Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
Hiệu ứng Mandela là một hiện tượng tâm lý được đặt theo tên của vị tổng thống Nam Phi lần đầu được bầu cử theo dân chủ. Đây là tình trạng mà một cá nhân hoặc tập thể đều xuất hiện các cảm xúc rất chân thực, rõ ràng, chi tiết về một điều gì đó đã từng xảy ra, họ có sự tin tưởng tuyệt đối vào kí ức của mình nhưng thực chất những điều đó lại không đúng với hiện thực hoặc thậm chí không tồn tại.
Hiệu ứng Mandela là gì?
Hãy thử suy nghĩ lại xem bạn đã từng trải qua cảm giác rằng bản thân đã chứng kiến một sự kiện, tình huống hoặc có kí ức về một điều gì đó đã từng xảy ra trong quá khứ và bản thân bạn chắc chắn tuyệt đối về nó nhưng rồi lại nhận ra những mảnh kí ức đó thực sự vẫn chưa xảy ra hoặc hoàn toàn không đúng với sự thật? Lấy ví dụ cụ thể hơn như việc bạn cảm thấy logo của một cửa hàng thời trang đã bị thay đổi màu sắc nhưng mọi người xung quanh lại nói rằng “từ trước đến nay nó vẫn luôn có màu như thế”.
Cảm giác tin rằng có một sự kiện, kí ức nào đó không thực đã từng xảy ra trong quá khứ được gọi là hiệu ứng Mandela. Hiệu ứng này thường dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng Déjà Vu – cảm giác đối với một sự kiện nào đó đang diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra trước đó, bản thân bạn đã từng trải nghiệm chúng ít nhất một vài lần.
Tuy nhiên, đối với hiệu ứng Mandela thì mức độ sẽ được gia tăng mạnh mẽ hơn, đôi khi không phải một cá nhân mà có rất nhiều người cùng xuất hiện cảm giác chân thực giống như bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là hiện tượng mà một số người có cùng chung một mảnh kí ức sai lệch về một hiện tượng, sự vật, tình huống nào đó đã từng xảy ra trong quá khứ nhưng thực tế nó hoàn toàn không tồn tại hoặc không đúng sự thật.
Nguồn gốc của hiệu ứng Mandela
Theo như tìm hiểu thì hiệu ứng Mandela được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2009 khi Fiona Broome cùng trò chuyện và chia sẻ về những mảnh kí ức của cô đối với cái chết của Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Cô nói về việc bản thân nhớ lại bi kịch ở nhà tù Nam Phi vào năm 1980 và Tổng thống Nelson Mandela đã chết tại đó.
Khi nói về những kí ức này, một điều bất ngờ đã xảy ra là có rất nhiều người đồng tình với chia sẻ của cô. Họ cũng chắc nịch về việc bản thân đã từng xem tin tức về thông tin này, các đoạn phim nói về tang lễ của Tổng thống hoặc cả những bài phát biểu từ người vợ của ông. Tuy nhiên, trong thực tế thì vị Tổng thống này hoàn toàn không chết vào năm 1980 mà ông qua đời vào năm 2013.
Bất ngờ trước việc có một số lượng lớn người hình thành nên các mảnh kí ức không có thực, thậm chí nó còn chưa xảy ra và lúc bấy giờ tổng thống Nam Phi vẫn còn sống nên nhà xuất bản sách đã khuyến khích và tạo điều kiện để Fiona Broome chia sẻ, tìm hiểu thêm về vấn đề này. Cô bắt đầu tạo dựng một trang web dùng để thảo luận, trao đổi về hiệu ứng Mandela cùng với những tình huống, kí ức mang tính chất tương tự.
Một vài ví dụ điển hình về hiệu ứng Mandela
Bắt đầu từ câu chuyện của vị Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, nhiều người mới dần tin vào hiệu ứng mang tên ông và trong thực tế có rất nhiều các trường hợp tương tự xuất hiện với những mảng kí ức sai lệch của nhiều người. Sau khi trang web của Broome được mở rộng thì nhiều người bắt đầu chia sẻ về những kí ức không thực của mình và họ nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình từ mọi người xung quanh.
Một số ví dụ đáng chú ý và thường được nhắc đến về hiệu ứng Mandela như:
1. “Luke, ta là cha của con”
Nếu đã từng xem qua bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” – phần V thì chắc hẳn bạn sẽ không khỏi ấn tượng với lời thoại của Darth Vader: “Luke, ta là cha của con”. Tuy nhiên, trong thực tế câu nói này hoàn toàn không có trong bộ phim và lời thoại đúng chính là “Không, ta là cha của con”. Sự nhầm lẫn này thực chất xảy ra ở rất nhiều người và cho đến hiện nay vẫn có người đinh ninh rằng trí nhớ của mình không hề sai lệch.
2. Đuôi của Pikachu
Pikachu chắc hẳn là bộ phim hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Tuy nhiên, bạn có nhớ được đuôi của Pikachu màu gì không? Có vết đen nào ở phần đuôi của Pikachu không?
Nếu xem lại bộ phim này và nhìn vào phần đuôi của Pikachu, bạn sẽ thấy đuôi của nó có màu vàng và hoàn toàn không có xuất hiện bất kỳ vết đen nào phía sau. Tuy nhiên, lại có rất nhiều người nhớ đến hình dạng của chiếc đuôi và khẳng định 100% rằng đuôi Pikachu có vết đen.
3. Vị trí của New Zealand
Khi nhìn vào bản đồ, bạn có thể xác định được chính xác về vị trí của New Zealand không? Rất nhiều người nói về việc họ chắc chắn rằng New Zealand nằm ở phía Đông Bắc nhưng trong thực tế thì nó lại nằm ở phía Đông Nam của Úc.
4. Khuôn mặt của Mona Lisa
Có rất nhiều người mắc phải hiệu ứng Mandela về bức tranh miêu tả Mona Lisa. Họ cho rằng trước đây khuôn mặt của nàng rất nghiêm túc, hoàn toàn không nở nụ cười và họ khẳng định rằng đã có sự thay đổi, chỉnh sửa về tác phẩm này. Tuy nhiên, trong thực thế thì bức tranh Mona Lisa từ trước đến nay chính là khuôn mặt cười.
5. Thương hiệu KitKat
KitKat là một trong các loại bánh xốp có phủ socola được bày bán rộng khắp trên thế giới và chắc hẳn chúng ta đã từng nhìn thấy thương hiệu này ở nhiều cửa hàng hoặc đã từng thưởng thức loại bánh thơm ngon này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự tranh cãi về việc “có xuất hiện dấu gạch ngang trên chữ KitKat hay không?”.
Một số đông người tiêu dùng cho rằng trước đây giữa chữ Kit và Kat có một dấu gạch ngang và sau này mới thay đổi thành KitKat. Tuy nhiên, từ khi ra đời cho đến nay, KitKat hoàn toàn không chứa bất kỳ dấu gạch ngang nào và thương hiệu vẫn chưa có sự thay đổi mới nào về điều này.
6. Henry VIII ăn chân gà tây
Bức tranh vẽ vị vua Henry VIII rất nổi tiếng miêu tả lại chân dung của vị vua này trên ngai vàng cũng là một trong các hiện tượng Mandela bị nhiều người nhầm lẫn. Không ít người hình thành mảnh kí ức về việc vị vua có cầm một cái chân gà tây nhưng trong thực tế điều này hoàn toàn không có thực. Đặc biệt hơn là có một vài bộ phim hoạt hình đã minh họa lại vua Henry VIII với hình ảnh ăn chân gà và chẳng ai phát hiện ra điều không đúng của nó.
Tại sao hiệu ứng Mandela liên tục xảy ra?
Có rất nhiều giải thích về nguyên nhân hình thành nên hiệu ứng Mandela. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định cụ thể về lý do nhiều người lại có cùng một mảnh kí ức sai lệch về một sự kiện, tình huống nào đó.
Dựa theo lý giải của các chuyên gia thì hiệu ứng Mandela có thể liên quan đến các yếu tố sau:
1. Do chiều không gian song song
Một trong các lời lý giải phù hợp và được cho là chính xác nhất về hiệu ứng Mandela đó chính là hiện tượng va chạm, đan xen của thế giới song song. Theo chia sẻ cho biết thì tình trạng trộn lẫn giữa vũ trụ song song cùng với dòng thời gian hiện nay có thể khiến chúng ta hình thành nên những kí ức sai lệch.
Dựa vào lý thuyết này thì sẽ hình thành nên một nhóm cộng đồng có cùng chung một vài kí ức về các dòng sự kiện đã qua bởi dòng thời gian sẽ liên tục bị thay đổi khi chúng ta di chuyển. Thế giới song song vẫn luôn tồn tại và chúng ta không thể bác bỏ được ý nghĩ này, vì thế, hiệu ứng Mandela vẫn sẽ cứ tiếp tục diễn ra.
2. Ảnh hưởng từ các kí ức sai lệch
Để hiểu rõ hơn về lời giải thích này, trước tiên bạn hãy bắt đầu xem xét lại thông qua một ví dụ dựa trên hiệu ứng Mandela. Cụ thể là Alexander Hamilton – một người khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và điều này đã được chia sẻ cho tất cả những người dẫn Mỹ trong chương trình học tập của họ.
Tuy nhiên, có không ít người Mỹ khi được hỏi về các vị Tổng thống Hoa Kỳ đều có sự gợi nhớ đến Alexander Hamilton. Theo như lời giải thích từ các chuyên gia khoa học thần kinh thì Alexander Hamilton sẽ xuất hiện trong vùng não mã hóa của người Mỹ và đây cũng chính là nơi lưu trữ về các vị tổng thống Hoa Kỳ.
Theo đó, phương tiện lưu trữ cùng với bộ khung có sự liên kết chặt chẽ với nhau hay còn được gọi là lược đồ. Chính vì thế, khi nhắc đến kí ức về các vị Tổng thống, nhiều người thường xuất hiện ngay miền kí ức về Alexander Hamilton và cho rằng ông cũng là một vị Tổng thống của Hoa Kỳ. Những kí ức bị ảnh hưởng có thể trở nên không chính xác và nó gây ra nhiều sự hiểu lầm về trí nhớ, từ đó hình thành nên hiệu ứng Mandela.
3. Một vài quan niệm liên quan đến bộ nhớ
Một số vấn đề liên quan đến trí nhớ có thể tác động và hình thành nền hiệu ứng Mandela như:
- Mồi (Priming): Chính là các thông tin có thể làm ảnh hưởng đến trí nhớ và phản ứng của con người.
- Chứng bịa chuyện ( Confabulation): Đây không phải là hiện tượng nói dối mà chính là những sự ghi nhớ về những sự kiện, tình huống chưa xảy ra bởi các khoảng trống bên trong bộ não. Theo đánh giá của các chuyên gia thì chứng bịa chuyện sẽ có khả năng gia tăng cùng với độ tuổi, ở tuổi càng cao thì chứng bịa chuyện càng trở nên mạnh mẽ hơn.
- Các thông tin sai lệch sau sự kiện: Việc ghi nhớ các thông tin chưa đúng đắn, chính xác sau khi xảy ra một sự kiện cũng có thể tác động đến trí nhớ của bạn về sự kiện trong quá khứ.
Chúng ta hoàn toàn không thể chắc chắn về những kí ức của bản thân bởi theo thời gian sự ghi nhớ có thể bị sai lệch.
4. Ảnh hưởng do sự phát triển của internet
Trong những năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển vô cùng mạnh mẽ và trở thành một trong các công cụ mang đến nhiều lợi ích cho đời sống của con người. Tuy nhiên, đây cũng là một trong các yếu tố có sự ảnh hưởng lớn đến khả năng ghi nhớ và các miền kí ức của mỗi chúng ta.
Thông qua internet, con người có thể dễ dàng cập nhật rất nhiều thông tin trên toàn thế giới và đây cũng chính là một trong các cách kinh doanh, kiếm thêm thu nhập của nhiều người. Vì thế, để thu hút sự chú ý và quan tâm của khán giả, nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật được lan tràn khắp mọi nơi vào khi nó trở nên rộng rãi thì có thể được xem như một sự thật.
Làm cách nào để hạn chế thông tin sai lệch dẫn đến hiệu ứng Mandela?
Với đặc trưng của hiệu ứng Mandela thì chúng ta cũng cần phải có biện pháp can thiệp và ngăn chặn để tránh việc tạo ra những thông tin sai lệch, không đúng đắn trong cộng đồng. Cụ thể một số cách để giúp bạn hạn chế việc tạo ra hiệu ứng Mandela như:
1. Kiểm tra thông tin kỹ lưỡng
Trước khi quyết định chia sẻ bất kỳ thông tin nào đó với những người xung quanh, bạn cần cẩn trọng trong việc tra cứu lại thông tin đó để đảm bảo độ chính xác. Bạn có thể hỏi lại người thân, những người đã từng chứng kiến hoặc trải qua sự việc cùng với bạn. Hoặc nếu đó là những thông tin đại chúng thì có thể tìm kiếm và chứng thực qua internet.
Ngược lại, khi muốn xác nhận một thông tin nào đó từ những người xung quanh, thay vì đưa ra những yếu tố dẫn dẫn thì bạn hãy đặt ra câu hỏi cụ thể cho vấn đề đó. Ví dụ như muốn biết được màu sắc của chiếc đuôi Pikachu, thay vì hỏi rằng “Đuôi của Pikachu có vết đen đúng không?” thì bạn hãy hỏi “Đuôi của Pikachu có màu gì nhỉ?”.
Cũng bởi, theo chia sẻ của các chuyên gia thì con người chúng ta có xu hướng “hùa” theo các thông tin có sẵn. Khi họ không chắc chắn về một điều gì đó thì họ cũng có thể dựa theo niềm tin của người khác để nhận xét, chia sẻ về sự việc, hiện tượng đó.
2. Tự bảo vệ bản thân trước tin tức không thực
Bạn không thể ngăn chặn được tất các các nguồn tin không chính xác và sai lệch, đặc biệt là với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Chỉ cần dành ra khoảng 5 phút để lướt xem tin tức trên các mạng xã hội, bạn cũng có thể bắt gặp hàng loạt thông tin về một sự kiện nào đó nhưng với nhiều chiều hướng khác nhau.
Không ai bắt ép bạn phải tin tưởng hoàn toàn về những thông tin đó nhưng nếu bạn không biết chắt lọc những tin tức đúng đắn thì rất dễ bị dẫn dắt và hình thành theo suy nghĩ của người khác. Vì thế, để hạn chế hiệu ứng Mandela, bạn cũng cần biết cách chọn lọc nguồn tin đáng tin cậy, chắt lọc thông tin một cách tĩnh táo, chi tiết để để tạo nên những kí ức đúng đắn, chính xác.
Cho đến hiện nay vẫn có nhiều sự tranh cãi và thông tin chia sẻ về hiệu ứng Mandela. Bài viết trên đây chỉ mang tính chất tham khảo để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiệu ứng này và đưa ra một vài biện pháp để hạn chế thông tin sai lệch, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng Tourette: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
- Hội chứng Burnout là gì? Những hệ lụy với sức khỏe và công việc
- Hội chứng Stendhal gây ra nhiều triệu chứng không thể xem nhẹ
- Hội chứng Lithromantic là gì? Nhận biết và chữa trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!