Mẹo phòng tránh trầm cảm sau sinh mẹ nên quan tâm
Mẹ bầu nên nắm rõ các cách phòng tránh trầm cảm sau sinh để chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe. Bởi mang thai và sinh nở là một hành trình thiêng liêng, vĩ đại nhưng cũng đầy áp lực, mệt mỏi. Trường hợp không trang bị đầy đủ kiến thức và chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng thì rất dễ mắc phải các rối loạn tâm lý sau khi vượt cạn.
9 mẹo phòng tránh trầm cảm sau sinh
Khoảng 80% phụ nữ lần đầu làm mẹ đã thay đổi tính cách một cách rõ rệt sau khi sinh nở (hội chứng baby blues).
Trong khi đó, theo thống kê, 10% bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh trong năm đầu tiên sau khi vượt cạn thành công. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, đa số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đều là những người phụ nữ theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo.
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đặc trưng bởi triệu chứng mất ngủ, cáu gắt, mệt mỏi, uể oải, buồn bã, hoảng sợ, lo âu, ủ rũ, khóc lóc, cảm giác trống rỗng, lo lắng mình không thể trở thành một người mẹ tốt, cho rằng bản thân quá vụng về, vô dụng…
Nếu chị em bị trầm cảm sau sinh quá nặng, những suy nghĩ đen tối, nguy hiểm sẽ xuất hiện triền miên, ám ảnh và thôi thúc người mẹ hành động bạo lực với con nhỏ, thậm chí, cố gắng giết đứa con mới sinh của mình. Để chủ động phòng tránh bệnh lý này, độc giả cần:
1. Tham gia lớp học tiền sản
Khóa học tiền sản cung cấp nhiều bài học quan trọng và cần thiết cho mọi phụ nữ mang thai (đặc biệt là những thai phụ lần đầu làm mẹ), bao gồm: phương pháp giữ gìn sức khỏe khi mang thai, thông tin về hành trình vượt cạn, những thứ cần chuẩn bị cho em bé tương lai, cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh…
Không chỉ dừng lại ở đó, bạn còn được trang bị những kiến thức nền tảng để kịp thời phát hiện biểu hiện trầm cảm sau sinh ở giai đoạn sớm. Hơn nữa, để sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ người vợ trong giai đoạn nhạy cảm này, người chồng cũng nên dành thời gian tham gia khóa học đầy đủ.
Vấn đề quan trọng nhất trước lúc chuyển dạ là bà bầu phải chuẩn bị tâm lý thực sự vững vàng để đủ sức đối mặt với hàng loạt khó khăn sau sinh. Thay vì lo sợ và trốn tránh, phái đẹp cần bình tĩnh đối diện và tìm cách giải quyết vướng mắc. Đây là những thử thách chung mà bất cứ người mẹ nào cũng buộc phải đương đầu. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân và người chồng của mình.
2. Khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm sàng lọc trước sinh
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhiều chuyên gia y tế nhận định, để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh trầm cảm sau sinh, chị em nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, kiểm tra đánh giá thường xuyên cũng như chủ động sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện kịp thời một số dấu hiệu bất thường cảnh báo về căn bệnh trầm cảm.
3. Tham gia “hội bà mẹ bỉm sữa”
Sự hạn chế giao lưu, tương tác xã hội chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh lý nguy hiểm này. Người đọc nên tích cực tham gia vào những hội nhóm bà mẹ mới sinh để được giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, đồng hành. Trên thực tế, trầm cảm sau sinh vốn là nỗi lo không của riêng ai và rõ ràng, bạn không hề cô đơn.
4. Bày tỏ nỗi lòng
Cảm xúc thay đổi thất thường vốn là điều không thể tránh khỏi. Khi càng chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng, chúng ta càng có thể điều tiết cảm xúc và ổn định tâm trạng dễ dàng hơn. Trong lần đầu làm mẹ, mọi phụ nữ phải cố gắng tìm cách xoay sở và điều chỉnh cuộc sống thường nhật. Điều này đôi khi trở nên quá sức. Và đây chính là lý do khiến họ chán nản, lo âu, buồn bã.
Lúc cảm xúc tiêu cực ồ ạt kéo đến, người mẹ nên trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý hoặc tâm sự với gia đình và bạn bè.
Thêm vào đó, người chồng hãy luôn bên cạnh yêu thương, che chở, lắng nghe và chia sẻ tâm tư của vợ mình mọi lúc mọi nơi. Sự quan tâm, chăm sóc, thông cảm và giúp đỡ của phái mạnh sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn giúp chị em vượt qua những cơn bão cảm xúc cuồng nộ.
Ngoài ra, nếu mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu không mấy tốt đẹp, người chồng cần đứng ra hòa giải, cân bằng và dàn xếp một cách hợp tình hợp lý. Nhờ đó, người vợ luôn cảm thấy vui vẻ, tự tin và không còn lo âu, mệt mỏi.
5. Chia sẻ công việc
Chăm sóc con nhỏ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trọng trách nặng nề này đôi khi khiến nhiều chị em trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều người buộc phải gồng mình quán xuyến mọi việc trong nhà từ sáng đến tối đến nỗi bản thân không được nghỉ ngơi.
Độc giả đừng quá cầu toàn và “tham công tiếc việc”. Khi cảm thấy quá tải, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và dành cho mình một khoảng thời gian thư giãn nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Theo các chuyên gia, sau khi sinh con, chị em có thể tách con khoảng một tuần để phục hồi thể chất – tinh thần cũng như tìm lại giấc ngủ điều độ.
Nếu gia đình có điều kiện, bạn cũng có thể thuê người giúp việc nhằm có thêm cơ hội chăm sóc bản thân. Khi thắc mắc bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc chăm sóc em bé, đừng ngại ngần mở lòng tâm sự cũng như tham khảo ý kiến của mẹ đẻ, mẹ chồng và bạn thân nhé!
6. Học cách thư giãn để phòng tránh trầm cảm sau sinh
Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu phát hiện ra rằng, nếu người mẹ cảm thấy thư thái, đứa trẻ sơ sinh sẽ phát triển tốt hơn.
Tiến sĩ Diane Sanford thuộc Đại học St. Louis (Hoa Kỳ) khuyến khích chị em dành ra tối thiểu 15 phút mỗi ngày để thư giãn (thiền định, thở sâu, ngâm mình trong nước ấm). Bên cạnh đó, thay vì tuân thủ lịch trình cứng nhắc, bạn cần linh động điều chỉnh thói quen và tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi giây lát, nhất là khi em bé chìm vào giấc ngủ.
7. Tập thể dục nhẹ nhàng
Một nghiên cứu trên 1.000 người mẹ mới sinh đã chỉ ra rằng, những chị em tập thể dục trước và sau khi sinh dễ thích nghi và có tâm trạng tốt hơn kể từ khi làm mẹ.
Thói quen vận động nhẹ nhàng sẽ giúp bạn thêm vui vẻ, phấn chấn và tràn đầy năng lượng. Những động tác thể dục vừa sức thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, cải thiện giấc ngủ và kích thích cơ bắp hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, phái đẹp nên tránh gần gũi với chồng trong vòng 2 – 4 tháng sau sinh (thời gian kiêng cữ tùy thuộc vào tốc độ phục hồi của từng chị em). Việc quan hệ tình dục quá sớm sau khi sinh nở có thể khiến người phụ nữ đau đớn và ám ảnh về sau.
8. Thay đổi suy nghĩ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh
Theo các chuyên gia, để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho quá trình làm mẹ, độc giả cần tự nhủ, làm mẹ cũng là một công việc nghiêm túc (và tất nhiên, vô cùng gian khổ). Trong suốt hành trình tuyệt vời của mình, bạn sẽ trưởng thành và hạnh phúc biết bao khi chứng kiến đứa con bé bỏng lớn khôn từng ngày. Mọi công sức và sự hy sinh đều hoàn toàn xứng đáng.
Tuy nhiên, đừng bao giờ kỳ vọng rằng bản thân sẽ trở thành người mẹ hoàn hảo nhất thế gian. Đây là điều không thể xảy ra. Trong quá trình chăm sóc con nhỏ, thỉnh thoảng, bạn sẽ đãng trí, hay quên, bối rối, luống cuống, không thể kiềm chế tốt cảm xúc…
Chuyện này vốn dĩ rất bình thường. Thay vì đặt mục tiêu viển vông (trở thành người mẹ vĩ đại), hãy cứ hết lòng yêu thương, chăm sóc con thơ mỗi ngày bằng tất cả sự kiên nhẫn, bao dung nhé!
9. Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học
Sự thay đổi nồng độ hormon nội tiết bên trong cơ thể sau khi sinh nở khiến chị em dễ bị tổn thương tâm lý và mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất.
Lúc này, xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ dưỡng chất là mẹo phòng tránh trầm cảm sau sinh hàng đầu mà bạn không thể bỏ qua.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên tăng cường dung nạp nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, chất đạm, chất xơ cũng như tránh xa thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và nước ngọt, cà phê, trà đặc, rượu bia, thuốc lá.
Sau khi vượt cạn thành công, chị em hãy lưu ý, nếu sinh thường, bạn nên tránh xa những loại thức ăn gây khó tiêu, lạnh bụng, mất sữa; nếu sinh mổ, bạn cần hạn chế bổ sung trứng, rau muống, gạo nếp, đồ tanh, thực phẩm nhiều đường và có dạng đặc. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cụ thể những vấn đề này, do đó, bạn không cần quá lo lắng.
Nhìn chung, nếu được phát hiện và cải thiện kịp thời, bệnh trầm cảm sau sinh không quá nguy hiểm. Bên cạnh 9 mẹo phòng tránh trầm cảm sau sinh đơn giản trên, chị em hãy luôn tự động viên bản thân bằng những câu nói tích cực, đồng thời thường xuyên ôm ấp, vỗ về và trò chuyện với bé yêu.
Có thể bạn quan tâm
- Trầm cảm sau sinh vì con quấy khóc và biện pháp xử lý
- Bệnh trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?
- Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Nên khám và điều trị trầm cảm ở đâu uy tín tại TPHCM?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!