Tâm lý nạn nhân: Luôn đổ lỗi khi mọi thứ không như mong muốn
Tâm lý nạn nhân khiến bạn cảm thấy bản thân bị cô lập, bị cả thế giới chống lại. Bạn cảm thấy những sai lầm và sự đau khổ bản thân chịu đựng là do lỗi của người khác, và bạn không hề có trách nhiệm trong vấn đề này. Bạn thường xuyên né tránh và đổ lỗi cho những người xung quanh về thất bại hay sự không may mắn của bản thân. Những dấu hiệu về tâm lý nạn nhân cho thấy bạn đang có xu hướng đổ lỗi cho người khác.
Tâm lý nạn nhân là gì?
Tâm lý nạn nhân là tình trạng bạn cảm thấy bản thân luôn là nạn nhân của những tình huống không tốt trong cuộc sống, dù sự thật hoàn toàn ngược lại. Những người mắc hội chứng này thường xuyên đặt mình vào “chiếu dưới” và tìm kiếm sự thương hại, đau lòng, quan tâm, chở che từ những người xung quanh để né tránh trách nhiệm.
Mặc dù mọi chứng cứ và sự thật đều chống lại suy nghĩ này, bạn vẫn tin rằng bản thân vô tội. Bạn cho rằng bản thân là nạn nhân của những hành động tiêu cực, là do số phận không may mắn, hoặc do nhiều yếu tố khác tác động. Xu hướng đổ lỗi những bất hạnh của mình cho người khác còn được gọi là chủ nghĩa nạn nhân.
Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy người xung quanh không hiểu bản thân, không nhận thức được những sai lầm mắc phải, vô trách nhiệm và luôn đổ lỗi cho người khác. Tâm lý nạn nhân giống như một cơ chế tự bảo vệ. Ở đó, bạn không muốn chấp nhận nỗi đau và sai lầm, thế nên đổ lỗi cho người khác khiến chúng ta nhẹ lòng hơn.
Tâm lý nạn nhân khiến chúng ta mù quáng, né tránh và chối bỏ mọi trách nhiệm. Dạng tâm lý này khiến chúng ta mất kiểm soát nhận thức, cho rằng cả thế giới đang bất công và chống lại mình. Bạn cảm thấy bất lực vì không thể thay đổi hiện thực, không ai giúp đỡ và an ủi bản thân, và không ai hiểu được khó khăn bạn đang chịu đựng.
Thực tế, bạn có thể hành động để thay đổi hiện thực, nhưng tâm lý nạn nhân đã ngăn cản điều này. Tình trạng này thường thấy ở những người nghiện rượu hoặc chất kích thích. Họ đỗ lỗi cho hoàn cảnh, cho người thân, cho số phận, và phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Họ yêu cầu sự giúp đỡ, nhưng chính bản thân lại không có hành động thiết thực để thay đổi.
Chính vì thế trong nhiều trường hợp, việc đôi co giải thích, khuyên nhủ và tranh luận logic với những đối tượng này không mang đến hiệu quả. Những lí lẽ và dẫn chứng mà chúng ta đưa ra hoàn toàn là vào tai này ra tai kia, vì người mắc tâm lý nạn nhân chỉ tin rằng bản thân là nạn nhân trong mọi tình huống.
Điều họ muốn nghe là sự đồng tình, quan tâm và hành vi che chở từ những người xung quanh. Nếu bạn đồng tình với suy nghĩ của họ, những lời của bạn là “sự thật”, là “ý kiến đúng đắn”. Nhưng nếu bạn phân tích tình huống và phản bác họ, người mắc tâm lý nạn nhân sẽ xem bạn là “đồng lõa” với kẻ xấu, cảm thấy bạn bất công và có ác cảm với họ.
Họ không phân biệt được đâu là lời thật lòng, và đâu là lời nói dối “vuốt đuôi”. Họ chỉ tin những điều bản thân muốn nghe. Tâm lý nạn nhân có thể khiến chúng ta trở nên tự ti, nhảy cảm, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, dễ bị người xấu lợi dụng, thậm chí trở nên ghen tị, ghen ghét, thù hận những người xung quanh một cách mù quáng.
Nguyên nhân gây ra tâm lý nạn nhân
Một số người mắc tâm lý nạn nhân đã từng là nạn nhân trong sai lầm của người khác, hoặc chịu những bất công mà không thể phản kháng. Từ đó trong suy nghĩ của họ, mọi bất hạnh và không may mắn trong cuộc sống đều bắt nguồn từ lỗi lầm của người khác, và họ luôn là nạn nhân trong mọi tình huống.
Khi phải chịu đựng những sự kiện đau buồn, những chấn thương tâm lý tuổi thơ nặng nề trong thời gian dài, họ cảm thấy bất lực vào hiện thực, sợ hãi và tổn thương. Chính vì thế, việc xem mình là nạn nhân, đổ lỗi cho người khác sẽ giúp họ loại bỏ những nguồn năng lượng tiêu cực, giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn, và viện cớ cho những hành vi sai trái đã phạm.
Thông thường, tâm lý nạn nhân hình thành từ rất sớm trong thời thơ ấu. Họ có thể bị đối xử bất công, bạo hành, lạm dụng ngay trong gia đình hoặc ở trường. Những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ khiến suy nghĩ của đối tượng bị lệch lạc, dẫn đến việc họ đổ mọi trách nhiệm lên số phận và người khác, trong khi né tránh và không thừa nhận vấn đề của bản thân.
Nhiều tên tội phạm bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý nạn nhân, và cảm thấy thấy thế giới đang bất công với họ. Vì vậy, những hành vi cướp của, giết người, hay gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của người khác là một cách phản kháng sự bất công và vô đạo đức của thế giới, nơi mà họ là nạn nhân của mọi đau khổ và giày vò.
Tuy nhiên, không phải ai rơi vào tình huống như trên đều phát triển tâm lý nạn nhân. Những người có tâm lý yếu đuối, nhạy cảm, chịu chấn thương tâm lý nặng là đối tượng thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý này. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý nạn nhân có thể kể đến như:
- Sang chấn tâm lý: Đối tượng chịu những sang chấn tâm lý quá lớn trong thời thơ ấu như bị bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, lạm dụng tình dục, hoặc trải qua nhiều tình huống đau đớn, tủi nhục, bị cô lập, bắt nạt và đối xử tồi tệ mà không thể phản kháng. Lúc này, tâm lý nạn nhân giống như một chiếc “phao cứu cánh”, khiến họ cho rằng bất cứ những bất công nào bản thân phải chịu đều là do số phận, do hoàn cảnh, bản thân không thể thay đổi số mệnh. Suy nghĩ này bóp chết ý chí sinh tồn, làm họ đánh mất sự dũng cảm và tinh thần đối diện với mọi khó khăn.
- Giáo dục sai lầm: Đối tượng chịu ảnh hưởng xấu từ cách giáo dục sai lầm của gia đình. Khi trẻ còn nhỏ, ông bà và cha mẹ có xu hướng dạy trẻ đổ lỗi cho những sự vật, sự việc xung quanh khi trẻ vấp ngã, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống. Những câu nói như “con té ngã là do bậc thềm/mặt đất/hòn đá” và hành động dùng tay đập lên những vật vô tri vô giác này gây ấn tượng mạnh trong tâm trí trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ có nhận thức sai lệch rằng bản thân không bao giờ có lỗi, lỗi là nằm ở những người xung quanh. Dần dần, trẻ trở nên vô trách nhiệm với cuộc sống
- Thỏa mãn nhu cầu trong vô thức: Nhiều người có thói quen đổ lỗi cho người khác, đưa mình vào tâm lý nạn nhân để tìm kiếm sự thương hại, nhường nhịn, áy náy từ người khác. Từ đó họ có thể yêu cầu sự giúp đỡ, hoặc đạt được mục đích nhất định. Những người rơi vào tình trạng này rất biết lợi dụng sự yếu thế của bản thân để buộc người khác làm theo ý minh. Việc được người khác che chở, bênh vực và bảo vệ khiến họ cảm thấy thỏa mãn, cho rằng đây là điều họ xứng đáng được hưởng.
- Bị phản bội trong quá khứ: Những người bị lừa gạt, phản bội trong quá khứ có thể mất lòng tin vào những người xung quanh, và cho rằng mình nạn nhân của sự bất công. Họ bị ám ảnh việc bị lừa gạt, nên cho rằng bất cứ bất thường hay vấn đề gì xảy ra xung quanh đều nhắm đến bản thân. Họ là nạn nhân, còn những người khác là thủ phạm.
Bên cạnh đó, tâm lý luôn xem mình là nạn nhân của mọi vấn đề có thể là biểu hiện của một số rối loạn tâm thần tiêu biểu như trầm cảm, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và một số hội chứng khác.
Để xác định chính xác tình trạng tâm lý nạn nhân có xuất phát từ rối loạn tâm thần hay không, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán từ các bác sĩ có chuyên môn. Người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được hỗ trợ tốt hơn.
Biểu hiện thường thấy của người luôn xem mình là nạn nhân
Tâm lý nạn nhân có thể biểu hiện theo nhiều cách, thông qua suy nghĩ hoặc hành động. Đối với những người mang tâm lý nạn nhân, họ thích chìm đắm trong sự tiêu cực, nghi ngờ và đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện đứng dậy. Họ thậm chí còn có thể tẩy não bản thân và người khác về sự bất hạnh của mình.
Những người có tâm lý nạn nhân luôn tin rằng tất cả những bất hạnh xảy ra với họ đều là lỗi của những người xung quanh, do sự bất công của số phận chứ không liên quan đến họ. Những điều tồi tệ trong quá khứ và hiện tại không thể thay đổi và cải thiện, nó sẽ tiếp tục xảy ra bất chấp cố gắng của họ nhằm thoát khỏi tình huống tồi tệ. Nhưng trên thực tế, người có tâm lý nạn nhân không hề cố gắng, mà luôn mong muốn sự giúp đỡ từ người khác.
Một số dấu hiệu về tâm lý nạn nhân bao gồm:
- Đổ lỗi cho mọi yếu tố, dù là khách quan hay chủ quan, và không bao giờ càm thấy bản thân có một phần lỗi lầm.
- Né tránh trách nhiệm, người có tâm lý nạn nhân luôn chỉ trích người khác để bản thân thoát tội.
- Chỉ đồng tình với những người cùng suy nghĩ, từ chối bất cứ sự phản biện nào từ những người xung quanh.
- Tin tưởng mù quáng vào sự bất hạnh của bản thân, bất chấp sự thật và chứng cứ ở trước mắt.
- Cho rằng thế giới không công bằng với bản thân, họ phải có được nhiều thứ tốt đẹp hơn.
- Suy nghĩ lệch lạc, luôn cho rằng người khác có ý đồ xấu với bản thân.
- Suy nghĩ bi quan trong mọi tình huống, luôn đem những sự kiện trong quá khứ ra bao biện cho tình trạng tồi tệ của bản thân.
- Không tin tưởng vào những người có thẩm quyền, thậm chí là người thâm hay bạn bè
- Vô cảm, không đồng cảm với tình trạng của người khác, luôn cảm thấy bản thân mới là người bị hại
- Bác bỏ những ý kiến trái chiều và chỉ trích mang tính xây dựng, thích đóng vai “nạn nhân” để tìm kiếm tình thường và sự đồng tình từ người khác.
- Có thái độ tự ti vào bản thân, dễ dàng bỏ cuộc và đổ lỗi cho hoàn cảnh khi gặp thất bại, không có ý chí cấu tiến.
- Hoài nghi về mọi thứ trong cuộc sống, không có động lực cố gắng và thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn
Những biểu hiện của người có tâm lý nạn nhân thể hiện rất rõ thông qua suy nghĩ và hành động của họ. Những người rơi vào tình trạng này luôn có cái nhìn bi quan vào cuộc sống, có thái độ trốn tránh trách nhiệm, và nếu nghiêm trọng thì có thể dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, và hành vi tổn hại đến bản thân và những người xung quanh.
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý nạn nhân
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý nạn nhân là khiến chúng ta ảo tưởng về quyền lợi của bản thân khi đóng vai “nạn nhân” trong mọi tình huống. Việc trở thành nạn nhân khiến ta sẵn sàng phủi bỏ mọi trách nhiệm, luôn trong tâm thế là người ngoài cuộc, người chịu thiệt thòi và cần sự quan tâm, săn sóc từ những người xung quanh.
Việc người khác tỏ thái độ không hài lòng, khuyên bảo, góp ý tích cực hay nổi giận với người có tâm lý nạn nhân đều khiến họ cảm thấy tổn thương. Họ cho rằng bản thân không đáng bị đối xử bất công như thế, và họ xứng đáng có được những thứ tốt nhất giữa thế giới đầy bất công này.
Thực tế trong cuộc sống, không ai muốn bản thân là người có lỗi cả, vì thế việc nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, và nhận trách nhiệm không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên với những người được giáo dục tốt ngay từ nhỏ thì việc thường xuyên đổ trách nhiệm cho người khác sẽ khó xảy ra hơn.
Trái lại, những người bị nuông chiều, không nhận thức được sai lầm thì trong đầu họ luôn có suy nghĩ bản thân là nạn nhân trong mọi vấn đề, người có lỗi là những người xung quanh. Khi gặp bất cứ vấn đề gì, câu cửa miệng của họ sẽ là “tôi vô tội”, “lỗi là ở anh/cô”, “tôi không làm gì sai cả”,… khiến những người liên quan cảm thấy vô cùng khó chịu.
Những ảnh hưởng tiêu cực mà tâm lý nạn nhân gây ra bao gồm:
- Sự thiếu trách nhiệm: Khi đã quen với việc đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ có nhận thức lệch lạc về đúng sai, và luôn nghĩ người khác là người có lỗi. Điều này dẫn đến sự vô trách nhiệm trong lời nói và hành vi, hành động không màng đến hậu quả, sự ích kỷ nhỏ nhen và thiếu đồng cảm với những người xung quanh trong mọi vấn đề. Sự thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến những hành vi sai trái và vi phạm pháp luật.
- Sự hoài nghi và tự ti vào cuộc sống: Khi coi mình là nạn nhân, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân không được chào đón, không được tôn trọng, không được hưởng những quyền lợi cần có. Vì thế, những người có tâm lý này sẽ cảm thấy thất vọng, tự ti và hoài nghi vào cuộc sống, cho rằng thế giới thật bất công. Những suy nghĩ này thường hình thành khi đối tượng chịu đựng những chấn thương tâm lý và sự bất công trong quá khứ, những ảnh hưởng tiêu cực này khiến họ hoài nghi và không tự tin vào bản thân.
- Tâm lý buông xuôi, dễ bỏ cuộc: Khi nhìn cuộc sống với cái nhìn tiêu cực, những đối tượng này không tìm thấy những điều tốt đẹp dành cho bản thân. Họ cũng không cố gắng thay đổi hiện thực, không cố gắng đạt đến mục tiêu mà bản thân đặt ra. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, bị người khác phê bình hay góp ý, người có tâm lý nạn nhân sẽ cam chịu, camt hấy tổn thương, và rất dễ buông xuôi, từ bỏ điều đang làm vì nghĩ bản thân bị chèn ép và không được công nhận.
- Cảm giác không hạnh phúc: Người có tâm lý nạn nhân nhìn nhận mọi thứ dưới cái nhìn tiêu cực, do đó họ cảm thấy không hạnh phúc, không tin tưởng những người xung quanh. Bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống của họ đều là do người khác tác động, do đó họ cũng dần thu mình lại, không giao tiếp với người quen hay người lạ. Người ngoài cũng cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc và chịu đựng những cảm xúc tiêu cực từ người có tâm lý nạn nhân, thế nên họ cũng lãng tránh. Chính điều này khiến những người có suy nghĩ tiêu cực lại càng cảm thấy tổn thương và bất hạnh hơn.
- Sự thù hận và đố kỵ vô lý: Một trong những điều đáng lo ngại của tâm lý nạn nhân là khi chúng biến thành sự thù hận và đố kỵ với mọi người. Thói quen coi bản thân là nạn nhân và đổ lỗi cho người khác có thể làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ vặn vẹo về nhiều sự kiện trong cuộc sống. Người có tâm lý nạn nhân có thể thù ghét và tìm cách trả thù người gây ra lỗi lầm với bản thân, bất chấp việc đối tượng không làm gì sai, vì cho rằng bản thân bị đối xử không công bằng, bị chèn ép,…
Tâm lý nạn nhân khiến con người có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, không có tinh thần cầu tiến, có thái độ vô trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, và có khả năng gây ra những hành vi nghiêm trọng vì suy nghĩ sai lệch của mình. Chính vì thế, những người rơi vào trường hợp này cần đi điều trị tâm lý để thay đổi suy nghĩ.
Cách ngăn ngừa và hạn chế ảnh hưởng
Để hạn chế sự hình thành của tâm lý nạn nhân, ngay từ nhỏ gia đình cần tôn trọng, yêu thương và giáo dục trẻ một cách đúng đắn. Không được đối xử bất công, đánh đập, bạo hành hay quá yêu thương và chiều chuộng trẻ, khiến tẻ có tâm lý lệch lạc khi lớn lên. Việc được giáo dục tốt sẽ khiến trẻ không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng tâm lý có hại này.
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần dạy trẻ cách nhận thức đúng sai, biết nhìn nhận vấn đề, và chịu trách nhiệm cho những hành vi của bản thân. Không nên cho trẻ ảo giác rằng bản thân không bao giờ có lỗi, khiến trẻ cảm thấy những người xugn quanh luôn phải chiều theo ý thích và suy nghĩ của mình.
Với những người bị ảnh hưởng nặng nề, và không thể tự thoát ra khỏi trạng thái tâm lý này do những chấn thương trong quá khứ thì nên đến gặp bác sĩ, hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn. Các phương pháp trị liệu tâm lý sẽ có ích cho quá trình khôi phục nhận thức đúng đắn, thoát khỏi trạng thái tiêu cực.
Hiện nay, liệu pháp hành vi-nhận thức sẽ là liệu pháp chính trong quá trình điều trị và cải thiện tình trạnh tâm lý nạn nhân. Thông qua những cuộc trò chuyện mặt đối mặt, bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý sẽ tìm ra những yếu tố ảnh hưởng, những chấn thương tâm lý hình thành nhận thức sai lệch, từ đó giúp người chịu ảnh hưởng thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực.
Người có cái nhìn bi quan và lệch lạc về cuộc sống sẽ được hướng dẫn cách nhìn nhận lại bản thân, nhận ra thái độ đổ lỗi cho người khác, cùng với việc chối bỏ trách nhiệm là hành vi sai trái. Khi đã nhận thức được sai lầm, họ sẽ được hướng dẫn thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý và bác sĩ cũng cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để người có suy nghĩ tiêu cực thả lỏng tinh thần, hòa nhập với cộng đồng, và biết cách nhận thức, suy nghĩ phù hợp trong các tình huống. Bên cạnh việc điều trị, những người có tâm lý nạn nhân cũng nên thay đổi bản thân bằng cách:
- Có tinh thần trách nhiệm, học cách nhìn nhận tình huống theo cái nhìn đa chiều. Mỗi một sự kiện xảy ra đều có nguyên nhận từ hai phía, thế nên hãy học cách nhìn nhận vấn đề khách quan hơn.
- Không nên có cái nhìn tiêu cực về những sự kiện xảy ra, hay bỏ qua những góp ý từ người khác. Hãy tiếp thu những góp ý mang tính tích cực để thay đổi bản thân.
- Thể hiện ý kiến của bản thân trong trường hợp có hiểu lầm, hoặc cảm thấy bất công, để có hướng giải quyết vấn đề tốt hơn.
- Không nên chấp nhất những vấn đề nhỏ nhặt, không đáng. Đương nhiên, bạn không được im lặng khi cảm thấy bản thân đang chịu bất công, hay khi lỗi lầm của người khác ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe hay thân thể của chúng ta. Việc bỏ qua những lỗi không đáng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, hạn chế những nguồn năng lượng tiêu cực.
- Đối xử với bản thân tốt hơn, tự tin vào khả năng và chấp nhận những thử thách trong cuộc sống, không nên than trời trách đất, không nên bỏ cuộc quá sớm khi chưa cố gắng hết mình.
- Có thể viết nhật ký, hoặc tâm sự với người tin tưởng về những vấn đề và khó khăn trong cuộc sống. Điều này không cghi3 giúp bạn thoải mái hơn, mà còn có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và tích cực hơn.
Tâm lý nạn nhân có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và cuộc sống, khiến chúng ta trở nên dễ tổn thương, suy nghĩ sai lệch, tự ti, không có động lực vượt qua khó khăn, và có thể thúc đẩy tình trạng stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc các hội chứng rối loạn tinh thần khác do tích tụ quá nhiều năng lượng tiêu cực trong cơ thể.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Làm sao để trở nên tự tin hơn?
- Trauma dumping là gì? Đừng quá dễ dàng chia sẻ cảm xúc cá nhân
- Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) và cách vượt qua
- Thao túng tinh thần (Gaslighting) là gì? Dấu hiệu nhận biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!