Hiệu ứng cửa sổ vỡ: Đừng nên xem thường những điều nhỏ nhặt
Khi một trong những cánh cửa sổ của căn nhà hoang bị vỡ mà không được tu sửa nhanh chóng, những chiếc cửa sổ khác cũng sẽ nhanh chóng vỡ theo. Một môi trường tồi tệ, xuống cấp, hư hại nếu không được quản lý và sửa chữa thường xem sẽ tạo cơ hội cho tội ác phát triển, đó là điều hiệu ứng cửa sổ vỡ muốn đề cập đến.
Thí nghiệm của Philip Zimbardo
Lý thuyết về hiệu ứng cửa sổ vỡ được đề cập một cách chính thức, và có hệ thống từ bài nghiên cứu của hai nhà xã hội học là James Wilson và George Kelling vào những năm 1980. Tuy nhiên, người đầu tiên thử nghiệm và phát hiện ra hiện tượng này lại là Philip Zimbardo, một nhà tâm lý học tại đại học Stanford.
Năm 1969, Philip Zimbardo đã làm một thí nghiệm thú vị. Ông đặt hai chiếc xe của mình tại hai khu vực hoàn toàn đối lập. Nơi đầu tiên là một con phố ở Bronx, một khu ổ chuột nổi tiếng và tập trung toàn dân nghèo, tội phạm với đầy rẫy nguy hiềm. Nơi thứ hai là một con phố ở Palo Alto, một nơi giàu có, sầm uất và tập trung những người khá giả.
Chiếc xe đặt ở khu ổ chuột nhìn cũ kỹ, cửa xe không đóng và không có biển số, nhìn giống hệt chiếc xe phế thải không ai cần nên vứt đi. Chiếc đặt ở khu phố sầm uất thì nhìn rất bình thường với biển số đầy đủ, cửa xe đóng kín, và nhìn có vẻ được chủ nhân đặt tạm ở đó.
Nhà tâm lý học đã theo dõi điều xảy ra với hai chiếc xe, và thu được kết quả thú vị. Chiếc xe ở khu ổ chuột, chiếc mà nhìn như bị vứt đi, nhanh chóng bị đập nát cửa kính, phá hoại và bị trộm rất nhiều đồ đạt có giá trị chỉ sau 10 phút ông đặt xe ở đó. Sau ba ngày, chiếc xe bị “luộc” hết đồ, bị phá hoại nặng nề và trở thành món đồ chơi cho bọn trẻ xung quanh.
Trái lại, chiếc xe ở Palo Alto sau một tuần vẫn ở trong trạng thái bình thường và không bị ai chạm đến. Thấy vậy, Philip dùng búa đập vỡ cửa kính xe. Kết quả là sau một thời gian ngắn, chiếc xe thứ hai chịu chung số phận với chiếc xe đầu tiên. Xe bị phá hoại, bị lấy hết phụ tùng và những món đồ quý giá.
Từ thí nghiệm hiệu ứng cửa sổ vỡ này, chúng ta rút ra được một số kết luận như sau:
- Chiếc xe đầu tiên: Chiếc xe có vẻ như vô chủ, bị hư hại, và được đặt ở một khu ổ chuột là tín hiệu cho thấy đây là đồ bỏ đi, không có giá trị với người sở hữu cũ. Chính những yếu tố này đã kích phát hành vi phá hoại và trộm cắp. Rõ ràng không ai quan tâm đến một món đồ phế thải, vì thế những kẻ phá hoại và ăn trộm không thấy hành vi của mình là sai trái.
- Chiếc xe thứ hai: Chiếc xe ban đầu không bị hư hại, có biển số, và phần cửa xe được khóa cẩn thận cho thấy xe có chủ. Vì thế không ai quan tâm hay cố ý làm hư hại tài sản của người khác. Tuy nhiên khi cửa kính xe bị đập vỡ và không được nhanh chóng sửa lại thì trong mắt những người xung quanh, chiếc xe đã bị bỏ đi. Và thế là họ có thể làm bất cứ điều gì với chiếc xe vô giá trị.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ của James Wilson và George Kelling
James Wilson và George Kelling đã đề cập lại thí nghiệm này trong một nghiên cứu của mình, và gọi đây là “hiệu ứng cửa sổ vỡ”. Chiếc cửa kính xe bị vỡ, và việc chúng không được sửa sang là dấu hiệu cho thấy không ai quan tâm, vì thế người qua đường có thể đối xử với món đồ theo cách của họ, mà không sợ chịu trách nhiệm hay bị ngăn cản.
Hiệu ứng cửa sổ cho thấy một sự thật rằng, dấu hiệu xuống cấp và bị bỏ bê của một sự vật, hay môi trường sống có thể kích phát những hành vi phạm tội, và khiến chúng ngày càng nghiêm trọng hơn. Một chiếc cửa sổ vỡ nho nhỏ, không đáng quan tâm có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sau.
Một số ví dụ về việc hiệu ứng cửa sổ vỡ nguy hiểm ra sau đến môi trường sống.
- Tòa nhà bỏ hoang có một chiếc cửa sổ vỡ nhưng không được sửa chữa thì lâu dần, những cửa sổ khác sẽ bị phá hoại tương tự. Đây là tín hiệu cho thấy nơi này bị bỏ bê, và những hành vi phạm pháp không bị kiểm soát. Tòa nhà bỏ hoang có thể trở thành cứ điểm cho những hành vi phi pháp.
- Một khu vực có nhiều vụ trộm cướp nho nhỏ, hoặc những vụ buôn bán ma túy nếu không được phát hiện, và không được cảnh sát can thiệp thì theo thời gian, khu vực này sẽ trở thành ổ buôn bán ma túy lớn. Tình hình sẽ ngày càng hỗn loạn hơn vì những kẻ vi phạm pháp luật biết này nơi này không được quản lý, đây là tin hiệu cho thấy chúng có thể tự do hoành hành mà không sợ hậu quả.
- Trên tường nhà có nhiều vết sơn tường, nhiều tranh vẽ bậy nếu không được dọn sạch sẽ thì những hình ảnh này sẽ ngày càng nhiều hơn. Một người vứt rác ở chân cột điện nếu không bị xử phạt hay cảnh cáo thì theo thời gian, chân cột đei65n đó sẽ trở thành bãi rác của mọi người.
Tóm lại, môi trường càng sạch sẽ, càng an ninh, càng được quan tâm nhiều, và không tha thứ cho bất cứ hành vi phạm tội, phá hoại nào thì tỷ lệ tội phạm và tệ nạn cũng sẽ giảm xuống. Lý do là vì những kẻ phạm tội không nhìn thấy “tín hiệu” vể sự bê bối và xuống cấp của môi trường, không tìm thấy điều kiện thuận lợi để ra tay.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ trong đời sống
Điều này cũng có thể áp dụng trong thực tế cuộc sống. Nếu chúng ta dung túng những hành vi nhỏ nhặt, chúng hoàn toàn có thể trở thành một thói quen, một tệ nạn gây ra hậu quả lớn và sự hỗn loạn vượt quá tầm kiểm soát về sau. Chính vì thế, việc đề ra những quy định, tiêu chuẩn, và luật pháp rõ ràng để ước thúc hành vi là điều vô cùng cần thiết.
Một môi trường vô kỷ luật, không được quan tâm và chăm sóc là môi trường độc hại, và tạo điều kiện cho những điểu sai trái phát sinh. Nếu những vi phạm nhỏ được bỏ qua, không có hành vi răn đe hay cảnh báo một cách phù hợp, người vi phạm chắc chắn sẽ tái phạm nhiều lần, Và điều nguy hiểm hơn là, ngày càng nhiều người làm điều tương tự vì họ biết rằng mình sẽ không cần chịu trách nhiệm cho hành vi.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ trong môi trường học đường, công sở hay đời sống đều có ảnh hưởng tương tự. Sự bỏ bê và vô kỷ luật tạo ra một môi trưởng phát triển kém cỏi, hạ thấp sự an toàn và hài lòng, gia tăng những hành vi sai trái và sự độc hại không cần thiết. Chính vì thế, đừng coi thường ảnh hưởng của một chiếc cửa sổ vỡ nhỏ nhoi.
Hiểu được điều này, chúng ta cần quan tâm, phát hiện và xử phạt những sai phạm trong lần đầu tiên phát hiện, để ngăn chặn chúng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu không có môi trường thuận lợi, không có tín hiệu an toàn cho những hành vi phạm tội phát triển thì chúng sẽ giảm đi.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng người ngoài cuộc và thái độ bàng quan trong cuộc sống
- Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự
- Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting): Nguyên nhân và Giải pháp
- Tâm lý nạn nhân: Luôn đổ lỗi khi mọi thứ không như mong muốn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!