Trị liệu nghệ thuật và Ứng dụng trong chữa lành tâm bệnh
Vẽ tranh để “tự chữa lành” đang là một trong những hoạt động rất yêu thích gần đây, đặc biệt bởi các bạn trẻ. Đây được coi như một liệu pháp trị liệu nghệ thuật ( Art therapy) giúp xoa dịu tâm trí, thư giãn, cân bằng cảm xúc hiệu quả, được áp dụng cho cả những người đang chống chọi với những rối loạn trong tâm lý như trầm cảm hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Trị liệu nghệ thuật là gì?
Rất nhiều con số đều cho thấy tỷ lệ số người mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu hiện nay đều đang tăng lên. Những áp lực từ cuộc sống, thiếu kỹ năng mềm, tiếp xúc quá nhiều với các thông tin tiêu cực từ mạng xã hội đã góp phần làm các rối loạn tâm thần tăng lên. Mặc dù các dấu hiệu rối loạn tâm lý đều được phổ biến ngày càng rộng rãi nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra sức khỏe tinh thần mình đang có vấn đề.
Trị liệu tâm lý được coi là một trong những biện pháp mang đến nhiều phản hồi tích cực nhất cho những bệnh nhân rối loạn tâm lý, tâm thần được thực hiện thông qua việc trò chuyện, chia sẻ. Tuy nhiên một điều kiện quan trọng trong tâm lý trị liệu chính là người bệnh cần phải trung thực trong chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ để nhà trị liệu có thể thực sự kết nối với gốc rễ những tổn thương, từ đó mới có thể đưa ra hướng can thiệp, điều chỉnh lại tư duy phù hợp.
Không phải bất cứ ai cũng sẵn sàng trong việc gỡ bỏ lớp rào chắn tâm lý, kể cả khi đã gặp gỡ chuyên gia trị liệu. Và cũng có những nỗi đau khó có thể diễn tả thành lời. Không phải ai cũng có thể tự điều chỉnh tâm trí trở nên trống rỗng, nhẹ nhàng như được hướng dẫn bởi từ lời nói đi đến thực hành không hề dễ dàng. Bởi thế, trị liệu nghệ thuật xuất hiện như một “phép màu” có thể khắc phục phần nào các vấn đề này.
Trị liệu nghệ thuật (Art therapy) cũng là một phần của trị liệu tâm lý, tuy nhiên không được thực hiện qua lời nói, mà sử dụng qua hành động. Nhà trị liệu và thân chủ sẽ không cần trò chuyện mà thông qua những tác phẩm nghệ thuật để trao đổi cảm xúc cùng nhau, để thấu hiểu nhau. Đó có thể là các hoạt động như vẽ tranh, cắt dán ảnh, ứng dụng nghệ thuật số.. do chính người bệnh sáng tạo theo dòng chảy cảm xúc của bản thân,
Theo Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Hoa Kỳ, Art therapy thực sự là một phương thức chữa lành đứa trẻ bên trong hiệu quả, mang lại nhiều thay đổi tích cực mà không gây ra tác dụng phụ nào như khi dùng thuốc. Trong suốt thời gian sáng tạo, tâm trí của mỗi người đều ở trạng thái tập trung, bình đạm, nhẹ nhàng, thư giãn, không còn nghĩ về những đau khổ mà họ đã phải chịu đựng trước đó.
Trị liệu nghệ thuật mang đến rất nhiều ưu điểm và lợi ích cho những người đang lạc lối, không hiểu được chính suy nghĩ của bản thân, không biết biểu đạt suy nghĩ của chính mình. Mỗi tác phẩm hoàn thành đều giúp tác giả trút bỏ được nỗi lòng, làm rõ được mâu thuẫn trong nội tâm, những khó khăn về cảm xúc mà chẳng từ ngữ nào diễn tả được. Từ đó nhà trị liệu dần tìm cách gợi mở, khơi dậy niềm tin, những khao khát mãnh liệt trong tâm trí mỗi người.
Margaret Naumburg – nhà tâm lý học, nhà giáo dục, nghệ sĩ, người Mỹ được coi là “mẹ đẻ” của Art therapy từ những năm 1940. Trong quá trình trị liệu tâm lý, bà thấy rằng khi bệnh nhân thực hiện các hoạt động sáng tỏ nghệ thuật thì những suy nghĩ và cảm xúc vô thức của họ sáng tỏ hơn và nhà trị liệu có thể thông qua đó đi sâu vào tâm lý của từng người, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, tại Vương Quốc Anh, Adrian Hill – một nhà văn, nhà trị liệu nghệ thuật, nhà giáo dục, phát thanh viên cũng phát hiện ra những lợi ích tuyệt vời của việc vẽ tranh với việc giảm bớt những đau khổ về mặt tinh thần. Bản thân ông chính là người được trải nghiệm điều này, sau đó là những người cùng chung sống trong viện điều dưỡng và tất cả những người tham gia lớp trị liệu nghệ thuật (được chính ông hướng dẫn) đều có những thay đổi rất tích cực.
Ứng dụng liệu pháp nghệ thuật trong quá trình chăm sóc và phục hồi tâm lý tuy còn là lĩnh vực mới mẻ nhưng đang ngày càng được quan tâm và phát triển. Tại Việt Nam, các chuyên gia trị liệu nghệ thuật vẫn còn khá hiếm hoi, tuy nhiên có thể thấy các buổi workshop nghệ thuật, chẳng hạn như vẽ tranh để “healing” đang rất phổ biến hiện nay. Bởi thế, ngay cả khi bạn không mắc phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm vẫn có thể tham gia để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Trị liệu nghệ thuật được thực hiện trên các đối tượng nào?
Trị liệu nghệ thuật được thực hiện vô cùng đơn giản, chỉ cần có các dụng để sáng tạo hoặc đơn giản nhất chỉ cần màu và giấy. Không có bất cứ một khuôn khổ hay yêu cầu khó khăn nào, tất cả đều do chính bản thân bạn làm chủ. Bởi thế, bất cứ ai cũng có thể tham gia trị liệu nghệ thuật, từ trẻ em, người già, thanh thiếu niên hay thậm chí là cả những người có khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần.
Cụ thể, trị liệu nghệ thuật được khuyến khích thực hiện trên các đối tượng sau
- Người đang mắc các vấn đề tâm lý: bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn là những đối tượng hàng đầu được ưu tiên khuyến khích tham khảo Art therapy để điều chỉnh tâm lý. Đặc biệt phương pháp này có thể rất hữu ích với các bệnh nhân tâm thần phân liệt, đa nhân cách để nhận thức, phân chia các nhân dạng sai lệch.
- Người bị khiếm khuyết thần kinh: trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói, chậm học toán cũng được khuyến khích tham gia các lớp trị liệu nghệ thuật để giải tỏa cảm xúc, điều chỉnh tư duy, tính cách mà không quá bắt buộc phải sử dụng ngôn từ.
- Bệnh nhân mất trí nhớ: một số nghiên cứu đã chỉ ra, Art therapy có thể giúp ích đáng kể cho những người bị mất trí nhớ cho các chấn thương. Bởi khi thực hiện các hoạt động sáng tạo có thể làm kích thích não bộ, từ đó có thể phục hồi dần những ký ức đang bị chôn vùi. Mặt khác các hoạt động như vẽ cũng có thể ghi chép lại những mảng ký ức vô tình hiện ra trong một khoảnh khắc nào đó, từ đó giúp người bị mất trí nhớ có thể kết nối lại các mảnh ghép rời rạc hiệu quả.
- Người mắc các bệnh lý nghiêm trọng: chẳng hạn những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường phải chịu đau khổ trong thời gian dài hay người được chẩn đoán mắc các bệnh nan y thời kỳ cuối thương có tâm lý tiêu cực, chán nản, muốn buông bỏ tất cả. Trị liệu nghệ thuật có thể là một giải pháp hữu ích để giải tỏa các cảm xúc này, cung cấp thêm niềm tin để người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn và mang đến kết quả tốt hơn trong quá trình điều trị.
- Trẻ em có vấn đề về hành vi, cách cư xử: những trẻ có tính cách bốc đồng, hiếu thắng, dễ kích động, bạo lực, không kiểm soát được cảm xúc cũng có thể cải thiện được các hành vi này nếu áp dụng các liệu pháp trị liệu nghệ thuật từ sớm.
- Người đang trải qua thời điểm khó khăn về tinh thần: nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, chán nản, tuyệt vọng, đau khổ, mất phương hướng vào tương lai hay bất cứ khó khăn về mặt tinh thần ( nhưng không nghiêm trọng hay được chẩn đoán là các bệnh tâm lý) cũng nên thực hành liệu pháp nghệ thuật để giải tỏa cảm xúc, thả lỏng, phục hồi đời sống tinh thần để ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn
- Người muốn đi sâu vào khám phá nội tâm của bản thân: với những người có tính cách hướng nội, người ít chia sẻ hay những người đang trên hành trình khai phá tiềm thức của chính mình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu cũng có thể thử tìm đến trị liệu nghệ thuật.
- Người có khó khăn trong vận động: khi thực hiện các tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như vẽ tranh hay nặn đất sét thường yêu cầu bạn phải phối hợp cử động giữa các cơ quan chẳng hạn như bàn tay, các ngón tay. Điều này kích thích khả năng tự vượt qua những khó khăn của chính hình để hoàn thiện những tác phẩm đúng mong muốn của người bệnh.
Thực tế, tất cả chúng ta, không ai là không có những khó khăn trong tâm trí, không ai làm hoàn toàn tự tin về chính mình. Hành trình hoàn thiện bản thân vô cùng chông gai và nhiều thử thách nhưng không biết bao giờ mới có kết quả, bởi thế không thể tránh khỏi sự mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng. Một lần vấp ngã cũng khiến chúng ta đau khổ, muốn từ bỏ tất cả, trở nên hoang mang và tự hạ thấp chính bản thân mình.
Trẻ con có những lo lắng, áp lực của trẻ con; người lớn phải gồng gánh những mệt mỏi từ hàng loạt vấn đề, không ai là không có nỗi khổ. Bởi vậy, bất cứ ai cũng có nên tham gia vào các hoạt động trị liệu nghệ thuật nếu có thể. Đừng đợi đến khi sức khỏe tinh thần thực sự có vấn đề mới quan tâm thì đã quá muộn.
Trị liệu nghệ thuật được tiến hành như thế nào?
Các chuyên gia vẫn sẽ tham gia cùng trong các hoạt động trị liệu với vai trò là người dẫn dắt, qua đó có thể quan sát cách tiến hành của từng người và có những đánh giá chính xác hơn. Cách thể hiện các tác phẩm thể hiện rõ nội tâm, cá tính thậm chí là những tổn thương mà họ đã từng trải qua trong quá khứ.
Một số hoạt động trị liệu nghệ thuật phổ biến thường được áp dụng như
- Vẽ tranh: đây là hoạt động được thực hiện phổ biến nhất thích hợp với mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Bạn sẽ được cung cấp các dụng cụ để vẽ như màu, cọ, khung giấy trống.. Người tham gia sẽ được thỏa sức sáng tạo, không có bất cứ giới hạn nào về màu sắc hay chủ đề, cách thức thực hiện, thậm chí bạn có thể dùng tay nhúng vào màu để vẽ mà không cần cọ. Trong trường hợp bạn không biết vẽ gì, nhà trị liệu có thể khơi gợi để bạn có thêm cảm hứng cho chủ đề bức tranh.
- Cắt dán ảnh: đây cũng là một hình thức Art therapy được đánh giá phổ biến bởi đơn giản, dễ thực hiện, không đòi hỏi cần quá nhiều sự khéo léo. Bạn sẽ được cung cấp nhiều bức tranh, hình ảnh khác nhau và việc cần làm duy nhất là tự tay xé dán, sắp xếp để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc cá nhân. Bạn cũng có thể sử dụng chính những bức ảnh được in ra từ điện thoại, một bức tranh nào đó mang ý nghĩa với bạn, chẳng hạn như giúp truyền thêm động lực sống hay là mục tiêu muốn hoàn thành trong tương lai.
- Nghệ thuật số: với liệu pháp này đòi hỏi cao hơn, đó là bạn cần có máy tính và một số ứng dụng, phần mềm để sáng tạo các tác phẩm ngay trên nền tảng online. Một số ứng dụng được sử dụng như MediBang Paint Pro, Adobe Photoshop, Paint.. Ưu điểm của hoạt động trị liệu nghệ thuật này là có thể thực hiện ở bất cứ đâu, tiện lợi, có thể lưu trữ các tác phẩm, có độ hoàn chỉnh cao hơn, phù hợp với người quá bận rộn và không tự tin vào hoa tay của mình.
- Nhiếp ảnh: đây cũng là những bộ môn được nhiều người yêu thích, có tính ứng dụng cao, có thể ứng dụng dễ dàng. Bạn không cần phải bó buộc bản thân trong một không gian nhất định mà có thể được khám phá, trải nghiệm nhiều ngóc ngách bên ngoài. Ngắm nhìn thiên nhiên và lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong chiếc máy ảnh hay điện thoại thực sự có thể mang đến cho bạn nhiều cảm xúc vui vẻ. Với hoạt động này, nhà trị liệu nghệ thuật thường không đóng góp vai trò quá nhiều mà sẽ thiết lập các hội nhóm để các thành viên cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau.
- Dệt may: Nếu bạn đang cần tìm các hoạt động giúp mang lại độ tập trung cao, nhẹ nhàng, thư giãn thì thêu thùa, may vá thực sự rất phù hợp, đặc biệt là với các bạn nữ.
- Một số hoạt động khác: nặn đất, cắt dán (collage), điêu khắc, trang trí hộp, làm các sản phẩm thủ công, mosaic khảm cũng là những hình thức trị liệu nghệ thuật vô cùng thú vị, có thể mang đến nhiều cảm xúc tích cực, thư giãn cho những người tham gia.
Các buổi Art therapy có thể được thực hiện trong 60 – 90 phút dưới hình thức cá nhân hoặc hình thức nhóm. Nhà trị liệu và thân chủ vẫn có sự trao đổi, chia sẻ thông qua từng hoạt động, từng bước tiến hành để có sự thấu hiểu nhau hơn. Tùy thuộc vào nhu cầu, tình trạng của thân chủ mà nhà trị liệu sẽ sắp xếp các hoạt động và hình thức đáp ứng phù hợp để mang lại cảm giác thoải mái, tích cực nhất cho từng người.
Nhà trị liệu có thể yêu cầu thân chủ chia sẻ về cảm xúc trước/ sau khi hoàn thành tác phẩm; giới thiệu về tác phẩm ( chẳng hạn như chủ đề, ý nghĩa, các thực hiện như thế nào) và cùng bàn luận về nó. Không gian thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cũng được thiết kế phù hợp sao cho người tham gia thực sự thoải mái, thỏa sức phát triển sự sáng tạo theo đúng cảm nhận, suy nghĩ mà không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Bạn không bắt buộc phải hoàn thành 1 tác phẩm trong 1 buổi mà có thể chia thành nhiều phiên. Cũng có những buổi trị liệu mà bạn không cần trực tiếp vẽ, trực tiếp thực hiện các tác phẩm nghệ thuật mà chỉ cần cùng ngồi bàn luận với nhà trị liệu vê 1 xấp hình hay một tác phẩm nào đó. Tùy theo những thay đổi qua từng buổi trị liệu, chuyên gia sẽ sắp xếp các hoạt động thích hợp để giải quyết tối đa các nút thắt khó gỡ bỏ trong tâm trí.
Art therapy có thực sự hiệu quả?
“Nghệ thuật” là những hoạt động tạo ra các tác phẩm mang đến giá trị về mặt tinh thần, tư tưởng, có tính thẩm mỹ đặc biệt luôn mang theo giá trị nhân văn và chạm đến trái tim con người. Bản thân mỗi chúng ta đều có thể trở thành một người “nghệ sĩ” với sức sáng tạo tự nhiên, không giới hạn. Đây vốn là một hành vi tự nhiên, cơ bản đã hình thành ngay từ khi loài người được hình thành trong thời nguyên thủy.
Trong tác phẩm Art as Therapy, Triết gia Alain de Botton và nhà nghiên cứu John Armstrong đã nhận định rằng nghệ thuật có sức mạnh bù đắp những khiếm khuyết trong tâm hồn. Khi chúng ta tập trung ngắm nhìn hay sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, bắt buộc phải có sự liên kết giữa tâm trí và cơ thể để tạo ra sự tập trung vào cảm nhận, cảm xúc của bản thân. Đây chính là quá trình trị liệu cho chính bản thân, lắng nghe tiếng nói của chính mình thông qua nghệ thuật.
Nghiên cứu bởi giáo sư Semir Zeki (Đại học London) cũng cho thấy khi chúng ta nhìn chằm chằm vào một tác phẩm nghệ thuật nào đó, lượng dopamine (hormone hạnh phúc) có sự tăng lên mạnh mẽ khi đang yêu. Nghiên cứu trên cơ sở sinh lý học thần kinh (the neurobiological basis) cũng cho kết quả, hội họa có thể loại bỏ những hormone tiêu cực, tăng cường phản ứng thích nghi của cơ thể khi đối diện với căng thẳng hiệu quả hơn.
Trị liệu nghệ thuật không đòi hỏi người tham gia phải có sự khéo léo, phải biết vẽ, phải có tâm hồn bay bổng, phải biết phối màu. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là làm tất cả những thứ trái tim mách bảo. Đôi khi đó chỉ là vài nét vẽ nguệch ngoạc, loằng ngoằng, không có bất cứ hình thù, nội dung gì nhưng lại khiến bạn cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu hơn cả.
Chúng ta thường cho rằng, cảm xúc phải được thể hiện qua ngôn từ, qua nét mặt. Buồn thì khóc, vui thì cười.. thế nhưng lại có những nỗi đau không thể nói thành lời. Có vô vàn các trạng thái không thể dùng 1- 2 lời để diễn tả, hoặc thậm chí cũng chẳng có ngôn từ nào diễn đạt, chẳng có từ ngữ nào để miêu tả về nỗi đau tinh thần. Đó chính là nguyên nhân mà chúng ta cần hòa mình vào nghệ thuật.
Theo các chuyên gia, trị liệu nghệ thuật không chỉ giúp giải phóng năng lượng tiêu cực, thư giãn tinh thần mà còn giúp nâng cao nhận thức về giá trị của chính bản thân mình. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy bản thân mình là ai, mình có năng lực nào thông qua tác phẩm hoàn thành. Không cần phải phải là một tác phẩm xuất sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, chỉ cần bạn thấy hài lòng có nghĩa là bạn đã có thêm niềm tin vào chính mình.
Không chỉ các trung tâm tâm lý trị liệu mà rất nhiều các bệnh viện hiện nay cũng đang áp dụng liệu pháp về nghệ thuật này để chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Chẳng hạn tại đơn vị Tâm lý thuộc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang áp dụng ‘Trị liệu Nghệ thuật’ cho các bệnh nhi có tổn thương về tâm lý (bị xâm hại, bị tai nạn nghiêm trọng) thông qua các hoạt động như vẽ tranh, nặn đất sét.. để khuyến khích con nói ra cảm xúc của mình mà không cần phải khơi gợi lại những hình ảnh đau buồn quá nhiều.
Thực tế không ít các tác phẩm nghệ thuật được ra đời bởi chính những người đang trên con đường “chữa lành”, đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm đầy dữ dội. Quá trình sáng tạo nghệ thuật giúp các tác giả bày tỏ được quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc, đời sống nội tâm đầy phức tạp; nhờ đó hành trình khám phá bản ngã, tìm lại chính mình hiện ra rõ ràng hơn.
Trị liệu nghệ thuật thực sự là một liệu pháp có ích, đáp ứng được với tất cả mọi đối tượng. Bạn chẳng cần có hoa tay, có tâm hồn nghệ thuật mà chỉ cần thực sự thoải mái, cởi mở, diễn tả tất cả những thứ mà bạn đang suy nghĩ trong đầu. Bản thân của nghệ thuật chính là cầu nối, là phương tiện truyền tải cảm xúc, bởi vậy đừng quá lo lắng rằng nó đẹp hay xấu, chỉ cần chúng ta thực sự trung thực với cảm xúc của bản thân thì đó chính là tác phẩm rực rỡ nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Mối liên hệ giữa chứng rối loạn lưỡng cực và sự sáng tạo
- Sức Khỏe Tinh Thần Là Gì? Ý Nghĩa Và Cách Chăm Sóc
- 13 Cách Ngừng Suy Nghĩ Quá Nhiều Để Giảm Căng Thẳng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!