Lợi ích và Tác hại của cảm xúc tiêu cực bạn nên biết
Trên thực tế, cảm xúc tiêu cực không chỉ gây ra tác hại mà còn mang đến một số lợi ích. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ xuất hiện khi cảm xúc tiêu cực diễn ra trong một thời gian ngắn và bạn biết cách kiểm soát, giải tỏa lành mạnh.
Bất ngờ với lợi ích của cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực được định nghĩa là tất cả các cảm giác gây ra sự đau khổ, lo âu, buồn bã, chán nản, bi quan,… Các cảm xúc này tồn tại bên cạnh cảm xúc tích cực như một phần tất yếu của cuộc sống. Ngược lại với cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực xảy ra khi phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng, các áp lực và vấn đền nan giải trong cuộc sống.
Tùy theo hoàn cảnh và tính cách của từng người, cảm xúc tiêu cực có thể được bộc lộ một cách chân thực hoặc được kìm nén ở bên trong. Như tên gọi, cảm xúc tiêu cực gây ra cảm giác không hề thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên trên thực tế, các cảm xúc này cũng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe. Chính vì vậy, bạn không nên quá lo lắng nếu nhận thấy bản thân đang phải đối mặt với sự lo âu, căng thẳng, ganh ghét, đố kỵ, tức giận,…
Một số nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng, cảm xúc tiêu cực mang lại khá nhiều lợi ích đối với sức khỏe và cuộc sống như:
1. Gia tăng sự tập trung khi học tập, làm việc
Cảm xúc là trạng thái xảy ra khi con người phải đối mặt với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Nếu sự kiện này có tính chất nghiêm trọng và xảy ra một cách không mong muốn, việc có những cảm xúc tiêu cực là hoàn toàn không tránh khỏi. Thực tế cho thấy, các cảm xúc tiêu cực len lỏi vào đời sống của con người qua nhiều hoàn cảnh khác nhau như áp lực công việc, kết quả học tập kém, mối quan hệ tình cảm không được như mong muốn,…
Bên cạnh cảm giác khó chịu, cảm xúc tiêu cực cũng giúp gia tăng sự tập trung khi học tập và làm việc. Cụ thể khi đối mặt với áp lực công việc, bạn sẽ tăng khả năng tập trung và nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc khi bài kiểm tra đạt kết quả không tốt, phản ứng chung của mọi người là xem xét lại bản thân và nỗ lực hơn để cải thiện.
Như vậy, sự lo lắng, căng thẳng, tức giận hay đố kỵ không chỉ gây ra những tác động tiêu cực mà còn mang đến những lợi ích đáng kể. Thậm chí, một số người cảm nhận rõ hiệu suất lao động tăng lên đáng kể sau khi trải qua tâm trạng tiêu cực.
2. Tăng sự nhạy bén
Cảm xúc có chức năng truyền tín hiệu để các cơ quan điều chỉnh hoạt động, từ đó tạo ra những phản ứng giúp cơ thể thích nghi với các điều kiện khác nhau. Các chuyên gia nhận thấy, những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, vui vẻ mang lại cảm giác an toàn và thoải mái. Trong khi đó, cảm xúc tiêu cực truyền đến tín hiệu hoàn toàn mới giúp cơ thể tràn trề năng lượng và nhạy bén hơn so với bình thường.
Nhiều người cũng nhận thấy rằng, bản thân nhạy bén, sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn khi bị căng thẳng, lo âu và sau khi phải trải qua những sự kiện có tính chất buồn bã như chia tay, mâu thuẫn với bạn bè, gặp phải áp lực về tài chính, mất người thân (đặc biệt là người có vai trò trụ cột gia đình),… Các chuyên gia cho rằng, khi phải đối mặt với khó khăn, cơ thể sẽ biết cách điều chỉnh để bản thân trở nên mạnh mẽ nhất. Hơn nữa, nguồn động lực “vô hình” từ ý chí cũng giúp cho cơ thể tràn trề năng lượng và nhạy bén, linh hoạt hơn trong công việc.
3. Cải thiện trí nhớ ngắn hạn
Cải thiện trí nhớ ngắn hạn là một trong những lợi ích của cảm xúc tiêu cực. Sau khi đối mặt với những tâm trạng tiêu cực như buồn bã, lo âu, căng thẳng, não bộ sẽ truyền tín hiệu kích thích đến các cơ quan, từ đó giúp tăng trí nhớ ngắn hạn và tăng sự nhạy bén khi học tập, làm việc.
Trong khi đó, nếu cuộc sống chỉ toàn những cảm xúc tích cực, não bộ sẽ hoạt động theo thói quen và có thể giảm sự nhạy bén đáng kể. Vì vậy khi đối mặt với một số tâm trạng tiêu cực, tín hiệu của não bộ sẽ bị thay đổi, từ đó tạo ra kích thích mới giúp não bộ cải thiện trí nhớ ngắn hạn và hoạt động tốt hơn.
4. Phát triển kỹ năng giao tiếp
Ngoài ra, thay đổi đường truyền của não bộ khi phải đối mặt với tâm trạng tiêu cực cũng giúp phát triển kỹ năng giao tiếp. Cụ thể khi bị căng thẳng, tức giận và nổi nóng, khả năng sử dụng ngôn ngữ trở nên linh hoạt. Thậm chí, một số người trở nên khéo léo hơn trong cách cư xử khi phải đối mặt với áp lực và khó khăn trong công việc.
Một số nghiên cứu còn cho thấy khi cơ thể bị căng thẳng, não bộ sẽ trở nên nhạy bén hơn với ngôn ngữ cơ thể. Lúc này, bạn có thể cảm nhận được đối phương đang lo lắng, căng thẳng hay hài lòng với cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, đôi khi sự tức giận và nóng nảy quá mức cũng khiến bạn mất kiểm soát trong hành vi và lời nói.
5. Tạo động lực để hoàn thiện bản thân
Có thể thấy, những cảm xúc tích cực mang lại cảm giác an toàn nhưng ít khi là lý do để bạn cố gắng học tập, làm việc. Trong khi đó, các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu, phiền muộn, đố kỵ, tức giận,… chính là nguồn động lực để mỗi cá nhân nỗ lực hoàn thiện mình và cố gắng hơn trong học tập, làm việc.
Tác hại của cảm xúc tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống
Bên cạnh lợi ích, cảm xúc tiêu cực cũng gây ra không ít tác hại – đặc biệt là khi những cảm xúc này kéo dài. Nếu không biết cách giải tỏa và kiểm soát, cảm xúc tiêu cực có thể gây ra những ảnh hưởng như:
1. Gây căng thẳng thần kinh kéo dài
Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng thần kinh (stress). Ngày nay, stress được xem là một phần tất yếu của cuộc sống khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu stress kéo dài dai dẳng, bạn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, thể chất do stress làm gia tăng một số hormone như cortisol, adrenaline,…
2. Gia tăng mâu thuẫn, xung đột
Khi phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực, tâm trạng sẽ trở nên bất ổn và khó kiểm soát được lời nói, hành vi. Vì vậy chỉ với một tác động nhỏ, bạn có thể nổi giận vô cớ và gây gổ với những người xung quanh. Do đó, gia tăng mâu thuẫn, xung đột được xem là tác hại phổ biến của cảm xúc tiêu cực.
Thậm chí, một số mâu thuẫn có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc như mâu thuẫn vợ chồng có thể đi đến quyết định ly hôn, ly thân, xung đột với cấp trên dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, khó khăn trong việc thăng tiến,… Chính vì vậy, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để kiểm soát và giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách hiệu quả.
3. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng khi cơ thể phải đối mặt với căng thẳng, chán nản, lo âu, buồn bã, bi quan,… Những cảm xúc này khiến não bộ bị kích thích liên tục dẫn đến tình trạng khó chìm vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và mệt mỏi sau khi thức dậy.
Chất lượng giấc ngủ giảm thấp khiến cơ thể trở nên mệt mỏi hơn, đồng thời gia tăng mức độ lo âu và căng thẳng. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày một giảm thấp. Chính vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực trong thời gian sớm nhất.
4. Giảm khả năng tập trung
Về cơ bản, một số cảm xúc tiêu cực xảy ra trong thời gian ngắn có thể tăng mức độ tập trung, linh hoạt và nhạy bén. Tuy nhiên nếu như căng thẳng, lo lắng kéo dài, suy nghĩ sẽ bị chi phối dẫn đến hiện tượng giảm khả năng tập trung và thường xuyên gặp phải sai sót.
Hơn nữa, tâm trạng tiêu cực kéo dài cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và tác động đáng kể đến trí nhớ. Điều này khiến cho hiệu suất lao động ngày một giảm thấp và tăng nguy cơ thất nghiệp, giáng chức, thu nhập không ổn định,…
5. Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý
Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể làm thay đổi nồng độ hormone và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Nếu không có biện pháp điều trị sớm, bạn có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như:
- Đau nửa đầu: Tức giận, căng thẳng, lo âu,… kéo dài làm giảm lưu lượng máu lên não. Về lâu dài, bạn có thể bị đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não. Ngoài ra, một số người còn có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiền đình và làm nghiêm trọng các bệnh lý thần kinh sẵn có.
- Các bệnh tiêu hóa: Tâm trạng tiêu cực ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng gia tăng dịch vị, rối loạn nhu động ruột, kháng insulin, giảm khả năng hấp thu,… do căng thẳng, lo âu kéo dài có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiểu đường, rối loạn nhu động ruột, bùng phát các bệnh tiêu hóa mãn tính như bệnh Crohn, Celiac.
- Các vấn đề về tim mạch: Tâm trạng tiêu cực kéo dài có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và gia tăng các biến cố tim mạch ở những người có bệnh lý nền. Đây cũng là lý do vì sao người có các bệnh lý tim mạch cần phải giữ tinh thần thoải mái để tránh các biến chứng và rủi ro.
- Các bệnh lý về phổi: Khi tức giận, lưu lượng máu đến phổi bị rối loạn dẫn đến sự bất thường trong quá trình trao đổi khí. Vì vậy khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, bạn thường gặp phải tình trạng nghẹn thở, khó thở và ngột ngạt. Nếu kéo dài, bạn có thể phải đối mặt với những bệnh lý liên quan đến phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, kích thích hen suyễn bùng phát,…
- Các bệnh tâm lý, tâm thần: Tâm trạng tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát, cảm xúc có thể bị ức chế trong thời gian dài dẫn đến những vấn đề liên quan đến tâm lý – tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, stress (căng thẳng thần kinh),…
Tuy cảm xúc tiêu cực có một vài lợi ích cụ thể, những lợi ích đó hầu như chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, nếu để những cảm xúc đó tích tụ, không giải quyết, những tác hại của chúng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần và thậm chí thể chất. Nếu bạn chưa tìm được cách điều hòa cảm xúc của mình, tìm đến sự hỗ trợ là một việc quan trọng. Bạn có thể tìm đến bạn bè, người thân, hay những cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu để được tư vấn.
Cảm xúc tiêu cực có thể mang lại những lợi ích đáng kể đối với hiệu suất lao động – học tập. Tuy nhiên nếu để kéo dài, tình trạng này gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát tâm trạng tiêu cực và tìm cho bản thân niềm vui từ những điều nhỏ nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Cách kiểm soát và giải tỏa các cảm xúc tiêu cực
- Suy nghĩ tích cực và những lợi ích đối với cuộc sống
Dạo này em chẳng muốn làm gì cả. Đến cả nghe nhạc hồi trước nghe nhiều lắm mà giờ cảm giác chẳng muốn nữa
Mình quen một người thích theo nghề viết. Ổng xấu tính với hay suy nghĩ tiêu cực lắm, thế mà bảo thì ổng nói phải tiêu cực mới có cảm hứng viết =))))) chắc mỗi người lại khác nhỉ
Nếu cả xấu tính nữa thì có khi bao biện thôi bạn ơi =)))))
E luôn nghĩ là có suy nghĩ tiêu cực là không nên, hóa ra cũng có lợi ích
Không nên ép mình suy nghĩ tích cực đâu bạn ạ. Đời đâu phải lúc nào cũng vui được mà
Cái đó là tích cực độc hại đấy bạn ạ. Bạn chỉ kìm nén cảm xúc tiêu cực chứ bản thân nó thực sự không mất đi, nên sẽ lại thêm một áp lực khác cho mình
toi mat mot thoi gian dai tim viec. rat bap benh. toi luon nghi minh khong du, nhung viec muon lam thi khong duoc moi, nhung noi moi thi lai khong tim duoc su thich thu. toi khong thay duoc su tich cuc trong cai tieu cuc cua toi dau ca
Cố lên bạn. Mình cũng từng một thời gian làm ở chỗ không thích. Không thấy cơ hội thăng tiến, lương không đủ sống. Thời gian đó mình rất hay cáu gắt với mọi người xung quanh. Chắc lúc đó là quãng thời gian tệ nhất của mình
năm sau em ra trường nghe 2 anh nói em sợ quá…
Không sao đâu em, không biết anh trên ra sao nhưng giờ anh thấy ổn hơn rồi. Tìm được công việc mới thích hợp hơn, có hứng thú hơn. Nhưng sau khi ra trường thì khoảng tời gian đầu nếu em thấy mất phương hướng thì đừng vội chán nản nhé. Vừa tìm việc vừa dành thời gian với gia đình bạn bè. Có khi em có việc xong lại thèm được nghỉ haha
Có vẻ là phải tìm được sự cân bằng giữa suy nghĩ tích cực và tiêu cực ha
Đúng đấy, không nên khiên cưỡng cảm xúc tích cực mà cũng cố gắng không chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực
Đúng là lúc làm việc lúc mới bắt đầu làm thoải mái thư giãn thì tiến độ cứ bình bình, càng sát deadline càng sợ, vừa làm vừa chửi mà lại xong nhanh hơn hê hê
T cũng làm tốt hơn nếu có áp lực nè ^^ chs lúc bình thường đầy thời gian thì chẳng muốn làm, phải sát deadline mới hoảng loạn làm cơ
Ui tui cũng hay làm thế hồi đại học xong bị kiệt sức á, có lần chạy deadline xong sập luôn mất mấy tuần, gia đình phải tìm hiểu về trị liệu tâm lý ở NHC việt nam mới quay lại bình thường. Sau đấy tui chừa lun
Có lẽ tôi sẽ không tự làm gì bản thân vì tôi theo đạo. Nhưng bấy lâu nay có nhiều chuyện xảy đến với tôi và gia đình, tôi không chắc mình có thể còn niềm tin vào Chúa nữa. Tôi không còn niềm tin, và tôi không tìm được sự tích cực. Hàng ngày tôi chỉ mong gặp tai nạn để không bị đày đọa nữa.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Nếu bạn cần Trung tâm hỗ trợ tốt hơn, bạn có thể liên hệ tới số hotline 096 589 8008 hoặc inbox page /tamlytrilieuNHC/ để được các chuyên gia hỗ trợ bạn nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành!
Ủa cảm xúc tiêu cực phát triển kỹ năng giao tiếp thật không đó. Cứ tưởng đang tiêu cực dễ quạu nổi nóng ai lại muốn giao tiếp cơ
Bài nó bảo là mất kiểm soát thì không tốt nhưng sẽ giúp để ý ngôn ngữ cơ thể hơn á
Không biết có ảnh hưởng qua lại không nhỉ. Có lần mình tham việc quá, deadline nối liền nhau, gần một tuần mình hầu như không ngủ. Việc xong thì mình tưởng nghỉ ngơi một thời gian là ổn, nhưng mấy tháng sau đó chẳng muốn làm gì, không tập trung nổi, lại sợ bị mất việc đủ thứ
Thiếu ngủ trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng khả năng tập trung đó bạn ơi, sinh hoạt điều độ là cần thiết để có cân bằng cảm xúc á
Thấy vấn đề của mọi người nghiêm trọng ghê. So với mn em chẳng là gì í. Em với bạn trai yêu nhau được 7 năm rồi nhưng giờ cả 2 cãi nhau rất nhiều nhưng em không muốn chia tay. Chuyện này đem lại cảm xúc tiêu cực kha khá cho em nhưng có lẽ chẳng thấm tháp gì
Bạn đừng nghĩ vậy bạn ơi, mỗi người có một mối bận tâm riêng, và ảnh hưởng lên cuộc sống khác nhau. Nếu cảm xúc tiêu cực quá bạn nên tìm lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, đừng nên so sánh mình với người khác rồi lại không chia sẻ
Nhưng thực sự chuyện bọn em không là gì so với những vấn đề khác í ạ
Nếu bạn nghĩ vậy rồi không chia sẻ trực tiếp với người khác, những cảm xúc tiêu cực sẽ tích tụ và một ngày nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bạn đó.
Nếu em ở trong một mối quan hệ độc hại thì đấy cũng là vấn đề lớn đó em. Em nên xem lại sao lại cãi nhau em ạ
Mình không muốn nói kỹ nhưng mình đang có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, kể cả khi mình cố kiểm soát nó vẫn xuất hiện. Có quá nhiều thứ khiến mình không thể tích cực trong lúc này
Chào bạn, bạn có thể đến trực tiếp Trung tâm gặp chuyên gia tâm lý tham vấn và hỗ trợ. Bạn cũng có thể gọi vào hotline (024) 2216 8008 – 096 589 8008 hoặc để lại số điện thoại Trung tâm sẽ tư vấn cho bạn nhé. Cảm ơn bạn.
Trung tâm mình có làm việc ở Huế không ạ?
Hiện trung tâm có ở Hà Nội và TPHCM, rất tiếc là chưa có ở Huế, để được hỗ trợ chi tiết và nhanh chóng hơn, bạn có thể gọi điện đến hotline của Trung tâm: 096 589 8008 hoặc để lại thông tin tại đây: https://tamlytrilieunhc.vn/dat-lich-hen Trung tâm sẽ sớm liên hệ và hỗ trợ bạn nhé.
ồ có lợi ích à, mình tưởng những điều tiêu cực thì là không tốt hết chứ nhỉ?
hại nhiều hơn lợi thôi, nếu ai biến nó thành động lực thành sự vượt qua cảm xúc tiêu cực thì đó là sự thúc đẩy rất có lợi đó
vì tư tưởng của mình luôn coi sự tiêu cực là không tốt nên chưa bao giờ nghĩ nó có lợi ích gì á
cái gì cũng có 2 mặt của nó mà bạn