Hội chứng người tốt: Nguyên nhân, biểu hiện và khắc phục
Hội chứng người tốt là tập hợp các đặc điểm tính cách, hành vi và thái độ của những người luôn cố gắng làm vừa lòng người khác. Thoạt nhìn, họ đều là những người tử tế và phóng khoáng. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong là tâm lý tự ti, lo âu và yếu đuối.
Hội chứng người tốt là gì?
Hội chứng người tốt chưa được công nhận là rối loạn tâm lý chính thức mà chỉ đơn thuần đề cập đến một tập hợp bao gồm thái độ, đặc điểm tính cách và hành vi. Thuật ngữ này được miêu tả lần đầu tiên trong quyển sách có tên No More Mr. Nice Guy của Tiến sĩ Robert Glover.
Hội chứng người tốt (Nice Guy Syndrome) được hiểu nôm na là những người cố gắng làm vừa lòng người khác, luôn chấp nhận mọi đề nghị mặc dù bản thân không thực sự thoải mái với điều đó. Hội chứng người tốt khác với đạo đức giả. Họ không cố ý làm vừa lòng mọi người để đạt được lợi ích mà chỉ đơn thuần muốn được mọi người yêu quý.
Hội chứng người tốt thường gặp ở những người có tính cách thụ động. Họ thường đồng thuận theo ý kiến số đông, không bao giờ phản bác ý kiến của người khác và gần như không thể từ chối các yêu cầu (ngay cả khi đó là những yêu cầu vô lý). Sự tử tế quá mức cần thiết có thể giúp cho họ tránh được những xung đột và tranh luận. Tuy nhiên, chấp nhận mọi yêu cầu của người khác cũng sẽ khiến họ phải đối mặt với sự mệt mỏi và nặng nề.
Nhận biết hội chứng người tốt
Thoạt nhìn, người mắc hội chứng người tốt là người thánh thiện và tử tế với tất cả mọi người. Họ chấp nhận mọi đề nghị, luôn đồng ý giúp đỡ và hỗ trợ những người xung quanh. Tuy nhiên, ẩn sau những hành động tự tử là tính cách yếu đuối, hay lo âu và thụ động.
Những người mắc hội chứng người tốt không hẳn là người xấu. Những hành động tử tế của họ không vì mục đích lợi dụng hay thao túng người khác. Những hành động này chỉ đơn thuần xuất phát từ niềm tin “Ở hiền gặp lành”, đồng thời mong muốn bản thân được mọi người đánh giá cao và yêu quý. Tuy nhiên, hội chứng người tốt lại mang đến kết quả không hề tốt đẹp. Sự tử tế quá mức khiến họ luôn mệt mỏi và không thực sự thoải mái trong cuộc sống.
Những dấu hiệu nhận biết hội chứng người tốt:
1. Chấp nhận mọi đề nghị của người khác
Đặc điểm dễ dàng nhận thấy nhất của hội chứng người tốt là chấp nhận mọi đề nghị và yêu cầu của người khác. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh ngay cả với những yêu cầu tưởng chừng như vô lý.
Việc giúp đỡ mọi người là cần thiết trong trường hợp họ thực sự cần đến sự trợ giúp. Tuy nhiên, người thuộc nhóm tính cách “hội chứng người tốt” luôn nhận lời giúp đỡ ngay cả khi họ biết đối phương có thể tự hoàn thành thay vì nhờ vả.
Nếu có vấn đề phát sinh, họ sẽ luôn là người xung phong giải quyết vấn đề. Sự tử tế quá mức khiến họ luôn bận rộn và mệt mỏi với những lời nhờ vả. Những người này tin rằng, hành động tử tế của bản thân sẽ nhận được sự tin cậy và yêu quý của những người xung quanh. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự xứng đáng khi họ không thoải mái, thậm chí khó chịu và bực bội trước những lời nhờ vả quá quắt.
2. Lo lắng về giá trị của bản thân
Hội chứng người tốt còn có đặc điểm khác là lo lắng về giá trị của bản thân. Họ dành nhiều thời gian để suy nghĩ liệu những người xung quanh có thật sự yêu quý bản thân hay không. Những người có dạng tính cách này tin rằng, sự công nhận của người khác dành cho mình phụ thuộc vào những hành động tử tế của bản thân.
Niềm tin cốt lõi này khiến cho họ chấp nhận mọi yêu cầu và thường đồng thuận theo ý kiến số đông. Bản thân những người có dạng tính cách hội chứng người tốt thường không có lập trường.
Giá trị của bản thân không được xây dựng dựa trên suy nghĩ của người khác. Tuy nhiên, những người này hoàn toàn không nhận ra. Kết quả là họ đánh mất chính mình, mệt mỏi khi phải liên tục giúp đỡ mọi người. Thậm chí nhiều người gần như không có thời gian nghỉ ngơi khi nhận được quá nhiều lời yêu cầu và đề nghị.
3. Thụ động trong cuộc sống
Nếu chỉ nhìn bên ngoài, “người tốt” trông có vẻ hào phóng và tử tế. Tuy nhiên, người có dạng tính cách này thường rất thụ động, họ không biết cách từ chối mọi sự nhờ vả và yêu cầu khiến bản thân không thoải mái.
Hơn nữa, họ cũng xung phong giải quyết vấn đề khi có tình huống phát sinh vì đơn thuần họ không muốn tranh cãi và mâu thuẫn. “Người tốt” tin rằng cách ứng xử này sẽ giúp họ thuận lợi trong cuộc sống và né tránh được mâu thuẫn, xung đột.
Sự thụ động được thể hiện rõ qua cách ứng xử. Cụ thể, họ luôn chấp nhận yêu cầu của những người xung quanh ngay cả khi bản thân không thực sự thoải mái.
Bên cạnh đó, sự bận tâm quá mức về suy nghĩ của người khác về mình cũng khiến họ thụ động và luôn chú ý quá mức đến hành vi của bản thân. Các chuyên gia cho rằng, “người tốt” không phải là người tử tế mà chỉ là nô lệ của chính mình. Họ đánh mất cuộc sống tự do và bị chi phối quá mức bởi suy nghĩ, niềm tin méo mó của bản thân.
4. Không chú trọng đến nhu cầu của bản thân
Như đã đề cập, người mắc hội chứng người tốt không thực sự thoải mái và vui lòng trước yêu cầu của những người xung quanh. Thay vì đề cao cảm xúc của bản thân, họ kiềm chế cảm xúc và chấp nhận lời đề nghị. Thực tế, kiểm soát cảm xúc là một trong những kỹ năng cần thiết để thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này khác với việc bạn coi nhẹ cảm xúc của chính mình.
“Người tốt” hoàn toàn không chú ý đến cảm xúc và nhu cầu thực sự của bản thân. Họ không biết bản thân thực sự muốn gì mà chỉ có làm vừa lòng những người xung quanh. Trong một cuộc họp, họ sẽ luôn đồng thuận với ý kiến của người khác mà không bộc lộ suy nghĩ của mình. Khi mọi người cùng đưa ra ý kiến, “người tốt” sẽ luôn đề cao ý kiến của những người xung quanh mà không thực sự để tâm đến ý kiến của bản thân.
Họ luôn hòa đồng với những người xung quanh và giữ thái độ đúng mực, tử tế ngay cả khi bản thân không cảm thấy thoải mái. Khi cảm xúc và nhu cầu của bản thân không được coi trọng, họ trở nên mệt mỏi với sự tử tế quá mức không cần thiết. Về lâu dài, những cảm xúc này có thể dồn nén và chực chờ bùng nổ khi được “châm ngòi”.
5. Ngại nhờ người khác giúp đỡ
“Người tốt” luôn chấp nhận mọi yêu cầu và đề nghị của những người xung quanh nhưng bản thân họ rất ngại nhờ người khác giúp đỡ. Họ lo sợ sự nhờ vả của bản thân sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy phiền hà và không thoải mái. Vì vậy, họ thường lựa chọn cách tự giải quyết mọi vấn đề một mình mà không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ những người xung quanh.
Ban đầu, họ có thể dễ dàng chấp nhận điều này. Tuy nhiên, về lâu dài, bản thân “người tốt” phải đối mặt với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Bản thân họ là người luôn giúp đỡ mọi người nhưng phải tự giải quyết mọi vấn đề cá nhân mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào.
Điều này khiến cho họ cảm thấy phẫn uất, buồn bã, bực dọc vì những không ai thấu hiểu nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, vì không chủ động chia sẻ điều này nên những người xung quanh không thể hỗ trợ họ khi cần.
6. Dễ dàng tha thứ sai phạm, lỗi lầm của người khác
Một đặc điểm thường thấy ở hội chứng người tốt là dễ dàng tha thứ cho mọi lỗi lầm và sai phạm của người khác. Đồng cảm và vị tha là những đức tính tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải suy xét lỗi lầm của người khác để xem xét lỗi lầm này có thực sự đáng được tha thứ hay không. Ngược lại, “người tốt” tha thứ mọi lỗi lầm mà không suy xét về tính nghiêm trọng của vấn đề.
Ngay cả khi những người xung quanh lặp đi lặp lại lỗi lầm của bản thân, họ cũng dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên, sự dễ dãi sẽ tạo điều kiện để những người xung quanh lấn lướt và xem nhẹ họ. Mặc dù bên ngoài họ tỏ ra lịch thiệp và tử tế nhưng sâu bên trong, bản thân “người tốt” cũng không cảm thấy thoải mái trước việc những người xung quanh liên tục lặp lại sai lầm.
7. Chuẩn mực hóa mọi hành động của bản thân
“Người tốt” luôn mong muốn bản thân trở thành một người hoàn hảo. Ngoài việc giúp đỡ mọi người, họ cũng cố gắng chuẩn mực hóa mọi hành động của bản thân. Họ thường nỗ lực thay đổi những thói quen xấu và không cho phép bản thân thực hiện những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Có thể nói, người mắc hội chứng người tốt luôn muốn xây dựng cho bản thân vỏ bọc hoàn hảo và không có bất cứ “tỳ vết” nào trong tính cách. Tuy nhiên, con người luôn có những điểm hạn chế bên cạnh những mặt tích cực. Việc cố gắng trở nên hoàn hảo chỉ khiến bản thân cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi trước cách sống mà họ lựa chọn.
8. Bùng nổ cảm xúc
“Người tốt” luôn cố gắng kiềm chế cảm xúc và che đậy những tâm trạng tiêu cực đằng sau hành động tử tế, hào phóng. Tuy nhiên, những cảm xúc không được giải tỏa sẽ tích tụ ngày qua ngày khiến họ cảm thấy bản thân nhu nhược, vô dụng và bế tắc trong cuộc sống.
Khi có yếu tố “châm ngòi”, mọi sự dồn nén sẽ bùng nổ. Họ có thể chuyển từ trạng thái cam chịu và tử tế sang hung hăng, cáu kỉnh, cố chấp và phẫn uất. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ cảm xúc, “người tốt” thường có cảm giác xấu hổ trước hành vi của chính mình và luôn dằn vặt, trách móc bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng người tốt
Tất cả chúng ta ai cũng được giáo dục để trở thành một người tốt và có ích cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, phải hiểu rõ đâu thực sự là “người tốt” và đâu là “hội chứng người tốt”. Người tốt thực sự hướng đến lối sống lành mạnh, giàu lòng yêu thương, đồng cảm nhưng vẫn luôn đề cao nhu cầu của bản thân.
Họ có sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống và nhận được niềm vui, sự lạc quan, vui vẻ khi giúp đỡ những người xung quanh. Ngoài ra, người tốt thực sự sẽ chỉ giúp đỡ khi cần thiết và họ biết cách từ chối để không bị lợi dụng.
Trong khi đó, người có dạng tính cách hội chứng người tốt chỉ cố gắng làm vừa lòng mọi người vì sợ bản thân bị ghét bỏ và đánh giá. Họ gần như không chú trọng đến cảm xúc, nhu cầu của bản thân mà chỉ chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cố gắng xây dựng vỏ bọc thanh lịch, hào phóng và bận tâm quá nhiều về suy nghĩ của người khác đối với bản thân.
Theo các chuyên gia, hội chứng người tốt là một đặc điểm tính cách khá phổ biến nhưng ít được đề cập. Dạng tính cách này gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, đồng thời có thể gia tăng các vấn đề tâm lý và tâm thần.
Hội chứng người tốt là kết quả của nhiều yếu tố tác động bao gồm:
- Ảnh hưởng của gia đình: Nếu gia đình có dạng tính cách “hội chứng người tốt “, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng và phát triển dạng tính cách này.
- Cách giáo dục không phù hợp: Tất cả chúng ta ai cũng được giáo dục phải trở thành người tốt. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục không phù hợp có thể khiến bạn trở thành “người tốt bất đắc dĩ” thay vì người tốt thực sự.
- Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Theo các chuyên gia, một số người từng bị tẩy chay, cô lập từ thời thơ ấu có thể phát triển dạng tính cách hội chứng người tốt. Những người này tin rằng nếu bản thân không tranh đấu mà chỉ chấp thuận, họ có thể tránh được những xung đột không đáng có và chiếm được cảm tình của tất cả mọi người.
- Đặc điểm tính cách: Các chuyên gia tâm lý cho biết, hội chứng người tốt thường chỉ xảy ra ở người có tính cách hay lo âu, yếu đuối và thụ động. Trong khi đó, những người có tính cách chủ động, kiên quyết và mạnh mẽ gần như không phát triển dạng tính cách này.
Hội chứng người tốt gây ra những tác hại gì?
Hội chứng người tốt thực sự không hề tốt như mọi người vẫn lầm tưởng. “Người tốt” quá quan tâm đến suy nghĩ của mọi người về bản thân và dành nhiều thời gian để giúp đỡ những người xung quanh trong khi bản thân thực sự không thoải mái. Điều này kéo dài sẽ khiến họ rơi vào trạng thái phẫn uất, bế tắc và mệt mỏi.
Trở thành người tốt là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, người tốt thực sự khác với “hội chứng người tốt”. Vấn đề mà những người có tính cách “hội chứng người tốt” gặp phải là quá quan tâm đến hình ảnh của bản thân trong mắt người khác và chấp nhận giúp đỡ mặc cho điều này gây ra sự khó chịu cho bản thân.
Những cảm xúc bị che đậy sẽ tích tụ ngày qua ngày và bùng nổ vào một thời điểm nào đó. Các chuyên gia tâm lý cho biết, hội chứng người tốt gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần và cuộc sống. Những ảnh hưởng có thể gặp phải bao gồm:
- Stress kéo dài: “Người tốt” thường phải đối mặt với căng thẳng kéo dài. Bởi họ phải dành nhiều thời gian để giúp đỡ những người xung quanh, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chung và tự xoay sở với một loạt các vấn đề cá nhân. Điều này khiến “người tốt” thực sự quá tải và phải đối mặt với trạng thái căng thẳng trong thời gian dài.
- Khó thành công: Người có dạng tính cách hội chứng người tốt thường chọn cách sống thụ động và xem nhẹ ý kiến, cảm xúc của bản thân. Với những đặc điểm tính cách này, họ sẽ khó thành công trong cuộc sống ngay cả khi đủ năng lực và kinh nghiệm. Một người có tính cách tự ti, thụ động và thiếu chính kiến sẽ khó có thể quản lý nhân viên và sắp xếp công việc một cách hợp lý.
- Không có các mối quan hệ thực sự: Cố gắng làm vừa lòng mọi người giúp bạn tránh được những mâu thuẫn, xung đột và được mọi người yêu quý. Tuy nhiên, trước một người quá “hoàn hảo”, mọi người chỉ có thể giữ mối quan hệ xã giao với bạn. Thực tế, không ai muốn thân thiết với một người quá hoàn hảo. Nhiều người cho rằng, việc kết bạn với những người hoàn hảo khiến họ không thoải mái và áp lực. Vì vậy, “người tốt” sẽ khó có được những mối quan hệ thực sự.
- Gia tăng các vấn đề tâm lý: Vấn đề lớn mà người có dạng tính cách hội chứng người tốt phải đối mặt là cảm xúc bị kìm nén. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ tích tụ lâu ngày dẫn đến các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm. Vì cố làm vừa lòng người khác nên “người tốt” luôn không thoải mái, thậm chí bất mãn với chính mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, tất cả được che đậy hoàn hảo bằng vỏ bọc tử tế và hào phóng.
Hội chứng người tốt khác với đạo đức giả. “Người tốt” cố gắng giúp đỡ mọi người vì không biết cách từ chối và không muốn những người xung quanh ghét bỏ bản thân. Tuy nhiên, tâm lý này khiến họ có thể bị lợi dụng.
Trong khi đó, những kẻ đạo đức giả có sự tính toán trong lời nói và hành động để chiếm được lòng tin của mọi người. Họ có thể thao túng hoặc lợi dụng những người xung quanh để gia tăng lợi ích cho bản thân. Những người này thường có tính cách mưu mô, ích kỷ và thận trọng.
Làm sao để thoát khỏi hội chứng người tốt?
Các chuyên gia tâm lý ví những người có tính cách hội chứng người tốt là nô lệ của bản thân. Dạng tính cách này sẽ khiến cho họ khó có thể thăng tiến trong công việc và hiếm khi có được những mối quan hệ thực sự. Tệ hơn, những cảm xúc tiêu cực dồn nén có thể khiến họ phải đối mặt với một loạt các vấn đề tâm lý như stress, rối loạn lo âu và trầm cảm.
Về bản chất, “người tốt” có tính cách hay âu lo, thụ động và tự ti. Vì vậy, họ sẽ loay hoay không biết phải làm sao để thoát khỏi vai “người tốt”. Để thoát khỏi hội chứng người tốt, bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau:
1. Coi trọng cảm xúc của bản thân
Thay vì cố gắng lờ đi những cảm xúc tiêu cực, bạn nên coi trọng cảm xúc của bản thân. Nếu bạn không thực sự thoải mái với yêu cầu của người khác, hãy từ chối. Nên nhớ rằng, chỉ có bản thân mới thấu hiểu cảm xúc thực sự của chính mình. Bạn không thể đòi hỏi những người xung quanh thấu hiểu và chủ động giúp đỡ bạn.
Tôn trọng cảm xúc sẽ giúp bạn biết cách yêu thương bản thân thay vì chỉ suy nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Ngoài ra, điều này cũng sẽ hạn chế được căng thẳng và những vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm,… Thông qua việc thấu hiểu cảm xúc, bạn sẽ biết được bản thân cần gì và muốn gì. Trong khi đó, nếu cố gắng lờ đi cảm xúc của chính mình, bạn sẽ liên tục rơi vào trạng thái phẫn uất, cáu kỉnh, bế tắc và khó chịu.
2. Học cách từ chối
Học cách từ chối là một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Từ chối những đề nghị khiến bạn khó chịu sẽ giúp bản thân thoải mái hơn và có thời gian để nghỉ ngơi. Học cách từ chối cũng sẽ giúp bạn tránh bị lợi dụng và có thể nói “Không” với những người mà bản thân không thích.
Tuy nhiên, bạn không nên từ chối một cách thẳng thừng. Thay vào đó, nên từ chối khéo léo để tránh xảy ra mâu thuẫn. Cách ứng xử tinh tế sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt người khác mà không phải cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.
Để nói từ chối thực sự không phải là điều dễ dàng với người thuộc nhóm tính cách “hội chứng người tốt”. Vì vậy, hãy bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Ban đầu, hãy từ chối những yêu cầu vô lý, sau đó học cách nói “Không” với những đề nghị khiến bạn không thoải mái và khó chịu.
Khi bạn biết từ chối đúng lúc, những người xung quanh cũng sẽ không có cơ hội lợi dụng lòng tốt của bạn để thoái thác công việc và trách nhiệm. Việc nói “không” với đề nghị của người khác có thể khiến bạn không được lòng mọi người. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, chúng ta không có trách nhiệm phải làm hài lòng mọi người và điều quan trọng nhất vẫn là cảm xúc của chính mình.
3. Xây dựng lập trường
Thực tế, những người thuộc nhóm tính cách “hội chứng người tốt” thường không có lập trường. Họ thường đồng ý với ý kiến của số đông và hiếm khi bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của chính mình. Tuy nhiên, điều này khiến họ không thể phát triển bản thân và hiếm khi thăng tiến trong công việc.
Việc bạn cần làm là xây dựng lập trường. Lập trường là những quan điểm cơ bản về lối sống, cách cư xử, nguyên tắc công việc,… của mỗi người. Lập trường được hình thành, xây dựng dựa trên kinh nghiệm sống và đặc điểm tính cách của mỗi người.
Có lập trường sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống, thoải mái bày tỏ ý kiến và quan điểm cá nhân. Lập trường của mỗi người không thể phân định rạch ròi đúng – sai. Vì vậy, khi bày tỏ quan điểm, bạn nên tôn trọng ý kiến của người khác và xem trọng quan điểm của bản thân thay vì tự đánh giá thấp chính mình.
4. Thoải mái với chính mình
Hội chứng người tốt không chỉ khiến bạn luôn gật đầu đồng ý với yêu cầu của người khác mà còn khiến bạn cố gắng trở thành người hoàn hảo. Đừng cố gắng chuẩn mực hóa mọi hành vi của bản thân. Thay vào đó, hãy thoải mái với chính mình.
Thực tế, mỗi chúng ta đều sẽ có những giới hạn riêng trong cuộc sống. Tuy nhiên, giới hạn của “người tốt” thường cao hơn rất nhiều. Điều này giống như những bức tường nhốt kín họ trong một vỏ bọc hoàn hảo với tính cách không có bất cứ “tỳ vết” nào. Tuy nhiên, chỉ có chính bạn mới hiểu rõ bản thân có thực sự thoải mái và hạnh phúc hay không.
Thoải mái với chính mình sẽ giúp bạn vượt qua hội chứng người tốt. Lúc này, bạn có thể từ chối những yêu cầu làm bản thân khó chịu và thoải mái chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ khi thực sự cần. Hãy nhớ rằng, thấu hiểu cảm xúc của bạn không phải là trách nhiệm của người khác và ngược lại. Nếu muốn được thấu hiểu và chia sẻ, cách duy nhất bạn có thể làm là bày tỏ.
5. Tham vấn tâm lý
Thực tế, hội chứng người tốt có thể hình thành từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Trong trường hợp này, bạn có thể tham vấn tâm lý để được các chuyên gia giúp đỡ. Tính cách là kết quả của nhiều yếu tố tác động như cách giáo dục, trải nghiệm thực tế và tác động từ môi trường sống. Vì vậy, chúng ta không thể thay đổi tính cách trong một sớm một chiều.
Hơn nữa, một số dạng tính cách trở nên sâu sắc khó thay đổi do những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Lúc này, bạn sẽ khó có thể tự mình thay đổi bản thân mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn nhìn nhận khách quan điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực hơn.
Hội chứng người tốt là một trong những dạng tính cách cần phải thay đổi. Việc thay đổi không đồng nghĩa với việc bạn trở thành người xấu hay ích kỷ. Thay đổi giúp bạn thoải mái hơn với cảm xúc của chính mình và trở thành một người tốt thực sự thay vì cố gắng làm vừa lòng mọi người. Nếu không thể tự mình vượt qua, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Có thể bạn quan tâm
- Đặc điểm tính cách, tâm lý trẻ khi lớn lên trong gia đình độc hại
- Hậu quả cuộc việc thiếu tự tin trong cuộc sống bạn nên biết
- Hậu quả của lối sống tiêu cực và cách khắc phục
Mình ko bt có cái hội chứng này ko nx nhưng thấy hơi hơi rồi