Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon effect): Vô thức bắt chước

Nếu để ý, bạn có thể nhận thấy bản thân có sự “sao chép” vô thức về hành vi, cử chỉ đối với các tình huống giao tiếp hàng ngày, thậm chí đó chỉ là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Xét về mặt tâm lý học thì đây được gọi là hành động của hiệu ứng tắc kè hoa và nó được xem là một trong các “mánh khóe” giao tiếp giúp bạn nhận được nhiều sự yêu mến hơn của mọi người xung quanh. 

Hiệu ứng tắc kè hoa
Hiệu ứng tắc kè hoa muốn nói đến xu hướng bắt chước hành vi khi giao tiếp một cách vô thức, không có chủ định từ trước.

Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon effect) là gì?

Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon effect) là một hiện tượng tâm lý trong đó một người vô thức bắt chước các cử chỉ, tư thế, cách diễn đạt, hoặc hành vi của người khác trong quá trình tương tác xã hội. Nếu chú ý quan sát, bạn cũng có thể nhận ra bản thân có nhiều xu hướng thực hiện các động tác, hành vi, biểu cảm, phong thái hoặc sử dụng câu từ rất giống với những người thân thiết, thường xuyên tiếp xúc.

Tên gọi của nó cũng được lấy từ đặc trưng của tắc kè hoa, đó chính là sự biến đổi linh hoạt theo nhiều điều kiện môi trường, tình huống giao tiếp khác nhau. Loài bò sát này có khả năng đặc biệt với sự biến đổi màu sắc tùy vào từng môi trường khác nhau. Nó giúp cho tắc kè hoa có thể ẩn náu, ngụy trang một cách tài tình để tránh khỏi những nguy hiểm đang rình rập hoặc bảo vệ lãnh thổ của mình.

Cũng giống như việc con người sẽ có xu hướng thay đổi hành vi của mình tùy vào môi trường, tình huống khác nhau để có thể thích ứng, hòa nhập tốt hơn thông qua việc bắt chước, sao chép người khác. Trạng thái này có thể mang đến nhiều lợi ích tích cực trong giao tiếp nhưng đối với một vài trường hợp nó cũng có thể gây ra những sắc thái tiêu cực, không phù hợp.

Tại sao lại có hiệu ứng tắc kè hoa – Bắt chước người khác?

Hiệu ứng tắc kè hoa xảy ra do một số lý do liên quan đến bản chất xã hội và sinh học của con người:

1. Bản năng xã hội và nhu cầu hòa nhập

Con người là loài sinh vật xã hội, có xu hướng mong muốn hòa nhập vào các nhóm xã hội. Việc bắt chước các cử chỉ, hành động, hoặc ngôn ngữ của người khác giúp con người cảm thấy gần gũi, dễ đồng điệu với nhau, từ đó tạo ra sự gắn kết. Hiệu ứng tắc kè hoa giúp xây dựng lòng tin và cải thiện mối quan hệ, khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi ở gần nhau. Khi chúng ta phản ánh hành vi của người khác, họ thường cảm thấy được đồng cảm và dễ chịu hơn.

2. Hệ thống thần kinh gương (Mirror Neuron System)

Một lý do sinh học quan trọng là sự tồn tại của hệ thống thần kinh gương (mirror neurons). Các neuron này kích hoạt khi chúng ta quan sát ai đó thực hiện một hành động, làm cho chúng ta có xu hướng bắt chước hành vi đó. Điều này giúp chúng ta hiểu được cảm xúc, hành động của người khác và có phản ứng thích hợp. Hệ thống thần kinh gương được coi là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển khả năng đồng cảm và giao tiếp xã hội.

3. Cải thiện khả năng đồng cảm và giao tiếp

Việc bắt chước vô thức các hành vi của người khác giúp cải thiện khả năng đồng cảm và hiểu người đối diện hơn. Hiệu ứng tắc kè hoa giúp chúng ta dễ dàng đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận được cảm xúc và trạng thái tâm lý của họ, từ đó giúp cho các tương tác xã hội trở nên tự nhiên và suôn sẻ hơn.

4. Tăng cường sự tương tác xã hội

Trong giao tiếp, việc phản ánh hành vi hoặc ngôn ngữ cơ thể của người khác có thể giúp tăng cường sự tương tác hiệu quả. Những người bắt chước nhau thường cảm thấy mình thuộc về cùng một nhóm, có chung mục tiêu hoặc sở thích. Điều này tạo ra sự kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và trao đổi thông tin.

5. Cơ chế tự bảo vệ và sinh tồn

Từ quan điểm tiến hóa, việc hòa nhập vào nhóm xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc sinh tồn. Việc phản chiếu hành vi của người khác giúp con người có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường và nhóm, giảm thiểu sự xung đột và gia tăng khả năng tồn tại. Trong quá khứ, khi con người sống thành bầy đàn, việc thích nghi với cách ứng xử của nhóm giúp tăng cường khả năng sinh tồn.

Nguồn gốc của hiệu ứng tắc kè hoa

Hiệu ứng tắc kè hoa được nhắc đến đầu tiên bởi hai nhà tâm lý học Tanya L. Chartrand và John A. Barg. Sau đó, các nhà khoa học, giáo sư nổi tiếng cũng bắt đầu tìm hiểu, phát triển và mô tả chi tiết hơn về hiệu ứng này thông qua các nghiên cứu cụ thể.

Vào năm 1999, hai giáo sư của Đại học New York đã thực hiện liên tiếp 3 cuộc thí nghiệm về hiệu ứng Chameleon để có được kết luận rõ ràng hơn đối với vấn đề này. Cụ thể, cuộc nghiên cứu đầu tiên được thực hiện và nhận thấy, khi giao tiếp, tương tác qua lại với nhau, chúng ta sẽ có nhiều xu hướng lặp lại các hành động, biểu cảm của người đối diện một cách vô thức dù đó là người mà bạn mới vừa quen biết.

Hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon Effect)
Hiệu ứng tắc kè hoa được đặc theo đặc tính thay đổi linh hoạt của loài bò sát này.

Tiếp đến, họ bắt đầu thực hiện một cuộc thí nghiệm khác dựa trên sự giao tiếp, gặp gỡ của các bạn sinh viên. Kết quả nhận thấy rằng những sinh viên có biểu hiện của hiệu ứng tắc kè hoa được nhận xét là thân thiện, dễ gần, tạo thiện cảm tốt hơn.

Cuối cùng là cuộc nghiên cứu dựa trên những cuộc hội thoại, giao tiếp hàng ngày. Các nhà khoa học nhận thấy những người có tính cách cởi mở, hoạt bát, vui nhộn sẽ có khả năng lặp lại hành vi của người khác trong lúc trò chuyện nhiều hơn. Tuy nhiên, họ nhận thấy sự đồng cảm của cá nhân không phải là yếu tố quyết định đến việc có làm xuất hiện hiệu ứng tắc kè hoa ở họ hay không.

Hiệu ứng tắc kè hoa hoạt động như thế nào?

Sau rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện, các chuyên gia cho biết rằng, hiệu ứng Chameleon được hoạt động theo quy trình tự động, hoàn toàn không có sự chọn lọc hay phân tích kỹ lưỡng, chi tiết về các dữ kiện được tiếp nhận. Hiểu theo cách đơn giản nhất là khi các giác quan của cơ thể (thị giác, xúc giác, thính giác,…) tiếp nhận các thông tin đến từ bên ngoài thì nó sẽ bắt đầu truyền đạt và chi phối hành vi một cách không có chủ ý.

Bên cạnh đó, xu hướng nhận thức hành vi của con người thường không được thực hiện một cách có kế hoạch hoặc tuân theo bất kỳ một quy luật, mục tiêu cụ thể nào. Vì thế, bạn có thể thực hiện các hành vi, biểu cảm, giọng nói tương tự như người đối diện trong vô thức, thậm chí bản thân còn không thể nhận ra sự thay đổi đó.

Ví dụ, khi đến gặp một người đối tác và họ đang ngồi chéo chân thì bạn cũng sẽ có nhiều xu hướng ngồi tương tự như thế. Hoặc họ là người cởi mở, vui vẻ, nói với giọng trong trẻo như chim hót thì bạn cũng có khả năng thay đổi giọng nói theo cách của họ mà hoàn toàn không có sự dự định từ trước.

Hiệu ứng tắc kè hoa
Hiệu ứng Chameleon hoạt động theo 2 kiểu: kiểu giải phẫu và kiểu soi gương.

Tuy nhiên, hiệu ứng tắc kè hoa không thể chi phối hoàn toàn các hành vi giao tiếp của một người. Cụ thể là họ không bắt chước hoàn toàn tất cả các hành động, biểu cảm của người đối diện, đặc biệt đó là những hành vi phức tạp, khó thực hiện.

Cụ thể, 2 cách thường được sử dụng đối với hiệu ứng tắc kè hoa như:

1. Kiểu giải phẫu (anatomical)

Với kiểu sao chép này, người ta sẽ có xu hướng lặp lại y đúc với những hành vi, chuyển động của người đối diện theo chiều hướng cùng với họ. Ví dụ như khi họ ngồi gác chân trái lên chân phải thì bạn cũng sẽ thực hiện theo tư thế đó cùng hướng với họ.

Với kiểu giải phẫu, nó có thể gây nên nhiều sự hiểu lầm trong giao tiếp và đối phương có khả năng cho rằng bạn đang cố tình “nhái” lại những cử chỉ, hành động của họ. Điều này có khả năng sẽ làm cho cuộc hội thoại trở nên tiêu cực, thậm chí là tác động đến thiện cảm của đối phương dành cho bạn.

2. Kiểu soi gương (mirrorwise)

Không quá khác biệt với kiểu giải phẫu, xu hướng sao chép kiểu soi gương cũng sẽ là những hành vi được lặp lại dựa trên hành động mẫu nhưng theo chiều đảo ngược, khác phía với đối phương. Ví dụ, nếu người đối diện dùng tay trái chống cằm thì bạn cũng sẽ thực hiện hành vi đó nhưng với tay phải.

Ưu và nhược điểm của hiệu ứng tắc kè hoa

Cũng tương tự như các hiệu ứng tâm lý khác, hiệu ứng tắc kè hoa cũng sẽ tồn tại những mặt ưu và nhược điểm khác nhau dựa theo từng tình huống, ứng dụng thực tế. Cụ thể như:

1. Ưu điểm

Trong thực tế, nếu bạn thường xuyên trò chuyện, tương tác và sinh hoạt cùng ai đó trong một khoảng thời gian nhất định thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những cách nói chuyện, hành vi giao tiếp, biểu cảm và phản ứng của họ đối với các vấn đề cuộc sống. Đặc biệt, bạn sẽ dễ nhận thấy sự xuất hiện của hiệu ứng Chameleon đối với những cặp đôi yêu nhau lâu năm bởi họ đã có thời gian dài để thấu hiểu, đồng cảm với nhau.

Theo nhận định của các chuyên gia thì hiệu ứng tắc kè hoa mang đến nhiều trạng thái tích cực đối với quá trình giao tiếp, tương tác xã hội của con người. Họ cho biết rằng, không phải tất cả chúng ta đều có khả năng bắt chước theo hành vi của người khác mà những người có khả năng thấu cảm tốt sẽ có xu hướng sao chép tích cực hơn so với mức bình thường.

Hiệu ứng tắc kè hoa
Hiệu ứng tắc kè hoa giúp bạn tạo được thiện cảm với người đối diện.

Đối với những người có sự thấu cảm sâu sắc trong giao tiếp thì họ sẽ có nhiều xu hướng quan sát, để ý các chi tiết xung quanh và dễ dàng tạo nên những tương tác tốt giúp gia tăng sự kết nối, chính vì thế mà họ cũng có nhiều xu hướng sao chép hơn.

2. Nhược điểm

Ngược lại, đối với những người không có sự thấu cảm tốt và cố gắng gượng ép bản thân phải thực hiện hành vi sao chép của hiệu ứng tắc kè hoa thì đôi khi nó lại gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đối với sự tương tác xã hội. Việc bắt ép bản thân phải trở nên gắn kết bằng những hành vi lặp lại của người đối tượng có thể tạo ra sự giả tạo và khiến cho đối phương cảm thấy khó chịu về hành động của bạn.

Một số trường hợp còn có thể bị hiểu lầm về thiện ý trong cuộc giao tiếp. Họ cho rằng bạn đang chế giễu, cười cợt và cố tình bắt chước theo các hành vi, lời nói với mục đích tiêu cực. Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của bạn trở nên tồi tệ, gây ra những bất đồng trong giao tiếp.

Cách tận dụng lợi thế của hiệu ứng tắc kè hoa trong giao tiếp

Như đã nói, hiệu ứng tắc kè hoa xảy ra một cách tự nhiên hoàn toàn không có dự định trước và nó có thể giúp bạn trở nên gần gũi, hòa đồng hơn trong các cuộc giao tiếp, tương tác xã hội. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt lợi thế của hiệu ứng này thì bạn cũng cần phải biết nắm bắt được tình huống xã hội, tránh hiểu sai bản chất của Chameleon để không phải đối mặt với những tác động tiêu cực mà nó gây ra.

Mặc dù bản chất của hiệu ứng này là sự sao chép vô thức nhưng bạn hoàn toàn có thể tận dụng nó một cách có ý thức để gia tăng sự kết nối với xã hội. Với những hành vi sao chép trong giao tiếp sẽ giúp cho cuộc trò chuyện của bạn trở nên gần gũi, thân thiết và thoải mái hơn.

Do đó, thay vì để cho các hành vi giao tiếp thực hiện theo hoạt động của hiệu ứng thì bạn hãy chủ động hơn trong việc điều chỉnh nó đối với mỗi tình huống giao tiếp khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng cần né tránh việc sao chép các hành vi tiêu cực, không phù hợp để hạn chế tối đa các biểu hiện xấu trong giao tiếp.

Cách hoàn thiện hiệu ứng tắc kè hoa

Để hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hiệu ứng tắc kè hoa trong giao tiếp, bạn cần thực hiện một cách có ý thức và khéo léo, tránh việc bắt chước một cách máy móc hoặc quá lộ liễu. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn phát triển và ứng dụng hiệu ứng này một cách tự nhiên:

1. Quan sát kỹ lưỡng người đối diện

Bước đầu tiên để sử dụng hiệu ứng tắc kè hoa là quan sát cẩn thận cử chỉ, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của người đối diện. Hãy chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ như cách họ cười, di chuyển tay chân, và cách họ điều chỉnh giọng nói.

Khi giao tiếp, việc nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của người đối diện sẽ giúp bạn có thông tin cần thiết để bắt chước một cách tinh tế và phù hợp với ngữ cảnh.

2. Bắt chước một cách tự nhiên và tinh tế

Điều quan trọng là không nên bắt chước hoàn toàn từng cử chỉ mà chỉ chọn những hành vi phù hợp, như cách nghiêng đầu, cách sử dụng tay hoặc cách nhịp điệu giọng nói. Việc bắt chước phải đủ nhẹ nhàng để không làm người khác nhận ra, đồng thời vẫn tạo sự đồng điệu trong giao tiếp.

Ví dụ, nếu người đối diện nghiêng nhẹ về phía trước khi nói chuyện, bạn cũng có thể nhẹ nhàng làm theo để tạo cảm giác kết nối. Tương tự, khi họ thay đổi giọng điệu hoặc nhịp độ, hãy điều chỉnh cách bạn nói để phù hợp.

3. Đồng bộ hóa giọng điệu và tốc độ nói

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của hiệu ứng tắc kè hoa là đồng bộ hóa giọng điệu và tốc độ nói với người đối diện. Nếu người đối diện nói chậm và nhẹ nhàng, bạn nên điều chỉnh giọng nói của mình để phản ánh sự tương tự, tạo cảm giác thoải mái và đồng điệu trong cuộc trò chuyện.

4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phản chiếu

Bên cạnh giọng nói, việc phản chiếu ngôn ngữ cơ thể như tư thế ngồi, cách cử động tay, hoặc cách người đối diện tương tác với không gian cũng rất quan trọng. Ví dụ, nếu họ ngồi thẳng lưng, bạn cũng có thể điều chỉnh tư thế của mình để duy trì sự tương thích.

5. Luyện tập đồng cảm và lắng nghe chủ động

Hiệu ứng tắc kè hoa sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thực sự lắng nghe và đồng cảm với người đối diện. Khi bạn thể hiện sự quan tâm chân thành đến suy nghĩ và cảm xúc của họ, việc bắt chước hành vi sẽ trở nên tự nhiên hơn. Điều này không chỉ giúp tạo sự kết nối mạnh mẽ mà còn tăng cường sự tin tưởng trong giao tiếp.

6. Chọn thời điểm phù hợp

Hiệu ứng tắc kè hoa cần được sử dụng đúng lúc và đúng cách. Nếu thực hiện quá lộ liễu hoặc không phù hợp với ngữ cảnh, nó có thể gây cảm giác khó chịu hoặc thiếu tự nhiên. Hãy chọn những thời điểm phù hợp khi bắt chước các cử chỉ hoặc hành vi để tạo sự tương đồng, chẳng hạn như khi bắt đầu hoặc trong quá trình trò chuyện.

7. Tránh lạm dụng

Mặc dù hiệu ứng tắc kè hoa là một công cụ mạnh mẽ trong giao tiếp, nhưng việc lạm dụng có thể khiến bạn trở nên thiếu tự nhiên hoặc không chân thật. Điều quan trọng là bắt chước một cách tinh tế và vừa phải, không nên làm quá mức khiến người đối diện cảm thấy khó chịu.

8. Phát triển khả năng tự điều chỉnh

Một phần quan trọng trong việc hoàn thiện hiệu ứng tắc kè hoa là khả năng tự điều chỉnh hành vi của chính mình. Hãy luôn điều chỉnh theo phản ứng của người đối diện. Nếu họ cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn, đó là dấu hiệu bạn đang sử dụng hiệu ứng một cách hiệu quả. Nếu họ có dấu hiệu ngượng ngùng hoặc không thoải mái, hãy điều chỉnh để tránh làm họ khó chịu.

9. Luyện tập thường xuyên

Như bất kỳ kỹ năng nào khác, việc thực hành sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng áp dụng hiệu ứng tắc kè hoa. Bạn có thể bắt đầu bằng cách quan sát và phản chiếu hành vi của những người thân quen trong các tình huống giao tiếp hàng ngày, sau đó dần dần áp dụng vào những cuộc trò chuyện với người lạ hoặc trong môi trường chuyên nghiệp.

Việc hoàn thiện hiệu ứng tắc kè hoa đòi hỏi sự tinh tế, kỹ năng quan sát, và khả năng đồng cảm. Khi thực hiện đúng cách, nó có thể trở thành một công cụ giao tiếp mạnh mẽ, giúp xây dựng sự gắn kết, tạo cảm giác gần gũi và dễ dàng tiếp cận trong các mối quan hệ xã hội.

Nếu biết cách tận dụng tốt các mặt lợi thế của hiệu ứng tắc kè hoa (Chameleon effect) thì bạn hoàn toàn có thể xem đó như một bí kíp để giúp gia tăng thiện cảm, hiệu quả cho kỹ năng tương tác xã hội. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn đọc cũng sẽ hiểu thêm về hiệu ứng này và có cách sử dụng nó phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *