bản thân có các khuyết điểm.
- Gia đình có người mắc hội chứng sợ xấu cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là di truyền khiến não bộ mất cân bằng các yếu tố nội sinh, từ đó gia tăng sự lo lắng về các khuyết điểm trên cơ thể. Thứ hai, trẻ lớn lên với người bị mặc cảm ngoại hình cũng sẽ bắt đầu chú ý đến khuyết điểm và nỗ lực để cải thiện các khuyết điểm này.
- Nghiên cứu cho thấy, người mắc các rối loạn lo âu như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng nghi bệnh,… dễ mắc hội chứng sợ xấu hơn bình thường. Bên cạnh đó, tình trạng tự ti và lòng tự trọng giảm thấp do trầm cảm cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thực tế, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên của bệnh lý này vẫn chưa được xác định chính xác. Bởi một số người có đầy đủ các yếu tố nguy cơ nhưng hoàn toàn không phát triển chứng bệnh này.
Hội chứng sợ xấu và hậu quả khôn lường
Hội chứng sợ xấu không đơn thuần là sự mặc cảm về ngoại hình mà đi kèm với nhiều trạng thái tâm lý phức tạp. Khác với cảm giác không hài lòng về những khuyết điểm trên cơ thể, người mắc hội chứng này chú ý quá mức đến những khuyết điểm dẫn đến trạng thái lo âu, căng thẳng và đau khổ.
Để xoa dịu sự đau khổ và trấn an tinh thần, người bệnh luôn đặt những câu hỏi về ngoại hình của bản thân với những người xung quanh và dành nhiều thời gian để chăm chút cho ngoại hình. Thậm chí, người bệnh có các phương thức làm đẹp cực đoan như tập thể dục quá mức, ăn kiêng kham khổ, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ,…
Sự chăm chút quá mức về ngoại hình khiến người bệnh mất nhiều thời gian trong ngày, từ đó ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc. Hơn nữa, cảm giác lo âu và đau khổ hiện diện còn khiến người bệnh thiếu tập trung, dễ gặp phải sai sót và giảm khả năng tiếp thu.
Để sở hữu khuôn mặt và ngoại hình như mong muốn, người bị hội chứng sợ xấu có thể tìm kiếm các phương pháp làm đẹp xâm lấn. Các phương pháp này không chỉ tốn kém mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc nghiện phẫu thuật thẩm mỹ quá mức khiến nhiều người bệnh phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do nghỉ làm quá nhiều, hiệu suất lao động kém và nhiều vấn đề tài chính.
Tuy nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hội chứng sợ xấu là cảm giác lo âu, đau khổ thường trực và kéo dài. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, không ít bệnh nhân bị rối loạn lo âu và trầm cảm (chiếm 76%). Bên cạnh đó, mặc cảm ngoại hình cũng gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn ăn uống như chứng ăn ói và chán ăn tâm thần. Cảm giác đau khổ sâu sắc sẽ nhấn chìm người bệnh và đôi khi dẫn đến ý nghĩ, hành vi tự sát.
Người bị hội chứng sợ xấu còn phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe do căng thẳng và lo lắng quá mức như mất ngủ, stress, mệt mỏi, suy nhược,… Ngoài ra, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tập luyện quá mức và phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần cũng gây ra không ít vấn đề.
Cách vượt qua hội chứng sợ xấu (mặc cảm ngoại hình)
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện của hội chứng sợ xấu, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Hiện tại, chẩn đoán hội chứng này chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để chẩn đoán xác định.
Mặc cảm ngoại hình có thể được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng cần có các biện pháp tự cải thiện để thay đổi suy nghĩ méo mó, lệch lạc và hình thành lối sống lạc quan hơn.
Các phương pháp điều trị mặc cảm ngoại hình:
1. Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị hội chứng sợ xấu bởi căn nguyên của hội chứng này là do suy nghĩ méo mó, lệch lạc của người bệnh. Trong khi đó, những người khác dù có ngoại hình không ưa nhìn nhưng hoàn toàn không có biểu hiện mắc bệnh. Thậm chí một số người ý thức được vẻ đẹp không chỉ nằm ở khuôn mặt, vóc dáng và luôn nỗ lực để khẳng định năng lực, giá trị của bản thân.
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều chỉnh tâm lý của bệnh nhân thông qua hình thức giao tiếp. Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp phù hợp. Đối với hội chứng sợ xấu, phương pháp được cân nhắc là liệu pháp nhận thức – hành vi.
Liệu pháp này tập trung điều chỉnh nhận thức của người bệnh, qua đó điều chỉnh hành vi theo chiều hướng tích cực hơn. Sau khi thay đổi nhận thức, các cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, đau khổ và bi quan cũng sẽ được cải thiện.
Sau khi can thiệp trị liệu tâm lý, bệnh nhân sẽ giảm chú ý đến các khuyết điểm của cơ thể, không ăn kiêng, tập thể dục quá mức và hạn chế được tình trạng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ từ bỏ thói quen chải chuốt quá mức và lo sợ các cuộc gặp gỡ đông người vì tự ti về ngoại hình.
Với liệu pháp này, người bệnh có thể gỡ bỏ những gánh nặng “vô hình” và sống với tâm thể thoải mái, lạc quan nhất. Bên cạnh việc điều chỉnh những nhận thức sai lệch, chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh hiểu được rằng, giá trị của mỗi người không hoàn toàn nằm ở ngoại hình và học cách yêu thương mình dù bản thân không hoàn hảo.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc là phương pháp hỗ trợ được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ xấu. Mục đích của việc dùng thuốc là giải tỏa căng thẳng, lo âu và nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân trong quá trình trị liệu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc, viên uống hỗ trợ dành cho bệnh nhân thiếu chất do ăn uống cực đoan.
Các loại thuốc có thể được sử dụng cho bệnh nhân mặc cảm ngoại hình:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và epinephrine (SNRIs)
- Trường hợp đi kèm với trầm cảm, rối loạn lo âu sẽ được dùng các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), thuốc giải lo âu,…
Phần lớn bệnh nhân bị hội chứng sợ xấu đều được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, những trường hợp có biểu hiện tâm lý bất ổn và từng nỗ lực tự sát có thể phải nhập viện để theo dõi chặt chẽ.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Mặc cảm ngoại hình là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến ở người trưởng thành. Bên cạnh các phương pháp điều trị chính, bệnh nhân cũng cần có các biện pháp tự cải thiện để điều chỉnh tâm trạng và vượt qua hội chứng sợ xấu.
Các biện pháp tự cải thiện chứng mặc cảm ngoại hình:
- Trò chuyện với những người xung quanh như bạn bè, người thân để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Ngoài sự sẻ chia, những người xung quanh cũng sẽ giúp bệnh nhân hiểu ra rằng, ngoại hình không quá quan trọng bằng vẻ đẹp ở bên trong và học cách yêu những điều không hoàn hảo.
- Người bị mặc cảm ngoại hình thường phải đối mặt với lo âu và căng thẳng. Do đó, thay vì dành thời gian để chăm chút cho ngoại hình, nên thư giãn và ngủ đủ giấc. Có thể áp dụng một số liệu pháp thư giãn như dùng trà thảo mộc, ngồi thiền, tập yoga, bơi lội, liệu pháp mùi hương,… để xoa dịu tâm trạng.
- Nếu có thể, người mặc cảm về ngoại hình nên kết bạn với những người đã từng mắc chứng bệnh này để thêm kinh nghiệm.
- Không dùng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện và hạn chế lượng caffeine trong mỗi bữa ăn để tránh làm tăng mức độ lo âu và căng thẳng.
- Xây dựng lối sống lành mạnh và mở lòng với mọi người xung quanh cũng là cách để vượt qua mặc cảm về ngoại hình.
Mặc cảm ngoại hình (hội chứng sợ xấu) gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Chính vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình những thông tin hữu ích để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề tâm lý mắc phải.
Có thể bạn quan tâm
- Hội Chứng Ám Ảnh Cân Nặng (Sợ Tăng Cân): Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
- Khám và trị liệu rối loạn lo âu ở đâu tốt tại TPHCM?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!