Hiệu ứng người ngoài cuộc và thái độ bàng quan trong cuộc sống
Hiệu ứng người ngoài cuộc là thuật ngữ để chỉ hiện tượng số lượng người chứng kiến sự kiện càng đông thì tỷ lệ giúp đỡ của họ sẽ càng giảm đi. Đây là một trong các hiệu ứng tâm lý thường gặp ở nhiều đám đông và chính là nguyên do khiến cho nhiều người chần chừ trong việc ứng cứu khẩn cấp.
Hiệu ứng người ngoài cuộc là gì?
Hiệu ứng người ngoài cuộc hay còn được gọi là hiệu ứng bàng quan (bystander effect) chính là thuật ngữ dùng để nói đến hiện tượng tâm lý của con người, khi số lượng người có mặt càng đông thì khả năng ứng cứu và giúp đỡ đối với người gặp nạn sẽ càng bị suy giảm. Nghe có vẻ khá vô lý nhưng đây thực chất là tâm lý chung của rất nhiều người và nó chính là nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta không thực hiện hành vi giúp đỡ đối với những người gặp nạn.
Nếu xảy ra một tình huống khẩn cấp, bạn nhìn thấy một người gặp tai nạn hoặc ức hiếp giữa đám đông thì bạn có sẵn sàng ra mặt để giúp đỡ? Đối diện với câu hỏi này, chắc hẳn phần lớn chúng ta đều có suy nghĩ rằng câu trả lời là có. Tuy nhiên, theo nghiên cứu tâm lý thì việc một người có can thiệp và giúp đỡ hay không còn phụ thuộc vào số lượng người chứng kiến và có mặt tại đó.
Trong thực tế, khi một sự việc tồi tệ nào đó đang diễn ra thì người quan sát sẽ có xu hướng hành động cao hơn nếu xung quanh chỉ có duy nhất hoặc rất ít người chứng kiến. Ngược lại, khi họ chỉ là một phần nhỏ của đám đông thì nhận thức về trách nhiệm sẽ càng suy giảm, nhiều người cho rằng mình là người ngoài cuộc, nếu họ không giúp đỡ thì những người khác sẽ hỗ trợ.
Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Latané và Rodin cho thấy rằng, có đến hơn 70% người sẽ sẵn sàng hỗ trợ phụ nữ gặp hạn nếu họ là người duy nhất chứng kiến sự việc. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng gần 40% người đưa ra lời đề nghị giúp đỡ khi họ ở cùng với rất nhiều người khác.
Cơ chế hoạt động của hiệu ứng người ngoài cuộc
Nhiều người hay cho rằng, đối với các tình huống khẩn cấp thì chúng ta sẽ nhanh chóng đưa ra được quyết định của mình chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, dựa theo kết quả của các nhà khoa học thì mỗi suy nghĩ và hành động của con người phải trải qua rất nhiều bước khác nhau, đồng thời nó cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình tâm lý xã hội.
Mô hình nhận thức đến hành động bao gồm 5 bước
Mô hình quyết định giúp đỡ (Decision Model of Helping ) sẽ giúp chúng ta tìm ra lời giải đáp thích hợp đối với quá trình đưa ra quyết định hỗ trợ, can thiệp đối với các tình huống nguy hiểm. Theo nhận định từ các chuyên gia thì trong những tình huống đòi hỏi sự giúp đỡ thì những người có mặt sẽ trải qua 5 bước sau:
- Nhận thức: Người chứng kiến cần phải nhận thức rõ về sự bất ổn của sự việc.
- Xác định: Cần phải xác định cụ thể về sự khẩn cấp của tình huống
- Đánh giá: Người ngoài cuộc cần tự đánh giá, nhận xét về trách nhiệm của bản thân với sự việc đó.
- Quyết định: Lựa chọn và quyết định về cách tối ưu để hỗ trợ.
- Hành động: Bắt đầu hành động dựa trên quyết định ban đầu.
Mặc dù mỗi chúng ta đều sẽ trải qua mô hình xử lý này nhưng mỗi người sẽ có cách hành động riêng biệt. Cũng bởi, không chỉ riêng về mô hình từ nhận thức đến hành động mà còn người có phải chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố tâm lý như:
- Phân tán trách nhiệm (Diffusion of responsibility): Do chứng kiến sự việc cùng với số lượng người đông đảo nên các áp lực về hành động của con người cũng sẽ dần giảm đi nên họ thường không có nhiều sự thôi thúc để hành động.
- Tác động xã hội (Social influence): Nói đến hành động đúng và nhận định chung của xã hội. Ví dụ khi đông đảo mọi người không có phản ứng với tình huống thì mỗi cá nhân sẽ xem việc hỗ trợ và hành động là không đúng, không phù hợp. Tâm lý con người luôn lo sợ việc việc bị đám đông đánh giá, phán xét và bàn tán nên hành động của họ cũng sẽ bị tác động nhiều bởi xã hội.
- Sự vô tri đa nguyên (Pluralistic Ignorance): Khả năng đánh giá sự nguy hiểm và khẩn cấp của tình huống thường sẽ phụ thuộc khá nhiều vào phản ứng của mọi người. Khi những người xung quanh có hành động thờ ơ, xem nhẹ tình huống thì bạn cũng có xu hướng coi đó là việc bình thường, không cần phải hành động.
Hiệu ứng người ngoài cuộc và những câu chuyện “vô cảm”
Hiệu ứng người ngoài cuộc là một trong những lý do lớn nhất gây nên sự “vô cảm” trong cộng đồng. Chắc hẳn bạn đã từng xuất hiện trong đám đông hoặc vô tình chứng kiến cảnh một người gặp nạn nhưng sự phản ứng của bạn lại phụ thuộc vào số lượng người hiện đang có mặt tại đó, bạn sẽ dễ hình thành suy nghĩ “Nếu bản thân không giúp đỡ thì vẫn còn nhiều người khác hỗ trợ”.
Do tâm lý luôn trở thành người ngoài cuộc nên đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra giữa cộng đồng và nạn nhân hoàn toàn không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Thậm chí có nhiều bài báo đặt ra câu hỏi “Con người có thực sự vô cảm đến thế?”.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách đây hơn 10 năm khi một bé gái 2 tuổi tại Trung Quốc bị tông bởi một chiếc xe tải và bị thương nằm ngay trên đường. Theo quan sát từ camera gần đó cho thấy rằng, có đến 18 người đi ngang qua và nhìn thấy sự việc nhưng không một ai dừng lại để giúp đó. Sau đó có một người đàn ông đã gọi cấp cứu và bé gái được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng cuối cùng vẫn không thể giữ được tính mạng.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, nhiều người thường hay nhắc đến vụ một nữ nạn nhân người Mỹ bị hiếp dâm ngay trên tàu cùng với sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh. Chi tiết đáng quan tâm là nhân chứng của sự việc đã cầm điện thoại để quay lại tất cả thay vì sử dụng nó để gọi cho người đến hỗ trợ, can thiệp.
Sự việc này không chỉ nói về tâm lý vô cảm của đám đông mà còn lên án về thái độ thờ ơ, xem thường sự an toàn của phụ nữ, coi nhẹ giá trị của phái yếu. Cụ thể vào năm 1964, một tờ báo nổi tiếng tại New York cũng đã đăng tải về vụ án sát hại thảm thương diễn ra ở Queens.
Theo đó, một người phụ nữ trẻ đã bị tấn công và bị đâm nhiều nhát vào cơ thể bởi một con dao sắc bén ngay tại trước tòa nhà mà cô sinh sống. Sự việc này đã được chứng kiến bởi 38 nhân chứng và họ đều nhìn thấy thủ phạm thực hiện hành vi tàn bạo này nhưng chỉ có duy nhất 1 người báo cảnh sát.
Đây cũng chính là một trong các ví dụ điển hình và phổ biến nhất khi nói về hiệu ứng người ngoài cuộc. Các nhà tâm lý càng khẳng định rõ hơn về khả năng giúp đỡ của cá nhân sẽ bị giảm đi bởi sự ảnh hưởng của số lượng người cùng chứng kiến sự việc.
Vì sao xuất hiện hiệu ứng người ngoài cuộc?
Để có thể lý giải cho hiệu ứng người ngoài cuộc, khiến nhiều người trở nên thờ ơ, lãnh cảm trước những sự việc khẩn cấp thì các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra 2 yếu tố cơ bản. Đó là sự phân tán trách nhiệm và nhu cầu xử lý mức độ phù hợp cùng với sự chấp nhận của xã hội.
Cụ thể, khi đối diện với những tình huống nguy hiểm, cần phải phản ứng và đưa ra quyết định can thiệp hay không thì còn người sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi số lượng những người cùng góp mặt. Trong thực tế, khi trách nhiệm chỉ đổ dồn lên duy nhất một mình bạn thì bạn sẽ có được thôi thúc nhiều hơn về hành vi của bản thân. Ngược lại, khi sự phân tán trách nhiệm được chia ra bởi số lượng người đông đảo thì bạn cũng sẽ dần giảm bớt các áp lực, từ đó không còn muốn hành động hoặc đùn đẩy sự hành động cho những người xung quanh.
Song song với đó, nhu cầu xử lý và đưa ra quyết định của mỗi cá nhân cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều về đánh giá, sự chấp nhận của xã hội. Nếu nhận thấy mọi người không có phản ứng và không đánh giá cao về mức độ nguy hiểm, cần thiết của sự việc thì bản thân những người còn lại cũng có xu hướng lùi bước, cho rằng hành động giúp đỡ là không phù hợp, thậm chí là dư thừa.
Một nguyên nhân khác có khả năng tạo ra hiệu ứng người ngoài cuộc đó chính là nhiều người không hiểu rõ về tình huống và không đánh giá được mức độ nguy hiểm của sự việc đang xảy ra. Cụ thể như vụ việc của cô gái bị sát hại tại chung cư, nhiều người nhân chứng đã chia sẻ về việc họ không nhận thức rõ được sự khẩn cấp của sự việc và nhiều người cũng cho rằng đó chỉ là cuộc cãi vã, mâu thuẫn của các đôi tình nhân.
Cách để thoát khỏi thái độ bàng quan do hiệu ứng người ngoài cuộc
Hiểu rõ về đặc điểm và tính chất của hiệu ứng người ngoài cuộc chính là bước quan trọng nhất để bạn có thể tìm kiếm những biện pháp can thiệp và khắc phục nó. Bạn cần hiểu rõ vì sao các quyết định và hành động của bạn lại bị cản trở, từ đó bạn mới có ý thức rõ hơn về bản thân và dễ dàng kiểm soát, vượt qua được thái độ thờ ơ, bàng quan với sự việc cần được hỗ trợ.
Cụ thể, để thoát khỏi hiệu ứng người ngoài cuộc, tránh trở thành người vô tâm, lãnh cảm thì bạn cần thực hiện các bước sau đây khi chứng kiến các sự kiện khẩn cấp và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động.
1. Nhận biết và đánh giá đúng về sự việc
Như đã chia sẻ, nhiều người không thể nhận ra mức độ nguy hiểm và cần thiết đối với các sự việc xảy ra xung quanh. Đôi khi không phải họ thờ ơ hoặc cho rằng mình là người ngoài cuộc mà thực chất là bản thân họ không hiểu rõ về tình huống đang xảy ra hoặc có những nhận định chưa thực sự phù hợp với các sự việc đso.
Nếu một người không biết rõ vấn đề đang xảy ra thì họ có thể không quan tâm và tất nhiên sẽ không có nhu cầu muốn được can thiệp và giúp đỡ. Cụ thể có rất nhiều người do mãi suy nghĩ về một vấn đề nào đó và khi đi ngang qua một sự việc, một nạn nhân đang cần sự giúp đỡ nhưng họ không để ý, không quan sát thì họ sẽ không thể nhận biết được rằng ai đó đang cần sự hỗ trợ.
2. Nâng cao trách nhiệm cá nhân
Hiệu ứng người ngoài cuộc xảy ra bởi nhiều người cho rằng bản thân không có trách nhiệm cao về việc phải đưa ra hành động và phản ứng với sự việc đang diễn ra. Khi càng có nhiều người chứng kiến thì sự phân tán trách nhiệm sẽ càng rộng rãi, từ đó chúng ta luôn có tâm lý rằng bản thân là người ngoài cuộc và có rất nhiều sự hỗ trợ khác đến từ mọi người xung quanh.
Chính vì thế, để giảm bớt nguy cơ rơi vào hiệu ứng người ngoài cuộc, chúng ta cần học cách nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình đối với các sự việc cần giúp đỡ. Bạn cần hiểu rằng, dù có rất nhiều người có mặt ở đó nhưng bản thân bạn cũng là một phần đóng góp và nếu nhận thấy đó là tình huống khẩn cấp thì cần phải nhanh chóng hành động, can thiệp phù hợp.
3. Xác định cách giúp đỡ phù hợp
Sau khi nhận biết và xác định rõ sự việc, trách nhiệm của bản thân thì việc tiếp theo bạn cần làm đó chính là tìm kiếm cách giúp đỡ phù hợp. Đôi khi nếu cách hỗ trợ của bạn không đúng đắn thì sự việc còn có khả năng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn so với ban đầu.
Ví dụ, nếu bạn chứng kiến cảnh một người đang bị đe dọa bằng dao và nếu bạn là cô gái yếu đuối thì cách tốt nhất là gọi hỗ trợ từ cảnh sát, cơ quan chức năng hoặc những người có sức khỏe xung quanh. Nếu bạn trực tiếp lao vào thì nhiều khả năng bạn cũng có thể trở thành đối tượng bị uy hiếp hoặc thậm chí khiến cho nạn nhân đối diện với những tình huống tiêu cực hơn.
Lưu ý: Trong các tình huống bạn chính là nạn nhân cần sự giúp đỡ thì để tránh phải đối diện với thái độ bàng quan của những người ngoài cuộc thì bạn hãy tìm cách trao đổi ánh mắt với một người cụ thể nào đó trong đám đông. Hãy nhìn thẳng vào mắt của đối phương và thể hiện rằng bạn đang rất cần sự trợ giúp của họ. Đây chính là cách đánh thức trách nhiệm và ngăn chặn việc một cá nhân rơi vào hiệu ứng người ngoài cuộc, thôi thúc họ hành động, trao cơ hội giúp đỡ đối với bạn.
Hiệu ứng người ngoài cuộc có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và trong bất kỳ tình huống nào. Đây chính là lý do phổ biến khiến cho nhiều người “ngại” hành động, can thiệp vào các sự việc khẩn cấp khi số lượng người cùng chứng kiến càng đông. Hy vọng qua thông tin của bài viết, bạn đọc sẽ hiểu thêm về hiệu ứng tâm lý này và có các khắc phục, thoát khỏi nó hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Làm sao để trở nên tự tin hơn?
- Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự
- Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý né tránh những thông tin tiêu cực
- Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!