Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting): Nguyên nhân và Giải pháp
Cảm xúc cùn mòn là một trạng thái tê liệt về mặt cảm xúc có thể liên quan đến các bệnh lý tâm thần hoặc là hệ quả của quá trình sử dụng thuốc điều trị lâu ngày. Tình trạng này khiến cho con người không cảm nhận rõ về những cảm xúc vui buồn, hạnh phúc, đau khổ thông thường, họ dần mất kết nối với xã hội và trở nên cô lập.
Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting) là gì?
Cảm xúc cùn mòn hay còn gọi là tê liệt cảm xúc, tên tiếng Anh là Emotional Blunting là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ đến sự mất cảm giác hoặc hạn chế về khả năng cảm nhận, phản ứng lại với cảm xúc của một người. Đây có thể được xem là một trong các cơ chế giúp con người đối phó lại những cảm xúc tiêu cực, tồi tệ xuất hiện xoay quanh cuộc sống. Tuy nhiên, đồng thời nó cũng ngăn chặn khả năng cảm nhận về hạnh phúc, niềm vui sướng, hứng thú của một người.
Thông thường, trong những lúc mệt mỏi, căng thẳng và bế tắc, chúng ta thường rơi vào trạng thái trống rỗng, mất phương hướng ở một giai đoạn ngắn. Đây được xem là một trong các trạng thái phổ biến mà hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua ít nhất một lần trong cuộc đời. Chúng thường tồn tại trong giai đoạn ngắn và cũng là một trong những cách để bảo vệ bạn tránh khỏi những tổn thương, đau khổ về cả tinh thần lẫn thể chất.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, cảm xúc là một phần thiết yếu luôn cần có trong cuộc sống. Nó chính là sự cảm nhận và phản hồi tự động của con người để bảo vệ cho bản thân, tạo thêm những động lực để hành động, quyết đoán. Theo đó, một nghiên cứu nhận thấy, con người có xu hướng nắm giữ tối thiểu một loại cảm xúc trong khoảng hơn 90% tổng thời gian, đặc biệt cảm xúc tích cực sẽ được gia tăng gấp 2.5 lần so với cảm xúc tiêu cực.
Tuy nhiên, khi các cảm xúc trở nên quá tải và vượt quá mức chịu đựng của một người thì nó có thể gây ra tình trạng tê liệt, cảm xúc cùn mòn. Lúc này, bạn sẽ không còn cảm nhận rõ về những cảm xúc xuất hiện xung quanh, kể cả những sự tích cực hay tiêu cực. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì đây chính là quá trình tâm lý và cảm xúc khi chúng ta bắt đầu đóng lại những cảm nhận của bản thân về thế giới xung quanh.
Tình trạng này gây nên sự tách rời và xa cách giữa con người với xã hội, thực tại. Nếu không sớm được can thiệp và vượt qua được trạng thái tê liệt cảm xúc thì chúng ta sẽ dần bị hạn chế về các mối quan hệ, những khả năng duy trì đời sống, sinh hoạt hàng ngày cũng từ đó suy giảm, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần và sức khỏe thể chất.
Nguyên nhân gây ra cảm xúc cùn mòn
Có rất nhiều nguyên nhân được nhắc đến khi nói về cảm xúc cùn mòn. Trạng thái tê liệt này thường không chỉ diễn ra bởi một yếu tố mà nó chính là sự kết hợp của nhiều hoạt động làm đánh mất khả năng cảm nhận cảm xúc của con người.
Ở mỗi tình trạng khác nhau sẽ có những nguyên nhân, câu chuyện riêng để giải thích cho sự mất cắp cảm xúc và đôi khi sự tê liệt này đến một cách đột ngột khiến chúng ta không thể xác định rõ ràng về lý do, không chắc chắn về những yếu tố tác động đã có từ trước đó. Cụ thể, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra tình trạng cảm xúc cùn mòn như:
1. Tổn thương tâm lý từ thuở bé
Các vấn đề tổn thương tâm lý xảy ra từ thời thơ ấu được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng tê liệt về cảm xúc, khiến nhiều người dần mất đi phản ứng với những cảm xúc thông thường. Nếu trong quá khứ họ đã từng đối diện với những cảm xúc vượt qua giới hạn của bản thân và gây ám ảnh cho đến hiện tại thì họ cũng sẽ dần bị hạn chế về khả năng phản ứng lại với cảm xúc, từ đó hình thành Emotional Blunting.
Ví dụ, nếu trong thời thơ bé bạn đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục thì vết cắt tâm lý này có thể theo bạn trưởng thành và từng bước phân tách bạn ra khỏi những phản ứng về cảm xúc. Bạn có xu hướng tránh né các hoạt động gần gũi với những người xung quanh và sự phân ly này phát triển trong suốt một khoảng thời gian dài khiến cho bạn bị thiếu hụt về cảm xúc, đôi lúc bạn cũng không còn nhớ rõ nguyên nhân sâu xa của nó là gì.
2. Sử dụng các chất kích thích
Một số loại chất kích thích cũng có khả năng gây ra những biến đổi nghiêm trọng về tâm trạng, khiến cho nhiều người dần mất đi khả năng phản ứng cảm xúc. Nhiều người thường lạm dụng các chất kích thích để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, tồi tệ xảy ra trong cuộc sống nhưng khi sử dụng trong thời gian dài, các chất này có thể làm tê liệt hoạt động của những dây thần kinh cảm xúc, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt cảm xúc.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Tương tự như các chất kích thích, chất gây nghiện, việc sử dụng một số loại thuốc điều trị cũng có khả năng gây ra trạng thái cảm xúc cùn mòn ở nhiều người. Theo đó, kết quả một cuộc nghiên cứu khoa học chia sẻ rằng, thuốc escitalopram – một chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin thường được chỉ định cho người bệnh trầm cảm có thể là nguyên nhân gây ra Emotional Blunting.
Trong nghiên cứu nhận thấy rằng, phần lớn người bệnh được sử dụng loại thuốc này đều có ít phản ứng với các cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Kết quả nhận thấy có từ 40 đến 60% các trường hợp người bệnh trầm cảm sử dụng thuốc SSRI đều bị suy giảm về khả năng phản ứng cảm xúc, rơi vào trạng thái cùn mòn cảm xúc ở các mức độ khác nhau.
Các chuyên gia cho biết rằng, tác dụng phụ này có thể dần được cải thiện sau khoảng vài tuần dùng thuốc nhưng cũng có trường hợp cần phải được can thiệp để giúp bệnh nhân cải thiện tốt những bất ổn về phản ứng cảm xúc. Thông thường, thuốc chống trầm cảm cần được sử dụng đúng theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng hoặc ngừng uống thuốc đột ngột.
4. Ảnh hưởng từ các rối loạn tâm thần
Trầm cảm và rối loạn lo âu là hai bệnh lý tâm thần có khả năng ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của con người. Căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, tiêu cực quá mức có thể làm thôi thúc hành vi bảo vệ cảm xúc của nhiều người và khiến cho họ hình thành nên bức tường chắn để chống chọi lại các tác động tiêu cực của những bệnh lý nguy hiểm, từ đó làm gia tăng nguy cơ dẫn đến cùn mòn cảm xúc.
5. Sang chấn tâm lý
Các vấn đề tổn thương như mất người thân, phá sản, ly hôn, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo có thể khiến con người trải qua các cảm xúc vô cùng tồi tệ và luôn bị ám ảnh bởi điều đó. Nhiều người không đủ kinh nghiệm và khả năng để chống chọi, vượt qua được những sang chấn, mất mát to lớn sẽ dần trở nên cảnh giác, tách biệt và thu mình với thế giới bên ngoài.
Nhiều trường hợp do đau buồn quá độ đã dần quên mất đi cách buồn, cách đau khổ và cả sự hạnh phúc. Họ thậm chí còn không biết cách thể hiện sự tức giận, phẫn nộ của bản thân với những người xung quanh. Cuộc sống của họ dần trở nên vô vị, tẻ nhạt vì thiếu hụt đi cảm xúc, họ bắt đầu sống như một pho tượng và chết dần chết mòn về mặt cảm xúc.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tình trạng tê liệt cảm xúc thường đi kèm với những rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Sau khi trải qua những sự kiện đau thương, mất mát nghiêm trọng, nhiều người thường chọn cách tránh né dòng cảm xúc tiêu cực và chôn vùi nỗi đau của mình, điều này khiến họ dần chối bỏ sự phản ứng tự nhiên của bản thân và dễ bị cùn mòn cảm xúc.
Cách nhận biết bạn đang rơi vào trạng thái cảm xúc cùn mòn
Sự tê liệt về cảm xúc thường khá khó nhận biết bởi đôi khi chúng ta cũng rất cần sự hiện diện của nó trong đời sống để xem như một vũ khí bảo vệ bản thân tránh khỏi những tác động tiêu cực từ cảm xúc. Tuy nhiên, nếu tình trạng này liên tục kéo dài sẽ khiến cho con người dần mất đi sự kết nối, thậm chí làm gia tăng các vấn đề sức khỏe thần kinh nguy hiểm khác. Do đó, để nhận biết bạn có đang rơi vào trạng thái cùn mòn cảm xúc hay không, hãy dựa vào những dấu hiệu sau:
- Không có xu hướng và khả năng bộc lộ cảm xúc của bản thân, dù là tiêu cực hay tích cực.
- Sống một cách tự động hóa, tồn tại phẳng lặng, vô cảm.
- Có sự tách rời vào cuộc sống, thụ động trong hầu hết các hoạt động.
- Xa cách, tách biệt với những người xung quanh.
- Không có nhu cầu được chia sẻ và lắng nghe.
- Cảm thấy cuộc sống nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt.
- Không có khả năng xây dựng và kết nối, thường lẩn tránh các buổi gặp mặt, vui chơi, chia sẻ.
- Không có sự hứng thú và quan tâm đến các vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
- Không thích sự phản ứng quá mạnh mẽ về mặt cảm xúc của người khác.
- Không có cảm xúc đặc biệt gì với các tình huống vui buồn trong đời sống.
- Rất ít hoặc thậm chí không tỏ ra tức giận, khó chịu với bất kỳ ai.
- Luôn cảm thấy đầu óc trống rỗng, mơ hồ.
- Cảm thấy hoảng sợ, hoảng loạn khi xuất hiện các cảm xúc mạnh.
- Tồn tại cảm nhận về cơ thể thông qua cảm giác nhưng không phản ứng bằng tâm trí.
- Không biết yêu ghét.
Cảm xúc cùn mòn và những ảnh hưởng của nó
Trong thực tế thì việc tê liệt cảm xúc cũng không hẳn là một trong các vấn đề quá nguy hiểm đối với hầu hết mọi tình huống. Đối với những giai đoạn bạn cần bảo vệ cảm xúc và duy trì ranh giới của bản thân với những điều tiêu cực thì Emotional Blunting cũng có thể được xem là phương pháp tốt để tránh được các hệ lụy nguy hiểm, tồi tệ có thể xảy ra, nhất là việc thôi thúc các hành vi tiêu cực, không đúng đắn.
Tuy nhiên, như đã chia sẻ, cảm xúc là một trong các yếu tố then chốt góp phần quan trọng tạo nên cuộc sống của mỗi con người. Chính vì thế, việc bị cùn mòn cảm xúc cũng sẽ gây nên những ảnh hưởng và trở ngại to lớn đối với đời sống của chúng ta.
Đối với những người bị thiếu hụt, hạn chế hoặc thậm chí tách rời khỏi cảm xúc cá nhân thì họ sẽ dần mất đi sự kết nối với những người xung quanh, trở nên cô lập với xã hội. Những trường hợp này vẫn có thể duy trì được các sinh hoạt đời sống nhưng họ dường như trở thành một “cái xác không hồn”, làm việc một cách máy móc, thiếu sự tương tác giữa người với người.
Những người bị cùn mòn cảm xúc thường rất cô đơn và khó có thể duy trì tốt các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống, kể cả những mối quan hệ thân thiết trong cùng một gia đình. Họ sống một cách tẻ nhạt hoặc thậm chí có thể bị tẩy chay vì thái độ thờ ơ, vô cảm của mình với hầu hết những hoạt động, sự kiện xảy ra xung quanh.
Bên cạnh đó, những người bị tê liệt cảm xúc không đồng nghĩa với việc họ không cảm nhận được những cảm xúc bên ngoài. Đôi khi họ có xu hướng ép buộc bản thân phải chống chọi, che giấu việc đó và dần giết hại chính mình bằng những rào cản trong việc bộc lộ cảm xúc thật. Đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cảm xúc cùn mòn cũng có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ tự sát ở nhiều người, nhất là các trường hợp có kèm theo những rối loạn tâm lý, sang chấn mạnh mẽ.
Làm thế nào để vượt qua Emotional Blunting?
Tương tự như các vấn đề sức khỏe tâm lý khác, cảm xúc cùn mòn cũng được xem là cơ chế bảo vệ tâm lý phức tạp và cần được hỗ trợ can thiệp trong giai đoạn sớm. Sự tê liệt, tách biệt về mặt cảm xúc gây nên nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống, sức khỏe, các mối quan hệ của con người nên sẽ được khuyến khích cải thiện bằng các biện pháp sau đây:
1. Chấp nhận và cam kết trị liệu
Việc đầu tiên cần phải làm để giúp bạn vượt qua được sự tê liệt cảm xúc đó chính là chấp nhận và cam kết trị liệu. Đây là phương thức trị liệu hiệu quả luôn được ưu tiên áp dụng để giúp cho chúng ta từng bước đối mặt và chấp nhận những cảm xúc thực sự của bản thân.
Đặc biệt là đối với các trường hợp cùn mòn cảm xúc có liên quan đến PTSD thì người bệnh thường có nhiều xu hướng tránh né, lẩn trốn cảm xúc tiêu cực của bản thân, luôn muốn tự lừa dối hoặc tạo ra rào cản trong việc bộc lộ chúng. Do đó, việc áp dụng phương thức trị liệu ACT – chấp nhận và cam kết trị liệu sẽ giúp bệnh nhân dần thấu hiểu hơn về cảm xúc của chính mình, học cách chấp nhận và cam kết cải thiện, cân bằng nó hiệu quả.,
2. Trị liệu tâm lý
Trong những năm trở lại đây, trị liệu tâm lý chính là phương pháp can thiệp hiệu quả và an toàn được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các trường hợp gặp vấn đề về tâm lý, tâm thần, cảm xúc. Phương pháp này hoàn toàn không sử dụng đến thuốc điều trị mà chủ yếu sẽ lấy ngôn ngữ giao tiếp làm công cụ chính để tiếp cận và thay đổi những triệu chứng tiêu cực, chưa phù hợp của từng bệnh nhân.
Thông qua các buổi trị liệu trực tiếp giữa khách hàng và chuyên gia tâm lý, sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân, nguồn gốc cốt lõi gây ra sự thiếu hụt về phản ứng cảm xúc và từng bước tìm cách vượt qua nó hiệu quả. Phương thức trị liệu này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân, họ dần loại bỏ tốt nguyên nhân và học cách nâng cao khả năng phản ứng cảm xúc, bộc lộ tâm trạng một cách hiệu quả, lành mạnh nhất.
Hiện nay, với các trường hợp bị cùn mòn cảm xúc, chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT) để giúp bệnh nhân nhận ra những cảm xúc của bản thân và đối với với những rào cản to lớn về sự cảm nhận. Người bệnh sẽ dần được trang bị tốt các kỹ năng đối phó lành mạnh với những cảm xúc mạnh mẽ để họ có cái nhìn tích cực hơn trong việc cảm nhận, phản ứng hiệu quả với những cảm xúc thường trực của chính mình.
3. Các biện pháp hỗ trợ khác
Bên cạnh việc áp dụng tốt các biện pháp can thiệp nêu trên thì bản thân người bệnh cũng cần phải biết cách xây dựng lại đời sống lành mạnh, tích cực của chính mình. Mỗi người sẽ có khả năng quản lý, đương đầu với cảm xúc khác nhau và chính bạn là người cần phải chủ động trong việc nắm bắt, bộc lộ cảm xúc cá nhân.
Cụ thể, một số biện pháp cần được duy trì thực hiện để giúp bạn vượt qua trạng thái cùn mòn cảm xúc như:
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn lành mạnh để giảm bớt những áp lực, căng thẳng, lo lắng, phiền muộn,…Đôi lúc hãy để bản thân được tận hưởng và cảm nhận cuộc sống một cách chậm rãi theo cách của riêng bạn, tắt hết những thiết bị công nghệ và nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng, bình yên.
- Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho biết rằng, việc giúp cơ thể vận động lành mạnh mỗi ngày chính là phương pháp hiệu quả, an toàn giúp bạn có được một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng, dễ dàng xua tan những lo âu, muộn phiền, mệt mỏi,…
- Học cách chia sẻ, tâm sự với những người xung quanh. Bạn bè, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc của mỗi con người, thay vì bạn cứ cố gắng che giấu đi cảm xúc của bản thân thì hãy thoải mái chia sẻ nó với những người mà bạn thực sự tin tưởng. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất giúp bạn đánh bại sự tê liệt về cảm xúc, đồng thời gia tăng sự hỗ trợ, đồng cảm và chữa lành những vết thương tâm hồn.
- Viết nhật ký là một trong những thói quen đã được công nhận về hiệu quả trong cách giải tỏa cảm xúc. Hãy viết ra giấy về những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, tồi tệ của bản thân như một cách để bộc lộ nó. Mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 10 phút để viết ra một điều gì đó mà bạn đang trăn trở cũng giúp bạn dần loại bỏ tốt những cảm xúc tiêu cực, tồi tệ. Hoặc viết ghi chép lại những điều tích cực, vui vẻ hàng ngày cũng là một cách tốt để bạn nuôi dưỡng tâm hồn, gia tăng cảm xúc cho bản thân.
- Thiền định cũng được xem là một trong các biện pháp có tác dụng cải thiện tốt về tình trạng cùn mòn cảm xúc ở nhiều đối tượng khác nhau. Ngồi thiền giúp bạn tĩnh tâm, xua tan những áp lực, căng thẳng, âu lo, mệt mỏi và duy trì tốt trạng thái yên tĩnh, tích cực. Ngồi thiền mỗi ngày sẽ giúp bạn dần cân bằng được trạng thái tâm lý, tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi cảm xúc tồi tệ và vượt qua được sự tách biệt cảm xúc.
- Trò chuyện với “đứa trẻ bên trong” bạn để tự an ủi, chữa lành những vết thương tâm hồn đã được chôn giấu trong thời gian qua. Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân về việc bạn cần được sống và cảm nhận cuộc sống thông qua những cảm xúc vui buồn, chán nản, hạnh phúc và hãy luôn lặp lại mỗi ngày về việc bạn có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực, vỗ về những tổn thương để cân bằng tâm trạng tốt hơn.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để có được một sức khỏe tinh thần và thể chất thật tích cực.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting) cùng những cách giúp bạn vượt qua được trạng thái tê liệt này. Với cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng như hiện nay, đôi lúc chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tách biệt về cảm xúc, tuy nhiên nếu biết cách cân bằng, kiểm soát cảm xúc hiệu quả thì bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm
- Lợi Ích Của Việc Kiểm Soát Cảm Xúc Trong Công Việc Và Cuộc Sống
- Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc: Dấu hiệu và Cách điều trị
- Nhiễu loạn cảm xúc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị
- Rối loạn cảm xúc: biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!