Stress là gì? Nguyên nhân, biến chứng và cách giải tỏa

Stress là trạng thái mệt mỏi với nhiều dạng và ảnh hưởng đến từng người khác nhau. Đối với một số người, nó có thể là động lực để vượt qua thử thách, nhưng đối với nhiều người khác lại trở thành gánh nặng đè lên tinh thần và thể chất. Do đó, tìm hiểu về stress sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình và cách quản lý nó một cách hiệu quả.

Stress là gì? những thông tin bạn cần biết

Stress là một trong những trạng thái đem đến cho chúng ta những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Nếu một ai đó rơi vào tình trạng stress ở mức độ hợp lý thì sẽ giúp tinh thần trở nên tập trung cao độ, kích thích năng lực làm việc một cách hiệu quả và đánh thức bản năng khi gặp các tình huống nguy hiểm.

Stress là gì?
Stress là trạng thái đem lại nhiều nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách kiểm soát

Đối với nhiều người, hiện tượng stress diễn ra như “cơm bữa” hàng ngày, thế nhưng vẫn có thể cân bằng lại cảm xúc ngay sau đó và không để nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống thường ngày. Nhưng cũng có một số trường hợp rơi vào tình trạng stress kéo dài và khiến trạng thái đó trở biến chứng trầm cảm và các bệnh lý nguy hiểm khác.

Những ai dễ mắc chứng stress – căng thẳng mệt mỏi

Hội chứng stress sẽ không ngoại trừ bất kỳ một ai và mọi người đều có thể trải qua trạng thái này ít nhất một lần trong đời. Nhưng nếu không biết tiết chế và kiểm soát tâm lý thì căng thẳng sẽ biến thành bệnh lý gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Dưới đây là một số trường hợp rất dễ mắc phải chứng stress bệnh lý:

  • Người đang chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội:

Những người phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội (đặc biệt là từ khi còn nhỏ) sẽ định hình trong tâm lý những lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi. Những người ở trường hợp này sẽ thường có nguy cơ biến chứng thành stress nặng và dẫn tới tự sát.

Những áp lực gia đình, xã hội thường kéo dài dai dẳng trong nhiều năm

  • Người vừa trải qua sang chấn tâm lý

Những người có bản tính chân thành, tình cảm, dễ tin tưởng thì thường có khả năng chịu đựng sự tổn thương thấp hơn người khác. Đặc biệt là các bạn đang trong độ tuổi phát triển và đã quen với sự che chở, bao bọc từ gia đình.

Theo thống kê hiện nay, những đứa trẻ từng bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, bị người thân bỏ rơi,… đa số đều có các biểu hiện bất thường về tâm lý và đặc biệt là bị stress kéo dài ngay sau những sự kiện đó.

Người lớn khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống như: mất đi người thân, mất đi sự nghiệp, trải qua một đợt khủng hoảng tài chính hoặc tình cảm sẽ có thể dẫn tới hội chứng stress mà nếu không sớm cân bằng lại sẽ biến chứng thành trầm cảm hoặc nguy hiểm hơn thế.

đối tượng của stress
Hội chứng stress sẽ không ngoại trừ bất kỳ một ai
  • Người làm việc lao động ngoài trời

Công việc lao động ngoài trời thường sẽ phải tiếp xúc với tiếng ồn; không khí, thời tiết bất thường hoặc môi trường bị ô nhiễm,… Với những ai thể lực kém và cộng thêm những ảnh hưởng tâm lý của cuộc sống sẽ rất dễ bị căng thẳng.

  • Những đang mắc bệnh lý hiểm nghèo

Những người thể chất yếu ớt, hay ốm đau, béo phì, dị tật,… vốn đã mang nhiều mặc cảm; nếu họ không nhận được tình thương yêu từ mọi người và những động lực tích cực để phấn đấu thì rất dễ rơi vào trạng thái stress, trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Mức độ nguy hiểm của chứng stress

Đừng vội xem stress chỉ là một trạng thái đơn thuần của con người và có thể tự biến mất vào một khoảng thời gian nào đó. Nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp sẽ có thể dẫn đến những tình trạng sau đây:

Đẩy nhanh quá trình sản sinh gốc tự do:

Những người mắc phải hội chứng stress sẽ khiến cơ thể sinh sản ra rất nhiều gốc tự do.  Việc sản sinh ra gốc tự do sẽ khiến cơ thể rơi vào những tình trạng sau:

  • Gây oxy hóa chất béo rất cao
  • Đột biến gen
  • Biến đổi cấu trúc protein dẫn tới ức chế các men
  • Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể
  • Kích thích sự phát triển của mầm bệnh
  • Xơ vữa động mạch

Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc chống lại sự sản sinh gốc tự do có thể giúp con người hạn chế tối đa các bệnh lý về thần kinh.

Tăng khả năng mắc các bệnh lý nguy hiểm:

Hội chứng stress kéo dài có thể khiến cơ thể bị suy yếu cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc căng thẳng tâm lý vượt mức chịu đựng sẽ khiến catecholamin được tiết ra nhiều hơn và khiến mạch máu bị co thắt dẫn tới tình trạng thiếu oxy ở tim, thành mạch và ở các tổ chức.

Tình trạng stress có thể gây nguy hiểm hơn những gì bạn có thể nghĩ về nó, ví dụ như:

  • Mắc các bệnh lý tâm thần, thần kinh: mất ngủ, đau đầu, loạn trí nhớ, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn âu lo,…
  • Mắc bệnh lý về tim mạch: Huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực; đột quỵ, tai biến mạch máu não,…
  • Mắc các bệnh về hệ tiêu hóa: Chảy máu tiêu hóa; ăn không ngon; hơi thở có mùi; viêm loét đại tràng – tá tràng; thủng dạ dày; rối loạn chức năng đại tràng,…
  • Bệnh lý phụ khoa: Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương…
  • Cơ thể có nhiều biểu hiện suy yếu: đau mỏi các khớp, nhiều vùng cơ bị co cứng; chuột rút chân tay run rẩy; cơ thể luôn mỏi mệt; dễ bị dị ứng,…
mức độ nguy hiểm của stress
Tình trạng stress kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn tới não bộ và tác động đến hệ tiêu hóa

Những tác hại nghiêm trọng đến tâm lý:

Hội chứng stress dù ở mức độ nào cũng có thể tác động rất lớn đến hệ thần kinh và tâm lý của người bệnh. Một số triệu chứng nguy hiểm có thể gặp như:

  • Tâm lý chuyển sang trầm cảm và buồn chán:

Chứng trầm cảm được xem là nguyên nhân gây ra hầu hết các vụ tự sát hiện nay và khiến não bị tổn thương vĩnh viễn. Những người bị stress dẫn tới trầm cảm thường sẽ có suy nghĩ về cái chết hoặc những cảnh tượng kinh hoàng.

Dù chưa có những biểu hiện cụ thể ra bên ngoài nhưng trong tâm lý người bệnh, chứng stress và trầm cảm vẫn đang gặm nhấm một cách khốc liệt.

  • Suy giảm trí nhớ và khiến tâm lý luôn trong tình trạng căng thẳng tột độ:

Khi diễn biến của chứng ngày một trầm trọng, não rất dễ rơi vào tình trạng thiếu oxy và làm cho cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải,… dẫn tới suy giảm trí nhớ và tạo thêm nhiều áp lực lớn lên tâm trí.

Người mắc chứng stress nặng sẽ luôn buồn rầu, tự hạ thấp bản thân, chán ghét mọi thứ xung quanh và đôi lúc sẽ có nhiều trạng thái tiêu cực một cách vô cớ.

Những yếu tố khiến gia tăng stress – căng thẳng

Có rất nhiều yếu tố có thể kích thích sự phát triển của hội chứng stress và làm trầm trọng thêm các triệu chứng tình trạng căng thẳng, cụ thể như sau:

Người không có mối quan hệ xã hội:

Với mỗi người thì tình trạng stress sẽ diễn ra hoặc phát triển theo nhiều hướng khác nhau và chủ yếu là phụ thuộc vào: sức khỏe, áp lực xung quanh, tư duy, đặc thù công việc,… Tuy nhiên, những người có thể duy trì các mối quan hệ xã hội rộng rãi thường ít chịu tác động nguy hiểm của stress so với những người khác.

Không duy trì dinh dưỡng khoa học:

Các yếu tố liên quan tới dinh dưỡng ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có sức tác động nhất định đến chứng stress – căng thẳng mệt mỏi. Nếu người bệnh vẫn duy trì lối sống và chế độ ăn uống không phù hợp sẽ khiến não bộ dễ ” phát nổ”. Những người không ăn đủ chất, ngủ không đủ giấc, không chăm sóc cho bản thân sẽ càng làm gia tăng mức độ stress hàng ngày.

bệnh stress
Lạm dụng chất kích thích là yếu tố thúc đẩy phát triển chứng stress

Ở mỗi nhóm tuổi sẽ cần được chăm sóc theo một cách khác nhau, đặc biệt là trong các giai đoạn như:

  • Trẻ em đang trong lứa tuổi dậy thì
  • Sinh viên vừa mới ra trường
  • Người mới bước sang độ tuổi trung niên
  • Người già

Trong những giai đoạn này, con người cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách cẩn thận vì đây đều là những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người.

Mắc phải bệnh lý nguy hiểm:

Ngoài tác động của 2 yếu tố trên, nếu người bệnh gặp phải những biến chuyển trong cơ thể cũng sẽ kích thích khả năng phát triển của hội chứng stress như: mắc các bệnh lý mạch máu, vấn đề về hệ tiêu hóa, đột quỵ,…

Dấu hiệu nhận biết chứng stress nặng

Những ai mắc phải chứng stress nặng sẽ tổn hại về mọi khía cạnh như: hành vi, biểu hiện, ngoại hình, nhận thức và sức khỏe,… Ban đầu, các dấu hiệu bệnh lý sẽ khá mờ nhạt và tiến triển một cách âm ỉ, khó nhận biết. Thế nhưng nếu quan sát và tổng hợp các dấu hiệu dưới đây thì chắc chắn sẽ phát hiện được sớm hơn.

Dấu hiệu về mặt tâm lý

Người mắc chứng stress kéo dài và có khả năng trở thành bệnh lý thường sẽ có những dấu hiệu về mặt tâm lý như sau:

  • Trầm cảm, rối loạn lo âu
  • Luôn có cảm giác buồn bã, không thể vui vẻ
  • Tâm lý nặng nề, đè nén như thể đang phải chịu một áp lực gì đó rất kinh khủng.
  • Bật khóc một cách bất thường, khó kiểm soát tâm lý
  • Không muốn quan tâm đến bất kỳ điều gì xung quanh
  • Dễ nổi cáu, căm ghét và đập phá mọi thứ
  • Có suy nghĩ tự sát và tự hạ thấp bản thân
  • Cảm thấy cô đơn, vô dụng và chán ghét chính mình
dấu hiệu stress
Stress là trạng thái căng thẳng và có thể tiển triển thành trầm cảm một cách âm ỉ

Dấu hiệu về mặt bệnh lý

Những người sống chung với stress lâu ngày thường sẽ sinh ra nhiều bệnh lý. Đa số các chứng bệnh hoặc thay đổi bất ổn về sức khỏe có nguồn gốc từ stress thường sẽ là:

  • Khó ngủ, mất ngủ hoặc không thể ngủ ngon giấc
  • Suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể yếu, dễ mệt mỏi hoặc đau nhức toàn thân.
  • Cơ thể run rẩy, dễ rùng mình, chân tay lóng ngóng
  • Rối loạn hệ tiêu hóa và thường xuyên ợ hơi
  • Tim đập nhanh, hạ huyết áp và có triệu chứng tức ngực, khó thở
  • Giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương
  • Cân nặng và chế độ ăn uống thay đổi bất thường.
  • Cơ thể bị ớn lạnh và toát mồ hôi trộm thường xuyên
  • Da mặt nổi nhiều mụn, tóc rụng nhiều và bị dị ứng bất ngờ

Dấu hiệu về hành vi

Những ai rơi vào trạng thái stress thường sẽ thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt một cách rõ rệt, cụ thể như sau:

  • Thay đổi khẩu vị ăn uống, đa số thiên về sử dụng các chất kích thích.
  • Không muốn tương tác với những người xung quanh và tự cô lập chính mình.
  • Luôn phản ứng thái quá trước những vấn đề đơn giản hoặc nổi nóng vô cớ.
  • Hành vi mang tính chất ám ảnh cưỡng chế
  • Cắn móng tay, cấu da tay, giật tóc một cách vô thức
  • Lười vận động và trì hoãn công việc
  • Không thể tập trung làm tốt một việc gì đó và không còn quan tâm đến ngoại hình của mình.

Nguyên nhân gây ra chứng stress hiện nay

Ai nhìn vào cũng thấy, stress là một bệnh về tâm lý, những người mắc phải hội chứng này đều có tư duy, hành động bất thường.Tuy nhiên tâm lý hay cảm xúc nhất thời không hoàn toàn là nguyên nhân gây bệnh, chúng có thể bắt nguồn từ những yếu tố sau:

Nguyên nhân đến từ tâm lý

Những yếu tố tác động đến tâm lý con người khiến chúng hình thành mầm bệnh không hẳn chỉ xuất phát từ thời điểm hiện tại mà có thể đã có từ trong quá khứ.

Ví dụ, những người đã từng trải  qua nhiều biến cố của cuộc sống và bị ám ảnh tâm lý dai dẳng. Cho đến một thời điểm nào đó, khi gặp phải một tình huống gây gợi nhớ sẽ khiến vùng kí ức vốn chịu nhiều tổn thương nay lại bị chịu thêm một tác động mạnh và từ đó khởi phát thành bệnh.

Không chỉ có người lớn, những đứa trẻ nếu phải trải qua một tuổi thơ đầy rẫy bất công, trải qua chấn thương tâm lý từ sớm (lạm dụng tình dục, thiếu đi tình cảm gia đình,…) sẽ có thể hình thành nên tính cách bất ổn, nghiện sử dụng chất kích thích,… sau sẽ dễ phát triển thành bệnh.

Yếu tố tâm lý tuy không hẳn lúc nào cũng là nguyên nhân chính gây bệnh nhưng đây cũng là nguyên nhân khó phát hiện và khó điều trị nhất hiện nay.

Nguyên nhân do tác động bên ngoài

  • Áp lực từ công việc, tài chính

Dưới sự phát triển không ngừng nghỉ của thế giới, hàng loạt các bạn trẻ ngày nay buộc phải chạy đua với thời gian và đối mặt với nhiều áp lực từ mọi khía cạnh., đặc biệt là trong công việc. Chính vì điều này mà bệnh stress đang có dấu hiệu trẻ hóa và tác động rất mạnh đến những giới trẻ.

Nếu như bạn không được làm đúng sở trường; mức độ cạnh tranh quá cao; khối lượng công việc quá khốc liệt; môi trường làm việc nhàm chán, không nhìn thấy hướng phát triển cho mình trong tương lai hay xung đột với đồng nghiệp, cấp trên,… cũng đều là những yếu tố khiến người ta phải đau đầu, căng thẳng và chịu áp lực mỗi ngày.

nguyên nhân gây stress
Áp lực công việc và tài chính luôn là nguyên nhân lớn nhất gây stress mệt mỏi
  • Áp lực từ gia đình, các mối quan hệ xã hội

Nhiều người khi rơi vào trạng thái bất ổn về tình cảm gia đình sẽ rất dễ bị stress kéo dài và có nhiều dòng suy nghĩ tiêu cực. Những người đang ở trong trạng thái này,  nếu không nhận được tình yêu thương từ gia đình hoặc người thân xung quanh sẽ nhanh chóng chuyển biến thành bệnh trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc.

  • Áp lực về sự kiện sang chấn tâm lý

Một số sự kiện như: mất đi người thân yêu nhất; gặp tai nạn nguy hiểm; trải qua cảnh tượng kinh hoàng;… sẽ khiến nhiều người bị ám ảnh và gây mất kiểm soát tâm lý trong suốt một thời gian dài. Việc bị ám ảnh và không thể thoát ra khỏi tâm lý lo lắng, bất ổn sẽ khiến tinh thần suy sụp, sức khỏe yếu đi và mắc phải các chứng rối loạn, căng thẳng trong hệ thần kinh.

Môi trường sống không tốt

Môi trường sống xung quanh ô nhiễm, quá ồn ào; có nếp văn hóa không lành mạnh hoặc không phù hợp với tính cách của bạn cũng có thể khiến bạn trở nên căng thẳng, mệt mỏi.

Những thay đổi về sức khỏe

Khi cơ thể đang bước vào các giai đoạn như: tiền mãn kinh, dậy thì, đến tuổi già hoặc mắc phải một chứng bệnh nguy hiểm,… sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng, bất ổn.

Tự khiến bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng

Có rất nhiều người đang vô tình tự tạo ra những áp lực vô hình cho chính mình. Những người cầu toàn, người sống tiêu cực,… là một trong số đối tượng đầu tiên của hội chứng stress.

Hãy học cách suy nghĩ đơn giản, tích cực hoặc nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau để mọi thứ không quá áp lực. Nếu bạn cứ gồng mình lên để chu toàn cho mọi thứ và rồi không đặt niềm tin vào bất kỳ điều gì cũng sẽ khiến tâm lý sinh ra nghi ngờ, chán nản và mệt mỏi.

Cách chẩn đoán stress

Chẩn đoán stress là một nhiệm vụ không đơn giản vì nó là cảm giác chủ quan mà mỗi người trải qua. Do không thể đo lường trực tiếp bằng các xét nghiệm, việc xác định căng thẳng phụ thuộc vào cảm nhận của chính người bệnh. Các bác sĩ và chuyên gia thường sử dụng bảng câu hỏi để đánh giá mức độ căng thẳng, tìm hiểu nguyên nhân và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống hàng ngày. Các công cụ như thang đo DASS, Beck, Zung đều được sử dụng để thu thập thông tin cần thiết.

chẩn đoán stress
Stress có thể được chẩn đoán thông qua các bài kiểm tra của chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa

Khi căng thẳng trở nên mãn tính, các triệu chứng thể chất như huyết áp cao cùng rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng liên quan và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Điều này sẽ giúp xác định mức độ căng thẳng và quản lý các vấn đề sức khỏe đi kèm để cải thiện tình trạng tổng thể.

Các phương pháp điều trị stress

Stress có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cả thể chất lẫn tinh thần nên việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị stress thường bao gồm tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng cũng như sự phù hợp với từng cá nhân.

Tâm lý trị liệu

Có thể nói tâm lý trị liệu là phương pháp phổ biến để giải quyết các triệu chứng stress bằng cách làm việc trực tiếp với cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một trong những phương pháp nổi bật, giúp thay đổi cách cá nhân suy nghĩ và phản ứng với tình trạng này. Thông qua việc nhận diện và có hướng điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, liệu pháp CBT có thể giúp bệnh nhân giảm mức độ căng thẳng hiệu quả.

Ngoài CBT, giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) cũng là một lựa chọn hữu ích. Phương pháp này kết hợp thiền định và chánh niệm để người bệnh sống cho hiện tại, giảm bớt căng thẳng. Tâm lý trị liệu tìm ra nguyên nhân gốc rễ  để sau đó bệnh nhân có thể đưa ra biện pháp cải thiện lối sống nhằm đối mặt với căng thẳng tốt hơn.

điều trị stress
Stress có thể khỏi nhờ vào phương pháp trị liệu tâm lý với chuyên gia

Thuốc điều trị

Khi căng thẳng trở nên nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu kéo dài, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị. Thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng nhanh chóng và cải thiện tâm trạng, nhưng bệnh nhân cần phải tuân thủ chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất.

Các loại thuốc điều trị stress thường gặp bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs): Cải thiện tâm trạng bằng cách tăng lượng serotonin trong não với citalopram, fluoxetine, sertraline.
  • Thuốc an thần: Giảm lo âu và giúp ngủ ngon hơn trong thời gian ngắn, bao gồm các thuốc như alprazolam, diazepam.
  • Thuốc chẹn beta: Giảm triệu chứng thể chất của stress như hồi hộp, tăng nhịp tim (propranolol, metoprolol).
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRIs): Tăng nồng độ serotonin và norepinephrine để cải thiện tâm trạng với loại thuốc duloxetine, venlafaxine.

Dù thuốc có thể giúp giảm triệu chứng, việc phối hợp với các phương pháp điều trị khác vẫn là rất cần thiết để đạt được kết quả lâu dài.

Cách phòng ngừa stress

Bí quyết giải tỏa stress hiệu quả nhất đó chính là cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của bệnh lý và khắc phục dần dần để giải tỏa lo âu cùng phiền muộn trong tâm lý. Sau đó có thể áp dụng các phương pháp phòng ngừa sau đây:

Rèn luyện sức khỏe mỗi ngày

Việc rèn luyện sức khỏe sẽ giúp cơ thể con người phòng tránh được rất nhiều bệnh lý nguy hiểm và giúp tinh thần thư thái, thoải mái hơn. Còn đối với hội chứng stress, việc tập luyện thể lực cũng đóng một vai trò hết sức cần thiết.

Một số bộ môn thể thao mà bạn có thể tập luyện để thư giãn đầu óc như:

  • Yoga: Đây là bộ môn đem đến phút giây thư giãn, tĩnh tâm và cân bằng lại cảm xúc cho mỗi người.
  • Tập hít thở sâu: Bài tập này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và giảm những stress căng thẳng.
  • Đi bộ buổi sáng: Mỗi sáng bạn nên dành 15 – 20 phút để đi bộ và giúp tinh thần trở nên thoải mái hơn.

Xây dựng chế độ ăn uống cần thiết cho cơ thể

Mỗi người, mỗi cơ thể đề rất cần một chế độ chăm sóc phù hợp vào từng thời điểm khác nhau. Đừng cố gắng giải tỏa cơn stress bằng các chất kích thích hay thuốc an thần, điều này chỉ khiến tình trạng của bạn thêm trầm trọng và mất kiểm soát hơn.

Thay vào đó hãy chọn chế độ ăn dinh dưỡng, một bữa cơm gia đình hoặc với bạn bạn bè để giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, bạn có thể thử làm tại nhà các loại nước uống từ thảo dược Đông y giúp xả stress, thanh lọc cơ thể rất hiệu quả.

Dành thời gian vui chơi, ở bên gia đình và bạn bè

Đừng ôm khư khư những mệt mỏi đó trong lòng, hãy thường xuyên ra ngoài để gặp gỡ bạn bè hoặc một người thân yêu nào đó để tâm sự và biết đâu họ có thể đưa ra lời khuyên, lời động viên giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này và khôi phục tâm trạng vui vẻ. Hãy nhớ rằng, chia sẻ luôn là biện pháp giúp con người giải tỏa lo lắng, hiểu rõ được vấn đề mà mình đang phải đối diện và nhận thấy bản thân không quá cô độc.

phòng ngừa stress
Ra ngoài gặp gỡ bạn bè giúp tinh thần được thoải mái hơn

Học cách từ chối, buông bỏ khi cần thiết

Hãy đối mặt và nhìn nhận vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Đồng thời nghĩ xem điều này có thật sự xứng đáng để mình phải trở nên căng thẳng hay không. Nếu không quá quan trọng hãy gạt bỏ và tìm đến một sự lựa chọn tốt hơn. Và hơn hết, khi không muốn thực hiện điều gì đó khiến tâm trạng thiếu thoải mái thì hãy học cách từ chối, nói “không” để cảm xúc được cân bằng và không còn lo âu.

Tập cách tự thư giãn

Hiện nay cũng có khá nhiều các giải pháp giúp xả stress ngay lập tức chỉ trong vài động tác nho nhỏ như:

  • Xoa bóp bàn tay: Nếu căng thẳng, hãy thử xoa bóp bàn tay, những ngón tay trong vòng 1 phút và bạn có thể thấy được công dụng của nó
  • Hít thở sâu: Hít sâu và thở đều để giúp tinh thần được thư giãn một lúc, hãy làm như thế nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc chuẩn bị đưa ra một quyết định quan trọng nào đó.
  • Đi dạo: Nếu đang đứng trong một bầu không khí khiến bạn thấy ngột ngạt, căng thẳng,… hãy đi ra khỏi đó và tìm kiếm một không gian đủ thoáng để bạn đi dạo và cân bằng lại cảm xúc
  • Nghe nhạc và uống trà ấm: Để giúp bản thân thư giãn bạn có thể nghe một bài nhạc yêu thích và uống một tách trà ấm, cứ thử đi vì mình tin chắc nó sẽ hợp với bạn.

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến stress

Stress là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng khi nó trở nên nghiêm trọng lại khiến nhiều người không biết làm thế nào để xử lý. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như cách ứng phó với nó, chúng ta cần nắm bắt thông tin về tình trạng này nhiều hơn thông qua một số thắc mắc, cụ thể như sau:
Câu 1: Stress có nguy hiểm không?
Có, nếu không được quản lý và điều trị kịp thời, stress có thể gây ra hậu quả tiêu cực gồm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, béo phì, rối loạn ăn uống và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Câu 2: Stress có phải là trầm cảm không?
Stress và trầm cảm là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ. Stress kéo dài và không được giải tỏa có thể dẫn đến trầm cảm. Nếu thấy mình liên tục có cảm xúc tiêu cực, mất động lực, khó xử lý cảm xúc thì đây là dấu hiệu của trầm cảm và cần được khám xét kỹ lưỡng.

Câu 3: Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu cảm thấy stress đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của mình, các triệu chứng không giảm bớt và có suy nghĩ tiêu cực kéo dài thì hãy chủ động tìm đến khám bác sĩ. Đặc biệt, nếu bạn thấy mình ngày càng không thể đối phó với căng thẳng, có triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn giấc ngủ thì hãy tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia.

bệnh stress
Dấu hiệu không kiểm soát được cảm xúc cảnh báo nguy cơ stress nên đi khám bác sĩ

Câu 4: Stress có chữa được không?
Có, stress có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng thuốc, tham gia vào liệu pháp tâm lý và áp dụng các phương pháp phòng ngừa như tập thể dục, ngồi thiền, thay đổi lối sống. Điều quan trọng là tìm ra phương pháp phù hợp với mình để kiểm soát và giảm bớt căng thẳng hiệu quả.

Câu 5: Stress có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?
Có, stress có thể gây rối loạn giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ hoặc bị thức dậy giữa đêm. Căng thẳng thường dẫn đến tình trạng lo lắng, suy nghĩ quá mức, và cảm giác không thể thư giãn, tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Để cải thiện giấc ngủ, bạn có thể thử các kỹ thuật thư giãn và thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Như vậy, thay vì để stress kiểm soát cuộc sống của mình, hãy học cách quản lý nó bằng các phương pháp hiệu quả. Tìm ra nguồn gốc của stress, điều chỉnh lối sống và tập trung thực hiện nhiều hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng là những cách quan trọng để vượt qua tình trạng khó khăn này.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo: 

  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11874-stress
  • https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/stress
  • tamanhhospital.vn, vinmec.com, bvndtp.org.vn,….

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *