Hiệu ứng khan hiếm: Tâm lý luôn đề cao những thứ hiếm có
Hiệu ứng khan hiếm đẩy giá trị của vật phẩm lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của chúng, cũng như thu hút nhiều người tiêu dùng hơn lựa chọn sản phẩm. Đây là một hiệu ứng dựa trên tâm lý luôn đề cao những thứ hiếm có ở con người. Cùng tìm hiểu về hiệu ứng này trong bài viết dưới đây để biết lý do vì sao, hiệu ứng khan hiếm lại mang đến nhiều lợi ích trong kinh doanh.
Đôi điều về hiệu ứng khan hiếm
Sự khan hiếm của một vật khiến chúng ta nâng tầm giá trị của chúng hơn so với giá trị thực tế. Con người có xu hướng thỏa mãm và cảm thấy vui vẻ hơn khi sở hữu những thứ quý hiếm và ít người có. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa họ và những người còn lại. Vì thế, những thứ khan hiếm luôn được đánh giá cao và là đối tượng cướp đoạt của những người có tiền, ví dụ như hàng giới hạn.
Trong khi đó, những thứ đại trà lại có giá trị thấp hơn nhiều. Mặc dù chất lượng hai món đồ có thể không quá chênh lệch, nhưng chính sự khan hiếm khiến một món đồ bỗng nhiên có giá trị sưu tầm và sử dụng hơn hẳn những món đồ khác. Hiệu ứng khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về giá trị hàng hóa, mà còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.
Sự khan hiếm của một món hàng ở đây không chỉ nói đến số lượng hàng cực nhỏ, hay hàng chất lượng cao, mà còn thể hiện ở lượt mua và số lượng tồn kho. Ví dụ, bạn nhìn thấy một món hàng liên tục cháy hàng trên sàn giao dịch, với số lượng bán ra mỗi lần đều rất nhỏ. Bạn sẽ cảm thấy chắc chắn đây là hàng tốt, vì số lượng hàng ít và nhiều người lùng mua. Bạn sẽ tìm mọi cách để mua sản phẩm, dù với mức giá cao hơn.
Ngoài ra, việc đưa ra những sản phẩm giới hạn theo mùa, hoặc chỉ trong một giai đoạn nhất định, cũng sẽ tạo nên hiệu ứng khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp đưa ra những món đồ theo mùa với số lượng cực ít, và mỗi năm sẽ tiến hành đổi mẫu mới. Điều này kích thích tâm lý mua hàng của đám đông với suy nghĩ “không mua thì không còn cơ hội mua nữa”. Và thế là họ bất chấp tất cả để có được món hàng giới hạn.
Một số vật phẩm như kim cương có số lượng bán ra ít, giá trị cao. Chưa kể những viên kim cương thật còn cần giấy kiểm nghiệm chất lượng cho từng viên để ngăn chặn hàng giả. Chính điều này khiến giá trị của kim cương trong mắt người dùng trở nên đáng giá hơn nhiều. Ngoài ra, việc đưa kim cương trở thành một trong những món đồ hiếm và có giá trị đắt đỏ là cả một câu chuyện dài phía sau.
Vì sao hiệu ứng khan hiếm có thể ảnh hưởng đến ta?
Sự có hạn của đồ vật và nhu cầu vô hạn của con người muốn sở hữu chúng là nguyên nhân cốt lõi sinh ra hiệu ứng khan hiếm. Cán cân cung cầu thật sự không dễ để cân bằng. Sẽ có những lúc, nguồn lực sản xuất không đủ để tạo ra số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, tình trạng hàng hóa khan hiếm là điều khó tránh khỏi, vì nhà sản xuất không thể thỏa mãn nhu cầu của mọi khách hàng.
Hiệu ứng khan hiếm mang đến những tác động vô cùng mạnh mẽ đến tâm lý và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Mặc dù chúng ta nhận thức được rằng mình đang bị ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý này, nhưng bạn vẫn không thể ngăn bản thân đề cao giá trị của món hàng, hoặc chấp nhận lựa chọn những dịch vụ giới hạn với mức giá cao. Dưới đây là một số ảnh hưởng của hiệu ứng khan hiếm đến tâm lý chúng ta.
1. Tâm lý muốn nâng cao vị thế xã hội
Việc sở hữu những món đồ hiếm hoi, đắt đỏ là một cách chúng ta thể hiện sự quyền lực, giàu sang và vị thế xã hội của bản thân. Đó là lý do nhiều người không tiếc tiền cũng muốn có cho mình những món đồ giới hạn với mức giá cao ngất. Những người không có cơ hội, hoặc không có đủ tiềm lực tài chính để sỡ hữu món hàng sẽ cảm thấy hâm mộ những người sở hữu món đồ. Từ đó, vị thế của chúng ta sẽ được nâng cao.
Ngoài ra, từ ngày xưa con người đã có tâm lý là những thứ hiếm có và đắt đỏ chỉ phù hợp với những người ở địa vị cao trong xã hội. Do đó, cách tốt nhất để nâng tầm bản thân là có được những món đồ mà không phải ai cũng có cơ hội có được. Những viên kim cương to lớn nhất thế giới, những siêu xe bản giới hạn, hay những món đồ làm riêng để kỉ niệm một dịp nào đó vơi số lượng ít ỏi luôn là mục tiêu tranh đoạt.
2. Nhu cầu quá lớn của người dùng
Đôi khi hiệu ứng khan hiếm xuất hiện là do nhu cầu quá lớn của người tiêu dùng. Ví dụ, người hâm mộ của một nghệ sĩ nổi tiếng vô tình nhìn thấy thần tượng mang đôi giày của một hãng sản xuất không tiếng tăm, và thế là họ đổ xô đi mua hàng với số lượng lớn. Hãng sản xuất luôn sản xuất hàng với số lượng nhất định, do đó họ không dự đoán được là sản phẩm của bản thân lại trở nên hot như vậy trong thời gian ngắn.
Kết quả là khách hàng ở thế chủ động, trong khi nhà sản xuất và nơi cung ứng lại ở thế bị động. Lượng hàng yêu cầu quá lớn nhưng nguyên liệu và nhân lực làm ra sản phẩm lại rất hạn chế. Từ đó, những sản phẩm bình thường bỗng trở nên khan hiếm và đắt giá hơn. Ngoài ra, nhu cầu của khách hàng cũng là điều khó đoán trước. Vì thế tại một thời điểm nào đó, bất cứ mặt hàng nào cũng có thể trở nên khan hiếm.
Tình trạng này cũng xảy ra với những mặt hàng hợp tác giữa những thương hiệu lớn với nhau. Thông thường những lần hợp tác này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, và có kèm nhiều vật dụng khuyến mai độc quyền. Số lượng sản phẩm có hạn, nhưng lượng người mua rất nhiều. Từ đó dẫn đến việc những mặt hàng này không chỉ cháy hàng nhanh chóng, mà giá trị còn tăng hơn nhiều so với bình thường.
3. Tâm lý ưa thích sự hiếm có
Những thứ càng hiếm có thì càng thú vị, càng có giá trị sưu tầm và cất giữ. Thậm chí những món đồ bị lỗi trong sản xuất cũng có thể trở thành một thứ hiếm có và mang giá trị cao. Đơn giản bởi vì lỗi sai sẽ không lặp lại tương tự, nên những món đồ này là thứ duy nhất giữ được sự đặc biệt, và không lẫn với những món đồ khác. Những món này không đắt như những sản phẩm cao cấp, nhưng lại bị giới hạn số lượng.
Tâm lý ưa thích sự hiếm có rất dễ nhận thấy ở những người có đam mê sưu tập. Những bộ sưu tập tem, đồng xu, tiền giấy, nắp chai, vỏ chai,… của những người sưu tầm chuyên nghiệp có rất nhiều thứ hiếm có. Đó có thể là những con tem kỉ niệm một sự kiện lớn với lượng phát hành chỉ vài chục chiếc, hay những đồng xu chỉ lưu hành trong một thời gian ngắn rồi bị tiêu hủy. Giá trị của chúng nằm ở sự hiếm có, và không bao giờ xuất hiện lại.
4. Tâm lý sợ bỏ lỡ thời cơ
Có một sự thật là những món đồ giới hạn, hoặc những mặt hàng nhanh chóng hết hàng, hầu hết là những sản phẩm chỉ ra mắt trong một thời gian nhất định. Việc bị giới hạn thời gian khiến ta buộc bản thân phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Nếu bây giờ không mua, ta sẽ không bao giờ có cơ hội sở hữu chúng, hoặc buộc phải mua hàng nhượng lại với giá cao. Tâm lý sợ bỏ lỡ thời cơ này khiến lượng đặt hàng tăng cao.
Ảnh hưởng tốt và xấu của hiệu ứng khan hiếm
Hiệu ứng khan hiếm mang đến danh tiếng và lợi nhuận cao cho các nhà sản xuất. Đầu tiên, việc mọi người đổ xô đi mua một sản phẩm khan hiếm có thể giúp nhãn hàng được biết đến nhiều hơn, và trở nên nổi tiếng thông qua sự truyền miệng của đám đông. Những mặt hàng có giới hạn trong thời gian ngắn cũng giúp thương hiệu trở thành nhãn hàng được săn đón.
Việc sản xuất hàng hóa với phiên bản giới hạn cũng làm thỏa mãn thú vui của những người người đam mê sưu tầm những món đồ độc nhất vô nhị. Đây cũng là cách nhãn hàng cao cấp tri ân những khách hàng thân thiết, và giữ được lòng trung thành của họ với nhãn hàng. Một số sản phẩm đặc biệt chỉ có thể mua với những điều kiện nhất định, từ đó kích thích thêm sức mua hàng của khách.
Hiệu ứng khan hiếm mang đến lợi nhuận cao cho các nhà sản xuất, nhưng lại khiến người tiêu dùng buộc phải mua hàng với mức giá cao. Những kẻ đầu cơ tích trữ cũng có thể lợi dụng tình trạng này để thu mua hàng hóa số lượng lớn trong thời gian mở bán giới hạn, sau đó bán tuồn ra thị trường với giá cắt cổ. Những người mua thì chấp nhận mọi giá tiền, miễn là có được món đồ mình muốn.
Hiệu ứng tâm lý này cũng có thể tạo ra những cơn khủng hoảng, khi chúng ta tốn quá nhiều tiền mua những thứ không quá cần thiết. Ví dụ trong đợt Co-vid vừa qua, khẩu trang có giá rất cao nhưng lại luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Người dân bất chấp mua hàng với giá cắt cổ để mua một số lượng lớn tích trữ dùng dần. Sau một thời gian, mọi thứ bình thường trở lại thì số khẩu trang đã mua vẫn chưa dùng hết.
Trong tình huống này, tình trạng khan hiếm khẩu trang khiến người dân có tâm lý rằng, nếu bây giờ không mua thì không bao giờ có. Vì thế họ chấp nhận mua với giá gấp 5, gấp 10 bình thường. Nhưng sau một thời gian ngắn, khi giá cả bình ổn và hàng hóa luân chuyển bình thường, mọi người mới nhận ra bản thân đã mua quá nhiều khẩu trang quá cao không cần thiết. Đây là một trong những ảnh hưởng của việc khan hiếm đến nhu cầu mua sắm.
Những rủi ro gặp phải khi áp dụng hiệu ứng khan hiếm
Hiệu ứng khan hiếm mang đến nhiều ích lợi cho nhãn hàng hơn, nhưng đi cùng với đó là những rủi ro không thể lường trước. Việc áp dụng hiệu ứng khan hiếm không hợp lý và trong những giai đoạn không thích hợp có thể làm ảnh hưởng đến sự uy tín của thương hiệu. Vậy, những rủi ro nào có thể gặp phải khi áp dụng hiệu ứng khan hiếm? Và làm sao để vượt qua chúng.
- Sự khan hiếm là không có thật: Một số nhãn hàng cố tình tạo nên sự khan hiếm hàng hóa để đánh lừa khách hàng, và buộc họ mua lượng hàng hóa không cần thiết nhiều hơn dự tính. Khách hàng tin rằng mình sở hữu những món hàng giới hạn, nhưng một thời gian sau, chúng lại được bày bán công khai. Nếu tình trạng này xảy ra nhiều lần, khách hàng sẽ dần mất lòng tin vào sự uy tín nhãn hàng.
- Vật phẩm không thể hiện địa vị cá nhân: Một trong những lý do nhiều người chấp nhận mua hàng giới hạn với giá cao, là vì vật phẩm đó có thể tôn lên địa vị của họ. Những sản phẩm này không chì phải độc đáo, mà còn buộc phải toát lên vẻ đẹp và sự sang trọng đẳng cấp. Đây là yếu tố quan trọng mà nhãn hàng cần lưu ý nếu không muốn hiệu ứng này thất bại. Sãn phẩm cũng sẽ nhận sự chú ý và soi mói nhiều hơn từ mọi người, do đó chất lượng tốt cũng là yếu tố cần lưu tâm.
- Bị động trong khâu cung cấp hàng: Không ít trường hợp nhà sàn xuất dự tính sai sức mua của sản phẩm, từ đó dẫn đến việc khan hiếm giả trở thành khan hiếm thật. Sự khan hiếm trong thời gian mau hàng đẩy sức mua lên cao bất thường. Sức mua bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, lượng hàng hóa cạn kiệt nhưng thời gian mua sắm chưa kết thúc. Lúc đó, tình trạng thiếu hàng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Hiệu ứng khan hiếm là một hiệu ứng tâm lý thường bắt gặp trong cuộc sống, và được tận dụng tốt trong kinh doanh. Áp dụng biện pháp này một cách hợp lý có thể mang đến những lợi ích lớn cho nhãn hàng, đẩy lượng tiêu thụ sản phẩm lên cao. Còn đối với người tiêu dùng, chúng ta cần thận trọng và sáng suốt trong quyết định mua hàng, tránh việc bị nhà sàn xuất “dắt mũi” hoặc phải mua hàng với giá cao.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon) và mánh khóe trong giao tiếp
- Hiệu ứng IKEA: Bí kíp để đi đến thành công trong kinh doanh
- Hiệu ứng Dunning-Kruger: Bạn có đang đánh giá quá cao bản thân?
- Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!