Hưng cảm là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Hưng cảm là trạng thái hưng phấn của cơ thể với các triệu chứng đặc trưng như gia tăng khí sắc, cảm xúc – tư duy hưng phấn, tăng hoạt động,…Đây còn được xem là một giai đoạn của rối loạn lưỡng cực.
Hưng cảm là gì?
Hội chứng hưng cảm là tình trạng cơ thể trở nên hưng phấn với sự biểu hiện đặc trưng như gia tăng hoạt động, tăng khí sắc, cảm xúc hưng phấn, tư duy hưng phấn. Đồng thời còn kèm theo một số triệu chứng rối loạn thực thể cụ thể như thèm ăn, mất ngủ, khả năng hoạt động tình dục gia tăng, sụt cân,…
Ngoài ra, hưng cảm còn là một trong các triệu chứng điển hình của những người bệnh rối loạn lưỡng cực. Khi mắc phải chứng rối loạn này, người bệnh sẽ phải trải qua tối thiểu một giai đoạn hưng cảm hoặc giai đoạn hỗn hợp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ có thêm một hoặc rất nhiều các giai đoạn trầm cảm chủ yếu khác.
Dựa theo bảng Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD) thì hội chứng hưng cảm sẽ được chia thành 3 mức độ như sau:
- Hưng cảm nhẹ
- Hưng cảm vừa
- Hưng cảm nặng có kèm theo các triệu chứng loạn thần – đây cũng là mức độ nghiêm trọng nhất của hưng cảm.
Nguyên nhân gây ra chứng hưng cảm
Như đã chia sẻ, hưng cảm có thể là triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Hiện nay, về nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định và tìm hiểu rõ. Các nhà khoa học cho biết rằng, nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải chứng bệnh này thì các thành viên còn lại cũng có khả năng cao bị bệnh.
Ngoài ra, rối loạn lưỡng cực cũng có khả năng liên quan đến sự mất cân bằng hóa học bên trong não bộ. Trong thực tế bất kì đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng hưng cảm, tuy nhiên, những người ngoài 30 sẽ có nguy cơ cao hơn.
Một vài yếu tố có thể góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh như:
- Thiếu ngủ trong thời gian dài.
- Lạm dụng hoặc nghiện rượu bia, ma túy.
- Do sự ảnh hưởng của tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc chống trầm cảm SSRI hoặc thuốc kháng viêm steroid.
- Ngộ độc thuốc, đặc biệt là một số chất kích thích như methamphetamine và cocaine.
- Các đối tượng mắc phải một số bệnh ác tính cũng có nhiều nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hưng cảm.
Triệu chứng của người bệnh hưng cảm
Triệu chứng của hưng cảm biểu hiện rất đa dạng. Đôi lúc ngay cả người bệnh còn không thể nhận ra được những thay đổi bất thường của bản thân. Họ có xu hướng bác bỏ và không tin các nhận xét, ý kiến đóng góp của người khác dành cho mình.
Một vài dấu hiệu nhận biết bạn đang trong giai đoạn hưng cảm như:
- Nói nhiều, nói liên tục, nói to và rất nhanh.
- Nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi giảm đi đáng kể, họ có thể ngủ vài giờ trong ngày hoặc không ngủ.
- Mức năng lượng để hoạt động cao hơn so với bình thường, hay cười nói, hát hò, ca múa nhưng dễ cáu gắt, nóng giận, kích động một cách đột ngột và không thể tự kiềm chế bản thân.
- Rất dễ bị phân tâm, không tập trung, giảm sự chú ý.
- Có xu hướng muốn khẳng định bản thân, trở nên hống hách, kiêu ngạo, khoe khoang, đề cao cái tôi.
- Tư duy trở nên hưng phấn, xuất hiện rất nhiều suy nghĩ và ý tưởng nảy sinh liên tục.
- Gia tăng ham muốn tình dục, không biết xấu hổ, có thể trở nên sỗ sàng, hấp tấp,..
- Bồn chồn, đứng ngồi không yên, hoạt động hưng phấn, cảm thấy tràn đầy năng lượng, không biết mệt mỏi nhưng không thể hoàn thành tốt bất kì công việc nào.
- Có xu hướng dễ dàng tham gia hoặc thực hiện các hành vi mang nhiều rủi ro, chẳng hạn như tiêu xài phung phí, mua sắm điên cuồng, đầu tư mạo hiểm,…
- Một số rối loạn đi kèm như thèm ăn, ăn nhanh, ăn rất nhiều,…
Các triệu chứng của cơn hưng cảm có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Khi chúng lắng xuống hoặc chuyển sang giai đoạn khác, bệnh nhân có thể cảm thấy chán nản hoặc hối hận về những điều mà mình đã thực hiện.
Nếu tình trạng hưng cảm xảy ra ở mức độ nặng hơn, có liên quan đến việc tách rời khỏi thực tế thì bệnh nhân sẽ có thêm một số triệu chứng như:
- Xuất hiện ảo thanh (cảm giác sai lệch về thính giác) hoặc ảo giác (cảm giác sai lệch về thị giác).
- Có triệu chứng của hoang tưởng, các suy nghĩ phi thực tế. Người bệnh có thể tự cho rằng bản thân có một năng lượng đặc biệt nào đó hay thượng đế đã đang có mình một địa vị, quyền năng mà không ai có được.
Cách chẩn đoán bệnh hưng cảm
Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải các triệu chứng của hưng cảm thì bạn nên chủ động tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Thông thường các bác sĩ sẽ tiến hành tìm hiểu thông tin về tình trạng bệnh sử và kiểm tra các vấn đề về sức khỏe thể chất của người bệnh.
Người bệnh cần phải chia sẽ thoải mái và thành thật với bác sĩ về các thông tin cần thiết. Đặc biệt là liệt kê cụ thể về những loại thuốc đang sử dụng, kể cả các loại thuốc được kê đơn và không kê đơn cũng như bất kì các loại chất kích thích bất hợp pháp nào đó.
Do người bệnh có nhiều khả năng không thể tự nhận thức được một vài triệu chứng của bản thân nên việc chẩn đoán có thể gặp phải nhiều khó khăn và khá phức tạp. Đặc biệt, nếu như bệnh nhân bị trầm cảm nhưng các bác sĩ không biết về những hành vi, biểu hiện hưng cảm thì nhiều khả năng có thể đưa ra những sự nhầm lẫn về kết quả chẩn đoán.
Bên cạnh đó, một vài tình trạng về sức khỏe khác cũng có thể gây nên các triệu chứng của hưng cảm. Một số trường hợp do sự hoạt động quá mức của tuyến giáp nên tạo ra cá triệu chứng “bắt chước” với hưng cảm nhưng thực tế lại không đúng như vậy.
Quá trình chẩn đoán hưng cảm cần phải có thời gian nhất định. Do đó, trong hầu hết các trường hợp thì những triệu chứng nhận biết phải kéo dài tối thiểu 7 ngày để bác sĩ có thể theo dõi và xác định chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, đối với các trường hợp hưng cảm nặng, những biểu hiện của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn buộc người bệnh phải nhập viện điều trị thì cần phải chẩn đoán nhanh chóng hơn.
Tìm hiểu thêm: Hưng cảm có chữa được không? Điều trị trong bao lâu?
Điều trị hưng cảm như thế nào?
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện hưng cảm của người bệnh thì cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và chẩn đoán cụ thể tại các cơ sở chuyên khoa uy tín. Sau khi các bác sĩ biết rõ được tình trạng bệnh của bệnh nhân sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Trước tiên, những người mắc phải hội chứng này cần được nhanh chóng hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng bằng cách nói chuyện, tiếp xúc với người khác. Những người xung quanh nên tìm cách trao đổi khéo léo, nhẹ nhàng, tế nhị với người bệnh, hạn chế dùng những ngôn ngữ, lời nói gây kích động sẽ làm gia tăng trạng thái hưng cảm.
Sau đó, người bệnh có thể được áp dụng các biện pháp cải thiện như:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả nhất để có thể kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng của hưng cảm. Từ nhiều năm qua, FDA đã lần lượt công nhận tác dụng điều trị hưng cảm cấp đối với 3 loại thuốc lithium năm 1970, chlorpromazine năm 1973, divalproex năm 1994.
Từ năm 1970 đến 1980 thì các loại thuốc chống loạn thần thế hệ I và lithium đã được sử dụng chủ yếu cho các trường hợp bị hưng cảm. Cho đến cuối những năm 1990 thì divalproex và các loại thuốc chống loạn thần thế hệ II bắt đầu ra đời và được công nhận về hiệu quả nên được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.
Sau đó, từ năm 2000 trở đi, các loại thuốc chống loạn thần thế hệ II như olanzapine, risperidone, quetiapine, ziprasidone, aripiprazole đã được chỉ định sử dụng đơn trị cho các trường hợp mắc phải chứng hưng cảm. Carbamazepine ER (2004) và divalproex ER (2005) cũng bắt đầu được chỉ định cho các người bệnh đang ở giai đoạn hưng cảm.
Bên cạnh các loại thuốc chống loạn thần thì người bệnh hưng cảm cũng có thể được chỉ định dùng thêm một số loại ổn định tâm trạng. Thông thường, người bệnh sẽ phải thử một vài loại thuốc khác nhau để tìm được loại thuốc phù hợp nhất, sau đó mới áp dụng liều dùng duy trì.
Điều quan trọng đó chính là bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngay cả khi thuốc làm xuất hiện các tác dụng phụ thì việc ngừng sử dụng thuốc đột ngột mà không có sự theo dõi của bác sĩ cũng là điều vô cùng nguy hiểm. Vì thế, ngay khi nhận thấy bất kì biểu hiện khác thường nào thì người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
2. Liệu pháp tâm lý
Để quá trình dùng thuốc mang lại hiệu quả tốt hơn, người bệnh có thể được khuyến khích áp dụng một số liệu pháp tâm lý. Việc trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho bệnh nhân ổn định tâm trạng tốt hơn, đồng thời họ sẽ nhìn nhận được các suy nghĩ, hành vi thái quá của bản thân và điều chỉnh chúng theo chiều hướng đúng đắn hơn.
Thông thường, đối với những trường hợp hưng cảm, các chuyên gia sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi để điều chỉnh lại suy nghĩ và hành đồng của người bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác mà chuyên gia cũng sẽ cân nhắc áp dụng kết hợp theo một số liệu pháp phù hợp hơn.
3. Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị chuyên khoa thì người bệnh hưng cảm cũng phải nhanh chóng thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Một số thói quen cần thực hiện như:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe bằng các bài tập phù hợp. Việc vận động cơ thể mỗi ngày sẽ giúp bạn giải tỏa tốt nguồn năng lượng dư thừa, đồng thời hỗ trợ thư giãn, cân bằng tâm trạng hiệu quả.
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, các loại củ quả, trái cây, thịt cá,…Hạn chế những món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo,…
- Đảm bảo giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, rèn luyện thói quen ngủ sớm trước 23 giờ. Hạn chế thức khuya vì đây cũng là một trong các thói quen có thể làm kích hoạt các triệu chứng của bệnh hưng cảm.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp, hạn chế sử dụng caffeine, rượu bia, thuốc lá,…
- Học cách kiểm soát cảm giác, tránh các tình huống gây cảnh thẳng, kích động.
- Để kiểm soát tốt hành vi của bản thân, bạn có thể tập thói quen viết nhật kí. Ghi chép lại các sự việc xảy ra trong ngày, những cảm xúc, hành vi đã thực hiện để dần điều chỉnh tốt hơn.
- Học cách chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với những người xung quanh. Mỗi khi gặp phải khó khăn, cản trở trong cuộc sống, công việc bạn cũng cần tìm một ai đó để giải bày, giúp giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Bài viết trên đây đã cho bạn đọc biết thêm nhiều thông tin về tình trạng hưng cảm. Tuy nhiên, những thông tin này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Vì thế hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bản thân đang mắc phải các triệu chứng của bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Mất Cảm Xúc Với Mọi Thứ Trong Cuộc Sống Và Cách Khắc Phục
- Vô Cảm Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục
- Vô Cảm Với Người Thân Trong Gia Đình: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!